GỞI BẠN THÂN MẾN
Mấy hôm trước có một bạn thiền sinh gởi tới một câu hỏi để thảo luận trong các buổi sinh hoạt đạo tràng: “Cô nghĩ sao về cái Chết?”. Chợt nghĩ tới mình, bước đường đời đã tới mức cuối, rồi nghĩ tới các bạn. Cái cầu mình sẽ phải đi qua, vậy mình chuẩn bị hành trang nào, sẵn sàng bước tới mấy nhịp cầu “đoạn trường” đó?
Chúng ta đã học nhiều lần bài kinh Vô Ngã Tướng, đức Phật phân tích con người chỉ là năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Mỗi uẩn do nhiều điều kiện kết hợp mà thành, nó thay đổi luôn luôn, vậy ta không phải là năm uẩn, ta không có trong năm uẩn. Năm uẩn được sinh ra, rồi tới một ngày nào đó năm uẩn sẽ tách rời và hoại diệt. Thế thì ta là ai? Ta là gì? Ta ở đâu?
Trong kinh sách, khi một vị tu sĩ hay một vị cư sĩ thân cận Tăng đoàn bệnh nặng, sắp lâm chung, tha thiết báo tin và thỉnh cầu gặp một vị đại đệ tử của đức Phật, như trường hợp ông Anāthapindika, ngài Sāriputta hay ngài Anandā, đến thăm bệnh, nhắc lại kinh Vô ngã tướng cho người bệnh. Sau đó, người bệnh an lạc ra đi và tái sinh cõi Trời.
Bài văn ngắn này, không nhắc lại bài kinh Vô Ngã tướng như nhiều vị đã giải thích, mà chỉ là vài dòng gởi tới bạn như những lời tâm tình về thân phận làm người của chúng ta.
Bạn đang bệnh nhiều. Mà ai lại không bệnh? Hễ có thân là có bệnh, chỗ này chỗ kia, đau nhức, khó chịu, nhiều cơ bắp, gân, xương, khớp, dây chằng, tim, gan, bao tử...mỗi cái nếu lệch lạc một chút là bệnh. Cái thân vật chất này tương tự một nhà máy khổng lồ, vô số bộ máy li ti hoạt động ngày đêm không ngừng. Nếu có một phần tử nhỏ xíu nào trục trặc, có khi cả bộ máy sẽ bị ảnh hưởng. Vậy chúng ta còn sống tới ngày hôm nay, thật là một sự kiện huyền diệu. Mình nên vui mừng và biết ơn cái vũ trụ huyền diệu bên trong năm uẩn này.
Mình đang có bệnh, theo tuổi già, là tới bước thứ ba của dòng chảy một chiều: sinh- già- bệnh để rồi đi tới chết. Chết là kết thúc một kiếp người, sau đó đi tiếp một kiếp mới khác. Vậy cái gì kết thúc, cái gì đi tiếp sang kiếp sống mới?
Câu trả lời rõ ràng là: cái thân vật chất bị kết thúc, tan rã, cái tâm sẽ đi tiếp sang kiếp sống mới. Đây là cái tâm đời của mình, là cái Biết rõ ràng của ý thức, chính nó còn ghi lại tất cả những dấu vết các ý nghĩ, lời nói, việc làm của mình trong kiếp sống vừa qua mà có thể trong nhiều kiếp quá khứ nữa còn đọng lại trong tiềm thức, hay tàng thức, tạm gọi là lậu hoặc và tùy miên. Tuy nhiên không phải cái thức tái sinh và cái tử thức là một. Niệm Biết cuối cùng trước khi tách ra khỏi thân tạm gọi là tử thức. Niệm Biết đi tái sinh tạm gọi là thức tái sinh. Đây là hai niệm không phải là một. Tử thức tách ra khỏi thân, lúc đó gọi là chết. Niệm Biết sau gọi là thức tái sinh. Tử thức chấm dứt mới có thức tái sinh khởi lên. Tử thức là nhân, thức tái sinh là quả. Nhân và quả không phải là giống nhau hoàn toàn, cũng không phải khác nhau hoàn toàn. Sự liên hệ giữa chúng gọi là tương quan nhân quả hay tương quan nghiệp báo. Vì thế kiếp sau không giống kiếp trước cũng không khác kiếp trước hoàn toàn. Đức Phật nói vô ngã, trong khi còn đang sống, cũng vô ngã khi tái sinh, nghĩa là không có cái gì vững bền, thường hằng, cứng chắc, trong con người, mà được quan niệm là “ngã” hay “linh hồn” thường hằng bất biến.
Vậy “chết” giống như là thay đổi cái “thân” vật chất mà thôi. Cái tâm vẫn tiếp nối dòng sống của nó. Cái thân, gồm đất, nước, gió, lửa. Mấy thứ này là vật vô tri giác, có khắp nơi trong vũ trụ, nó không có xấu hay đẹp, mới hay cũ, không có khỏe mạnh hay bệnh tật, nó không có đau đớn hay vui mừng. Vậy cái tri giác, tình cảm, và cái Biết không phải của Thân. Nó là Tâm. Chính Tâm đã điều khiển mắt nhìn và trông thấy, chính Tâm đã biết vui mừng và điều khiển môi cười. Chính Tâm nghe, hiểu, và khiến mắt buồn, rơi lệ.
Như vậy khi ta đang sống, chính Tâm điều khiển thân, nhưng đồng thời khi tâm ở trong thân, tâm cũng bị thân gò bó. Nếu tâm muốn bước đi, thân lại già yếu không đi được, thì tâm cũng phải chịu thua. Tâm muốn khỏe mạnh, sống hoài mà đất, nước, gió, lửa không hòa hợp, xáo trộn lung tung, thì tâm cũng phải tách ra khỏi thân, tìm một cơ cấu đất, nước, gió, lửa khác hoà hợp.
Vậy tâm điều khiển thân mà cũng đồng thời bị thân ràng buộc. Khi tâm tách ra khỏi thân thì tâm được tự do, muốn đi tới đâu tức khắc tới, nhưng tâm không thể biểu lộ lời nói, cảm xúc hay hành động ra với loài người. Bấy giờ tâm chỉ có thể tiếp xúc và cảm thông với thế giới vô hình mà thôi. Trong thế giới vô hình, đối với giác quan con người, lại có thể phân chia bốn mức độ trong sạch hay ô nhiễm, khổ đau. Đó là cõi trời thanh cao trong sạch, hay cõi Asura, ngạ quỷ, địa ngục khổ đau, đói khát.
Chúng ta đã gặp Phật pháp và tu tập một thời gian dài rồi, hiểu rõ những chân lý thường hằng điều hành thế gian, biết thế gian vô thường, luôn biến hoại, rồi tái sinh, mình bớt dính mắc trong đời, cũng biết con người đủ duyên thì có mặt, hết duyên thì hoại diệt. Định luật ngàn đời không thay đổi. Nếu có khóc than, phiền muộn cũng không ai thay đổi được gì.
Vậy mình nên sống bây giờ như thế nào để phù hợp với vạn pháp?
Ngay từ giây phút tỉnh thức này, ta sống vui vẻ, hài hoà trong gia đình, ngoài xã hội. Sống với tâm từ bi, thương mến quí trọng mọi người, mọi loài. Sống với trí tuệ hiểu biết những qui luật của cuộc đời: vô thường, vô ngã, tương quan nhân quả nghiệp báo, hiểu biết tất cả nên không nắm bắt tất cả cái gì của cuộc đời. Những gì mình lỡ nắm bắt rồi, thì hãy từ từ buông ra, càng buông xuống cái gánh nặng của đời, tâm càng thảnh thơi, thân cũng thảnh thơi. Những cái của đời xin hãy trả lại cho đời: tài, sắc, danh, thực, thùy. Đó là tiền bạc, của cải vật chất, danh vọng quyền thế, một mai ra đi, ta cũng phải buông xuôi ra đi với hai tay trắng. Khi đó ra đi mà lòng tiếc nuối thì tâm lại tìm về cảnh cũ người xưa, rồi lặp lại một đời sống vô ích như cũ nữa. Vì thế mà ngài Thế Thân khi xưa đã nói con đường trở về Phật tánh dài thăm thẳm, ba a tăng kỳ kiếp...Một a tăng kỳ kiếp đã là vô lượng vô số kiếp không tính kể được, thế mà ba lần như vậy.
Chúng ta không như thế, chúng ta có tu học nhiều rồi, mỗi đời sống mình phải tiến lên một bước, phải không bạn?
Mình biết chết chỉ là thay đổi cái thân, tương tự mình đi mua nhà mới vậy, hay đi mua một cái xe mới vì xe cũ, hay nhà cũ mục nát rồi. Vậy thôi. Đời sau sẽ tốt hơn đời này vì đời này, chúng ta đã trả những nợ nần cũ, đồng thời chúng ta học hiểu Phật pháp, và áp dụng được trong đời sống của mình. Chúng ta biết chấp nhận những gì bất hạnh xảy tới cho mình, biết nhẫn nhục trước những lời chê bai đả kích, nhận chịu thiệt thòi, sống hòa hợp trong gia đình, trong tập thể, nhớ giữ tâm bình an. Hễ tâm bình an thì thân cũng được bình an. Cho tới tuổi này, chúng ta còn sống, là mình đã vượt qua không biết bao nhiêu thử thách, bao nhiêu giông bão, bao nhiêu tai họa, rình rập mọi lúc, mọi nơi. Mình vẫn còn sống sót hôm nay, mình nên biết rõ như thế, niềm an lạc sẽ tràn đầy trong mỗi hơi thở, mỗi nụ cười.
Thiên nhiên quanh ta tươi đẹp biết bao. Cái bông hoa nhỏ không tên cũng tươi thắm, cành lá xanh đong đưa, con chim sẻ bay bay, giọt mưa đêm còn đọng trên lá, tia nắng sáng lung linh, hoàn toàn tĩnh lặng, mà sao sức sống rạt rào, mà sao như thân quen từ thuở nào. Ta còn chờ đợi cái gì nữa, tươi đẹp và bình an, trong cuộc đời này?
Thiền viện, 25- 4- 2022
TN
Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - Bài 11
GỞI BẠN THÂN MẾN
(CLICK vào icon tam giác để nghe - CLICK vào icon 3 dấu chấm để download)
Sống, chết.
Khi Chết , chúng con trở về các bụi thiên nhiên, vậy khi Sống thì Sống như thiên nhiên, con lấy 1 ví dụ như Cây trong thiên nhiên : cây lớn ra gỗ làm nhà ở, cây nhỏ làm củi sưởi ấm , nấu ăn, cây cỏ làm thuốc, cây ăn trái râu cỏ làm thức ăn ,cây hoa làm hương thơm ...,Cây Sống một đời Sống hiến dâng ,phục vụ. Vậy chúng con Sống và thực hành như vậy trên con đường tu tập.
Con
Như quỳnh.