Triệt Như - Suối Nguồn Hạnh Phúc - Bài 48
Chúng ta hãy đọc đoạn kinh này, trích trong kinh Đại Bát Niết Bàn, một lần đức Phật qua khỏi một cơn bệnh nặng, ngài A Nan vui mừng, đức Phật dạy:
25. Này Ananda, chúng Tỷ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở Ta! Này Ananda, Ta đã giảng Chánh pháp, không có phân biệt trong ngoài (mật giáo và không phải mật giáo), vì này Ananda, đối với các Pháp, Như Lai không bao giờ là vị Đạo sư còn nắm tay (còn giữ lại một ít mật giáo chưa giảng dạy). Này Ananda, những ai nghĩ rằng: "Như Lai là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo"; hay "chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Như Lai" thời này Ananda, người ấy sẽ có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo. Này Ananda, Như Lai không nghĩ rằng: "Ta là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo; hay "chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta" thời này Ananda, làm sao Như Lai lại có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo?
Các bạn có suy gẫm gì về lời nói này của Đức Phật?
“Như Lai không nghĩ rằng: "Ta là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo; hay "chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta".
Lịch sử đã ghi chép rõ ràng Đức Phật là vị cầm đầu chúng Tỳ kheo đệ tử, và chúng Tỳ kheo chịu sự giáo huấn của Đức Phật.
Sau mỗi bài kinh Phật giảng đều có câu cuối cùng: Chúng Tỳ kheo hoan hỷ thọ trì.
Vậy tại sao trong những lời giảng dạy cuối cùng trước khi nhập diệt, Đức Phật lại nói:
“Như Lai không nghĩ rằng: "Ta là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo; hay "chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta".
Đạo Phật là đạo giác ngộ. Giác ngộ là trí tuệ siêu vượt thế gian được phát huy trọn vẹn.
Đạo Phật là đạo giải thoát. Giải thoát là hoàn toàn tự do, không bị ràng buộc bởi một cái gì. Có thể nói rõ hơn là:
Từ ngữ: “Đạo Phật” có nghĩa là “con đường tu theo Phật” hay “con đường tu theo bậc giác ngộ”. Từ “đạo” không có nghĩa là tôn giáo.
Trong kinh, đức Phật cũng có nói ý này “Ta chỉ là người chỉ đường”. Đức Phật luôn tự xưng là “ Như Lai”, ý nghĩa là: “ Đã đến Như Thế” (Such-Gone/ Thus-Come). Còn các danh xưng khác là do đệ tử và người đời tôn xưng ngài mà thôi, như: Thế Tôn, Phật...
Mới đọc qua kinh Đại Bát Niết Bàn,” Này Ananda, Như Lai không nghĩ rằng: "Ta là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo; hay "chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta" thời này Ananda, làm sao Như Lai lại có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo?” có thể chúng ta không để ý nhiều tới mấy câu này, thấy nó đâu có gì quan trọng, dường như Đức Phật hơi khiêm nhường, không nói mình là người lãnh đạo Tăng đoàn. Chỉ vậy thôi.
Thiệt ra, nếu chúng ta suy gẫm sâu hơn, chúng ta sẽ nhận ra nhiều điều thâm thúy lắm.
Đức Phật đã giảng giải Chánh Pháp thật rõ ràng chi ly trong ba tạng kinh điển, gồm chung là Dhamma. Dhamma có thể tạm chia ra hai loại:
1- Những chân lý thường hằng, có giá trị phổ biến, thí dụ: qui luật vô thường, biến dịch, qui luật duyên khởi duyên sinh, qui luật nhân quả, qui luật tái sinh, bản thể là Không, là Huyễn, là Bình đẳng.
2- Những phương pháp tu học cũng có giá trị phổ biến qua thời gian và không gian, thí dụ:
Trên đây là những pháp tương đối quan trọng, ngoài ra còn nhiều nữa.
Do đó, Đức Phật mới nói: “Này Ananda, chúng Tỷ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở Ta! Này Ananda, Ta đã giảng Chánh pháp, không có phân biệt trong ngoài (mật giáo và không phải mật giáo), vì này Ananda, đối với các Pháp, Như Lai không bao giờ là vị Đạo sư còn nắm tay (còn giữ lại một ít mật giáo chưa giảng dạy)”.
Vì thế, một khi chúng ta đã tiếp thu tất cả Pháp: chân lý và phương thức ứng dụng, thì bổn phận của mình là thực hành. Đức Phật không thể thực hành giùm mình được. Chính Đức Phật đã thực hành và khai mở kho tàng trí tuệ của riêng ngài. Ngài đã chỉ dạy kho tàng của mỗi người ở đâu, ngài lại chỉ cách thức đào kho tàng. Chúng ta phải tự mình đào kho tàng, vì nó ở trong tâm của riêng mình, không ai có thể đào giùm mình được. Chính vì thế, trong lời dặn dò cuối cùng, đức Phật nhắc lại: “Hãy tự mình là ngọn đèn” và “Như Lai không nghĩ rằng: "Ta là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo; hay "chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta".
Chính ở đây, chúng ta nhận ra tính cách khai phóng của Phật giáo. Những lời giảng dạy của đức Phật không phải là giáo điều, bắt buộc người đệ tử phải tuân theo, mà không được giải thích. Đức Phật vì thế không phải là một vị giáo chủ, không phải một đấng cứu rỗi, không phải một vị thần linh. Ngài tự nói: “Ta chỉ là người chỉ đường”. Chúng ta phải tự bước chân đi, con đường tâm linh là con đường khai phóng tâm, giải thoát tâm khỏi sự ràng buộc của đau khổ, của lậu hoặc và của luân hồi. Và cũng chính mục tiêu rốt ráo là giải thoát, nên đức Phật tự cho là mình “không cầm đầu chúng tỳ kheo, chúng tỳ kheo không chịu sự giáo huấn của Như Lai”. Đức Phật chỉ ban cho chúng ta Dhamma.
Dhamma chính là khuôn vàng thước ngọc Đức Phật để lại cho đời. Chúng ta thừa tự Dhamma, như là tấm bản đồ kho tàng hạnh phúc, vậy các bạn ơi, chúng ta cùng nhau tiến bước, bản tâm chính thật nơi mình.
Thiền viện, 19-1-2022
TN