Triệt Như - Suối Nguồn Hạnh Phúc - BÀI 18
Đọc cái tựa bài, có thể các bạn sẽ ngạc nhiên, tự hỏi: “Giải thoát là...giải thoát, sao lại có cái khuôn đóng khung nó lại? Có mâu thuẫn không?”
Cái khuôn là cái gì? Là cái khung, cái khuôn mẫu. Thí dụ, một tấm hình chụp đẹp, mình phải kiếm một cái khung vừa vặn, thích hợp, lồng tấm hình bên trong cái khung có màu sắc theo ý mình, thì tấm hình treo trên tường sẽ trang trọng hơn. Mình làm bánh sinh nhật, bột đường sữa...phải bỏ vào trong một cái khuôn, tròn hay vuông hay chữ nhật tùy ý mình thích ổ bánh bông lan có hình nào. Thí dụ muốn xây một cái nhà, trước phải vẽ ra một cái bản sơ đồ hình dáng, kích thước cái nhà, sau mới xây nhà theo khuôn mẫu đó. Nói chung, cuộc đời một người, thế hệ trước, cũng có một cái khung phổ thông là: còn trẻ là phải lo ăn học, trưởng thành thì làm việc để chăm lo cho gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cháu. Về già thì được nghỉ ngơi.
Bây giờ bước vào con đường tu học, cũng có cái khuôn mẫu chung là: Bát chánh đạo, Tứ niệm xứ, Thất giác chi v.v... Hôm nay chúng ta bàn tới mục đích cuối cùng của con đường tu là gì? Trong bài kinh “Thí dụ lõi cây”, và bài kinh “Cội rễ sự vật”, Đức Phật dạy rằng: đó là giải thoát.
Giải thoát hiểu đơn giản, là không bị ràng buộc, là được tự do hoàn toàn. Tuy nhiên hiểu đơn giản quá như thế, có thể ta hiểu chưa chính xác, có khi ta cho rằng vậy giới luật là ràng buộc, mất hết tự do, làm sao sống thanh thản, giải thoát. Rồi ta lại phăng phăng suy diễn tiếp, đời sống xuất gia bị gò bó với bao nhiêu là giới luật, làm sao tu tập, làm sao tâm thanh thản, giải thoát? Sống trong gia đình, trong đời thường sẽ tự do hơn, không cần giới luật, ta có thể giúp đỡ ai cũng dễ, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm, không cần xin phép ai, vậy sẽ thoải mái hơn nhiều...ta sẽ mau chứng đạo!
Mới nghe qua, có thể có người thấy nói hợp tình hợp lý quá. Các bạn ơi, đó là tâm đời nói. Đi lệch một ly, sẽ thành đi xa ngàn dặm, không phải một dặm đâu.
Bây giờ mình thử như lý tư duy nha. Bước đầu, mình chưa hiểu rõ ý nghĩa của giải thoát, từ đó cứ suy diễn tới hoài nên đi sâu vào chỗ tà kiến, tà tư duy, vô tình chê bai Tam Bảo.
Bởi vậy, trong kinh Đại thừa, có nhắc nhở không nên giảng Pháp Phật thừa cho hàng phàm phu hay căn cơ thấp. Họ không hiểu rõ nên có khi chê bai, phỉ báng, thì người giảng sẽ mang lỗi với Tam Bảo.
Giải thoát ý nghĩa sâu hơn. Có thể tạm phân ra ba giai đoạn của giải thoát:
- Khi đang sống: thanh thản, an vui, không dính mắc với những thay đổi trong cuộc đời.
- Khi từ giã cõi đời: không theo nghiệp, mà tự tại theo ý mình.
- Sau khi mạng chung: không phải tái sanh vì nghiệp lực, mà an trụ niết bàn, gọi là giải thoát hoàn toàn.
Giải thoát lại còn có ý nghĩa về nội dung, giải thoát khỏi cái gì? Cái gì đã trói buộc mình? Cái gì đã chi phối mình, điều khiển mình? Cái gì làm mình đau khổ, băn khoăn, thương nhớ, xao xuyến, ngậm ngùi? Cái gì làm mình hối tiếc, ăn năn? Cái gì làm mình hi vọng, mơ ước? Cái gì mình không muốn thấy, không muốn gặp?
Nói chung, giải thoát trong ba lãnh vực:
- Tâm
- Tri kiến
- Tuệ.
Chúng ta tạm hiểu như sau.
Cái ảnh hưởng tới tâm tình của ta nhiều nhất, chính là lậu hoặc, hay tập khí, kiết sử và tùy miên. Các sắc thái tâm của mình thay đổi luôn luôn là do những động lực ngầm này thúc đẩy. Hầu hết người đời, trong đó có chúng ta, đã từng buồn vui theo cảnh bên ngoài. Nói vậy chứ thực sự mình buồn vui theo những mớ tích lũy trong tâm. Nếu cảnh thích hợp với sở thích, đam mê, khuynh hướng của ta thì ta hạnh phúc, mãn nguyện. Ngược lại, là buồn, khổ, thất vọng. Cho nên khi nào những lậu hoặc hay tập khí, kiết sử, tùy miên phai nhạt đi, biến mất đi, tâm ta mới giải thoát. Lúc đó tâm ta như mặt nước hồ thu, trong veo, in rõ bóng chim nhạn bay qua mà không gợn sóng. Đây là tâm giải thoát. Làm sao chuyển hóa lậu hoặc? Bài kinh “Tất cả các lậu hoặc” , Đức Phật có dạy rõ nhiều cách:
Này các Tỷ-kheo, có những lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.
Cái thấy biết cũng trở nên khách quan, trung thực khi ta tập pháp Như Thực. Cảnh thế nào, thấy biết y như thế. Không suy diễn thêm, không so sánh, không lý luận, không dán nhãn. Ta gạt bỏ ra những thành kiến, định kiến chủ quan. Đây gọi là Tri kiến giải thoát.
Tuệ chưa giải thoát là Tuệ do học hỏi mà có, do bắt chước mà có. Tuệ này có ở trong cái khung của người khác, chưa phải của riêng mình. Sau khi tâm được yên lặng vững chắc, Tuệ hay Huệ siêu vượt mới bật ra kiến giải những nhận thức mới hoàn toàn, hay trực giác, siêu trực giác. Đặc điểm nổi bật nhất của Tuệ giải thoát là tính cách sáng tạo, nghĩa là mình chưa từng biết hay hiểu tới. Mặc dù có khi những kiến giải này đối với người khác là không đặc sắc, nhưng đối với riêng mình, điều này hoàn toàn mới, hôm qua mình vẫn chưa biết. Tuy nói là sáng tạo, nhưng vẫn nằm trong cái khuôn vàng của chư Phật. Trong kinh Nikāya khi nói: “điều này từ trước ta chưa từng nghe, vị tằng hữu vv...” là nói tới Tuệ tự phát này.
Trên đây, chúng ta tạm tìm hiểu về ý nghĩa của sự giải thoát trong cái nhìn của Phật giáo. Như vậy giải thoát thiệt ra cũng là giác ngộ, cũng là thoát khổ. Ba lãnh vực thoát khổ, giác ngộ và giải thoát liên hệ nhau mật thiết, vừa là nhân vừa là quả lẫn nhau, nên cũng có thể nói là một. Chỉ cần nói một là đã bao gồm cả ba.
Bây giờ mình tìm hiểu xem làm sao đạt giải thoát?
Thì là con đường tu xưa nay. Giới- Định- Tuệ. Cũng là con đường mòn, chư Phật ba đời đã đi và sẽ đi. Từ thời vị cổ Phật Vipassī xa xưa, và tất cả những vị Chuyển luân vương lãnh đạo quốc gia mình bằng đức hạnh từ bi sáng suốt, cho tới đức Phật Thích ca thời hiện tại, đã xây dựng nên một truyền thống tốt đẹp hoàn hảo là Giới - Định - Tuệ. Chính đó là “cái khuôn của giải thoát”.
Tạm gọi “cái khuôn” là vì nếu ra ngoài nó thì sẽ không có cái quả “giải thoát” hoàn hảo. Giới xem như nói về Hạnh sống trong sạch của bậc thánh, Định xem như nói về Tâm không dính mắc với đời, Tuệ xem như nói về Trí sáng suốt, khách quan, bình đẳng.
Đó là nhìn tổng quát và trên mặt nguyên tắc. Còn trong thực tế, ứng dụng ra sao?
Trên thực tế, từ các vị cổ Phật, như Phật Vipassī xa xưa, các vị Chuyển luân vương, Phật Thích ca và vô số đệ tử của chư Phật, thường cũng trải qua ba sự kiện này :
- Xuất gia
- Ẩn tu
- Sáng đạo.
Ba sự kiện này đã thể hiện “cái khuôn Giới - Định - Tuệ” thật hoàn chỉnh.
Khi rời xa gia đình, quyết chí cắt đứt dây luyến ái, ra đi không ngoảnh lại, là đã nhẹ đi cái gánh lậu hoặc: không còn mơ tưởng tới tài, sắc, danh, thực, thùy.
Vào rừng ẩn tu một mình, tâm đã hết dính mắc với sự đời.
Sáng đạo: quyết chí, tinh tấn, toàn tâm toàn ý trong cái chủ đề của mình, kết quả là bừng sáng, thông hiểu tất cả pháp, tâm pháp viên thông.
Chúng ta đã nắm được “cái khuôn của giải thoát” rồi. Tuy nhiên mình cũng nên quan sát thêm về khái niệm xuất gia. Xuất gia là sao?
Nghĩa thực tế là rời xa gia đình, từ bỏ gia đình, sống một mình xa cách những người thân. Thời Phật, khi một vị phát tâm xuất gia, Đức Phật đồng ý là trở nên vị tỳ kheo lập tức, không có nghi thức nào thêm. Một thời gian ngắn, các vị đạt quả A la hán, không phạm lỗi lầm. Về sau tăng đoàn quá đông, có vị chưa thuần thục, phạm lỗi, Đức Phật vì lòng từ bi, chế ra giới luật, nhắc nhở cho Tăng đoàn theo đó mà tu tập. Từ đó Giới luật là một phương pháp tu quan trọng cho những ai chưa sáng đạo. Giới luật như kim chỉ nam, như cái la bàn, hướng dẫn con thuyền của mình đi đúng hướng, về bến bình yên, không tạo nghiệp ác.
Mỗi khi có vị nghe Phật giảng pháp, phát tâm xuất gia, thường xin Phật “được sống trong Pháp và Luật này”. Pháp là giáo lý, Luật là giới luật.
Pháp để chuyển hoá trí tuệ, Luật để chuyển hoá đức hạnh. Trí tuệ và đức hạnh phải phát huy song song mới trở thành một nhân cách hoàn chỉnh.
Quan điểm này là cái thấy của bậc giác ngộ. Trước khi nhập niết bàn, đức Phật đã lặp lại, như là khẳng định cái giá trị của Pháp và Luật, khi ngài dặn dò chư tỳ kheo:
“Sau khi Như Lai diệt độ, các ông phải lấy Giới làm thầy”.
“Sau khi Như Lai diệt độ, các ông phải lấy Chánh Pháp làm thầy. Ngoài ra các ông không nương tựa nơi một ai khác, hay nơi cái gì khác”.
Tăng sở dĩ được là Tăng Bảo, là do hai phẩm chất: Trí tuệ và Giới đức.
Thành ra nếu chúng ta chưa thấy giá trị quan trọng của Giới luật trong Phật pháp thì mình cần phải suy gẫm thêm. Nếu mình còn thấy Giới luật là ràng buộc, mất tự do, là áp lực làm sao thanh thản, đời sống gia đình là tự do hơn... là bước chân đi chưa vào khớp của “cái khuôn giải thoát”. Hễ dẫm chân ra ngoài cái khuôn này là rơi ra dòng đời, là rơi vào lãnh thổ của Ma vương. Ma vương là ai vậy? Là cái Ta thôi. Còn ở trong “cái khuôn” khe khắt của Giới luật, mà lại là giải thoát, ra khỏi quyền lực của ác ma.
Huống chi đức Phật nhiều lần so sánh như thế này:
“Đời sống gia đình bị gò bó, con đường đầy những bụi đời. Đời sống xuất gia như sống giữa hư không. Thật rất khó sống tại gia đình mà có thể sống đời sống phạm hạnh, thuần tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Ta hãy cạo bỏ râu tóc, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.”
Phật đã nói rõ như vậy mà có khi mình quên, mình lý luận ngược lại, vậy là mình đúng hay Phật đúng?
Thiền viện, 18- 7- 2021
TN
- Tag :
- Ni Sư Triệt Như
Chư Phật ba đời đều theo „con đường mòn“ này mà giải thoát.
Chư Phật ba đời đều ở trong „ cái khung“ này mà giải thoát.
Chư Phật ba đời đều „nghịch lý“ như thế.
Chư Phật ba đời đều „ngược dòng“ như thế.
Chỉ biết mỉm cười...