Triệt Như - Suối Nguồn Hạnh Phúc - BÀI 9
Bây giờ đã bước vào mùa hè. Trời nắng nóng mà ăn vài miếng dưa hấu mát lạnh, còn gì bằng. Ăn dưa hấu nhớ tới người xưa. Truyện cổ tích kể rằng:
Xưa thiệt là xưa, thời những vua Hùng Vương mới dựng nước, có một vua Hùng Vương nhận một chàng thanh niên tài giỏi làm con. Nhưng về sau, vì hiểu lầm, vua đày Mai An Tiêm, vợ và con ra một hoang đảo. Lúc đầu, cả gia đình khốn đốn vất vả, bắt cá, hái rau rừng để sống. Một hôm, đàn chim bay ngang, thả xuống vài hạt trái. Ít lâu sau, nẩy mầm, ra lá, ra quả. Quả cứ lớn dần. An Tiêm nghĩ trái nầy chim ăn được, mình cũng ăn được, bổ ra, thấy ruột màu đỏ thắm, nếm thử, nước ngọt mát rượi. Cả gia đình cùng chia nhau thưởng thức. Từ đó, An Tiêm lấy hạt, chăm chỉ gieo trồng. Thời gian qua, đảo hoang bây giờ thành rừng dưa đỏ. Tuy vậy, sống trên đảo hoang chung quanh mênh mông, chỉ có trời và nước, không thấy nhà, không thấy người, chàng vẫn nhớ quê hương, nhớ đất nhớ người. Chàng cứ đem các quả dưa đỏ thả cho trôi trên dòng nước. Thả xuống, thả xuống. Những quả dưa, bồng bềnh trôi. Cho tới một ngày kia, một chiếc thuyền con tìm tới, hỏi về tông tích quả dưa đỏ. Từ đó, thỉnh thoảng lại có vài chiếc thuyền con ghé bến, trao đổi thức ăn hay vật dụng để lấy dưa.
Một hôm, vua Hùng Vương nhận được vài quả dưa lạ do một người dâng tặng. Vua hỏi nguồn gốc quả dưa, mới hay là An Tiêm còn sống, hối hận, vua cho đoàn thuyền ra đảo rước An Tiêm và gia đình trở về. An Tiêm đem dưa và hạt giống theo về, phân chia cho người dân gieo trồng. Từ đó, quả dưa đỏ vẫn là thứ trái cây được ưa chuộng, không những đẹp vì màu sắc, vỏ màu xanh tươi, ruột lại hồng đỏ, lại nhiều nước ngọt, mà cơm thì dòn xốp.
Chắc là vì nó ngon và đẹp, nên người Tàu nói “hảo”, mình nói trại đi là dưa hấu.
Câu chuyện cổ chỉ giản dị như vậy, từ trước nhiều người đã bàn luận về đức hạnh của An Tiêm và ân lớn của An Tiêm đối với dân ta từ thời cổ đại.
Hôm nay, cầm miếng dưa hấu trên tay, vỏ thì xanh thắm, ruột thì đỏ thắm, mát lạnh. Trong nhận thức mơ hồ thấy hình ảnh những quả dưa này đã trôi nổi bồng bềnh mấy ngàn năm trước, giữa biển khơi, mênh mông sóng nước. Không vướng vào đá ngầm, không vướng vách núi, không vướng rong rêu, không rẻ tạt vào bờ, êm đềm xuôi theo dòng nước, mãi tới khi một chiếc thuyền con nào đó, có người trông thấy nhặt lên. Thế là chàng An Tiêm được mãn nguyện.
Con đường tu của mình, thấy mình cũng hao hao giống quả dưa đỏ. Có lần mình đã kể lại kinh nghiệm "thả nổi trên biển”, quả dưa đỏ cũng từng thả nổi trên biển, không vướng hai bên bờ, cũng không vướng bất cứ vật gì trên mặt sóng nước. Hễ thủy triều lên thì nâng cao mình lên, khi thủy triều xuống thì mình nhẹ nhàng hạ xuống theo, không bận tâm, không cưỡng chống lại, cũng không mong cầu thủy triều ơi, hãy lên cao hoài. Quả dưa, trôi theo dòng đời, trôi theo sự vận hành hài hoà của vạn pháp. Thật là bình an. Cho tới khi, gặp người hữu duyên, tặng cho người, tặng cho đời một tấm lòng son, tươi thắm, ngọt ngào, mát rượi.
Quả dưa đỏ, mình vẫn xem là vật vô tri giác, là loài vô tình. Sao lại hành xử giống hệt một người tỉnh thức? Nó không có cái Biết, mà sao cũng được sinh ra trên đời, lớn dần theo năm tháng, tích tụ nước ngọt, thơm ngon, màu sắc thắm tươi, dâng hiến cái đẹp nhất của mình cho ai cần tới mà không phân vân, cũng không cần đời trả ơn lại. Một kiếp sống ngắn ngủi, không làm hại ai, mà bất cứ ai, bất cứ vật nào cũng có thể làm hại mình, nhưng không than thở, không oán hận. Đời sống hồn nhiên, có đất tốt, có nước nhiều thì nảy mầm, ra lá, ra quả, quả chín thì lìa cành, cứ xoay vần hoài như thế. Cũng không khác cái vòng tuần hoàn của vạn pháp, của con người.
Con người, tự hào là hơn loài vô tri giác, chính ở chỗ cho là con người có tri giác, là loài hữu tình. Có não bộ, có phân biệt tốt, xấu, có trí năng thông minh, có ký ức ghi nhớ kinh nghiệm và học hỏi, có tình cảm thương yêu, có lý trí biết suy nghĩ, có ngôn ngữ diễn tả và thông đạt với người khác. Con người tự hào mình là tối thượng trong vạn vật, cao quí hơn loài cỏ cây hoa lá là vô tri giác. Điều này cũng đúng.
Nhưng tại sao người nào cũng có nỗi khổ, tại sao thế gian lại là đại dương mênh mông của khổ đau.Tại sao thế gian không phải là đại dương mênh mông của an vui, hạnh phúc?
Tại sao chúng ta có biết phân biệt tốt xấu, thiện hay ác, mà thường chúng ta lại thích làm ác, thích việc xấu. Chính chỗ này là vô minh. Mình có tri giác mà hành xử sai lầm. Chỉ vì cái thấy đúng, cái tâm trong sạch của con người bị che lấp.
Cái gì ghê gớm có oai lực che lấp tâm trong sạch của mình? Cái ghê gớm đó không ngoài cái Tham. Tham cái gì? - Tham tiền tài, tham sắc đẹp, tham của cải vật chất, tham danh vọng, tham ăn uống, ngủ nghỉ. Trong kinh, có khi nói nó có quyền lực phi thường, gọi là Ma Vương. Nó ngự trị khắp thế gian, có khi nó che mắt mình, không nhìn thấy được Phật. Dù Phật đang đứng trước mặt, mình cũng không thấy. Dù nghe Phật nói, ta đang ở trong tâm của con, từ xưa tới giờ, không bao giờ xa rời con... mà mình vẫn chưa tin, mình cứ chạy đi chỗ này chỗ kia tìm.
Cỏ cây hoa lá, hồn nhiên, bình an suốt bốn mùa, nắng nhiều thì héo, mưa xuống thì tươi xanh mát mẻ, có người ngắm nhìn thì tươi cười nở hoa, yểu điệu làm dáng theo gió thoảng đong đưa. Chắc là mình phải học theo nhịp sống hồn nhiên này, để mặc cho vạn vật tự vận chuyển theo nhịp điệu hài hoà của nhân duyên. Tâm bình an thanh thản, trí mới sáng, mình mới có cơ hội đem cái đẹp nhất, cao quí nhất của mình ra dâng hiến cho cuộc đời. Nếu mỗi người tỉnh thức, thì Ma vương đâu còn lảnh thổ nữa để thống trị. Thì biển khổ bây giờ là biển trí tuệ, từ bi, và hạnh phúc.
Thiền viện, ngày 17- 6- 2021
- Tag :
- Ni Sư Triệt Như
Lòng đỏ nước ngọt khiến mọi người ưa thích.
Qui luật sống còn của vạn vật vốn là như thế.
Nhưng trong ta có người phán xét gẫm suy về sự tồn tại ấy.
Vô tình biến dòng sống tự nhiên thành khổ ưu não phiền bất tận.
Ai bơi ngược, ai bơi xuôi, ai dừng lại ?