Đêm qua, thức giấc khoảng 2 giờ, nhìn qua khung cửa kính, thấy vầng trăng chênh chếch, soi chiếu thẳng vào phòng. Sáng trưng. Không gian bao la tĩnh mịch. Tâm cũng tĩnh mịch bao la.
Nhớ ngày xưa Thầy có dạy ngắm trăng. Thầy nói trong kinh có phương thức Quán nhật nguyệt, Quán ánh sáng, có Nhật triền tam muội. Rồi Thầy kể những kinh nghiệm tu tập trong thời gian Thầy gọi là “nhập thất bất đắc dĩ”.
Có một thời gian đầu, Thầy không được ra ngoài sưởi nắng. Lúc đó trên mái nhà, chắc lợp lá, có rách một chỗ, ánh nắng mặt trời rọi xuống sàn nhà, Thầy chăm chăm nhìn, cảm thấy khỏe ra. Sau khi mãn nhập thất, Thầy tìm đọc những tạp chí khoa học cũ, bán ở chợ trời, mới biết: khi mắt nhìn những tia nắng mặt trời, tín hiệu sẽ đi vào mắt, vào thần kinh thị giác, truyền tới tuyếnTùng (Pineal gland) ngay dưới hai Đồi thị. Tuyến Tùng sẽ tiết ra Serotonin, từ Serotonin sẽ trở thành Melatonin. Serotonin là chất thần kinh dẫn truyền (neurotransmitter) có tác dụng: làm cho hăng say hoạt động, không chán nản mệt mỏi, làm cho ăn ngon, có thể điều chỉnh bệnh trầm cảm (depression), bệnh nhức đầu kinh niên (migraine). Melatonin là một nội tiết tố (hormone) có công dụng điều hoà chu kỳ ngủ- thức đúng, có thể ngăn ngừa cataract, giúp hệ miễn nhiễm. Từ kinh nghiệm này, Thầy hướng dẫn thiền sinh cách nhìn ánh sáng nắng như sau:
NHÌN ÁNH SÁNG NẮNG
Ánh nắng buổi trưa khoảng 10- 11 giờ. Ta có thể ở trong nhà, nhìn ra ngoài trời hay đi bộ ở công viên, hay dạo chơi trong vườn nhà, mắt nhìn những tia nắng chiếu xuống bãi cỏ, chiếu xuống con đường, hay chiếu lên các chiếc xe hơi đang đậu bên đường. Không bao giờ nhìn lên mặt trời đang nắng. Khoảng 10- 15 phút là đủ. Trong ngày ta sẽ cảm thấy vui vẻ yêu đời, ăn ngon, tối ngủ ngon. Vì ta sẽ có vừa Serotonin vừa Melatonin.
Tuy nhiên nếu người bị tiểu đường nặng, không được nhìn ánh sáng nắng vì thị giác đã bị yếu rồi. Vậy nếu người này bị mất ngủ thì làm sao có Melatonin để điều hoà giấc ngủ? Thầy hướng dẫn thêm cách nhìn bóng đen (darkness).
NHÌN BÓNG ĐEN
Nếu mình chỉ có nhu cầu điều hoà giấc ngủ, thì làm cách nhìn bóng đen. Buổi tối, không ngủ được, chúng ta tắt hết đèn. Không có một tia sáng nào vào trong phòng mình. Nếu chưa được, mình có thể lấy cái mền đen rồi nhìn vào nó. Bóng đen sẽ làm cho khu Dưới Đồi tiết ra Melatonin. Chức năng của Melatonin ở một nhóm hạt nhân của Dưới Đồi hay Melatonin từ tuyến Tùng cùng giống nhau. Mình nhìn bóng đen chừng 20- 30 phút, thấy buồn ngủ thì ngủ thôi.
Hai cách nhìn ánh sáng nắng hay nhìn bóng đen không cần phải Biết không lời. Cho nên người bình thường vẫn có thể làm được. Ví dụ, mình có thể cùng ra biển hay vào công viên đi dạo ngoài nắng với người bạn bị trầm cảm...
Tuy nhiên, nếu chúng ta có kinh nghiệm Biết không lời, chúng ta nhìn ánh sáng nắng hay nhìn bóng đen với cái Biết không lời, kết quả sẽ có thêm Acetylcholine vì tác động vào Đối giao cảm. Acetylcholine là một thần kinh dẫn truyền, nó sẽ điều hoà nội tạng, và cái Biết không lời cũng tác động vào tánh thấy. Acetylcholine có những chức năng: điều hoà áp suất máu, cholesterol trong máu và đường trong máu, phục hồi ký ức, thân linh hoạt nhẹ nhàng.
Trong những xứ mùa đông kéo dài, người ta dễ bị trầm cảm. Ta có thể bật đèn trong phòng thật sáng, có tia sáng, thay cho ánh sáng nắng.
NHÌN MẶT TRỜI MỌC
Chúng ta có thể nhìn mặt trời khi vừa mọc lên ở chân trời. Ở thành phố, cây cối, nhà cao thường che lấp mặt trời. Nếu ta ở thôn quê đồng trống, ở bờ biển, hay trên đồi cao, ta có thể ngắm mặt trời khi còn màu đỏ thắm, vừa nhô lên, toả những tia sáng màu đỏ. Ta nhìn ngay mặt trời, trong phút chốc ta sẽ nhìn thấy giữa mặt trời đang đỏ bỗng hóa ra xanh dương đậm, xoay chuyển. Khoảng 5- 10 phút, khi mặt trời lên hơi cao, nhỏ lại và màu vàng, thì không nên nhìn nữa. Cách này cũng cho Serotonin và Melatonin. Nếu biết không lời thì cũng đưa tới tâm hoàn toàn tĩnh lặng, trống rỗng.
NHÌN TRĂNG RẰM
Đây cũng là một kinh nghiệm của Thầy. Khi quá nửa đêm, thức giấc, trăng rằm đã chênh chếnh bóng, ta có thể ngắm trăng và ngắm cả bầu trời trong, không mây, mênh mông vắng lặng. Bấy giờ chung quanh, thiên hạ còn đang say ngủ, không gian thật là tĩnh lặng vắng vẻ. Chính cái không gian bao la, tĩnh mịch làm cho tâm ta dễ hoà nhập vào trạng thái trống rỗng, tĩnh lặng rồi an trú trong đó.
Cách này có hai tác dụng:
- Dễ vào Định.
- Tác động đối giao cảm: tiết ra Acetylcholine, điều hoà áp suất máu cao, đường máu cao, nhịp tim v.v...Cuống não cũng tiết ra Serotonin, Melatonin, và Dopamin. Dopamin có tác dụng: tâm hỷ lạc, sảng khoái, tỉnh thức. Vì thế, có khi Thầy dặn thiền sinh không nên thiền tập sau 9 giờ đêm. Vì nếu những chất sinh hóa học tiết ra nhiều, thân nhẹ nhàng khinh an, hăng say hoạt động, tâm hỷ lạc, tỉnh thức, thì có thể sẽ không ngủ được. Nhưng sức khỏe vẫn tốt vì thân và tâm đã được hồi phục trong thiền.
Hôm nay, nhân ngắm trăng , nhớ lại những phương thức thực tập đơn giản ngày xưa Thầy vẫn dạy trong khóa căn bản, để điều chỉnh cấp tốc cho những thiền sinh có nhu cầu: mất ngủ kinh niên, áp suất máu cao, trầm cảm, hay làm biếng, mệt mỏi, không thích hoạt động. Ngày đó, vừa khai giảng khóa căn bản, Thầy phát cho mỗi thiền sinh một tờ Phiếu ghi danh. Ngay trong mấy ngày đầu, Thầy biết rõ ai tên gì, bệnh gì. Theo đó, Thầy chỉ cách điều trị, bằng thiền và bằng khí công. Thí dụ: bệnh thấp khớp: khí công, áp suất máu cao: thiền và khí công, tiểu đường: thiền, suy nhược thần kinh: khí công, sợ ma: khí công, đau bao tử: thiền, hơi thở ngắn: thiền và khí công v.v...
Sau này vì không có thời gian nên các khóa tu rút ngắn lại, thời gian thực hành cũng ít hơn, khí công thì hướng dẫn tổng quát. Kiểm lại thấy mình còn thiếu sót nhiều, học được từ Thầy thì nhiều mà trao truyền ra lại có giới hạn.
Trăng ơi trăng, hảy cứ toả sáng, mặc cho thế gian cứ say ngủ hoài. Ngàn đời rồi, con người vẫn ngủ, và trăng vẫn tỏa sáng, âm thầm, một mình.
Thiền viện, 25- 6- 2021
TN
- Tag :
- Ni Sư Triệt Như
Rỗng hay vụt mất cảm thương chị Hằng
Thốt ra là thấy công bằng
Nói hoài dính mắc lằng nhằng bao năm
Hay là nhìn bóng chằm chằm
May ra chiếu sáng trăng rằm thuở xưa
Rỗng kia chẳng rõ sao thưa
Tư duy tánh giác đánh lừa lẫn nhau?
Bóng tối vẫn luôn ở đó.
Ai cũng ngắm nhìn ca ngợi ánh trăng.
Có ai ngắm sự trong suốt của đêm đen.
Rỗng...Như...