Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời BÀI 28
Có lần mình đã so sánh cuộc đời mỗi người như một bức tranh Puzzle. Nhiều mảnh nhỏ ghép lại trở thành một bức tranh có đường nét, màu sắc hòa hợp nhau. Trò chơi này là chúng ta phải cẩn thận, xem xét tĩ mĩ, hình dáng từng mảnh puzzle gắn vào vừa vặn mỗi góc cạnh để cuối cùng hoàn thành một bức tranh. Như vậy muốn cuộc đời mình là một bức tranh đẹp, có ý nghĩa, thì mình cần phải:
- Sống thận trọng, suy nghĩ, lời nói, hành động đúng, thích hợp.
- Tâm mình sẽ bình an, vì không sai trái điều gì.
- Sức khỏe sẽ tốt hơn vì tâm bình an.
- Trí tuệ sẽ khách quan, sáng suốt hơn.
- Sống hài hòa với gia đình, anh em, bạn bè và xã hội.
Đó như là con đường tu học của mình. Mỗi ý nghĩ, mỗi lời nói, mỗi việc làm của mình, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhiều trạng thái tâm khác nhau, ứng xử với nhiều con người khác nhau, chúng ta luôn sống tỉnh thức để nối kết, để chan hòa trí tuệ và từ bi với cuộc đời. Như thế, mỗi người sẽ là một bức tranh puzzle đẹp nhờ mình biết uốn nắn tâm mình sao cho nó mềm dịu, tạm gọi là “tùy duyên thuận pháp”.
Hôm nay, mùng 2 Tết, rảnh rang, chúng ta lại vẽ một bức tranh puzzle mới nha các bạn. Bức tranh này rộng lớn hơn, là cả thế gian này, mỗi người chỉ là một mảnh puzzle nhỏ xíu thôi. Nhỏ như một vi trần, bay lửng lơ trong không gian dưới ánh sáng nắng vậy.
Sáng nay, trời lạnh, nhiệt độ ở vùng núi đồi Perris này đang giữa trưa mà là 49 độ F. Nắng chan hòa, gió mạnh, cành lá tiêu bay lượn dạt qua lại không ngừng. Lên lầu, nghe rõ tiếng gió hú từng cơn trên mái nhà, nghe tiếng gió luồn cuồn cuộn ù ù từ xa. Bây giờ là cuối đông, mấy cây đào trắng, đào hồng vẫn chưa đơm nụ. Hai gốc mai vàng, mình đã ngắt lá từ tháng trước cũng chưa thấy búp. Hàng cây hoa thủy tiên dọc theo chánh điện đã xanh um lá nhưng cũng chưa đơm hoa. Trái tiêu chin đỏ trong hè, qua mùa thu đã khô héo, nay rụng hết theo mấy ngày gió đông phũ phàng, trái khô rụng, lá khô rụng, và ngay cả cành khô, khẳng khiu cũng gãy rụng theo.
Có người nói:
- Gió bất thường
- Mưa bảo bất thường
- Thời tiết bất thường, khi lạnh khi nóng v.v…
Phải, mấy năm nay, trên thế giới chỗ thì nắng hạn không đủ nước tưới cây, chỗ khác lại giông gió lũ lụt cuốn trôi nhà cửa mùa màng, chỗ thì núi lửa thức dậy, chỗ lại động đất v.v…
Những biến cố này có phải là bất thường không? Suy gẫm kỹ lại, chúng cũng là hiện tượng thế gian, cũng do duyên sinh. Đâu có cái gì bất thường xảy ra trên thế gian này, phải không các bạn?
Vô số nhân và duyên, không tính kể được, đã gom lại, đưa ra những kết quả này. Sự liên hệ giữa nhân duyên và kết quả là sự chuyển hóa, biến thiên. tạo tác vô cùng khách quan, vô cùng phức tạp, dường như ra ngoài sự kiểm soát của con người. Chúng ta có thể dự đoán phần nào thôi, và có những kết quả bất ngờ, con người khó mà dự đoán được. Nếu chúng ta phán đoán thêm, kết quả tốt hay xấu, thì sự kiện lại càng rắc rối thêm, vì sự phán đoán này là chủ quan. Do đó, dù là sự kiện tốt hay xấu, nó cũng đồng thời là nhân hay duyên để biến chuyển ra thành những cái quả khác tiếp theo. Những cái quả này đồng thời lại trở thành những cái quả khác nữa. thế gian cứ thay đổi, chuyển hóa như vậy mãi không ngừng bao giờ.
Thế thì sự kiện thay đổi, biến hóa đó cứ tiếp diễn mãi, tương tự cái bánh xe quay tròn mãi, tiến tới hoài, chúng ta đặt tên nó là bánh xe luân hồi. Rồi chúng ta giả bộ lấy ra một sự kiện, đặt tên nó là “nhân” (cause), rồi lấy ra 1 sự kiện khác, đặt tên nó là “duyên” (condition), rồi lấy ra một sự kiên nữa, đặt tên là “quả (effect). Nhưng cái quả này lại sinh ra nhiều cái quả khác nữa, vậy cái quả này đã là nhân hay duyên rồi.
Như vậy, những cái tên do chúng ta đặt ra, hoàn toàn không thích hợp với thực tại. Thực tại đang xuất hiện trước giác quan mình, sống động, biến hóa, lấp lánh, nhấp nháy, không lúc nào giống lúc nào. Thực tại tuôn chảy luôn luôn. Nó tuôn chảy theo chiều rộng của không gian, nó cũng tuôn chảy theo chiều dài của thời gian nữa. Nói tuôn chảy cũng không đúng. Nó phân chia ra, biến hóa ra, nhân ra, nhân ra không biết bao nhiêu là quả. Rối mỗi quả kết với duyên khác để tuôn ra vô số quả nữa.
Thế gian này hình thành qua định luật đó: Y Duyên tánh (Idappaccayatā), ta cũng nói: thế gian là pháp Duyên Sinh:
“Cái này có, cái kia có,
Cái này sinh, cái kia sinh,
Cái này không, cái kia không,
Cái này diệt, cái kia diệt.”
Thế gian là một bức tranh puzzle vĩ đại, dung chứa tất cả. Cây cỏ, hoa lá, núi sông, muôn thú, và cả nhân loại, tất cả đều được gắn vào vừa vặn trong bức tranh khổng lồ này. Bức tranh puzzle thể hiện sự hài hòa chung của vũ trụ. Mỗi vật, mỗi người là một mảnh puzzle li ti gắn vào đâu cũng thích hợp, gắn như thế nào, khéo hay vụng về, cũng đều vừa vặn. Sao lạ vậy? Người thiện, hay người ác, cũng giống nhau sao? Người ác quậy phá lung tung, không làm rối cuộc đời sao?
Các bạn ơi, cái định luật Y Duyên Tánh nó không cần biết cái nhân và cái duyên là thiện hay ác, vật liệu chuyển tới là nó ung dung “bào chế” ra vô số thành quả, thành quả tốt hay xấu, nó cũng không cần biết! Nên mình mới nói Y Duyên Tánh là định luật khách quan.
Khi áp dụng cho con người, chúng ta có từ ngữ “nghiệp” . Tất cả ý nghĩ, lời nói và hành động của mình là pháp do duyên sinh, khi cho ra quả, quả cũng là do duyên sinh. Sự liên hệ mật thiết giữa nhân duyên và quả, đặt tên là “nghiệp”. Nghiệp xấu hay tốt là do cái thấy chủ quan của mỗi người. Cái quả tốt, mình lại đặt tên là “phước báu” hay “công đức”, thành ra chữ “nghiệp” dường như nghiêng về xấu hơn. Nhưng đó chỉ là sự phân biệt chủ quan thôi.
Định luật Y Duyên Tánh vận hành tất cả thế gian. Nó cũng là định luật biến hóa và phát triển, là sức sống mãnh liệt, đã thành lập vũ trụ, điều hành vũ trụ, và bảo vệ duy trì sức sống của vạn vật. Thế gian biểu hiện sự hài hòa tuyệt vời theo sự biến hóa khách quan của “Y Duyên Tánh”. Vậy, các bạn thân ơi, đây có phải là một bức tranh puzzle tuyệt vời không?
Thiền viện, 23- 1- 2023
TN