Triệt Như - Suối Nguồn Hạnh Phúc - BÀI 19
Lúc trước, dường như có một vị tôn đức nhận xét pháp môn chúng ta đang được Thầy hướng dẫn cô đọng như là sữa đặc, phải pha thêm nước cho loãng ra, thì nhiều người mới uống được. Nghe thiền sinh tường trình như vậy, mình có lần bạo gan trình lên Thầy. Thầy nhìn mình, chỉ hỏi một câu:
- Con muốn hạ thấp pháp hướng dẫn xuống hay sao?
Mình không biết trả lời, chỉ im lặng. Rồi thì chương trình hướng dẫn vẫn giữ nề nếp như xưa. Người theo kịp, người không theo kịp. Ai hiểu sâu, thực tập theo đúng, miên mật thì có kết quả: sức khỏe tốt hơn, tâm trầm lại, hiểu thêm kinh điển, gia đình hài hòa, tìm lại hạnh phúc và niềm vui san sẻ cho người khác. Ai không theo kịp thì rơi, như lá rụng mùa khô vậy. Người theo kịp thì như vài chiếc lá còn trên cành.
Đó là niềm ưư tư của riêng mình. Sao pháp Phật vi diệu thâm sâu như vậy, mà con người hầu hết đều khổ, khổ nhiều nữa? Sao con đường đi tới an vui hạnh phúc đã được Phật, Tổ, Thầy và biết bao nhiêu vị sáng đạo, chỉ bày rõ ràng, mà người đời vẫn cứ khổ? Tại sao? Không lẽ “Phật cao một trượng. Ma cao ba trượng” thật à?
Ngẫm nghĩ lại, từ ngàn xưa, con đường minh triết lúc nào cũng vắng người. Mỗi thế hệ có thể chỉ đếm trên đầu mười ngón tay. Thôi thì tự an ủi khóa tu học của mình có “ế” cũng là thường. Trong khi có những pháp hội hàng ngàn người, hàng chục ngàn người, đôi khi cũng khiến cho mình phải suy gẫm lại: tại sao khóa tu mình lại “ế”.
Vậy mà thiền sinh lại cười:- Cô ơi, mình “ế” nhưng lớp mình ấm cúng, cô biết tên mỗi người, mỗi người không hiểu có thể hỏi lại và cô giải đáp, tụi con học như vầy thấy thoải mái, có tình thân hơn. Đạo tràng mình như một mái ấm vậy.
Kể lể dài dòng như vậy, vì những bài viết sau này dường như có pha thêm nước suối trong mát vào sữa đặc, các bạn có nhận thấy dễ uống hơn không?
Hôm nay xin tặng cho các bạn một ly nước suối mát lạnh trong những ngày hè nóng bức ở Cali. Lúc này mỗi ngày xem tin tức, thấy khắp nơi đang giông gió, mưa bão, lụt lội ngập tràn, ở Mỹ, ở Úc, ở Âu châu, Á châu đều có. Nhưng chúng ta làm được gì đây, chỉ ngậm ngùi. Mình còn sống, vậy thôi hãy lo chuyển hóa cái tâm của mình, đó là thiết thực trong tầm tay.
Cái tâm không có hình dáng, màu sắc, kích thước, nhưng nó luôn hiển hiện ra bên ngoài. Từ trước mình vẫn thường nghe hãy quay lại nhìn tâm mình. Nhưng cũng có thể có người chưa thấy rõ tâm mình đâu.
Các bạn ơi, hãy suy gẫm xem mình có hay cười không? Cười vui, hồn nhiên hay cười gượng, cười buồn? Có bao giờ mình nhận ra mình rất khó nở một nụ cười? Có bao giờ mình không thể cười tự nhiên, ngay khi có ai đó sắp chụp hình, các bạn đều cười làm dáng, mình vẫn không cười được?
Hổm rày nhân sưu tầm hình các khóa tu học từ xưa, mình nhận ra có người dễ cười, có người không bao giờ cười. Có người vui mà cười, có người buồn mà cười. Chính ngay đó, là cái tâm của mình. Cần phải nhận ra cái sai lầm của mình để biết mà chuyển hóa tâm của mình.
Khi nét mặt của mình lúc nào cũng u sầu, khó khăn là tâm mình đang khép kín. Bạn bè sẽ e ngại không thích tới gần. Vậy làm sao chuyển hoá tâm trạng đó?
Có thể là mình đang tự ty mặc cảm, khi mình nhìn lên quá cao, mong ước nhiều quá. Nhìn lên cao cũng không phải là xấu, nếu chỉ để khích lệ mình cố gắng vươn lên. Nhưng nếu làm cho mình buồn chán, thất vọng thì sai. Nhìn xuống những cảnh khổ nghèo hơn mình, phát khởi được tâm thương người, muốn giúp đỡ, thì tốt. Mà sinh ra tự mãn, kiêu ngạo, xem thường người khác, lại cũng sai.
Bây giờ nhìn thẳng ngay mình, phải thấy rõ mình như thế nào. Mình đang có chỗ ở, che nắng che mưa, không lang thang đầu đường như kẻ không nhà, là điều đáng mừng, dù nhà mình không rộng, không giàu. Mỗi ngày mình cũng có cơm ăn, có áo mặc là đủ. Mỗi sáng thức dậy, còn đi đứng bình thường, còn cầm được cái muỗng múc cơm bỏ vào miệng, còn cảm nghe cơm ngon, là sức khỏe còn tốt. Mình còn đòi hỏi thêm gì nữa, các bạn ơi.
Mình còn đòi hỏi cuộc đời phải cung ứng thêm gì nữa cho mình?
Hãy tự hỏi: mình đã làm gì cho cuộc đời, từ trước tới nay?
Với cái tâm hiểu biết, thực sự có trí, mình mới nhận ra mỗi người mang nợ cuộc đời và thế gian quá nhiều, không kể ra hết được. Ngay cái sự hiểu biết này, suy gẫm kỹ, cũng là một cánh cổng bước thẳng vào hạnh phúc rồi. Không cần tu pháp Thở, không cần ra lệnh “không nói” mất công. Cái tâm hiểu biết đó là trí tuệ rồi, nó sẽ thay đổi cuộc đời của mình. Mình sẽ biết vui, biết cười hồn nhiên. Cái tâm sẽ cởi mở được cái gút thắt chặt lại, không cho mình nở một nụ cười thân ái tặng cho đời.
Hãy biết cười!
Người ta thường nói:
“Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Tạm nói lại như vầy:
“Nụ cười không mất tiền mua,
Biết cười, biết nói, cho vừa lòng nhau”.
Mình khai triển thêm một chút.
Sống trong đời, cười cũng không phải dễ đâu, các bạn ơi.
Nhớ ngày xưa, có học bài “Gì cũng cười” của Nguyễn văn Vĩnh, có câu này:
“An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; phải cũng hì, quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.”
Ở đây mình không thảo luận như ông Vĩnh chê trách cái cười “vô nghĩa” khi nghe người ta hỏi mà chỉ đáp lại bằng cái cười.
Dĩ nhiên cái cười có nhiều ý nghĩa thầm lặng lắm, đôi khi làm cho người khác, như ông Vĩnh, khó chịu.
Chúng ta có một cách thấy khác.
Người ta nói một câu, mình không vừa ý, chỉ nở một nụ cười nhẹ thôi, thay cho câu trả lời, mà không tranh luận, cũng là hay. Trên đời dễ có mấy ai nhún mình, nhường nhịn như vậy. Tâm vô tư, mình cũng hay cười. Nhưng đừng có cười chế diễu, cười mỉa mai châm biếm, khinh thường.
Ngày xưa, cũng có câu nói này:
“ Cười là tiếng khóc khô không lệ”. Chúng ta không sống che giấu. Hễ buồn khổ quá đổi, thì cứ cho nước mắt rơi, không che giấu.
Người đời cũng thường cho là hễ ai dễ cười thì cũng dễ khóc, điều này cũng đúng vì đó là người dễ xúc động, nhiều tình cảm, nhưng đây là tâm đời, hay “thương vay khóc mướn”, xem một vở kịch buồn, đọc một quyển tiểu thuyết tình cảm là rơi nước mắt, không biết toàn là những truyện tưởng tượng lâm ly bi đát để cuốn hút độc giả.
Như vậy, biết cười cũng cần phải có trí tuệ, có nghệ thuật nha các bạn. Nghe nói thấy khó khăn quá. Làm sao? Thiệt ra, khi nào nụ cười là biểu hiện trung thực của tâm mình, là đúng. Tâm đó là tâm nào? là “bộ mặt thiệt xưa nay của mình”. Cái tâm trong sáng, chân thành, vô tư, thanh thản, trầm lặng, nhu hòa, hiểu biết. Cái tâm đó biểu hiện ra sắc diện an vui, trong sáng, thân thiện, ánh mắt ngay thẳng, tươi vui, từ bi, dũng cảm, cười hay không cười, mình cũng cảm nhận được từ trường an lành thanh thản khi mình tới gần bên và mình thích tới gần người ấy.
Vậy hôm nay chúng ta có thêm một phương cách nhận ra tâm mình như thế nào để kịp thời chuyển hóa nó. Hãy biết cười, tức là biết sống.
Thiền viện, ngày 19 - 7- 2021
TN
- Tag :
- Ni Sư Triệt Như
Pháp hội hàng ngàn người ....khóa tu mình dành cho người hữu duyên . , Ai là học trò Cô ít nhiều bớt khổ , ai không theo kịp , đi chậm vẫn lợi lạc
Không ai bị rớt như lá khô vì ngoài các Pháp khuôn nếp còn có các bài hướng dẫn rõ ràng tận tình như đọc hết tâm can học trò .
Người bạn xưa đem con đến với Cô ...rồi buông " Đừng lên núi thấy đầy vàng rồi về tay không nha" .
Con đang lớn mỗi ngày, mỗi ngày thưa Cô .
Con biết ơn Cô !
Ma chẵng những cao hơn Phật, lại còn gần hơn Phật.
Vào chùa mới thấy Phật, còn ma quanh quẩn bên ta.
Không có hàng rào giới luật thì nó đã chiếm nhà ta từ lâu rồi.
Ngẫm lại buồn cười.
Phật - Nhất tâm - cao một trượng...
Ma - ba thời - cao ba trượng...
Dùng thước thế gian mà đo xem.
Thiệt buồn cười.