Chúng ta đọc lại phần trình bày của ngài Mahā Kassapa trong đại kinh Rừng Sừng Bò.
Khi nghe nói vậy, Tôn giả Sariputta nói với Tôn giả Mahā Kassapa:
-- Này Hiền giả Kassapa, Tôn giả Anuruddha đã trả lời theo sự giải thích của mình. Ở đây, nay chúng tôi hỏi Tôn giả Kassapa: Này Hiền giả Kassapa, khả ái thay ngôi rừng Gosinga... (như trên)... Này Hiền giả Kassapa, hạng Tỷ-kheo nào làm sáng chói khu rừng Gosinga?
-- Ở đây, này Hiền giả Sariputta, Tỷ-kheo, tự mình sống ở rừng núi và tán thán đời sống ở rừng núi, tự mình sống khất thực, và tán thán đời sống khất thực, tự mình mặc y phấn tảo và tán thán hạnh mặc y phấn tảo, tự mình sống với ba y và tán thán hạnh ba y, tự mình sống thiểu dục và tán thán hạnh thiểu dục, tự mình sống biết đủ và tán thán hạnh biết đủ, tự mình sống độc cư và tán thán hạnh sống độc cư, tự mình sống không nhiễm thế tục và tán thán hạnh không nhiễm thế tục, tự mình tinh cần, tinh tấn và tán thán hạnh tinh cần, tinh tấn, tự mình thành tựu giới hạnh và tán thán sự thành tựu giới hạnh, tự mình thành tựu Thiền định và tán thán sự thành tựu thiền định, tự mình thành tựu trí tuệ và tán thán sự thành tựu trí tuệ, tự mình thành tựu giải thoát và tán thán sự thành tựu giải thoát, tự mình thành tựu giải thoát tri kiến và tán thán sự thành tựu giải thoát tri kiến. Này Hiền giả Sariputta, hạng Tỷ-kheo như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga.
Chúng ta thử tìm hiểu thân thế của ngài Mahā Kassapa, rồi chúng ta có thể nhận ra giá trị của hạnh tu đầu đà.
Theo kinh sách ghi chép, sau khi đức Phật Tỳ-Bà-Thi (Vipassī) nhập niết-bàn, tứ chúng xây tháp thờ xá-lợi, trong tháp có an trí một pho tượng Phật phết vàng. Lâu ngày, trên mặt pho tượng bị lở khuyết. Có một cô gái trao một đồng tiền vàng cho thợ đúc vàng nấu ra để tu bổ lại tượng Phật. Cô gái đó là tiền thân của bà Bhadra Kapilani, và người thợ đúc vàng là tiền thân ngài Mahā-Kassapa. Do nhân duyên đó mà cả hai người đều được sinh ra trong đời này có sắc da vàng óng và được gặp Phật.
Ngài Mahā Kassapa là con trai một gia đình Bà la môn giàu có trong xứ Magadha (nay thuộc các quận Patna và Gaya, tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn Độ. Thành Vương Xá, núi Linh Thứu, và Trúc Lâm Tịnh xá đều nằm trong xứ Ma Kiệt Đà).
Ngài học giỏi, có những vẻ đẹp của bậc đại nhân, nhưng đến tuổi trưởng thành vẫn không nghĩ tới việc lập gia đình. Cha mẹ ép buộc quá, ngài đưa ra một điều kiện phải chọn một cô gái có sắc da vàng óng như ngài. Và cô gái đó là cô Bhadra Kapilani. Điểm tương đồng nữa là cô gái này cũng không muốn lập gia đình mà chỉ muốn đi tu. Cả hai đều ước hẹn với nhau kết hôn để cha mẹ hai bên yên lòng, nhưng sự thật hai người chỉ đối xử với nhau như hai người bạn tốt. Khi cha mẹ mất, cả hai chia tay nhau, mỗi người đi tìm thầy học đạo. Ngài Mahā Kassapa gặp đức Phật rất sớm, sau khi đức Phật thành đạo. Chỉ bảy ngày sau, ngài đạt quả Arahant. Còn bà Bhadra Kapilani về sau cũng gia nhập ni đoàn của bà Pajāpati Gotamī.
Ngài Mahā Kassapa xuất thân từ một gia tộc giàu sang Brahmin, cai quản một vùng đất đai, nhưng khi xuất gia, ngài lại chọn lối sống thật là khiêm nhường: mặc y kết bằng các mảnh vải rách, lượm từ đống rác, ngủ nghỉ trong rừng vắng, ăn những thức ăn khất thực không khen chê...Và cuộc sống như thế cứ tiếp diễn hoài cho tới khi già yếu vẫn không thay đổi. Ta biết rằng ngài Mahā Kassapa lớn tuổi hơn đức Phật.
Chúng ta đọc bài kinh ngắn này, mình sẽ nhận ra mối thâm tình giữa đức Phật và người đệ tử lớn:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana. Rồi Tôn giả Mahà Kassapa (Đại Ca Diếp) đi đến đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Mahà Kassapa:
- Này Kassapa, ông đã già rồi, như những tấm vải gai thô cũ nát đáng được quăng bỏ. Vậy này Kassapa, hãy mang những y áo do các gia chủ cúng, thọ dụng các món ăn được mời và ở gần bên Ta.
- Bạch Thế Tôn, con là người đã lâu ngày sống ở rừng, đi khất thực, mang y phấn tảo, sống thiểu dục tri túc, không giao thiệp và thường tinh cần.
- Này Kassapa, ông thấy có lợi ích gì mà đã lâu ngày sống ở rừng, đi khất thực, mang y phấn tảo, sống thiểu dục tri túc, không giao thiệp và thường tinh cần?
- Con thấy có hai lợi ích, tự mình được an lạc và vì lòng từ mẫn mong rằng chúng sanh sẽ học tập theo… nếu thực hành được như vậy trong một thời gian dài họ sẽ sống an lạc, hạnh phúc.
- Lành thay, Kassapa. Ông thực hành như vậy vì lợi ích cho chúng sanh, vì lòng từ mẫn với đời, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.
Vậy này Kassapa, hãy mang vải gai thô đáng được quăng bỏ. Hãy sống khất thực và trú ở trong rừng.
(ĐTKVN, Tương Ưng II, chương 5, phần Trở về già, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.348).
Chúng ta nhận thấy ngài Mahā Kassapa đã chọn đời sống khổ hạnh tối đa, chứ không phải đời sống khổ hạnh khốc liệt như đạo sĩ Gotama lúc độc cư trong khu rừng rậm kinh hoàng. Tại sao có sự khác biệt đó? Tại sao ngài Mahā Kassapa lại được đức Phật tán thán là đầu đà đệ nhất?
Đầu đà là dịch âm từ tiếng Sanskrit “Dhūta”. Đây là một lối tu phổ thông thời xưa, lìa bỏ những sự hưởng thụ trong ăn uống, áo quần, ngủ nghỉ, chỉ sống bằng những thứ vất bỏ, sống hoàn toàn không tiện nghi, không đòi hỏi, kham nhẫn nắng mưa, đói khát.
Đạo sĩ Gotama lúc đó chưa đạt được thượng trí, niết bàn, sau vài năm khổ hạnh, nên cuối cùng ngài quyết định tiến lên khổ hạnh khốc liệt, ngài rời xa nhóm năm vị đạo sĩ bạn, một mình đi vào rừng sâu, không đi khất thực mỗi sáng nữa mà ăn rễ cây, trái cây rụng, không còn vải lượm từ đống rác, không tiếp xúc với người, nghe tiếng người đốn củi, hay người săn thú, ngài chạy trốn vào rừng sâu thật xa. Đến lúc cuối ngài khởi ý tuyệt thực, mong đạt mục tiêu. Nhưng qua lần muốn đứng lên thì té xuống bất tỉnh, ngài tỉnh ngộ, biết rằng khổ hạnh khốc liệt không phải là con đường đưa tới giác ngộ. Từ đó, ngài trở lại sống biết đủ, không hưởng thụ như người đời, cũng không khổ hạnh thái quá, là bước đầu của trung đạo.
Ngài Mahā Kassapa, được tán thán là “hạnh đầu đà đệ nhất”, vì bấy giờ đã có chánh pháp đức Phật giảng dạy rõ ràng, con đường tu là trung đạo. Không cần đem thân và tâm của mình ra để thử thách và tìm kiếm nữa. Vì thế tuy khổ hạnh gọi là đệ nhất cũng chỉ là tương đối trong hàng ngàn tỳ kheo của giáo đoàn đức Phật, là sống biết đủ, tiện nghi tối thiểu, để duy trì hạnh sống trong sạch, không tham, sân, si, không có lậu hoặc.
Đó là nhìn vẻ bên ngoài, ăn mặc, ngủ nghỉ, nhìn sâu hơn là bào mòn các tham ái, tận diệt sâu sắc nhất là cái ngã. Không còn “ta”, thì mới không còn vô minh, cũng không còn muốn tái sinh.
Tuy hạnh sống đầu đà là cao thượng và khó kham nhẫn như thế, nhưng người đời thường không biết tới, người đời chỉ xét qua bề ngoài: áo quần đẹp đẽ, sang trọng là người tốt. Vì thế có một câu chuyện vui vui về ngài Đại Ca Diếp này.
Có lần, ngài từ xa đến, muốn ra mắt đức Phật. Các chúng Tỳ-kheo ngồi vây quanh Phật đang giảng pháp. Các tỳ kheo mới xuất gia, ở gần cửa vào, trông thấy ngài mặc y bằng vải rách, thân hình tiều tụy, có ý khinh thường, không cho ngài bước vào giảng đường. Đức Phật ở xa trông thấy, gọi ngài:
- “Đại Ca-diếp đến đây! Ta nhường nửa tòa cho ông ngồi bên ta".
Ngài vẫn không dám ngồi. Phật bảo các Tỳ-kheo:
- "Ta có đại từ đại bi, các thiền định tam muội và vô lượng công đức để tự trang nghiêm, Tỳ-kheo Ca-diếp này cũng như thế. Do đó, ta nhường nửa tòa cho Ca-diếp ngồi".
Chúng Tỳ-kheo đều dứt tâm ngạo mạn, cúi đầu cung kính ngài.
Thêm một câu truyện nổi tiếng về ngài Mahā Kassapa, đó là “Niêm hoa vi tiếu”.
Niêm hoa: đưa cái hoa lên.
Vi tiếu: mĩm cười.
Hôm nọ, Phật ở trong hội Linh Sơn, tay cầm cành hoa sen đưa lên, cả hội chúng đều ngơ ngác. Chỉ có ngài đắc ý chúm chím cười (niêm hoa vi tiếu). Phật bảo: "Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, pháp môn mầu nhiệm, chẳng lập văn tự, ngoài giáo lý truyền riêng, nay giao phó cho ngươi. Ngươi khéo gìn giữ Chánh pháp này, truyền trao mãi đừng cho dứt, đến sau sẽ truyền cho A-nan".
Thế Tôn đến trước tháp Đa Tử gọi Ma-ha Ca-diếp đến chia nửa tòa cho ngồi, lấy y Tăng-già-lê quấn vào mình Ca-diếp, rồi nói kệ phó pháp:
Pháp bản pháp vô pháp,
Vô pháp pháp diệc pháp.
Kim phó vô pháp thời,
Pháp pháp hà tằng pháp.
Dịch:
Pháp gốc pháp không pháp,
Pháp không pháp cũng pháp,
Nay khi trao không pháp,
Mỗi pháp đâu từng pháp.
Lúc Phật Niết-bàn tại thành Câu-thi-na trong rừng Sa-la, thì ngài đang ở trong động Tất-bát-la trên núi Kỳ-xà-quật. Nghe tin Phật Niết-bàn, ngài và 500 đệ tử vội vã hướng về thành Câu-thi-na. Đến nơi, đã để Phật vào kim quan, ngài buồn bã. Thầy trò đi nhiễu kim quan ba vòng, rồi đảnh lễ Phật. Khi ấy, hai bàn chân Phật duỗi ra ngoài kim quan để an ủi ngài. Ngài vuốt ve hai bàn chân Phật, lòng rất bi thảm.
Sau khi thiêu thân Phật xong, ngài tuyên bố với chúng Tỳ-kheo: "Xá-lợi của Phật giao cho trời, người xây tháp thờ làm ruộng phước, còn trách nhiệm Tỳ-kheo chúng ta phải lo kết tập kinh điển để lưu lại đời sau".
Ngài bèn nói kệ:
Như Lai đệ tử,
Thả mạc Niết-bàn.
Đắc thần thông giả,
Đương phó kết tập.
Dịch:
Đệ tử Như Lai,
Chớ vội Niết-bàn.
Người được thần thông,
Nên đến kiết tập.
Thế là, sau Phật Niết-bàn 3 tháng, ngài triệu tập 500 vị đại A-la-hán tụ họp tại núi Kỳ-xà-quật, trong động Tất-bát-la kết tập. Chỉ có tôn giả A-nan không được dự hội, vì chưa sạch các lậu. Tôn giả A-nan buồn bã, suốt đêm chuyên tâm thiền định, đến gần sáng liền chứng ngộ, các lậu dứt sạch được quả A-la-hán. Sau đó, tôn giả được mời dự hội.
Ngài thưa toàn chúng: "Tỳ-kheo A-nan nhớ giỏi bậc nhất, thường theo hầu hạ Như Lai, nghe pháp Phật nói ghi nhớ không sót, như nước rót vào bình không rơi ngoài một giọt, nên mời kết tập tạng Kinh và tạng Luận. Mời Tỳ-kheo Ưu-ba-ly kết tập tạng Luật". Toàn chúng đều hoan hỷ chấp thuận. Hội kết tập này, ngài là chủ tịch.
Sau cuộc kết tập này viên mãn, nhân duyên độ sanh đã xong xuôi, ngài thấy tuổi quá già yếu, bèn gọi tôn giả A-nan đến bảo: "Khi Như Lai sắp vào Niết-bàn có dặn ta đem Chánh pháp nhãn tạng giao phó cho ông. Nay ta sắp ẩn, đúng lúc giao phó cho ông, ông phải khéo gìn giữ chớ để đoạn dứt".
Ngài nhớ lời Phật dặn giữ gìn y bát của Phật đợi đến Phật Di-lặc ra đời sẽ trao lại, nên dự bị vào núi Kê Túc nhập định. Liền đó, ngài đi từ giả vua A-xà-thế và những người thân thuộc, rồi vào núi Kê Túc trải tòa cỏ ngồi an nhiên nhập định.
Hòa thượng Thích Thanh Từ soạn dịch (Tu viện Chơn Không - 1971)
Việc đức Phật chia nửa tòa ngồi bên cạnh đức Phật cho ngài Mahā Kassapa là có ghi trong kinh Nikāya, còn tích “Niêm hoa vi tiếu” trong kinh Nikāya không có, chỉ có trong thiền sử mà thôi, còn việc ngài Mahā Kassapa triệu tập và chủ trì kỳ Kết tập Kinh Điển Phật giáo lần thứ I chỉ ba tháng sau khi đức Phật nhập diệt, các vị Tổ có ghi rõ ràng chi tiết trong kinh Đại Bát Niết Bàn trong Nikāya.
Có lẽ căn cứ vào ba sự kiện quan trọng này mà Thiền Tông Ấn Độ và Trung Hoa về sau có lập trường vững chắc rằng Đức Phật đã truyền thừa cho ngài Mahā Kassapa tiếp tục lãnh đạo Tăng đoàn sau khi đức Phật vào Niết bàn.
Hôm nay học lại gương sáng của người xưa, gương sáng vẫn muôn đời là gương sáng. Ánh sáng chỉ sáng cho những ai nhìn thấy. Ánh sáng của trí tuệ muôn đời vẫn thầm lặng chiếu soi trần gian, như ánh trăng kia thầm lặng sáng trong đêm dài cuộc đời.
Thiền viện, 17- 6- 2022
TN
Bài 19: HẠNH ĐẦU ĐÀ CHIẾU SÁNG
Click icon tam giác để nghe - Click icon ba dấu chấm để download