CON DÃ TRÀNG
Hồi nhỏ, mỗi năm, mấy anh em thường được ba má thưởng công ăn học, bằng nhiều cách. Tết thì được lì xì, có mấy đồng tiền lẻ đủ để cho mấy anh em họp lại chơi “bầu cua cá cọp” trong ba ngày Tết. Lớn hơn một chút thì viết thơ cho ông già Noel xin quà, sáng sớm bật dậy chạy ngay tới phòng khách quơ chụp quà, không biết ông già Noel tới nhà mình lúc nào. Lớn hơn chút nữa, mỗi mùa hè, vừa bãi trường là sau đó cả gia đình được đi Vũng Tàu tắm biển. Dọc bờ cát trắng, gần mé nước, vô số là những hạt cát li ti tròn vo chồng lên nhau, những con dã tràng cũng nhỏ li ti chạy lăng quăng rối rít. Con dã tràng hình dáng tương tợ con cua, con cồng, cái mai màu xam xám, nhỏ như cái móng tay út của mình. Nó cứ vo cát thành từng viên nhỏ xíu tròn vo rồi để trên bờ cát. Một lát thủy triều lên, sóng tràn vào bờ, kéo theo mấy viên cát tan rã, trở thành cát lại. Ngày hôm sau lại thấy bờ biển li ti vô số hạt cát nữa.
Ca dao mình có câu:
“Dã tràng xe cát biển Đông.
Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.”
Thời gian trôi qua. Từ khi dấn thân tu học, theo Thầy bay đi khắp nơi. Trên độ cao nhìn xuống, chỉ thấy vô số là những mãng bông gòn trắng tinh, lững lờ dưới cánh máy bay. Tới khi gần hạ cánh, nhìn xuống “trần gian”, thấy núi, thấy biển, thấy sông, xuống gần hơn, thấy xa lộ thẳng tắp, nhiều chiếc xe di động chậm rì, như mấy con bọ nhỏ xíu đen đen. Gần hơn nữa, thấy nhà cửa chen chúc nhau, xa nhìn như mấy cái hộp đồ chơi nhỏ xíu, xếp ngay hàng. Vậy mà trong mỗi cái hộp nhỏ xíu đó còn chia ra phòng khách, phòng ăn, nhà bếp, phòng ngủ, vậy con người còn li ti hơn nữa. Có khác gì con kiến đâu. Có khác gì con dã tràng li ti như cái móng tay út, giữa biển rộng mênh mông. Vậy mà sao mình còn tranh dành, còn xung đột, để rồi buồn, giận, oán trách, đau khổ?
Một cơn sóng thần cuốn trôi tất cả thành phố. Một trận cháy rừng thiêu đốt cả tài sản. Một ngọn núi lửa thức dậy phủ ngập cả làng. Một cơn địa chấn, rung chuyển cả thành phố. Một luồng dịch bệnh cuốn xoáy quay cuồng cả thế giới. Mà sao con người chưa tỉnh lại. Để cho Thái Bình dương trở lại là biển thái bình. Để con người tự hào mình là sinh vật cao quý nhất, khôn ngoan nhất trong vũ trụ, trở lại sống cho xứng với chỗ đứng cao quý nhất, khôn ngoan nhất trên thế gian.
Ngẫm nghĩ lại, một đời người, bôn ba vất vả, thức khuya dậy sớm, làm ăn buôn bán, nỗ lực, khi vui khi buồn, lo âu tính toán. Để làm gì? Mục tiêu không ngoài: tài, sắc, danh, thực, thùy. Nói gọn lại, không ngoài ba thứ thôi: danh, tiền và tình. Ba thứ thôi, nhưng liên hệ nhau mật thiết lắm. Có danh vọng địa vị quyền thế thì thường là có tình và tiền đi theo. Hễ có tiền nhiều thì thường dễ có danh tiếng, địa vị quyền thế và tình.
Nhưng sao con người không nhận ra: ai cũng phải giả từ trần gian với tay không. Có ai đem theo tiền được, có ai đem theo bằng cấp hay chức tước qua đời sau, có người tình nào theo mình?
Cho nên, người tỉnh thức phải thấy : danh, tiền và tình không khác nào trò huyễn thuật, tưởng là thật mà chỉ là trò chơi, con mắt mê muội của mình bị nhà huyễn sư tài giỏi mê hoặc. Khi tấm màn nhung trên sân khấu kéo qua là mãn tuồng hát, mình ra về, thì tay không.
Suy gẫm kỹ, con người còn chạy theo danh vọng, giàu sang, tình, tiền, bôn ba cả đời, tạo ra bao nhiêu là đau khổ, cho mình, và cho người, không khác gì con dã tràng, cặm cụi làm hoài, những việc vô nghĩa.
Đó là thực tế trước mắt. Chắc ai cũng đã nhìn thấy. Không kể trẻ em thơ ngây chưa biết gì, khoảng tám, chín tuổi chắc cũng đã nhìn thấy những người già, người bệnh rồi. Tuổi 20, 30 đã trưởng thành, nhưng còn đang nô nức, bước vào đời với bao nhiêu mộng đẹp, cuộc đời dang hai tay chào mời, con đường tương lai chỉ có hoa với nhạc, chỉ có hi vọng và hạnh phúc. Mình cũng nên thông cảm với tuổi trẻ, vì ngày xưa mình cũng vậy thôi. Tuổi đó cũng vẫn còn “ăn chưa no, lo chưa tới”.
Trong kinh điển có kể cuộc đời các vị vua “Chuyển luân vương” thời cổ đại xa xưa, khi con người tuổi thọ hàng vạn năm. Các vị vua ấy bảo người thợ hớt tóc, khi nào thấy trên đầu vua có một sợi tóc bạc, thì báo cho vua biết. Khi người thợ hớt tóc nhổ sợi tóc bạc rồi đặt lên tay vua, vua biết là mình đã già, trao quyền lại cho thái tử lớn nhất, rồi nhà vua đi vào núi Tuyết ẩn tu. Tiếp theo, cuộc đời của nhiều vị Chuyển luân vương tương tự như vậy, thành một truyền thống tốt đẹp.
Đọc truyện người xưa. Rồi ngẫm lại mình. Bây giờ, con người sống được bao nhiêu tuổi? Hai ngàn năm trước, Đức Phật cũng chỉ 80 thôi. Người xưa còn nói câu “thất thập cổ lai hi”, 70 tuổi cũng là hiếm thấy trên đời. Chúng ta cũng biết bắt đầu 50 là tiến trình lão hoá của thân (thiệt ra y học nói từ 20- 30 cũng đã có những chức năng bắt đầu ngưng phát triển, thì trở nên lão hóa từ từ). Để rồi 60- 70 là chuỗi ngày của suy vong và hoại diệt. Chúng ta cũng đã nhìn thấy tóc mình không còn mượt, môi không còn hồng, quá khứ thì trĩu nặng, tương lai không còn ánh sáng. Vậy mà mình vẫn cam tâm lầm lũi đi vào con đường ngõ cụt, không biết lối ra.
Con đường ngõ cụt. Chính là con đường đời. Con đường của danh, tiền và tình. Con đường của dục, của tham và ái. Để cả cuộc đời ngắn ngủi của mình phục vụ cho tình, tiền và danh, rồi ra đi tay không. Khác nào con dã tràng ở biển đông. Khác nào con tằm ngây thơ, làm cái kén đẹp, chui vào nằm trong đó, không biết một ngày sẽ bị luộc chín, chỉ vì cái kén tơ đẹp đẽ kia.
Thiền viện, ngày 25- 6- 2021
TN
Xe cát trên biển khổ.
Cát tình , cát tiền, cát danh...
Có nghe chăng sóng biển rù rì ?
Bùm...
Sạch.