Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - BÀI 51
Thiền Tông bắt đầu từ thế kỷ thứ VI, xem như từ năm 520, Tổ Bodhidharma, người Ấn Độ, sang Trung Hoa, truyền pháp, qua thêm 5 đời Tổ vị có truyền thừa y bát:
1- Tổ Bodhidharma
2- Tổ Huệ Khả
3- Tổ Tăng Xán
4- Tổ Đạo Tín
5- Tổ Hoằng Nhẫn
6- Tổ Huệ Năng
Ngài Huệ Năng không truyền y bát cho 1 đệ tử nào, vì ngài có 5 vị đệ tử giỏi trong số 33 vị sáng đạo. Năm vị đệ tử giỏi là:
1- Thiền sư Huệ Trung làm quốc sư
2- Thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư
3- Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng
4- Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác
5- Thiền sư Hà Trạch Thần Hội
Bắt đầu từ Lục Tổ Huệ Năng, Thiền Tông nở rộ tại Trung Hoa, khoảng thế kỷ thứ VII:
- từ môn phái của thiền sư Hành Tư về sau sinh ra Tông Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn.
- từ môn phái của thiền sư Hoài Nhượng, về sau sinh ra Tông Lâm Tế, Quy Ngưỡng.
Mặc dù cũng có thượng nguồn từ Đức Phật Thích Ca, tuy nhiên đã trải qua hơn 10 thế kỷ, truyền qua tới Trung Hoa, dòng Pháp bắt nguồn từ Tổ Bodhidharma trở về sau đã có một luồng gió mới qua yếu chỉ:
“Bất lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật”.
Các vị thiền sư đạt chứng ngộ qua những kinh nghiệm tức khắc, bất ngờ từ những phương cách thiện xảo đặc biệt của vị thầy nên các vị thiền sư này cũng truyền dạy đệ tử bằng những lời nói, cử chỉ bất ngờ, khó hiểu. Chủ ý là làm sao cho đệ tử bị sững sờ, bế tắc, không suy nghĩ được, tâm dừng bặt, liền rơi vào trạng thái tâm trống rỗng, tĩnh lặng, biết rõ ràng mà không suy nghĩ gì hết. Đó gọi là thấy tánh, tức nhận ra bản thể trong sạch của tâm mình. Cách này được gọi là Thiền Đốn ngộ, là đặc điểm của Tổ sư Thiền, không chú trọng tới việc giảng dạy giáo lý. Tuy nhiên, phải là căn cơ bén nhạy lắm mới có thể sáng đạo qua những thủ thuật kỳ đặc như đánh, đập, la hét, véo mũi…, nên có thể vì thế mà về sau chuyển qua Thiền Thoại đầu và Thiền Công Án.
Thiền Thoại Đầu do thiền sư Lâm Tế (thế kỷ IX) chủ trương, phương thức tu là “khán thoại đầu” tức là khởi lên 1 câu thiền ngữ do vị thầy cho, rồi khởi lên thường xuyên để tạo ra nghi vấn, nghi tình. Đến khi bế tắc, không suy nghĩ nữa, lập tức tâm rơi vào trạng thái rỗng lặng, trong sáng hoàn toàn, xem như thấy tánh.
Thiền sư Viên Ngộ Khắc Cần, thế kỷ XII, đã gom lại những thiền ngữ của chư vị Tổ sư làm thành một tác phẩm nổi tiếng “Công Án Bích Nham Lục”, tuy nhiên người đương thời cứ đem ra mà bàn luận mãi, thực hành sai chủ trương “Đốn ngộ”, nên 1 vị đệ tử của thiền sư Viên Ngộ, là thiền sư Đại Huệ Tông Cảo đã đốt sách Bích Nham Lục.
Về sau này, bên Trung Hoa thịnh hành lên Tịnh Độ tông cho tới ngày nay. Đầu thế kỷ thứ V, sư Huệ Viễn khởi xướng pháp môn Tịnh Độ bên Trung Hoa. Tiếp đến thế kỷ VI, sư Đàm Loan phát triển Tịnh Độ tông hơn nữa.
Thiền Công Án và Thiền Thoại Đầu tương tự nhau ở chỗ vị thầy cho người đệ tử một câu bí hiểm, có khi ngược đời, mà không giải thích gì hết, bảo người đệ tử thường xuyên khởi lên câu nói đó trong tâm, có một nghi tình, nghi vấn lớn, không suy nghĩ được, không hiểu được, trí năng bế tắc, đột nhiên tâm dừng, rơi vào trạng thái trống vắng hoàn toàn, tĩnh lặng bất động, bừng sáng biết rõ bản tâm của mình là như vậy, hoàn toàn trong sạch, không lay động, sáng suốt, ngoài ngôn ngữ, khó diễn nói gì. Như thế xem như đã nhận ra được câu trả lời, là “kiến tánh”, thấy được bản tánh, bản tâm, đồng thời nhìn ra cảnh cũng thấy được tánh của pháp. Tuy nhiên, có vô số mức độ của thấy tánh, nên trong đời tu của mình, phải có nhiều lần, nhiều trải nghiệm của tiến trình thấy tánh.
Trong Thiền sử, có câu công án này: “Muôn pháp về một, một về chỗ nào?”. Đây là một câu công án nổi tiếng, nhưng hễ là câu công án, thì không được trả lời, hễ có câu trả lời trình với vị thầy, chắc chắn bị ăn ba gậy, còn nếu vị thầy lắc đầu: “Về tham nữa đi!” thì cũng là giúp đệ tử tăng thêm nghi vấn cho tới khi bế tắc.
Nhưng hôm nay, mình viết về nó, chỉ vì mình có một ưu tư về một câu nói khác. Từ nhiều năm trước, khi được học chủ đề Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma trong khóa Bát Nhã trung cấp III, có bài “Vô Tâm trong Thiền” được các nhà khảo cổ người Anh tìm thấy ở di tích lịch sử Động Đôn Hoàng (Trung Hoa). Bài nầy được xem như là của Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Nội dung viết về câu chuyện một vị thầy giải thích cho một người đệ tử về chân như, mà trong bài dùng từ “vô tâm”. Cuối bài, người đệ tử “hoắc nhiên đại ngộ, nhận ra không có vật ngoài tâm, cũng không có tâm ngoài vật”.
Hôm nay chúng ta thử suy gẫm thêm về chỗ mà người đệ tử này nhận ra, là cái gì?
“Vật” trong bài đó, là cảnh bên ngoài, là tất cả hiện tượng thế gian, cũng là đối tượng của tâm.
“Tâm” ở đây là chân tâm hay vô tâm hay tâm như. Là cái Biết, thuần nhất chỉ là chính nó, cũng có thể nói cái biết trong sạch, khách quan, trung thực, chiếu sáng.
Khi ta mở mắt ngắm nhìn cảnh, thấy cảnh, biết cảnh, dù chúng ta có diễn nói hay không diễn nói, là cảnh ấy đã đi vào não bộ ta, bằng những xung lực điện tử, tới vùng thấy ở vỏ não, là vùng Cuneus ở thùy chẩm, ta mới nhận biết nó. Tương tự vậy, đối với sự nghe hay xúc chạm, các xung lực điện tử khi tới vùng Precuneus ở thùy đỉnh, ta mới nhận biết nó rõ ràng. Như vậy, tâm tạm nương gá trong cấu trúc vật chất là não bộ, và tâm được tạm xem như là phi vật chất. Khi ta nhìn cảnh bên ngoài, tâm phóng ra các tín hiệu tới tận đối tượng. Vậy tâm đã vươn ra tới đối tượng, bao trùm đối tượng.
Ngày xưa, thầy Thiền chủ đã xem Niệm (tiếng Pāli: Sati) hay cái biết, là một dòng điện (current). Bây giờ khoa học vật lý lượng tử cũng xem bản thể của vũ trụ là những làn sóng (wave) vô hình đối với giác quan con người.
Khi chúng ta thấy cảnh, có nghĩa là cảnh đang ở trong tâm ta. Khi chúng ta nghĩ nhớ tới cảnh thì cảnh cũng đang ở trong tâm ta. Khi chúng ta vẽ ra, tưởng tượng ra cảnh, cảnh cũng đang ở trong tâm ta.
Đó là “không có vật ở ngoài tâm”.
Tâm nói bình dân thì là cái Biết. Tuy nhiên khai triển ra thì có nhiều sắc thái, nhiều nội dung phức tạp dẫn tới nhiều kết quả khác nhau, từ đó mới phân ra vọng tâm và chân tâm, hay tâm phàm phu, tâm bậc thánh và tâm phật. Trong bài này, mình chỉ diễn tả bình dân thôi, cho gọn nhẹ dễ hiểu.
Cái Biết dường như cần có đối tượng thì nó mới hiển hiện rõ ràng, sắc nét, dù cho đối tượng cụ thể, hay không cụ thể, ngay cả không dính mắc, hay khách quan, như “cái đang là” thì tất cả cũng đều là cảnh, là vật, là đối tượng của tâm. Ngay như quan sát chính tâm mình, thấy rõ tâm đang tĩnh lặng, trống rỗng, thì cái tĩnh lặng trống rỗng đó vẫn là đối tượng của tâm. Nếu tâm chỉ yên lặng, không nhận biết rõ ràng cái gì hết, thì có thể rơi vào vô ký, hay trầm không, hay si định.
Đây là “không có tâm ở ngoài vật”.
Chúng ta thường dùng từ “cảnh” thay cho từ “vật”, vì từ “cảnh” phổ thông hơn.
Vậy gút lại, tâm và cảnh không rời nhau, tâm và cảnh không giống nhau mà cũng không khác nhau.
Tâm bao la vô cùng vô tận, cảnh cũng bao la vô cùng vô tận.
Tâm vi diệu thâm sâu, cảnh cũng vi diệu thâm sâu.
Tâm hoàn toàn trong sạch, cảnh cũng hoàn toàn trong sạch.
Tâm thường hằng bất biến, cảnh cũng thường hằng bất biến.
Tâm không thời gian không không gian, cảnh cũng không thời gian không không gian.
Tâm không sắc tướng, không âm thanh, cảnh cũng không sắc tướng, không âm thanh.
Vậy thì “Muôn pháp về một, một về chỗ nào?” có thể là muôn pháp đều về tâm, còn nếu thắc mắc: tâm về chỗ nào? Thì ăn gậy là phải rồi.
Bây giờ mới hiểu tại sao chư Thiền Đức ngày xưa ra đi không cần lưu lại dấu vết mà hê thống kinh Bát nhã ba la mật lại viết tràng giang đại hải về Không, Huyễn và Chân Như. Có phải vì chỗ đó ngoài ngôn ngữ, còn nếu dùng ngôn ngữ thì nói hoài cũng không xong?
Thiền viện, 6-4- 2024
TN
Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - BÀI 51
Click icon tam giác để nghe - Click icon ba dấu chấm để download