Triệt Như - Suối Nguồn Hạnh Phúc - BÀI 21
KHÔNG TRẢ GIÁ
Ngày ấy, từ rất lâu xa, có thể khoảng 15 năm trước, một lần đó Thầy Thiền Chủ hướng dẫn thiền sinh về thăm quê hương. Chủ ý về thăm Sư Ông, tới Trúc Lâm Đà Lạt, về các thiền viện ở Bà Rịa, Vũng Tàu, sau đó hướng xuống Vĩnh Long, thăm thầy ĐP. Rồi đoàn xe xuống tận Hà Tiên, thiền sinh được uống nước biển Hà Tiên!
Lúc đó, những ngày trước Tết, dọc đường quốc lộ, hay vào các ngõ trong tỉnh thành, đi một chốc là thấy một khu chợ nhóm đông người, tấp nập. Bày hàng bên lề đường, nào là dưa hấu, cam quít, trái cây bán Tết. Có lần, ghé xe lại, thiền sinh mình sà xuống mua trái cây. Hỏi giá bao nhiêu một chục? Rồi quen miệng trả giá bớt xuống. Chị bán hàng, hiền lành, cười:” Mấy cô ơi, ở đây, một chục là 16 lận, không phải 12 đâu!” Thế là bà con mừng quá, rối rít mua.
Vì người ta lo mua sắm Tết, nên bãi biển Hà Tiên hôm đó vắng người. Thầy một mình đi dạo trên con đường sát biển. Du khách vắng lắm. Chỉ có lưa thưa vài người dân buôn bán lẻ dọc bờ cát. Trên đường đi bộ, một bà ngồi bán cái gì đó, trong cái thúng nhỏ để trước mặt. Ngồi một mình, không chào mời. Thầy đi ngang đó, Thầy dừng lại, nói gì đó. Rồi bà bán hàng lật đật lấy bao giấy ra. Mình ở xa thấy, biết là Thầy đang mua hàng. Mình đi tới, sẵn sàng trả tiền, vì Thầy giao cho mình giữ tiền chi phí cho cả đoàn. Nhìn vào thúng, ngạc nhiên quá, cái gì? Tôm khô, các bạn ơi!
Lúc đó, không dám hỏi Thầy, chắc mình có nhìn Thầy, nhưng Thầy làm lơ, chỉ chăm chú ngó bà bán hàng thôi. Bà bán hàng mừng rối rít, lấy tất cả tôm khô bỏ vào bao rồi cân, cái cân bằng tay. Xong bà trao cho Thầy, và mình trả tiền. Mình ôm cái bọc tôm khô, đi được một quãng, xa bà bán hàng rồi, mới hỏi nhỏ Thầy:
- Thầy mua tôm khô chi vậy?
Thầy cười không trả lời.
Mình làm gan hỏi thêm một câu nữa:
- Sao Thầy không trả giá?
Thầy ngó ra biển, như không nghe, không trả lời. Trong đầu mình lúc đó, lầm bầm: Chắc Thầy tưởng ở Mỹ, nên quên trả giá!
Sau đó, dường như Thầy đem phân chia cho các thiền sinh tất cả tôm khô. Câu chuyện chỉ vậy thôi, tưởng đã quên mất rồi, mới đây, trong lúc gặp mặt nhau, có thiền sinh nhắc lại Thầy và nói lớn: Không trả giá nha! Tất cả cười ha ha.Trong lòng học trò kỳ cựu của Thầy, chắc đều biết: Thầy mình nghèo mà xài sang!
Trong suốt khoảng thời gian từ năm 2000 tới 2019 có thể Thầy đã dẫn thiền sinh hành hương Ấn Độ 10 lần. Ngay cả mấy năm sau cùng, đi đứng không được, mà Thầy vẫn cương quyết đi. Lúc trước 1$ US đổi ra tiền Ấn khoảng 40$ rupees. Thầy cầm một cộc tiền dầy cộm, bóc ra phân phát cho một dọc nhân viên các khách sạn. Mình chỉ trọ mỗi nơi một đêm, hay hai đêm thôi. Chỉ ở Bồ Đề Đạo tràng mới trọ một tuần. Ngày cuối, nhân viên tụ lại tới phòng Thầy, đợi Thầy thưởng. Thiền sinh nhìn Thầy, không dám nói gì, người Ấn Độ vui cười hớn hở, Thầy cũng vui cười đùa giởn với họ. Chỉ thiền sinh nói nhỏ với nhau: “Thầy nghèo mà sao xài sang vậy ha!”
Không những vậy, khi tiếp xúc với Tour Ấn Độ, họ nói bao nhiêu, Thầy đều chấp thuận, không cho ai trả giá. Thiền sinh biết ý Thầy, ai đồng ý thì tham gia, không thì thôi. Tới cuối chuyến hành hương, Thầy luôn luôn phát quà kỷ niệm cho tất cả thiền sinh và thưởng công cho mỗi người trong Tour nữa. Vậy mà cũng có thiền sinh phát tâm đưa tiền thêm cho Thầy phát ra vung vít. Ngộ quá ha, Thầy xài sang mà là tiền của người khác không hà. Và ngộ nữa là ai cũng vui hết.
Bây giờ kể chuyện ở Tổ Đình. Khoảng 5 năm trở về trước. Năm 2015, ngày lễ kỷ niệm 20 năm hoằng hóa, các bạn thấy có mặt đầy đủ tăng ni kỳ cựu theo Thầy từ buổi đầu, “thuở hàn vi, hột muối chẻ làm hai” đó. Tức là từ 20 năm qua, tăng ni thường trú tại thiền viện chỉ để tu thôi. Thiền viện rộng hơn 4 mẫu đất, quí tăng ni ai cũng nhiều tuổi rồi, khi đó mình là nhỏ tuổi nhất, được “cưng” nhất, mà đã 63 tuổi! Cho nên có vị cười: dưới trướng của Thầy toàn là “lão tướng”! Sau này có thêm vài đợt xuất gia nữa, kỷ lục nhỏ tuổi bị mất rồi. Tuy vậy, mục đích xuất gia vẫn là chỉ tu thôi, Thầy không quan tâm tới làm thiền viện lớn hơn, hay sửa sang thêm, nên quí Thầy chỉ lo những công việc nhẹ trong thiền viện: tưới cây, nhổ cỏ, quí Ni lo việc ăn uống cho tăng đoàn.
Vì vậy những việc nặng nhọc hơn phải mượn người bên ngoài. Có khi cần lót gạch con đường thiền hành dài, có khi phải đào đất trồng cây trái, có khi cưa cây, khi làm thêm cốc nhỏ, phải mượn một hay hai chú thanh niên khỏe mạnh người xứ khác tới làm giùm. Có lúc mượn làm liên tục, có khi một tuần tới 2 ngày, vì tăng đoàn càng ngày càng già yếu. Cho nên chi phí này là một ưu tư chung, mỗi người ít nhất là 100$ một ngày, so với mức lương chính thức là quá rẻ, nhưng vì thiền viện không có nguồn lợi tức ổn định nào nên cũng làm mình lo.
Có khi quí Thầy Cô nói nhỏ:
- Cô TN ơi, cô trình Thầy đi, thôi không mượn mấy chú đó nữa. Sao Thầy cứ mượn hoài, năm này qua năm khác, giống Thầy nuôi “con” vậy.
Lúc đó, mình cũng lo lo, có lần thưa với Thầy:
- Thưa Thầy, trương mục ngân hàng của mình có mấy lần bị phạt vì hết tiền. Quí Thầy Cô cũng nói thôi mình bớt công việc lại, không mượn mấy chú đó nữa. Quí Thầy nói sao Thầy thương mấy chú đó như con vậy.
Thầy cười:
- Ờ. Chắc Thầy mắc nợ nó.
Rồi thì mọi chuyện vẫn như cũ, không những Thầy vẫn kiếm công việc cho mấy chú làm, mà thỉnh thoảng Thầy vẫn thưởng riêng thêm tiền nữa chứ.
Thường ngày, chú làm giúp mấy năm rồi, đi qua đi lại ai cũng biết mặt. Mặt mũi dễ thương, thấy ai cũng cười chào. Tuy da ngâm ngâm đen, nhưng nét mắt nét cười rất hiền và đẹp, làm việc nặng nhọc nên khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Ở ngoài nắng hoài làm sao không đen. Mình cũng biết vì nghèo nên phải dãi dầu mưa nắng như vậy, có sức khỏe nên phải đem sức khỏe ra mà đổi lấy tiền nuôi gia đình ở xứ khác, lâu lâu mới về thăm. Khi nào có việc nhiều, chú kêu thêm đứa em trai nữa.
Có một lần, ngó quanh không có ai, Thầy nhờ mình cầm tiền ra trả công cho chú đó.
Hôm đó, chưa tới giờ về, trời còn nắng chang chang, chú đang lui cui ở chỗ cái hồ, thấy mình đi tới, chú ngẩng lên cười. Mình cũng cười, giơ tấm giấy tiền lên, chú đứng lên bước tới, giơ tay ra nhận tiền. Lúc đó vô ý, tay chạm nhẹ vào mấy ngón tay của chú, cảm nghe làn da chai cứng.
Trở vào nhà, có một nỗi niềm gì đó đang dâng trào. Tuổi trẻ, cái tuổi còn đang đi học. Hiền lành như vậy. Mà sao phải dang nắng chang chang, mồ hôi, bụi bặm, mà vẫn cười. Bàn tay đáng lẽ còn cầm viết, còn ngồi trong lớp học có máy lạnh, mà sao phải cầm đá, cầm gạch, cầm búa, cầm cưa, giữa trời nắng chang chang như vầy. Mới 20 tuổi chứ gì, sao phải hi sinh tuổi trẻ để nuôi cha mẹ anh em, qua xứ này, làm thuê kiếm sống từng ngày. Ôi, bàn tay chai sạn, chai cứng. Tuổi thơ cũng chai sạn, chai cứng, phải đổ mồ hôi mà chan với cơm.
Mình mới hiểu, sao Thầy kiếm việc này việc kia cho chú làm hoài, và thường thưởng thêm nữa. Từ đó, mình không bao giờ băn khoăn sao Thầy nghèo mà xài sang.
Bây giờ, mình cũng nghèo mà xài sang nữa, các bạn ơi. Mấy năm sau này, Thầy yếu, mình đã tổ chức ba chuyến hành hương Ấn Độ- Nepal mà không có Thầy. Tour Ấn Độ, vẫn là người quen cũ, nói chi phí bao nhiêu, mình đều chấp thuận. Mặc dù họ nói thêm một câu, nghe “hấp dẫn” lắm: “Cô muốn trả chi phí bao nhiêu, cũng được”. Ba chuyến hành hương đều êm xuôi tốt đẹp.
Kết luận của mình, cũng là câu nói của nhóm thiền sinh kỳ cựu của Thầy là: “Không trả giá!” khi sống trong đời. Sao vậy? Khi người ta nói giá nào là họ muốn giá đó. Mình đồng ý giá đó, là người ta sẽ vui, phải không? Người tu là luôn luôn làm cho người khác vui. Vậy thì “không trả giá”.
Các bạn ơi, vị Thầy thì hiểu tâm ý của đệ tử, mà người đệ tử làm sao hiểu thấu được tâm lượng bao la của vị Thầy.
(CLICK vào icon tam giác để nghe - CLICK vào icon 3 dấu chấm để download)
- Tag :
- Ni Sư Triệt Như
Đồng ý là thuận mua vừa bán.
Có lời và không lời nằm sau sự việc.
Nhân nơi đây ta có cơ tìm thấy ánh sáng.
Không trả giá chính là suối nguồn hạnh phúc.