NĂM TIÊU CHUẨN CƠ BẢN DỤNG CÔNG CÓ KẾT QUẢ
Để có khái niệm tổng quát về nội dung trong tiến trình dụng công có kết quả, chúng tôi thiết lập 5 tiêu chuẩn cơ bản. Muốn thực hành thiền có kết quả, người mới đi vào đường Thiền cần hội đủ 5 tiêu chuẩn cơ bản này.
1. Tự lực
Ý nghĩa
Thông thường dụng ngữ “tự lực” được dùng để chỉ cho sự tự dựa vào sức của mình để làm điều gì, việc gì mà chính ta cần có kinh nghiệm về việc đó. Ta không thể nhờ sự giúp đỡ của người khác để ta có kinh nghiệm về việc đó được. Ta cũng không thể cầu nguyện thần linh, hoặc Phật, hay Bồ tát ban cho ta kinh nghiệm đó được. Thí dụ, khi đói, chính ta cần phải ăn, ta mới kinh nghiệm no như thế nào. Khi khát, chính ta cần phải uống, ta mới kinh nghiệm đả khát ra sao. Khi muốn ngộ đạo, chính ta cần phải tự mình dụng công như thế nào đó, ta mới kinh nghiệm ngộ đạo xảy ra như thế nào trên chính thân, tâm và trí tuệ của ta. Nói chung, chính ta phải tự thực hành hay tự dụng công, ta mới có kinh nghiệm điều đó trên thân, tâm, và trí tuệ của ta. Không thực hành, ta không thể kinh nghiệm được. Đó là ý nghĩa của “tự lực” được hiểu rộng rãi trong dân gian. Với tinh thần này, “tự lực” đối lập với “tha lực.” Vì “tha lực” không thể giúp thân, tâm và trí tuệ của ta kinh nghiệm được hết đói, hết khát, hay sự bừng sáng lên của trí tuệ tâm linh khi ta ngộ đạo.
Ý nghĩa sâu sắc của “tự lực.”
Tuy nhiên, trước khi cụ thể hóa tinh thần “tự lực” trong công việc nào đó, người “tự lực” phải hội đủ những điều kiện cần thiết cơ bản khác, rồi mới áp dụng tinh thần “tự lực” trong công việc mà người “tự lực” sẽ tiến hành. Nếu không hội đủ những điều kiện cần thiết, nguyên tắc “tự lực” sẽ không cụ thể hóa được. Chỉ vì trên căn bản, “tự lực” chỉ là sự phản ánh ý chí, quyết tâm, và sự tự tin nơi khả năng của chính mình có thể thực hành được điều gì hay kinh nghiệm điều gì. Chứ nó không phải là phương tiện để đạt được điều gì." Muốn đạt được mục tiêu, người thực hành phải được trang bị thêm những khả năng hay những năng lực cần thiết phù hợp theo công việc hay mục tiêu nhắm đến. Rồi sau đó với sức của mình, người chủ trương “tự lực” đứng ra thực hiện.
Thí dụ, tôi hạ quyết tâm “tự lực” dụng công để làm cho Phật tánh được bật ra, vì tôi biết rằng Phật tánh tuy vốn có sẵn trong tất cả con người, nhưng tôi phải “tự lực” dụng công như thế nào đó, Phật tánh mới có đủ điều kiện bật ra được. Nếu tôi không dụng công, Phật tánh không thể bật ra. Sau đó, dưới sự hướng dẫn theo sách dạy thiền của 1 vị thiện tri thức, tôi áp dụng phương pháp Sổ tức. Rồi trải qua nhiều năm hít vào thở ra và đếm từ 1 đến 10, cuối cùng tôi vẫn không kinh nghiệm được Phật tánh bên trong trí tuệ tâm linh của tôi ra sao.
Như vậy sự “tự lực” của tôi chỉ là sự phản ánh ý chí quyết tâm của tôi, chứ nó không phải là phương tiện để tôi kinh nghiệm được mục tiêu mà tôi đã nhắm đến. Do đó, muốn kinh nghiệm được mục tiêu, tôi phải được trang bị thêm Giáo lý và những kỹ thuật thực hành thích hợp với mục tiêu tôi nhắm đến. Thiếu Pháp học và Pháp hành, sự “tự lực” của tôi chẳng mang lại kết quả cụ thể nào trên đường tu. Đó là ý nghĩa sâu sắc của tinh thần “tự lực.”
Yếu tố "tự lực" trong Thiền
Thông thường trên phương diện tâm linh, người “tự lực” là người tự mình nỗ lực dụng công hay luyện tập pháp môn nào đó để chính người đó tự kinh nghiệm được mục tiêu mà người đó nhắm tới. Kinh nghiệm này là kinh nghiệm tâm linh, Thiền ngữ gọi là ngộ, chứng ngộ, hay hoàn toàn chứng ngộ. Người này không thể cầu nguyện những đấng thần linh giúp đỡ để có kinh nghiệm tâm linh được. Hoặc một người tu thiền muốn có kinh nghiệm thân-tâm hài hòa, trí tuệ phát huy, thể nhập chân tánh hiện tượng thế gian để không còn phiền não, người ấy phải tự mình dụng công những pháp nào đó mới có kinh nghiệm được. Người ấy biết rằng cầu nguyện chư Phật hay chư Bồ Tát giúp đỡ để có kinh nghiệm chứng ngộ thì không bao giờ được. Vì không ai có thể giúp mình chứng ngộ bằng chính mình phải tự nỗ lực thực hành. Không thực hành, ta không bao giờ kinh nghiệm ngộ hay chứng ngộ. Do đó, trong phạm vi Thiền, ý nghĩa của “tự lực” là chính người thực hành phải tự mình thực hành các pháp do Phật dạy trong kinh hay chư Tổ giảng trong Luận để có những kinh nghiệm thực sự trên thân, tâm và trí tuệ của chính mình.
Trước khi thực hành, vị ấy đã nhận ra rằng muốn chuyển tâm mê thành tâm giác, tâm đố kỵ thành tâm phóng khoáng, người ấy phải học đúng theo Giáo lý của Phật và các kỹ thuật thực hành, rồi sau đó miên mật áp dụng pháp học và pháp hành trong đời sống hằng ngày hay trong việc thực hành thiền trong 4 oai nghi. Nếu không học Giáo lý, không học các kỹ thuật thực hành, vị ấy sẽ không biết gì để thực hành. Nhưng nếu có học Giáo lý mà không thực hành, vị ấy cũng không bao giờ kinh nghiệm được thân-tâm hài hòa và trí tuệ phát huy. Cũng như muốn trừ được bệnh huyết áp cao và ngăn ngừa được bệnh tai biến mạch máu não, người ấy phải thực hành các phương pháp thở trong Thiền mới đưa lại thân khỏe mạnh. Vị ấy nhận ra rằng, trên thực tế, không có ai giúp cho vị ấy được khỏe mạnh bằng chính vị ấy phải thực hành các pháp trong Thiền. Nhưng muốn thực hành, điều kiện cần là vị ấy phải được học các phương pháp thở trong Thiền hay được sự hướng dẫn trục tiếp của một vị thầy có kinh nghiệm lâu năm về cách thở trong Thiền. Và muốn được học, người ấy còn hội đủ thêm nhiều điều kiện cần thiết khác nữa, như những phương tiện vật chất hỗ trợ việc học, vân vân. Thiếu những phương tiện vật chất cơ bản này, “tự lực” thực hành Thiền sẽ không được cụ thể hóa.
Giống như khi bị bệnh, vị ấy phải đi khám bệnh, rồi thầy thuốc cho toa mua thuốc. Mua thuốc xong, vị ấy phải uống thuốc theo lời dặn của thầy thuốc. Không uống thuốc, bệnh không thể chữa... Nhưng điều kiện cơ bản là vị ấy phải có là tiền và phương tiện di chuyển để đi khám bệnh và mua thuốc. Không có phương tiện vật chất này, sự “tự lực” không thể thành tựu.
Mặt khác, Pháp của Phật được so sánh như là những vị thuốc, chính người ấy phải tự uống mới chữa dứt khỏi những chứng bệnh từ bên trong thân và tâm của vị ấy. Sự tự uống này tương xứng với nghĩa “tự lực” thực hành. Vị ấy phải tự mình thực hành. Không có ai thực hành thế cho vị ấy được. Vị ấy cũng nhận ra rằng không thể cầu nguyện Phật từ bi giúp đỡ vị ấy được thân-tâm hài hòa. Trái lại, chính vị ấy phải tự mình nỗ lực dụng công mới hy vọng đạt được mục tiêu thân-tâm hài hòa.
Như vậy, tự nỗ lực dụng công để có kinh nghiệm ngộ, chứng ngộ hay hoàn toàn chứng ngộ là yếu tố “tự lực” trong Thiền.
Vai trò của cá nhân
Không có “tự lực,” Thiền không thể cụ thể hóa được chức năng của nó là giúp người thực hành kinh nghiệm thực sự trên thân, tâm và trí tuệ của chính vị đó như thế nào. Vì chỉ có cá nhân tự mình ứng dụng Pháp của Phật hay lời dạy của Tổ mới có khả năng kinh nghiệm những mức độ điều chỉnh bệnh tật trong thân, chuyển hóa tâm, và thăng hoa trí tuệ. Không ai có khả năng thay thế cá nhân để chiến đấu chống lại những đam mê, ghiền nghiện, chống lại những dính mắc, tham đắm danh, lợi, tài, sắc, ăn, uống, ngủ, nghỉ, thương, ghét, khen, chê từ trong tâm và não của cá nhân. Bởi vì chính não bộ mang những thứ bệnh ghiền. Nó đòi hỏi tâm phải thỏa mãn cho nó. Tuy nó vốn do tâm huân tập các thứ ghiền, nhưng ngược lại nó tác động tâm. Nó đòi hỏi tâm phải cung cấp những thứ mà tâm đã tẩm ướp cho nó trước đây. Bây giờ muốn đào thải các chất lậu hoặc/tập khí đó ra khỏi tâm và não, chính cá nhân phải tự mình nỗ lực dụng công. Chỉ vì tập khí/lậu hoặc tham đắm, say mê, ghiền nghiện, và dính mắc đã huân tập trong tâm và não con người thành những khối kiên cố. Con người khó có thể buông bỏ những thứ nói trên, cho dù con người biết rằng những thứ đó cuối cùng đều đưa đến phiền não và khổ đau, nguy hại và mất hết tác phong đạo đức, con người vẫn bám chặt chúng để thoả mãn những đòi hỏi của 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Trong lúc đó, Thiền có khả năng mang lại an lạc lâu dài, phát huy năng lực sáng tạo, giúp cuộc sống thế tục được cải tiến hơn, nhưng vì nó đòi hỏi sự tự lực nên nó không thích hợp với người chuyên cầu tha lực và người thích bám chặt vào danh, lợi, tài, sắc, ăn, uống, ngủ, nghỉ, bài bạc, rượu chè...
Chính vì thế, trong kinh nghiệm tâm linh, Thiền đòi hỏi cá nhân phải tự mình “tự lực” thực hành. Thiếu “tự lực” thực hành, ta không thể kinh nghiệm những mức độ tâm linh chuyển biến. Nhưng muốn “tự lực,” vị ấy cần có sức khỏe, có kiến thức và trí thông minh tối thiểu để học, để nghe, để suy nghĩ dưới sự hướng dẫn của một thiện tri thức để thực hành. Do đó, phía sau của sự “tự lực” là những điều kiện chủ quan và khách quan khác mà người “tự lực” cần hội đủ. Nếu không hội đủ các điều kiện đó, “tự lực” không thể thực hiện được.
Đây là tiêu chuẩn thứ nhất.
2. Nhu cầu
Ý nghĩa
Thông thường nhu cầu là điều cần thiết, cần phải có. Cũng như khát nước, ta cần phải tìm nước để uống hay ăn những thứ gì có chất nước. Nước là nhu cầu.
Trên mặt lý thuyết, trong bất kỳ sự thiết lập chương trình kế hoạch nào cũng đều dựa trên nhu cầu. Nhu cầu là tác nhân đưa đến hành động. Không thể có hành động hay không thể có sự thực hành mà không có nhu cầu cần phải thực hành. Do đó, nhu cầu là sự đòi hỏi phù hợp với ý muốn cụ thể của riêng từng người về vấn đề nào đó mà người đó nhận thấy thông qua sự thực hành, họ có khả năng đáp ứng đúng sự mong muốn của họ về vấn đề nào đó. Trong cuộc sống con người, có nhiều loại nhu cầu: nhu cầu vật chất, nhu cầu tinh thần và nhu cầu tâm linh.
Phần lớn nhu cầu tinh thần thường có khuynh hướng dựa vào tha lực. Nó thuộc về kinh nghiệm tôn giáo. Thí dụ như cầu nguyện một đấng thiêng liêng nào đó phù hộ, che chở cho tai qua, nạn khỏi, hay buôn may bán đắt. Còn trên nguyên tắc tự lực, họ không dựa vào tha lực; trái lại, tự trông cậy vào sức của họ để thực hiện chương trình kế hoạch theo nhu cầu mà họ cần đạt được trong chừng mực nào đó.
Đặc tính của nhu cầu này được xếp là nhu cầu thiết thực hay thực tiễn. Ta có đủ khả năng để thực hiện. Nó nằm trong tầm tay của ta. Nó phù hợp với hoàn cảnh, tâm lý, khả năng, và trí tuệ của ta.
Thí dụ 1:
- Vì cần giao dịch với người Hoa về vấn đề thương mãi, tôi quyết tâm phải học tiếng Hoa. (Trong sự quyết tâm này, tôi cũng phải hội đủ những khả năng sẵn có của tôi, như khả năng tài chánh, khả năng trí nhớ, khả năng lái xe đến nơi học, vân vân.) Sau khi tìm được vị thầy có nhiều kinh nghiệm dạy đàm thoại Hoa ngữ, tôi ghi tên học. Khi học, tôi cố gắng dành nhiều thì giờ để thực hành đàm thoại lâu dài bằng tiếng Hoa qua những phương tiện khác nhau như nghe băng thâu âm về đàm thoại, xem băng hình, hoặc thực tập đàm thoại, luyện giọng trực tiếp với người hướng dẫn có nhiều khả năng sư phạm. Để sự quyết tâm duy trì và thành quả trông thấy được, tôi luôn luôn kiên nhẫn thực tập luyện giọng, dù sự luyện giọng rất khó khăn, và nói chuyện bằng tiếng Hoa với số từ ngữ mà tôi đã quen thuộc. Tôi không chán nản cũng không nhút nhát. Mỗi khi có giờ đàm thoại tôi đều không bỏ lớp. Qua những sự thực tập như thế trong thời gian 6 tháng hay 1 năm, cuối cùng tôi bắt đầu nghe và nói được những lời trao đổi thông thường với người Hoa. Đây là thông qua sự tự lực, sự quyết tâm, sự kiên nhẫn, khả năng, tôi đạt được nhu cầu muốn nói tiếng Hoa với người Hoa.
Thí dụ 2:
- Ngoài ra, cũng người chỉ thích tò mò muốn biết Thiền là pháp môn thực hành như thế nào, có khả năng gì đối với thân-tâm và trí tuệ con người, nên vị ấy chỉ bỏ thì giờ để đi sưu khảo các loại thiền đang thịnh hành trong xã hội, rồi làm giàu cho số vốn kiến thức về Thiền của mình, chứ không bắt tay thực hành. Trên thực tế, tuy vị ấy cũng thỏa mãn nhu cầu cần thiết của mình, song vị ấy chỉ đáp ứng sự tò mò của vị ấy. Vì vậy, trên mặt trí tuệ tâm linh, vị ấy không gặt hái được điều gì, trên phạm vi thân-tâm, vị ấy cũng không cân bằng được. Cho nên vị ấy không tạo ra được sự hài hòa giữa thân và tâm của vị ấy.
Thí dụ 3:
- Có thể có người thấy Thiền là dụng cụ có khả năng giúp vị ấy chữa bệnh tâm thể, chữa bệnh cao máu, bệnh căng thẳng thần kinh hay uất cảm (stress), bệnh mất ngủ, não bộ được hồi phục những chức năng bình thường của nó, hoặc có người nhận thấy Thiền có khả năng đem lại trí tuệ cho mình, hay Thiền có khả năng làm cho tâm của vị đó trở nên thanh thản, an lạc, bớt dính mắc, sống an vui với mọi người chung quanh, não bộ loại bỏ được những thứ bệnh đam mê, ghiền nghiện ngũ dục; rồi tùy theo hoàn cảnh của mình, vị ấy liền bố trí thì giờ thuận lợi để tham dự khóa Thiền hoặc dài hạn hay ngắn hạn. Những sự cần thiết nói trên là nhu cầu thiết thực.
Vị ấy biết đầu tư thì giờ vào việc học và thực hành các phương pháp hay kỹ thuật được qui định trong từng giai đoạn của Thiền. Đến khi thực hành có kết quả liên hệ đến tâm, thân, não bộ, và trí tuệ, vị ấy nhận ra đó là nhờ sự tự lực của chính vị ấy, chứ không phải nhờ tha lực. Vị ấy thấy mình đã quyết tâm, đã kiên nhẫn, đã trải qua thời gian dài dụng công 3 tháng hay 6 tháng, và đã học đúng pháp, áp dụng đúng kỹ thuật dưới sự hướng dẫn của vị thầy có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về sự thực hành Thiền.
Thí dụ 4:
- Hoặc có người thích môn tu Quán để chuyển đổi nhận thức cũ thành nhận thức mới, hỗ trợ cuộc sống thế tục được thăng tiến hơn, gia đình được an vui hơn, vị ấy chọn Thiền Quán để thực tập. Cũng có người muốn điều chỉnh những chức năng trong não bộ để tâm được ổn định, không lăng xăng dao động trước tất cả đối tượng, tạo được năng lực định để chữa bệnh tâm thể như huyết áp cao, rối loạn nhịp tim, tiểu đường, mất ngủ, loét bao tử, thần kinh căng thẳng...thì tu theo Thiền Định. Ngoài ra, có người thấy cần phát huy trí tuệ tâm linh, dẹp quán tính suy luận trí năng để cân bằng thân-tâm và phát huy được năng lực sáng tạo từ vùng tánh giác, giúp cho cuộc sống thế tục có nhiều ý nghĩa hơn thì vị ấy thực hành theo Thiền Huệ.
Trên nguyên tắc, tất cả người thực hành đều tự lực và đều nhận ra mình có nhu cầu thiết thực trước khi bắt tay dấn thân theo Thiền. Nhờ thế họ đã thực hành có hiệu quả trong từng giai đoạn, theo từng phương tiện thực hành.
Tóm lại, nhu cầu thiết thực là những đòi hỏi phù hợp riêng với sự cần đến điều gì của từng người. Thông qua sự thực hành trong từng giai đoạn, người ấy có khả năng kinh nghiệm được những tác dụng do thực hành tạo nên đối với thân, tâm, và trí tuệ vị đó. Nó dựa vào mức độ tự lực của cá nhân. Nếu tinh thần tự lực của cá nhân cao, thành quả dụng công sẽ được nâng cao. Tinh thần tự lực thấp, thành quả sẽ chẳng được điều gì.
Nhu cầu tâm linh
Trong tiến trình thực hành Thiền, ta sẽ trải qua nhiều lần thử nghiệm giữa trúng và trật hay giữa thất bại và thành công. Trong đó không thiếu vắng sự quyết tâm, ý chí, và kiên nhẫn. Tuy nhiên, ở đây nhu cầu thiết thực của Thiền khác hơn nhu cầu thiết thực ở ngoài đời. Nhu cầu này là nhu cầu tâm linh.
- Nhu cầu tâm linh được đặc tính hoá là không có tranh chấp với đời mà tranh chấp với tự ngã; không có đòi hỏi những đấu tranh điên đảo, giết hại lẫn nhau mà đấu tranh với mình để hàng phục vọng tâm, xua tan vọng tưởng; cũng không đòi hỏi những thú vui ngũ dục mà là những trạng thái hỷ lạc của sơ thiền, sự thanh thản của tam thiền. Những đức tin sai lầm, mù quáng, mê tín, và cuồng tín cũng không có trong nhu cầu tâm linh. Trái lại, thế vào đó là thấy như thật, biết như thật về hiện tượng thế gian để quân bình thân-tâm và điều chỉnh năng lực hoạt động của trí năng vào hướng tỉnh ngộ. Nó không mang bệnh tôn thờ thần tượng cá nhân, bệnh cá nhân chủ nghĩa, tức bệnh ngã chấp hay bệnh sống chỉ biết đến quyền lợi của mình mà quên đi quyền lợi của người khác.
- Đặc biệt, với nhu cầu tâm linh, cá nhân chuyển hóa tâm dính mắc, chấp trước thành tâm phóng khoáng, rộng lượng, bao dung, và từ bi; không bới lông tìm vết, không vạch lá tìm sâu, không thành kiến, định kiến chủ quan với mọi người chung quanh. Ngoài ra thông qua ứng dụng các chủ đề trừu tượng của Thiền, vai trò của nhu cầu tâm linh có khả năng giúp cá nhân thành tựu nhân chứng. Đây là tánh giác trở thành năng lực vững chắc trước ý thức (viññāṇa) và đối tượng hay tánh giác đứng trước các căn và đối tượng của các căn. Điều kiện cơ bản của yếu tố tự tại hay giải thoát được đặt trên cơ sở này. Nơi đây, nghiệp thức không còn đóng vai chủ động mà chính năng lực tánh giác.
- Nhu cầu tâm linh có tác dụng giúp trí năng của cá nhân tỉnh ngộ. Đây là kinh nghiệm tâm linh ở mức thấp. Cá nhân không còn sống khắt khe, cố chấp hay hẹp hòi với mọi người như trước đây nữa. Cá nhân không còn vướng mắc vào bệnh “thích tìm lỗi người để phê bình, chỉ trích,” trái lại ta biết quay vào mình để tìm thấy những lỗi nhỏ nhặt của mình mà sửa chữa, hoặc khai triển năng lực biết không lời của tánh giác. Cá nhân không còn mang bệnh ganh tị nhỏ nhen, bệnh gây khổ cho người khác bằng những lời lẽ dán nhãn, chụp mũ, rồi ngụy biện cho rằng ta sách tấn và “thử lòng” kẻ đã bị ta hạ bệ, bêu xấu trước công chúng. Đây là cá nhân dựa vào các chủ đề được qui định trong Thiền Quán, Thiền Định, hay Thiền Huệ để miên mật thực tập trong 4 oai nghi.
Khi đã thực sự miên mật thực tập dưới sự hướng dẫn của một vị thầy hay một vị thiện tri thức, cá nhân có thể điều chỉnh được bệnh tật của thân, thông qua những mức độ tâm định hay qua những trạng thái chánh niệm tỉnh giác, tỉnh thức biết, thầm nhận biết đối tượng chung quanh mà trí năng không dao động. Hoặc thông qua những pháp của Thiền Định cá nhân sẽ cân bằng được thân và tâm. Đó là thân khỏe mạnh, tâm an tịnh vững chắc. Những thứ gió danh, lợi, tài, sắc, phỉ báng, suy vi, ca tụng, tán dương, khen ngợi, chê bai, nói xấu, hạ nhục, bất toại nguyện, và hạnh phúc không còn làm cho tâm xao xuyến hay rung động.
- Tóm lại, nhu cầu tâm linh có tác dụng hỗ trợ cuộc sống thế tục của cá nhân được an vui hơn, lành mạnh hơn, hài hòa hơn, sáng tạo hơn. Điều cơ bản là tác dụng của nhu cầu tâm linh có khả năng tạo ra sinh hoạt nội tâm cá nhân trở nên an tịnh và trầm lặng. Nó giúp cho cuộc sống thế tục của cá nhân được cải tiến hơn. Bao nhiêu dính mắc và chấp trước, đố kỵ và nghi kỵ sẽ từ lần được gạn lọc ra khỏi tâm si mê cố chấp. Thần sắc đen tối của cá nhân sẽ trở nên trong sáng, phong thái chậm lụt sẽ trở nên linh hoạt, trí tuệ u tối sẽ có cơ hội bừng sáng. Cá nhân nhận rõ chân tánh hiện tượng và thông suốt những nguyên lý sinh diệt của thế giới hiện tượng. Trong đó, tiềm năng sáng tạo sẽ có điều kiện từ lần được triển khai rộng lớn. Hoặc thông qua những phương thức thực hành Thiền Quán, Thiền Định và Thiền Huệ, bệnh tâm lý hay bệnh tâm thể của cá nhân sẽ có cơ hội được điều chỉnh hay chữa dứt.
Xác định hướng đi
Khi nhận ra Thiền là nhu cầu tâm linh cần thiết cho cuộc sống của ta, ta sẽ đến với Thiền bằng thái độ phấn khởi. Đây là động cơ cần thiết. Từ động cơ này, ta bắt đầu xác định hướng đi. Xác định hướng đi có tính cách xác định việc xây dựng quan niệm mới, cách nhìn mới, tư duy mới, lập trường mới của ta trên đường tâm linh thiết thực qua việc dụng công thực hành Thiền. Ta gạt bỏ những mơ ước không thiết thực do trí năng thêu dệt, vẽ vời. Ta không để trí năng tưởng tượng những hình ảnh tươi đẹp của những mơ ước không thiết thực đối với cuộc sống tâm linh. Ta không nghi ngờ về Con Đường ta sẽ đi, đang đi hay đã đi.
Ta vững tin trên bước đường thực tập Thiền Quán, Thiền Định hay Thiền Huệ. Ta nhận ra rằng mỗi thứ Thiền đáp ứng cho một nhu cầu riêng biệt của ta. Chính những nhu cầu này có khả năng giúp ta có kinh nghiệm tâm linh.
Từ đó sự hăng say mới được biểu lộ ra ngoài phong thái tu tập và thực hành của ta. Ta không có thái độ hờ hững, hay lưng chừng. Ta không đến với Thiền vì sự a dua theo phong trào hay theo thời trang như những “nhà trí thức thời trang”: thấy người ta tu Thiền mình cũng bắt chước tìm cách tham dự các khóa Thiền. Ta không thực hành chiếu lệ. Ta khép mình theo nếp sinh hoạt tâm linh với giờ khắc qui định trong các thời thực tập thiền tọa hay thiền hành tại nhà. Ta biết bố trí thì giờ riêng biệt dành cho việc dụng công. Dù phải trải qua thời gian dài thực hành trong nhiều tháng, nhiều năm, ta vẫn không thoái chuyển. Ta quyết tâm đi. Ta quyết tâm khắc phục chướng duyên để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham dự Khóa Thiền hay thực tập tại nhà. Ta cố gắng bỏ dần những ham thích, ghiền nghiện mà bộ não ta đã bị tiêm nhiễm trước đây để các căn không huân tập thêm tập khí hay lậu hoặc. Ta không đổ thừa tại, bị, bởi, vì, do, mắc, bận, chưa đủ duyên để tránh né Thiền. Ta biết rằng, với người còn bận nhiều việc trong cuộc sống thế tục, muốn “ăn được bánh thiền,” họ phải đầu tư số vốn thời gian cần thiết và công sức thực hành trong nhiều tháng, nhiều năm mới hy vọng thưởng thức được hương vị Thiền qua những tác dụng chuyển hóa tâm, điều chỉnh thân, cân bằng thân-tâm, và thăng hoa trí tuệ tâm linh. Ta nhận rõ: người hiểu lý Thiền không phải là người “ăn được bánh thiền.” Đây chỉ là người mới thấy “bánh Thiền” với những nét bề ngoài hấp dẫn của nó, chứ chưa thực sự nếm được hương vị của nó. Muốn ăn được bánh Thiền, ta phải đầu tư số vốn thời gian cần thiết và kết hợp với những phương thức thực hành thích hợp để làm cho nội tâm trở nên an tịnh. Bao lâu những chấp trước hay dính mắc, đam mê hay ghiền nghiện của cái “Ta” còn thường xuyên có mặt trong cuộc sống hằng ngày, vĩnh viễn ta vẫn không bao giờ thưởng thức được hương vị bánh Thiền. Phiền não và đau khổ vẫn bao vây cuộc sống thế tục của ta.
Riêng với người chuyên tu (cư sĩ hoặc tu sĩ), ta không mất thời gian lâu dài như người không chuyên tu. Khả năng “nếm được hương vị bánh Thiền,” ta có thể mất từ 10 ngày đến 3 tháng. Còn muốn”ăn được một phần bánh Thiền,” ta có khả năng mất từ 1 năm đến 5 năm mới có kinh nghiệm làm chủ được vọng tưởng hay làm chủ sự suy nghĩ vững chắc. Ta không phí phạm thời gian để mò mẫm. Ta không thực hành linh tinh hay pha trộn Thiền với pháp môn khác. Ta không đứng núi này, trông núi nọ. Ta không “đứng hai chân trên hai chiếc thuyền.”
Điều cần thiết của người mới bắt đầu đi vào Thiền là ta cần có khái niệm tổng quát về những tác dụng khác nhau của Thiền đối với tâm, thân, và trí tuệ tâm linh con người. Đây là cách giúp ta xác định hướng đi thiết thực. Hướng đi này phù hợp với tinh thần thoát khổ, giác ngộ, và giải thoát của Thiền Phật giáo. Nếu không xác định hướng đi, ta dễ đánh giá sai giá trị của Thiền theo cách nhìn có thành kiến chủ quan của ta, vì ta đứng trên lập trường tông phái khác, hoặc ta không nhận ra tác dụng chiều sâu của Thiền đối với thân, tâm và trí tuệ tâm linh như thế nào.
Khi đánh giá sai về những tác dụng của Thiền đối với đời sống con người, ta có thể hoài nghi giá trị thực sự của Thiền đối với cuộc sống thế tục và cuộc sống tâm linh trên 3 mặt: tâm, thân, và trí tuệ tâm linh. Ta không tin những phương thức thực hành trong Thiền tuy đơn giản, nhưng có khả năng ổn định cuộc sống thế tục của ta. Ta không tin rằng Thiền có khả năng giúp trí tuệ u tối của ta trở nên sáng suốt, và sáng tạo. Ta không tin rằng Thiền có khả năng điều chỉnh phong thái lăng xăng, rung đùi, nhịp cẳng, nói năng ồn ào, và phát ngôn bừa bãi của ta trở thành phong thái điềm đạm, nhu hòa, chậm rãi, đoan trang, hồn nhiên, trầm tĩnh, bình dị, và vui tươi tự nhiên.
Nói chung, thay vì xem Thiền là dụng cụ có khả năng giúp ta ổn định sinh hoạt nội tâm đang rối bời và căng thẳng, hỗ trợ cuộc sống thế tục của ta trở nên bình thường, an lạc, hạnh phúc hơn, và xây dựng cuộc sống tâm linh trong hiện tại hợp với đạo lý hơn, ta có khả năng âm thầm từ bỏ Thiền để tìm hướng đi khác. Lý do là ta tin rằng với hướng đi kia có khả năng giúp ta thành tựu những điều kỳ diệu đối với mục tiêu tâm linh sâu xa nào đó, qua sự trợ giúp của những tha lực thần bí xa xăm, ngoài sức hiểu biết của con người.
Tóm lại, muốn đi vào Thiền, trước tiên ta cần nhận ra Thiền là một nhu cầu tâm linh thực tiễn. Tác dụng của nhu cầu này là hỗ trợ cuộc sống thế tục của ta được an lạc và hạnh phúc hơn. Rồi từ đó ta xác định hướng đi. Khi đã xác định hướng đi, ta mới giữ vững niềm tin trên “tuyến đường về nhà.” Vì ta đã có suy nghĩ chân chính, có quyết tâm cao, có chánh trí, và có chánh kiến để nhận định đúng mục tiêu đi của mình. Ta không mò mẫm, cũng không theo thời trang, không a dua theo phong trào, không mang “bệnh thời đại” Ở thấy người ta tu Thiền, mình cũng bắt chước tu Thiền. Từ đó, trên cuộc hành trình tâm linh, ta biết mình sẽ khởi hành từ điểm nào và đến điểm nào thì kết thúc. Còn không nhận ra Thiền là một nhu cầu tâm linh thiết thực, có tác dụng hỗ trợ cuộc sống thế tục được tốt đẹp hơn, ta sẽ không bao giờ hăng hái dấn thân. Nếu lỡ có theo Thiền, ta chỉ theo trong thời gian ngắn nào đó, rồi cuối cùng cũng bỏ cuộc. Lý do là nội tâm ta thiếu động cơ chân chính tác động.
3. Quyết tâm
Ý nghĩa
Quyết tâm là phát tâm thực hiện điều gì, dù điều đó khó khăn hay đòi hỏi nhiều công sức và thời gian lâu dài mới thực hiện được trọn vẹn.
Nội dung của quyết tâm này bao gồm nhiều mục như quyết tâm vượt qua những trở lực, quyết tâm đạt được mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch, vân vân.
Trong đó ý chí và kiên nhẫn là nền tảng của quyết tâm. Thiếu ý chí, quyết tâm không thể biểu lộ; thiếu kiên nhẫn, quyết tâm cũng không thành tựu. Bởi vì trên đường dài, va chạm vào những thực tế của hoàn cảnh hay môi trường, ta sẽ gặp nhiều khó khăn cần phải khắc phục. Nếu không có ý chí dũng mãnh hay tính kiên nhẫn hỗ trợ, quyết tâm sẽ không thể đứng vững được.
Tác nhân thúc đẩy ta có quyết tâm đó là do ta đã nhận ra giá trị thực sự của tác dụng Thiền đối với tâm, thân, và trí tuệ tâm linh của ta. Ta biết rằng qua những phương thức thực hành từng bước trong nhiều giai đoạn, kết quả tâm ta sẽ cân bằng và hài hòa cùng với mọi người chung quanh, nên ta hạ quyết tâm dấn thân.
Dấn thân là sự dốc sức lao vào công việc mà ta đã hạ quyết tâm. Riêng với Thiền, đây là ta lăn xả vào việc thực hành. Có thực hành mới có rút tỉa kinh nghiệm. Có nhiều kinh nghiệm mới đủ yếu tố để đạt được thành công. Như vậy, trong bất kỳ sự thành công nào cũng dựa trên yếu tố quyết tâm. Nhưng quyết tâm phải dựa vào sự kiên nhẫn. Kiên nhẫn là đức tính cần thiết của quyết tâm. Tác dụng của kiên nhẫn là duy trì tính quyết tâm lâu dài. Thiếu nó, sự quyết tâm đầu tiên của ta sẽ dễ trở thành như lửa rơm: ta chỉ biểu lộ sự hăng say lần đầu, rồi sau đó thoái lui. Ngược lại, quyết tâm dựa trên nhu cầu. Có nhu cầu mới có quyết tâm. Do đó, nếu không thấy Thiền là nhu cầu tâm linh thiết thực đáp ứng cho sự giải quyết vấn đề cần thiết của ta trên các mặt thân, tâm và trí tuệ của chính mình, ta không thể nào hạ quyết tâm để dấn thân theo Thiền lâu dài được. Ta có thể đến với Thiền vì a dua theo phong trào, chứ không tìm ra sự kỳ diệu của nó đối với thân, tâm và trí tuệ tâm linh của ta. Cho nên, muốn thực sự dấn thân theo Thiền, ta phải thấy Thiền có khả năng đáp ứng cho nhu cầu của ta như thế nào đó, ta mới thực sự dấn thân. Nếu nhận ra được sự kiện này, ta sẽ nhận ra tác dụng của Thiền đối với đời sống con người một cách cụ thể, từ đó ta sẽ dấn thân tích cực.
Sự tích cực đó bao hàm yếu tố quyết tâm. Vì không ai bắt buộc ta phải theo Thiền, chính ta nhận ra Thiền là dụng cụ cần thiết đối với cuộc sống của ta trên nhiều mặt. Do đó, quyết tâm là yếu tố thứ hai đóng vai trò quan trọng trong việc hạ thủ công phu của ta. Chính sự quyết tâm nói lên lòng cương quyết của ta đối với vấn đề ta đương theo đuổi. Ta không sợ khó. Ta không nản chí. Ta không đổ thừa chướng duyên từ bên ngoài. Ta quyết định đi. Ý chí hướng thượng bắt đầu được xây dựng từ trên cơ s· quyết tâm đi vào đường tâm linh này. Nói chung, trong tất cả những sự thực hành đòi hỏi phải có quyết tâm, ý chí, và kiên nhẫn. Thực hành mà thiếu quyết tâm, thiếu kiên nhẫn, ta sẽ không bao giờ rút tỉa được kinh nghiệm. Kinh nghiệm càng nhiều, thành công càng đến gần. Vì thành công được đặt trên những tiến trình kinh nghiệm mà ta đã quyết tâm theo đuổi để thực hành trong từng giai đoạn.
4. Lý thuyết
Ý nghĩa
Để thể hiện tinh thần quyết tâm và cụ thể hóa nhu cầu tâm linh, ta cần được trang bị lý thuyết; thiếu trang bị, ta không biết dựa vào đâu để thực hành. Lý thuyết được so sánh như kim chỉ nam của thuyền trưởng. Nó là phần lý luận trừu tượng về những nguyên tắc hay những qui luật hoặc những sự phân tích dùng để giải thích những hiện tượng hay sự kiện, sự việc, hoặc hướng dẫn kỹ thuật thực hành để tiến đến có kinh nghiệm thực sự về điều gì. Nó khác với thực hành và thực nghiệm, nhưng nó là nền tảng của thực hành hay thực nghiệm.
Lý thuyết Thiền là gì?
Trong phạm vi Thiền, Lý thuyết là phần trình bày hay thiết lập các loại Thiền trong Phật giáo thành hệ thống để ta ứng dụng lời Phật dạy trong Kinh hay lời Tổ nói trong Luận. Những lời này là Giáo lý, tức Pháp. Pháp tuy rõ ràng, nhưng thông thường bao hàm những ý nghĩa cao siêu hay trừu tượng, khó hiểu, và nhiều lúc mang nhiều hình thái ẩn dụ. Với trình độ hiểu biết thông thường, căn cơ không bén nhạy, ta khó có thể lãnh hội đầy đủ ý nghĩa Pháp của Phật hay lời dạy của Tổ. Muốn lãnh hội rõ nội dung Giáo lý nói lên điều gì, ta phải nhờ thiện tri thức, hoặc nhờ vị thầy giải thích và chỉ cách ứng dụng. Cơ bản trong đó vị thiện tri thức cho ta biết Pháp nào thuộc Thiền Quán, Pháp nào thuộc Thiền Định, Pháp nào thuộc Thiền Huệ. Sau đó, vị ấy giải thích, phân tích ý nghĩa thuật ngữ và dụng ngữ được dùng trong các Pháp hoặc chi tiết hóa Pháp đó ra từng phần, từng đề mục, rồi trình bày những khái niệm hay quan điểm về Pháp đó như thế nào, và hướng dẫn ta cách thực hành qua từng giai đoạn, hoặc trao cho ta những qui tắc hay nguyên tắc ứng dụng phù hợp theo từng Pháp. Những phần nói trên là những phần nòng cốt của Lý thuyết được lập thành lý luận.
Ta có thể nói:
- Lý thuyết được lập thành dựa trên Giáo lý. Trong Giáo lý bao hàm những loại Pháp thuộc Thiền Quán, Thiền Định và Thiền Huệ. Vai trò của lý thuyết là phân loại Pháp ra từng loại Thiền rồi thiết lập thành hệ thống để ta biết giá trị Pháp mà ứng dụng trong từng giai đoạn theo mỗi loại Thiền. Thí dụ, khi mới bắt đầu học Thiền, ta cần được hướng dẫn những bài Thiền Quán để ta có nhận thức mới về chân tánh hiện tượng thế gian. Sau đó, ta cần được hướng dẫn các bài Thiền Định để ta biết cách làm cho tâm mình trở nên yên lặng, không lăng xăng dao động trước các đối tượng giác quan, hoặc để hội nhập vào chân tánh hiện tượng...Đến mức cao hơn, ta cần được hướng dẫn những bài Thiền Huệ để ta thực hành có trí huệ tự phát từ bên trong ta. Những phần này được qui định rõ trong lý thuyết Thiền. Do đó, nếu không học lý thuyết Thiền, ta sẽ không bao giờ biết cách thực hành thiền. Có nhiều người tuy đã trải qua nhiều năm tu thiền mà vẫn không nắm vững nội dung và tác dụng 3 loại Thiền Quán, Thiền Định, và Thiền Huệ. Đó là do những vị đó đã không coi trọng lý thuyết Thiền.
Tác dụng của lý thuyết
Muốn thực hành mà không có số vốn kiến thức về lý thuyết, không nắm vững hệ thống tổ chức của lý thuyết, ta không thể thực hành được. Cũng như giả thuyết luôn luôn phải được xác nhận bằng thực nghiệm. Không có trải qua thực nghiệm, giả thuyết không thể được công nhận là hợp lý. Ngược lại, nếu nắm vững lý thuyết mà không thực hành, ta cũng không kinh nghiệm được những điều gì do lý thuyết thiết lập hay xác định. Do đó, trong việc thực hành Thiền, ta cần đến lý thuyết thực hành. Phần lớn lý thuyết thực hành được qui định trong các chủ đề hay các pháp của Thiền Quán, Thiền Định và Thiền Huệ.
5. Lý luận chỉ đạo
Muốn cụ thể hoá lý thuyết, ta cần thiết lập lý luận. Không có lý luận, ta không làm sao thiết lập được phương thức thực hành và những tiến trình thực hành trong từng giai đoạn. Ta cũng không nhận rõ tác dụng của Thiền đối với đời sống thế tục và tâm linh như thế nào. Khi có lý luận vững chắc, đường Thiền sẽ không sợ bị lệch hướng. Đó là ta không sợ thực hành sai pháp của Phật hay của Tổ. Ta biết mình thực hành thẳng, chứ không thực hành lòng vòng.
Trên nguyên tắc, muốn có kinh nghiệm tâm linh, ta cần có sự hỗ trợ của lý luận. Lý luận vững chắc, hành Thiền mới không sợ lạc lối. Lý luận được xem như là cách trình bày phương hướng thực hành trong từng giai đoạn. Người không được trang bị lý luận, hoặc xem thường lý luận là người dễ rơi vào sai lầm hay dễ đi lạc hướng. Khi gặp chướng duyên, dù nhỏ nhặt, tâm vị ấy cũng dễ thoái chuyển, dễ mất lập trường dấn thân. Khi đã mất lập trường dấn thân, vị ấy dễ bỏ Thiền, bỏ đạo tràng, bỏ thầy, bỏ bạn để chọn hướng đi khác.
Để tránh tình trạng thoái chuyển xảy ra, với người mới đi vào Thiền, ta cần nắm vững những mắt xích liên kết trong lý luận thực hành.
Ý nghĩa
Vậy, lý luận là gì?
Lý luận là phần giải thích, phân tích hay trình bày chi tiết về điều gì do lý thuyết đã qui định để ta dễ thực hành hay ứng dụng điều đó. Trên nguyên tắc, lý luận liên hệ đến trình tự thực hành các pháp, căn cơ cá nhân, và mô tả chi tiết pháp được dùng để thực hành. Nó có tác dụng chỉ đạo hành động của cá nhân. Nói chung, nó cụ thể hoá các mô thức trong lý thuyết để ta dễ dàng tiến hành từng bước phù hợp với trình độ ứng dụng của ta. Do đó, trong việc thực hành Thiền Quán, Thiền Định hay Thiền Huệ, ta đều cần đến lý luận. Nắm vững lý luận, ta không sợ thực hành sai.
Trong đạo Phật, Thiền là một bộ môn thuộc Khoa học Tâm Linh. Nó luôn luôn có những tiến trình thực hành từ thấp đến cao, có những lý luận, những định nghĩa, và những dụng ngữ (expressions) cũng như thành ngữ (idioms) riêng biệt của nó. Khi đi vào Thiền ta cần nắm vững những nguyên lý này. Có nắm vững, ta mới hiểu rõ định hướng từng bước dụng công của Thiền trong từng giai đoạn. Từ đó, ta có khả năng hạn chế được những sai lầm có thể xảy ra. Càng vững chắc lý luận, càng dễ thu hoạch kết quả trong việc thực hành và càng rút ngắn được thời gian dụng công. Thay vì mất 5 năm mới kinh nghiệm làm chủ sự suy nghĩ, ta có thể mất vài ba tháng cũng có khả năng kinh nghiệm làm chủ sự suy nghĩ, dù chỉ trong vài giây đồng hồ. Từ số lượng vài giây, sau thời gian thực hành trong vài tháng hay vài năm, ta có thể tăng kinh nghiệm dừng niệm được vài phút trong một thời tọa thiền. Khi kinh nghiệm dừng niệm được từng chập và đều đặn trong những thời tọa thiền, ta sẽ nhận ra những sự kiện hoạt hóa cơ thể đưa đến giảm bớt hay chữa trị bệnh nội tạng và chuyển hóa tâm si mê chấp trước thành tâm cởi mở, bớt dính mắc. Đây là tiến trình tác dụng của Thiền đối với đời sống con người trên các mặt thân, tâm và trí tuệ mà sau khi làm chủ được sự suy nghĩ, ta sẽ kinh nghiệm thực sự.
Tác dụng
Vì thế, lý luận rõ ràng và cụ thể, nó được sánh như bó đuốc cháy sáng rực của người đang đi trong đêm tối nhận ra lối về nhà rất rõ ràng. Càng bước tới, đường về nhà càng mở rộng và sáng tỏ. Lý luận mơ hồ, viển vông, không cụ thể, không giúp ta nhận ra lối về nhà khởi hành từ hướng nào. Lý luận này được sánh như bó đuốc lờ mờ của người đang đi trong đêm tối không nhận ra lối về nhà. Càng khổ nhọc bước tới, người ấy vẫn loay hoay, không xác định được hướng về nhà bắt đầu từ đâu.
Đối với tinh thần khoa học, người có lý luận vững chắc, cụ thể là người không sợ sai lầm trên phương diện áp dụng các phương thức chuyên môn. Trên mặt tư tưởng, người có lý luận vững chắc, cụ thể là người có lập trường kiên quyết đối với vấn đề mình đang theo đuổi. Tâm người này không bị lung lạc trước các tình huống xấu do điều kiện bên ngoài tác động vào tâm thức hay vào nhận thức. Trí năng vị ấy đã tỉnh ngộ. Nó không dễ dàng bị ngoại duyên chi phối. Nó cũng không méo mó để suy luận xuyên tạc đối tượng hay các tình huống.
Đối với nguyên lý tâm linh của Thiền, người có lý luận rõ ràng, vững chắc là người biết rõ mục đích đi, hướng đi, phương tiện đi, và nơi đến của mình trong tương lai gần hoặc xa như thế nào. Người đó không nghi ngờ pháp học và pháp hành. Dù đứng trước mọi tình huống khó khăn, tâm người ấy không lo âu, không sợ hãi, không hoang mang, không mất lập trường định hướng, cũng không quên lối về nhà, hoặc không thực hành chiếu lệ. Người dễ dàng xa lìa phương hướng là người không nắm vững lý luận, đặt sai mục tiêu nhắm đến, sử dụng sai phương tiện thực hành, nếu đi, vị ấy dễ lạc lối.
Hơn nữa, vì thiếu lập trường định hướng nên vị ấy thiếu kiên tâm và trường tâm. Vị ấy hời hợt trong việc thực hành, hoặc lang thang đây đó để tìm pháp Thiền khác. Cuối cùng, vị ấy có khả năng đi lạc, hay dễ dàng thối chí, rồi bỏ cuộc. Vì trí năng vị đó đã méo mó. Nó hoài nghi. Nó suy luận. Nó vẽ ra đủ loại điên đảo. Trong lúc đó, người nắm vững lý luận, tâm vị ấy không lăng xăng, không ôm đồm thêm pháp lạ. Nếu đi, vị ấy không bao giờ lạc lối. Đặc biệt, trí tuệ vị ấy sáng suốt, có tính sáng tạo. Trí năng không còn méo mó để suy luận chủ quan như trước nữa. Nó nhận ra những giá trị thiết thực của Thiền đối với đời sống thế tục và đời sống tâm linh con người. Nó biết Thiền có khả năng làm cho đời sống thế tục được an lạc, vui tươi, và hạnh phúc hơn. Đồng thời, nhờ lập trường định hướng vững chắc, vị ấy có kiên tâm và trường tâm. Vị ấy không đổ thừa ngoại duyên. Tính miên mật và trung kiên không bao giờ mất đi đối với người có lý luận vững chắc trong khi thực hành. Tánh giác bắt đầu đóng được vai trò của nó trong sinh hoạt Thiền của vị ấy vào bất cứ lúc nào. Trong 4 oai nghi: lúc tiểu tiện, lúc mặc áo, lúc nấu cơm, lúc tắm giặt, lúc làm công việc nhà, lúc nhìn hoa, ngắm cảnh, lúc may vá, lúc lái xe, lúc tọa thiền, vị ấy đều thực hành đúng theo pháp Thiền được học. Điều này cho thấy, thực hành đúng pháp luôn luôn dựa trên sự hướng dẫn đúng của lý luận. Lý luận dựa trên sự lập thành của lý thuyết. Lý thuyết sai đưa đến lý luận sai. Lý luận sai, đưa đến thực hành sai. Thực hành sai đưa đến thân bệnh, thần sắc đen tối, tâm dính mắc, trí tuệ không tự phát, sáng tạo không có. Lý thuyết đúng lập thành lý luận đúng. Lý luận đúng là lý luận hướng dẫn thực hành đưa đến đạt được những tác dụng tốt cho thân, tâm, và trí tuệ. Những tác dụng này là thành quả đạt được thông qua tiến trình thực hành dựa trên sự qui định của lý luận. Vì thế, vấn đề được đặt ra ở đây là ta cần biết những tác dụng cơ bản của Thiền như thế nào đối với thân, tâm, và trí tuệ tâm linh.
Kết luận
Nền tảng lý thuyết trước hết được đặt trên nhu cầu của người thực hành. Chính người thực hành phải thấy mình có nhu cầu cần đến Thiền thì sự thực hành mới mang lại kết quả thực sự. Không tự mình thấy có nhu cầu đến Thiền, ta sẽ không bao giờ dấn thân đi vào Thiền. Với Thiền, muốn chuyển hóa tâm đau khổ, tâm dễ giận, dễ buồn, dễ chán, chính ta phải ứng dụng các phải trong Thiền.
Khi tâm chuyển, thân mới được hài hòa cùng với môi trường, trí tuệ mới có cơ hội phát huy từ thấp đến cao. Thoát khổ, an vui, hài hòa được đặt trên cơ sở tâm chuyển hóa. Tâm còn dính mắc, khổ còn dai dẳng đeo theo tâm. Nhưng tâm chuyển phải dựa trên Pháp. Pháp có đúng mới giúp tâm được chuyển. Pháp sai không làm sao chuyển được tâm. Nhưng Pháp phải thông qua thực hành. Không thực hành, không thể kinh nghiệm được sự huyền diệu của Pháp có khả năng giúp ta gỡ ra những dính mắc.
Nếu thấy Thiền là nhu cầu tâm linh thiết thực, chuyển được nghiệp của ta và mang lại cuộc sống hài hòa của ta với mọi người chung quanh, ta hãy đến với Thiền. Bởi vì khi có nhu cầu tâm linh, ta mới có quyết tâm dấn thân. Có quyết tâm, ta mới nỗ lực phấn đấu với nghịch cảnh để vượt qua chướng duyên. Dù gian khó, ta vẫn không thối chí. Vì thế, thực hành mà không có nhu cầu, quyết tâm sẽ không bao giờ được đặt ra. Khi không có quyết tâm, sự hăng say, sự kiên nhẫn cũng sẽ không bao giờ được thành lập. Từ đó thành quả cuối cùng sẽ chẳng bao giờ gặt hái được. Cho nên, ngay từ đầu trước khi dấn thân vào Thiền, nhu cầu tâm linh phải được thiết lập. Điều này có nghĩa, nếu không thấy Thiền là một nhu cầu tâm linh cho chính cuộc sống thế tục hay cuộc sống tâm linh, ta không làm sao dấn thân theo Thiền được. Nếu vì lý do đặc biệt nào đó đưa đến ta tham dự khóa Thiền, thì trong thời gian ngắn sau đó ta cũng bỏ Thiền để theo pháp môn khác. Chỉ vì ta không nhận ra Thiền có khả năng đáp ứng nhu cầu thiết thực cho ta trên phạm vi nào đó của thân, tâm, và trí tuệ tâm linh. Còn nếu đã nhận ra Thiền là pháp môn có khả năng giúp ta vượt qua những khổ cảnh trần gian, tiến đến thoát khổ, giác ngộ và giải thoát, chắc chắn ta sẽ gắn bó với Thiền để thực hành theo nó, làm cho cuộc sống của ta và của những người chung quanh ta được hài hòa và cải tiến hơn.
Tóm lại, muốn đạt được kết quả tốt, người thực hành phải hội đủ 5 tiêu chuẩn cần thiết: Tự lực, Nhu cầu, Quyết tâm, Lý thuyết, và Lý luận.
Đây là 5 tiêu chuẩn lập thành hệ thống lý luận thực tiễn trong việc thực hành Thiền Phật giáo. Muốn điều chỉnh thân, cải tạo tâm, cân bằng thân-tâm, và phát huy trí tuệ tâm linh có hiệu quả, 5 tiêu chuẩn nói trên không thể tách rời nhau được. Bốn tiêu chuẩn đó trở thành nguyên lý tâm linh thực tiễn trong Thiền Phật giáo. Trong đó nhu cầu là yếu tố cần thiết trước tiên. Nó được xếp vào nhu cầu tâm linh thuộc “quyền lợi tâm linh.”* Vì trọng tâm nhu cầu tâm linh là hướng đến tự giác và giác tha, chứ không hướng đến lợi mình hại người như nhu cầu thế tục. Nguyên lý tâm linh thực tiễn và cơ bản của Thiền Phật giáo được xây dựng trên cơ sở đó.