THIỀN và KIẾN THỨC THỜI ĐẠI
của HT Thích Thông Triệt (2014)
Luận giảng
Ý NGHĨA THIỀN VÀ KIẾN THỨC THỜI ĐẠI
Mở đầu
Trước khi đi vào chi tiết của những phần Luận Giảng Vấn Đáp, tuần tự chúng tôi trình bày hai chủ đề lớn mà trọng tâm của cuốn sách này đang đề cập, đó là “Thiền và Kiến Thức Thời Đại.”
Trước hết, chúng tôi trình bày ý nghĩa của Thiền, và đây là Thiền Phật Giáo. Đó là để tránh tình trạng mập mờ sử dụng thuật ngữ Thiền trong sinh hoạt tôn giáo hay sinh hoạt ngoài thế gian hiện nay. Thí dụ: Thiền Yoga, Thiền xuất hồn. Hơn nữa, về thuật ngữ Thiền hiện nay lại có nhiều hệ thống trong Phật giáo cũng đang sử dụng thuật ngữ Thiền trong bộ môn tu tập của mình. Thí dụ: Thiền Tổ Sư, Thiền Đại Thừa, Thiền Tông, Thiền Vipassanā, Thiền Mật, Thiền Tịnh, Thiền Công Án, Thiền Thoại Đầu, v.v… Cho nên, ở đây chúng tôi muốn nêu rõ lên Thiền mà chúng tôi đương áp dụng là thiền gì ?
Xin thưa, Thiền mà chúng tôi sẽ dẫn giải ra đây là Thiền Nguyên Thủy, đó là Thiền khi Đức Phật còn tại thế đến khoảng 100 năm sau Đức Phật nhập diệt. Nói chung, đây là loại Thiền trước thời kỳ Phật giáo phân tán ra 2 bộ phái: Trưởng Lão bộ và Đại Chúng bộ.
Có nghĩa chúng tôi sẽ trích dẫn những bài Kinh liên hệ đến sự thực hành Thiền mà qua đó đức Phật Thích Ca đã tu chứng và thành đạo. Rồi sau đó Ngài giảng dạy cho các đệ tử tại gia cũng như xuất gia về những điều mà Ngài đã thực sự chứng ngộ.
Về trọng tâm giảng dạy của đức Phật, Ngài đã dựa vào nguyên tắc “Đối cơ thuyết pháp.” Ngài đã chia chúng sanh ra ba trình độ căn cơ: thượng căn, trung căn, và hạ căn. Với trình độ căn cơ bậc thượng, ngài áp dụng Chân đế, đây là giáo lý ngoài lời. Còn với trình độ căn cơ bậc trung và bậc hạ, Ngài áp dụng phương pháp Tục đế, đây là giáo lý có lời.
Do đó, ở đây chúng tôi sẽ giảng luận những cốt lõi giáo pháp của Ngài một cách đơn giản, dễ hiểu, và phổ thông bằng cách đối chiếu với khoa học, để tất cả chúng ta đều có thể nắm bắt được.
Đặc biệt nhất, về trình độ chứng ngộ thì Ngài khai triển 4 năng lực qua 4 Tánh: (1) Tánh Thấy, (2) Tánh Nghe, (3) Tánh Xúc chạm, (4) Tánh Nhận thức biết. Ba tánh đầu Ngài xếp vào loại Tâm bậc Thánh, riêng về tánh thứ Tư, Ngài xếp vào tâm Tathā.
Nói chung, về thuật ngữ Thiền, chúng tôi sẽ dựa vào lời dạy của đức Phật Thích Ca trong hệ Kinh Nikāya để dẫn giải. Đôi khi chúng tôi có xen vào hình thức vấn - đáp để làm cho vấn đề được rõ ràng hơn.
CỐT LÕI CỦA THIỀN PHẬT GIÁO
Gốc nguồn Thiền
Mặc dù hiện nay Thiền đã trở thành một môn tu tập được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới, xét về nguồn gốc, Thiền lại xuất nguyên từ Ấn Độ. Tại Ấn Độ có nhiều loại Thiền, nhưng cơ bản chỉ có hai loại Thiền chính yếu là Thiền Yoga và Thiền Phật giáo. Thiền Yoga do ngài Patañjali thiết lập trước thời Phật khoảng trên 500 năm. Thiền Phật giáo do đức Phật Thích Ca thiết lập, cách đây trên 2500 năm.
Ở đây, chúng ta học Thiền Phật giáo, nên cần đào sâu vào Thiền Phật giáo.
Thiền là gì ?
Để có ý niệm khái quát thuật ngữ Thiền theo quan điểm Phật giáo, trước hết ta đi tìm nghĩa gốc của danh từ Thiền trong Phật giáo tại Ấn Độ. Bởi vì trên nguyên tắc, Thiền có gốc rể sâu trong tâm linh Ấn Độ. Trong Phật giáo có 2 từ được dùng để chỉ về Thiền:
1. Từ Jhāna. Đây là tiếng Pāli—ngôn ngữ được dùng trong văn hệ Nguyên Thủy. Từ này có nghĩa sự trầm tư mặc tưởng, sự tập trung tâm, sự hấp thu tâm (vào đối tượng).
Từ “Jhāna” có ngữ căn là “Jhāyati,” có nghĩa trầm ngâm (to contemplate), hay “trầm tư mặc tưởng” (to meditate) về chủ đề nào đó. Trong nghĩa này, “Jhāna” liên hệ đến những vấn đề Quán. Ngoài ra nó cũng liên hệ đến động từ jhāpeti, có nghĩa thiêu đốt hay tiêu diệt những uế nhiễm (lậu hoặc) của tâm làm cản trở phát triển sự an tịnh (peace), trầm lặng (serenity), và tuệ trí (insight). Nhưng muốn “thiêu đốt” hay “tiêu diệt” những lậu hoặc (uế nhiễm) của tâm (the mental defilements), Jhāna đòi hỏi người thực hành phải có Định (Samādhi). Vì chỉ có Định mới có điều kiện thiêu đốt hay tiêu diệt uế nhiễm của tâm.
Chủ đích của môn tu này, Đức Phật muốn giúp người tu trước hết là kinh nghiệm về niệm Biết (pajānāti).
2. Từ Dhyāna. Đây là tiếng Sanskrit—ngôn ngữ được dùng trong văn hệ Phật Giáo Phát Triển. Từ này có nghĩa Trầm tư mặc tưởng (meditation), sự trầm ngâm (contemplation), sự phản tỉnh, phản ánh (reflection), đặc biệt chỉ sự soi rọi lại mình hay soi rọi lại một đề tài tu tập nào đó; trạng thái tập trung tâm (the state of mental concentration) vào đối tượng để đồng nhất hóa ý niệm ngã vào đối tượng thành một thể thống nhất. Lúc bấy giờ chỉ tồn tại duy nhất dòng Biết Không Lời (the stream of Wordless Awareness) mà không có mặt Ý căn suy nghĩ, Ý thức phân biệt, và Trí năng biện luận. Ngữ căn của dhyāna là động từ dhyai, có nghĩa suy nghĩ về (to think of); trầm ngâm (to contemplate); trầm tư mặc tưởng về (to meditate on); hồi tưởng (to recollect) điều gì.
Cả hai từ “Jhāna” và “Dhyāna” chỉ cho tên một pháp tu được ứng dụng trong 4 oai nghi, đặc biệt là tư thế ngồi. Môn tu này xuất nguyên từ Ấn Độ, do đức Phật Thích Ca thiết lập. Môn tu này liên hệ đến Quán, Chỉ, Định, và Huệ. Chủ đích của pháp tu này giúp người thực hành đạt được 4 tiến trình Biết, tỉnh thức, ngộ, và nội chứng, hoặc kiến tánh, hằng sống với tánh giác, và tự tại, hay giải thoát.
Thoạt đầu người Trung Hoa dịch âm từ “Jhāna,” hay “Dhyāna” ra “Ch’an-na.” Các nhà sư Việt Nam lại dịch âm từ Ch’an-na thành “Thiền Na.” Đến khi người Trung Hoa bỏ vần “na,” còn lại “Ch’an,” người Việt Nam cũng bỏ theo. Cuối cùng còn lại chữ “Thiền.” Người Nhật dịch âm theo người Trung Hoa từ chữ “Ch’an” ra “Zen.” Trong khi đó, các học giả Tây phương dịch nghĩa “Jhāna,” và “Dhyāna” là “Meditation.”
Từ hơn nửa thế kỷ trước đây, hai từ ZEN và MEDITATION được giới nghiên cứu Thiền Tây phương dùng để chỉ cho “Jhāna” hay “Dhyāna” tức Thiền. Trên căn bản, từ Meditation không lột hết ý nghĩa của hai từ gốc là “Jhāna,” và “Dhyāna.” Vì mục tiêu gần nhất của “Jhāna” hay “Dhyāna” là giúp người thực hành đạt được Định, mà Định được đặt trên nền tảng tâm thuần nhất, chứ không phải ngồi trầm ngâm suy tưởng (meditation), chơi trò chơi cút-bắt với niệm, hay xoay ánh sáng trí năng vào bên trong mình (reflection) như lúc mới bắt đầu tập sự tu. Còn mục tiêu xa nhất của “Jhāna” hay “Dhyāna” là kiến tánh, ngộ đạo, nội chứng, tự tại hay giải thoát. Do đó, nhiều thiền gia Tây phương cận đại khi đã kinh nghiệm được tác dụng của Thiền trên thân, tâm, và trí tuệ tâm linh, các vị đó dùng từ Zen hay Zen Buddhism hoặc Buddhist Zen để dịch 2 từ “Jhāna” và “Dhyāna” thay vì dùng Meditation như trước kia.
Trên thực tế, Jhāna hay Dhyāna là danh từ chuyên môn dùng để chỉ phương thức thực hành trong 4 tư thế đi, đứng, nằm, ngồi trong 4 hệ Thiền Phật giáo: Nguyên Thủy, Vipassanā, Phát Triển, và Thiền Tông. Nếu nghiêm chỉnh ứng dụng các pháp trong Thiền, ta sẽ nhận ra rằng Thiền có khả năng giúp con người đạt được:
Ngày nay, Jhāna hay Dhyāna đã đi sâu vào đời sống của đông đảo quần chúng có tinh thần tiến bộ trên các quốc gia phát triển Tây phương, và các quốc gia có truyền thống văn hóa Đông phương. Do đó, dựa theo tác dụng của nó, Thiền được hiểu theo một nghĩa rộng rãi hơn. Nó không những là môn tu Thở, tu Chỉ, tu Quán, mà còn là môn tu Định, và tu Huệ. Nó không những chỉ giúp cho con người điều chỉnh những rối loạn của thân, rối loạn của tâm mà còn cân bằng được thân-tâm, và giúp cho sự phát triển tuệ trí đến mức cao hơn. Nó không những làm cho quán tính suy luận trí năng, suy nghĩ bừa bãi, và ý thức phân biệt bị triệt tiêu, hơn nữa còn làm cho tánh giác hiển lộ để trở thành một năng lượng biết thường trực trong 4 oai nghi của thiền gia. Nó không những làm cho tánh giác trở thành nhân chứng giữa hai nhóm ý thức và giác quan, mà còn tạo ra tiến trình xúc tác (catalystical process) làm cho Phật tánh được triển khai. Bởi vì Phật tánh tuy có sẵn trong mỗi chúng sanh, nhưng nếu ý thức, trí năng và suy nghĩ cứ có mặt thường trực, Phật tánh kia cũng đành bị mai một
Vì thế, nói theo Thiền sư Thích Thanh Từ, “Thiền là một khoa học tâm linh.” Khoa học này khác hơn khoa học thế gian vì nó đi vào chiều sâu của tánh giác để khai thác tiềm năng ngộ vốn tiềm tàng bên trong 3 cơ chế của tánh giác, hoặc chiều sâu của Phật tánh để khai thác tiềm năng giác ngộ trong cơ chế của Phật tánh; còn khoa học thế gian thì đi vào chiều sâu của ý thức, ý căn, và trí năng để khai thác trí hiểu biết theo thế gian. Với trí hiểu biết này, con người luôn luôn đối diện với hai bên, với dính mắc, và chấp trước. Phiền não và khổ đau, tranh chấp và thù hận không làm sao chấm dứt trong tâm con người.
Với trí hiểu biết của Phật tánh, tâm con người sẽ đạt được giải thoát tối hậu; phiền não và khổ đau, tranh chấp và thù hận sẽ tự chấm dứt lấy. Tâm đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả sẽ luôn luôn biểu lộ trong ta.
Truyền thống cơ bản của Thiền: Ngộ và nội chứng
Trải qua thời gian dài 6 năm, đức Phật đã lần lượt tiến hành những giai đoạn gian khổ tu tập với chủ đích tìm ra cách chấm dứt:
Cuối cùng, Ngài nhớ lại phương pháp Thở đặc biệt mà Ngài đã áp dụng từ lúc còn là cậu thiếu niên trên 10 tuổi, khi vua cha của Ngài làm Lễ Hạ Điền. Đấy là lúc Ngài ngồi thiền dưới cội cây mận đỏ (jambu), thực hành pháp Thở. Ngài đã đạt được trạng thái thở tự động hay tịnh tức, đưa đến nội tâm Ngài hoàn toàn an tịnh. Ngài ôn lại kinh nghiệm cũ, rồi từng bước áp dụng theo phương thức Thở. Kết quả, Ngài thành tựu an tịnh nội tâm vững chắc. Tuy tai vẫn nghe những tiếng động trong môi trường chung quanh, mắt vẫn thấy đối tượng trước mặt, nội tâm Ngài vẫn không dính mắc ngoại duyên. Ngài cảm thấy vui tươi, khoan khoái. Đây là trạng thái hỷ lạc, thành quả đầu tiên Ngài đạt được thông qua pháp Biết Hơi Thở Ra Vào. Tiếp theo, Ngài tuần tự tiến sâu vào từng Định thứ hai là chấm dứt suy tư, ngẫm nghĩ và tư duy biện luận. Cuối cùng Ngài vượt qua từng Định Xả và an trú trong Chánh Định. Sau đó, Ngài đã ngộ (nhận ra rõ ràng-realized) nhân tố đưa đến tái sinh triền miên là Ái Dục (craving desire) trong đêm cuối của tuần lễ thứ tư. Đây là sự ngộ (realization) đầu tiên của Ngài. Không dừng tại chặng này, Ngài tiếp tục an trú trong Chánh Định (còn gọi là Định Bất động, hay Kim Cang Định) trong tuần lễ thứ tám ngồi dưới cội Bồ đề, Ngài nhận ra thêm thực tướng (hay tinh túy) và những bản thể sâu sắc khác trên thế gian mà từ trước đến nay chưa bao giờ có ai nhận ra rõ ràng như thế. Sau cùng, Ngài đạt được giác ngộ (enlightenment) tối hậu: Vô thượng Chánh đẳng chánh giác (perfect universal enlightenment). Đến đây, Ngài chứng nghiệm những biến đổi trên thân, tâm, và trí tuệ tâm linh mà từ trước đến nay Ngài chưa hề kinh nghiệm. Đây là sự nội chứng (inner experience) từ bên trong thân, tâm, và trí tuệ tâm linh của Ngài.
Vì thương xót chúng sinh còn đang mê lầm và say đắm trong ảo vọng phù du của hiện tượng thế gian; hụp lặn trong biển sanh tử; phiền não và khổ đau triền miên, đức Phật thấy cần đi giáo hóa để cứu độ chúng sinh. Trước khi đi giáo hóa, Ngài thiết lập lại những tiến trình ngộ đạo (the realization process of the Path) và sự tự chứng (self-experience) của Ngài thành một hệ thống thực hành thứ lớp.
Qua sự thành công và thiết lập phương thức giáo hóa Thiền của đức Phật, cho thấy, sự hình thành Thiền Phật giáo dựa trên hai nguyên tắc cơ bản: NGỘ và TỰ CHỨNG hay NỘI CHỨNG; chứ không dựa trên nguyên tắc suy nghĩ hay suy luận trí năng để thiết lập như các hệ thống triết học Tây phương. Vì thế, dù trải qua bao nhiêu biến thiên và thăng trầm của dòng đời, trên 25 thế kỷ qua, Thiền Phật giáo vẫn tồn tại. Đây là giá trị cơ bản có tính cách truyền thống của Thiền Phật giáo.
Cho nên, nếu dùng suy nghĩ để thiết lập Thiền, Thiền này sẽ không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của con người trong từng thời đại. Trái lại, nó chỉ có thể tồn tại trong chừng mực thời gian nào đó, rồi sau đó bị đào thải ngay. Vì suy nghĩ là sản phẩm suy luận chủ quan của tự ngã. Sự suy luận này luôn luôn gắn liền với những dữ kiện quá khứ—nó là những mớ kiến thức tản mạn đã được biết và đã được huân tập trong ký ức hay đã được ghi trong sách vở. Nó không phải là cái biết lập tức hay ngay tức khắc. Cho nên, nó chỉ có khả năng phù hợp với tâm trạng quần chúng trong thời gian nào đó; đến khi nó không còn thích hợp nữa, quần chúng sẽ không thừa nhận nó.
Trong lúc đó, ngộ đạo là sản phẩm được kiến giải bằng trực giác và lập tức của Phật tánh, thuộc cơ chế Precuneus. Nó là cái chưa biết, bây giờ được biết rõ, nhận rõ như sờ sờ trước mặt. Tác dụng của nó là điều chỉnh thân, chuyển hóa tâm, và làm bật ra huệ siêu vượt. Do đó, nó vẫn thích hợp với con người trong từng thời đại. Vì con người trong từng thời đại đều cần nó.
Trên căn bản, ngộ đạo không phải là sản phẩm của tự ngã mà là của tánh giác và Phật tánh. Nó được xem như “chất xúc tác” (catalyst) hay tác nhân kích thích tạo ra nội chứng. Nội chứng sẽ không thể nào xảy ra, nếu không có chất xúc tác của ngộ. Càng ngộ nhiều, nội chứng càng mở rộng và sâu thêm.
Thế nào là nội chứng ?
Nội chứng là những kinh nghiệm mà người thực hành đúng theo phương pháp, theo kỹ thuật cảm nhận được những sự chuyển biến (transmutation) hay chuyển hóa (transformation) như thế nào về tâm, thân và trí tuệ tâm linh của chính vị đó. Bất cứ người hành thiền nào nếu đã có một lần ngộ, dù ngộ “nhỏ” cũng có kinh nghiệm sự chuyển hóa thân, tâm, và trí tuệ.
Chính vì thế, ngộ mới được xem là tác nhân tạo ra nội chứng. Và không suy nghĩ là điều kiện đủ của ngộ. Lý do là với điều kiện không suy nghĩ, tâm ngôn sẽ không có mặt, ngay đó tánh giác liền có mặt. Nếu cứ suy nghĩ triền miên về chủ đề nào đó, tâm ngôn sẽ không bao giờ ngưng động. Qua đó tánh giác sẽ không bao giờ có mặt được. Do đó, mục tiêu chính yếu mà Thiền nhắm tới là KHÔNG SUY NGHĨ. Một khi ta thành tựu không suy nghĩ, tức khắc tánh giác liền có mặt. Đó là kỹ thuật đánh thức tánh giác hay kỹ thuật ngộ. Trên thực tế, không phải tánh giác còn mê ngủ hay bị vô minh che lấp, mà chỉ vì ta—tự ngã—cứ thường xuyên có mặt để suy nghĩ mông lung, vu vơ, lăng xăng (bừa bãi), nên cái biết không lời, thường hằng, và đồng bộ không làm sao có mặt được. Một khi ta đã thực sự đánh thức được cơ chế tánh giác, làm cho tánh giác có mặt trong những thời thiền khi: đi, đứng, ngồi, hay nằm trong thời gian ngắn (vài phút) hay dài hơn, và liên tục trong nhiều thời thiền như vậy, ta sẽ có những kinh nghiệm nội chứng trên tâm, thân và trí tuệ tâm linh.
Về tâm, ta bắt đầu nhận ra:
Về thân, ta bắt đầu có những chuyển đổi rõ rệt:
Về trí tuệ tâm linh, ta sẽ nhận ra rõ lời dạy của Phật và chư Tổ trong Kinh hay Luận. Đặc biệt nhất, đối với vạn pháp, ta sẽ có cái thấy biết như thật: vật thế nào, ta thấy và biết y như thế đó mà không có sự biện luận trí năng hay tư duy nhị nguyên, hoặc phân biệt của ý thức. Đây là sự nhận biết bằng trực giác và phân tích của tánh giác.
Nếu kiên trì thực hành làm cho tánh giác thường xuyên có mặt trong các tư thế thực hành thiền, đặc biệt là thế ngồi, một ngày nào đó ta sẽ có kinh nghiêm thế nào là huệ tự phát.
Đây là đặc tính cơ bản của Thiền. Là người bắt đầu bước chân vào Thiền, ta phải chú trọng đến điểm này. Đây là con đường đi thẳng. Điều này cho biết: Thiền không chủ trương đi quanh co hay chơi trò chơi cút-bắt với niệm; không lý luận phù phiếm, mông lung; trái lại chủ trương đi thẳng vào Tánh giác (Tánh Thấy, Tánh Nghe, Tánh Xúc chạm) và Phật tánh (Tánh Nhận Thức biết) hay cơ chế Precuneus.
Mục tiêu chủ yếu của Thiền
Qua hướng giáo hóa của đức Phật, cho thấy mục tiêu của Thiền là phục vụ con người. Đây là con người còn dính mắc vào 4 lớp vỏ trần tục, mà đức Phật thường gọi là 4 lớp lậu hoặc.
Lậu hoặc là thuật ngữ được người Trung Hoa dịch nghĩa từ tiếng Pāli là Āsava. Nó có nghĩa “sự tiết ra-secretion,” “sự chảy ra-outflow.” Nghĩa chính của từ Āsava là “những ý nghĩ làm nhiễm độc tâm” hay “chất say-intoxicant,” “sự ghiền, nghiện-addiction,” “điều ô uế-taint,” “sự mê đắm-infatuation,” “sự làm nhơ bẩn-defilement,” “sự đồi bại-corruption,” “tính ham mê-mania.” Nó gồm vô minh lậu, dục lậu, hữu lậu, và kiến lậu. Với khả năng của Thiền, nếu nghiêm chỉnh ứng dụng từng pháp, kết quả ta sẽ có cơ hội đào thải từng lớp lậu hoặc ra khỏi mạng lưới nghiệp thức. Chính 4 lớp vỏ lậu hoặc này là nhân tố của tái sinh, hạnh phúc nhất thời, an lạc nhất thời, mà trong đó phiền não, khổ đau, ta thán, hận thù, tranh chấp, tham lam, sân hận, si mê triền miên. Một khi nó được đào thải, tâm ta sẽ được chuyển hóa, sẽ được ổn định vững chắc; thân ta sẽ được khỏe mạnh; trí tuệ sẽ được mở rộng, trong sáng; và những đam mê, ghiền nghiện, say đắm, mê thích dục lạc thế gian sẽ không còn gây chướng ngại trong cuộc sống hằng ngày của ta. Niềm an lạc, hạnh phúc lúc bấy giờ mới thật sự có mặt thường trực trong cuộc sống hằng ngày của ta và gia đình ta.
Đặc tính cơ bản của Thiền
Khi thực sự sống với Thiền (chứ không phải thiền theo kiểu tài tử, hay hùa theo phong trào), ta sẽ có kinh nghiệm nội chứng. Lúc bấy giờ ta sẽ nhận ra rằng Thiền có những khả năng chuyển biến bản chất thân, bản chất tâm, bản chất ý thức, và thăng hoa trí huệ, mà không cần thông qua giáo điều luân lý hay thuộc làu băng giảng Thiền, cũng không cần những nghi thức tôn giáo rườm rà, như tụng kinh, gõ mõ, trì chú, lần tràng hạt, lễ nghi phức tạp… Trái lại, thực hành Thiền chỉ thông qua phương thức phản xạ giác quan là đánh thức tánh giác hay đánh thức một trong ba cơ chế của tánh giác (tánh Nghe, tánh Thấy, tánh Xúc chạm) và phương thức phản xạ thụ động là đánh thức tánh Nhận thức biết. Đây là đặc tính cơ bản của Thiền Phật giáo. Xa rời điểm mấu chốt này, ta sẽ không bao giờ có kinh nghiệm ngộ đạo và nội chứng. Chính vì thế, Thiền mới chủ trương đi thẳng mà không đi vòng vo; chỉ thẳng mà không chỉ quanh co; tìm an lạc đích thực hơn là an lạc tạm bợ nhất thời.
Chướng ngại cơ bản của Thiền
Trên nguyên tắc, người thực hành Thiền gặp rất nhiều chướng ngại, trong đó chướng ngại hàng đầu của Thiền là NGÔN HÀNH, gồm Tầm (Vitakka) và Tứ (Vicāra). Tầm là lời nói thầm trong tâm hay tâm ngôn, hoặc sự nói thầm trong não. Tứ là sự đối thoại thầm lặng bên trong não. Bao lâu ta ngồi thiền mà trong đầu còn nói thầm, còn đối thoại thầm lặng, bấy lâu Chỉ hay Định vẫn không làm sao có mặt. Và như thế, dù ngồi mòn bao nhiêu gối thiền hay trải qua bao nhiêu năm thực hành Thiền, cuối cùng ta cũng không làm sao đạt được mục tiêu an lạc, thảnh thơi, và phát huy trí tuệ tâm linh. Đây là điểm then chốt mà người mới bước chân vào Thiền cần nắm vững. Nếu không nắm vững, ta sẽ uổng phi một đời tu.
Tóm kết
Bài Luận giảng này cho chúng ta biết rằng: điểm quan trọng bậc nhất của Thiền chỉ là làm chủ tâm ngôn. Không làm chủ được tâm ngôn, dù chỉ trong vòng vài giây đồng hồ, đường Thiền của ta sẽ đến nơi bế tắc. Tầm và Tứ vẫn thường xuyên xuất hiện. Nếu tiếp tục tu, cuối cùng ta chi là người mang danh nghĩa tu Thiền, chứ thực sự ta không bao giờ kinh nghiệm được kết quả của Thiền là thoát khổ, giác ngộ, và giải thoát.
Tánh giác thực sự có mặt, khi tâm ngôn trở nên yên lặng. Tâm ngôn còn dao động, vọng tưởng không bao giờ yên lặng. Mong rằng quý vị nắm được cốt lõi ý nghĩa của bài Luận giảng Thiền, và tiếp theo chúng tôi luận giảng về kiến thức thời đại.
Ý nghĩa kiến thức thời đại
Bây giờ trình bày về chủ đề Kiến thức thời đại, để cho phần này được rõ ràng hơn, chúng tôi giả lập như có người hỏi:
Hỏi: - Xin Thầy cho biết Kiến thức thời đại là kiến thức gì ?
Đáp: - Kiến thức thời đại là kiến thức liên hệ đến thời đại chúng ta đương sống.
Hỏi: - Vậy thời đại chúng ta đương sống là thời đại gì ?
Đáp: - Xin trả lời ngắn gọn, thời đại chúng ta đương sống là thời đại “khoa học kỹ thuật.” Điều này có nghĩa tất cả những lãnh vực liên hệ đến cuộc sống của chúng ta đều nằm trong lãnh vực khoa học kỹ thuật. Thí dụ như: về văn hóa, xã hội, an ninh, y tế, não học, thần kinh học, Thiền học, Phật học, v.v…
Về lịch sử
Khoa học và kỹ thuật vốn đã xuất hiện trong nền văn minh của nhân loại. Qua đó, con người càng sống càng tiến bộ hơn.
Khoa học là một ngành đã và đang phát triển tại các quốc gia có trình độ văn minh, có nền văn hóa cao.
Trong Phật giáo Phát triển có chủ trương Ngũ Minh: Nội minh, Nhân minh, Thanh minh, Công xảo minh, và Y phương minh.
Hỏi: - Xin Thầy giải thích thêm về Ngũ Minh ?
Đáp: - Đây là truyền thống của Phật giáo, chủ trương 1 vị đi hoằng hóa cần được trang bị Ngũ minh. Đó là 5 loại kiến thức:
Hỏi: - Thưa Thầy còn kỹ thuật là gì ?
Đáp: - Kỹ thuật là một bộ môn đòi hỏi con người cần phải có 3 nguyên tắc căn bản:
Hỏi: - Thưa Thầy, trong Thiền có cần đến kiến thức về khoa học hay không ?
Đáp: - Rất cần. Trong sự thực hành Thiền, chúng ta cần trang bị kiến thức về khoa học, ở đây là khoa học về não bộ.
Hỏi: - Thưa Thầy tại sao người thực hành Thiền cần biết rõ về não bộ ?
Đáp: - Vì khi chúng ta thực hành Thiền, tất cả mọi tín hiệu đều tác động vào não bộ. Chúng ta cần biết rõ vị trí, chức năng và vai trò của các cơ chế trong não bộ để biết khi nào chúng ta thực hành đúng hay sai ? Đúng thì kết quả như thế nào, sai thì kết quả ra sao ?