Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - BÀI 48
Chuyến du hóa Toronto năm vừa qua đã khơi trong tâm mình nhiều dư âm cho mãi tới bây giờ. Cũng chỉ là chuyện mấy cánh quạt máy bay biến mất và chuyện thành phố Toronto đang tiến tới gần mình.
Đối với người khác, chắc đó chỉ là chuyện nhỏ, có gì mới lạ đâu. Mỗi ngày lái xe đi làm, quang cảnh hai bên đường chạy vùn vụt ra phía sau mình, chứ đâu phải mình đang chạy vùn vụt ra phía trước. Hay khi xe mình đang đậu trong bãi đậu xe, xe bên cạnh chạy lui ra sau từ từ, bổng nhiên thấy xe mình từ từ chạy ra trước vậy. Mấy việc này xảy ra hằng ngày, mình thường không để ý tới, không gây ra ấn tượng nào trong tâm.
Không biết tại sao, ít nhất là 15 năm qua, thường xuyên đi máy bay mà mình không thấy cánh quạt máy bay biến mất? Nay mình mới thấy lần đầu, và cũng là lần đầu trông thấy cả thành phố hoa lệ lung linh trên biển, đang di chuyển tới gần mình.
Mình nhận ra ngay “cái đang là” lúc đó, cũng chính là “cái như huyễn”. Như Thật là kết quả của giác quan, Như Huyễn là kết quả của tuệ trí. Thật cũng ngay đó là Huyễn, Huyễn mà cũng là Thật.
Thật là hiện tượng, Huyễn là bản thể. Từ Tánh hiển hiện ra Tướng. Tướng lưu xuất từ Tánh. Tánh và Tướng không phải hai, không phải khác, cũng không phải một. Không thể gom chung cũng không thể tách rời.
Trong thế giới giác quan con người, cái thấy qua giác quan thường là tương đối, hay qua so sánh, như là ảo ảnh, ảo giác của tri giác vậy. Cho nên cái thấy qua giác quan chỉ giống như thiệt thôi, mới có từ “Yathābhūta”. Yathā là giống như (as, like), Bhūta: thật (real, true).
Tánh thì không bao giờ thay đổi. Tướng thì luôn luôn thay đổi. Thế gian hay cuộc đời này chung quanh mình luôn luôn thay đổi, thế gian là Tướng, mới đặt tên là thế gian hiện tượng. Có thể dùng giác quan con người mà nhận ra Tướng. Tướng có ở khắp nơi, nhiều sắc màu, hương vị ...khác nhau, không cái nào giống cái nào. không người nào giống người nào. Bởi vì thế gian do “Duyên sinh”.
Còn Tánh là gì? Nó ra sao? Nó ở đâu? Tánh là Trống rỗng, Trống không, không có gì cố định hết. Bởi vì bản thể là trống không nên khi các duyên gặp nhau, gom lại thành ra hiện tượng, thành ra con người.
Cái bản thể Trống không thì bao la vô tận, không chứa cái gì trong đó, không thay đổi, nên nó bất động, tĩnh lặng, trong sạch hoàn toàn. Đó là mình tạm diễn tả vậy thôi. Chứ làm gì có trạng thái trong sạch, tĩnh lặng hay bất động trong chỗ đó. Chỉ là mình tạm so sánh với thế gian này là ồn ào, chuyển động, là lăng xăng thay đổi, đưa tới phiền não cho con người. Mình cũng biết khi dùng ngôn ngữ diễn tả là đã đi xa sự thật rồi. Mà nếu không dùng ngôn ngữ thì làm sao diễn tả được cái thấy của mình cho người khác.
Tánh thì không bao giờ thay đổi, không hình dáng, không màu sắc, không âm thanh, không nội dung, không phẩm chất, vậy mà cái gì làm cho nó bỗng nhiên hóa ra có hình dáng, có màu sắc, có âm thanh? Rồi khi nó hoại diệt, mình không thấy nó nữa, vậy cái hình dáng, màu sắc, âm thanh đó đi đâu? Đức Phật trả lời: pháp có là do duyên sinh, bản thể nó là trống không, nếu không đủ duyên thì pháp trở về bản thể của nó. Bản thể thì vô hình vô tướng, trống rỗng trống không.
Vậy cái gì làm cho từ bản thể biến thành hiện tượng? Đức Phật tạm nói đó là qui luật biến dịch, hay qui luật vô thường, như là trò ảo thuật biến hóa tự nhiên. Khoa học vật lý ngày nay nói đó là năng lượng. nó chuyển động luôn luôn làm nên thế giới vật chất. Vô số những hạt nhỏ li ti chuyển động thật nhanh làm nên vật chất mà ta tưởng là rắn chắc vững bền. Cho nên khoa học cũng nói thế giới này là ảo giác mà giác quan con người lại tưởng là thiệt có, bền chắc.
Vậy qua giác quan, ta thấy “cái đang là”, đó là thấy Như Thực, giống như thiệt, chứ không phải thiệt có bền vững, thường hằng, mà đó cũng là “cái Như Huyễn”, như mộng mà thôi. Mình lặp lại lần nữa, cái Như Thực là thấy hiện tượng qua giác quan, còn cái Như Huyễn là thấy bản thể qua trí tuệ bát nhã.
Thiền viện, 13- 3- 2024
TN