THIỀN và KIẾN THỨC THỜI ĐẠI
của HT Thích Thông Triệt (2014)
Lời Tựa
GIÁ TRỊ CỦA THIỀN Đối Với
ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI
Định rõ thái độ
Thiền không phải là một phép mầu, có những khả năng siêu phàm, cứu độ tất cả chúng sanh, thoát khỏi khổ đau, phiền não. Trái lại, nó chỉ là dụng cụ, nếu sáng suốt, chúng ta sử dụng nó, nó sẽ trở thành dụng cụ tốt, có khả năng giúp ta chuyển hóa nội tâm, thoát khổ, giác ngộ, và giải thoát.
Có nhiều người nghĩ rằng khi đến với Thiền, họ chỉ cần được dạy cách tu làm sao để họ đạt được đốn ngộ, họ sẽ thành Phật.
Cũng có nhiều người nghĩ rằng họ chỉ cần học cách kiến tánh thôi để họ sẽ thành Phật. Rồi họ ôm ấp những tư tưởng đó. Họ đến với Thiền, tu để kiến tánh hay để đốn ngộ. Nhưng tu mãi, từ năm này sang năm khác, họ vẫn không làm sao đốn ngộ, không làm sao kiến tánh... Từ đó, kiến tánh và đốn ngộ trở thành 1 trong 2 chủ đề kỳ bí và hấp dẫn trong Thiền.
Đến với Thiền mà mang tư tưởng đó trong đầu thì ta không bao giờ giáp mặt Thiền được. Bởi vì cả 2 chủ đề đốn ngộ và kiến tánh, đòi hỏi ta phải trải qua những tiến trình tu học và thực tập thứ lớp trong thời gian dài, qua nhiều chặng, chớ không phải không có thứ lớp như nhiều người đã nghĩ. Thái tử Siddhattha sở dĩ trở thành vị Phật là Ngài cũng phải trải qua 4 tầng Thiền, chớ không phải Ngài không qua thứ lớp. Chặng cuối cùng của Ngài là trạng thái “tâm Tathā.” Tâm này ngoài lời. Nó dựa trên “ba hành không động.” Trong quyển: Luận Giảng Vấn Đáp Tiến Trình Tu Chứng và Thành Đạo Của Đức Phật, chúng tôi đã giải thích rõ ý nghĩa Ba Hành Không Động là gì, và thái tử Siddhattha trở thành vị Phật, Ngài đã kiến những tánh gì ?
Để tránh ngộ nhận về Thiền, nên mở đầu các khóa Tu Học, chúng tôi đều nêu lên chủ đề Giá trị của Thiền đối với đời sống con người. Đây là để định rõ thái độ của chúng ta khi dấn thân đi vào Thiền. Chúng ta khiêm tốn, không nao nức, không mong cầu những điều quá khả năng của chúng ta.
Khả năng kỳ diệu
Tuy nhiên, trên thực tế, nếu thực hành đúng Pháp, đúng kỹ thuật, và thích hợp với cơ chế Tánh giác hay cơ chế tánh Tự nhận thức biết, ta sẽ nhận ra rằng Thiền thực sự có những khả năng kỳ diệu. Đó là những khả năng:
Giúp thân ta được cân bằng hay hài hòa với nhau bên trong chính nó, gồm nội tạng, khí huyết, cơ bắp, xương, da. Từ đau ốm bệnh tật, ta có thể điều chỉnh hay chữa dứt khỏi một số bệnh thông thường, như cao máu, tim mạch, cao máu mỡ, hen suyễn, dị ứng, hay làm cho đường trong máu được quân bình...
Giúp tâm chúng ta điều chỉnh, chữa được những chứng bệnh căng thẳng thần kinh (stress) kinh niên, trầm cảm, mất ký ức, lo âu kinh niên, bệnh dính mắc, bệnh tự cao, tự đại, bệnh xem mình là số 1. Thuật ngữ gọi là bệnh chấp ngã, bệnh chấp kiến, bệnh chấp pháp. Ta rộng lượng, bao dung, tha thứ, và dễ dàng thông cảm người khác. Ta sống có trí tuệ và từ bi với muôn loài chúng sinh một cách tự nhiên.
Giúp thân và tâm chúng ta hài hòa với nhau. Qua đó, ta sẽ kinh nghiệm hài hòa với mọi người chung quanh: từ trong gia đình đến ngoài xã hội, và môi trường thiên nhiên.
Cao hơn nữa, Thiền có khả năng giúp ta phát huy trí tuệ tâm linh. Đó là ta sẽ có những khả năng sáng tạo, những sáng kiến mới về những vấn đề phù hợp theo lãnh vực chuyên môn của ta. Ngoài ra, ta cũng kinh nghiệm được năng lực biện tài và từ trường tâm từ, tâm bi, tâm hỉ, tâm xả.
Xa hơn nữa, Thiền có khả năng hướng dẫn ta cách kinh nghiệm nhân chứng. Đó là trước khi từ giã cõi đời, ta có khả năng làm chủ nghiệp thức để tự tại ra đi. Ta không để cận tử nghiệp xấu trồi lên.
Đây là những khả năng hợp lý, thiết thực, và kỳ diệu mà qua dụng công đều đặn các pháp trong Thiền, chúng ta sẽ kinh nghiệm được. Trong đó không có điều gì huyền bí. “Phép lạ” của Thiền chỉ là những tiến trình Biết (Knowing) hay Nhận Biết (Awareness), và Nhận thức biết (Cognitive Awareness).
Như thế, mọi người đều có thể thực hành Thiền được.
Chúng ta không xây dựng những tư tưởng hão huyền trong Thiền.
Tóm lại, đời sống con người có 3 phần: thân, tâm, và trí tuệ tâm linh. Thực hành Thiền đúng pháp, đúng kỹ thuật, và đúng chức năng của não bộ là cơ chế tánh giác và cơ chế của Tâm Tathā, ta sẽ nhận ra giá trị thực tiễn của Thiền đối với đời sống con người.
Những khả năng nói trên dựa vào nguyên lý tâm linh tác động - tác dụng.
Nguyên lý tác động - tác dụng
Trong Thiền, nguyên lý tác động - tác dụng là một nguyên lý thực tiễn. Tác động là cách làm. Tác dụng là hiệu quả hay kết quả của cách làm. Làm đúng, hưởng quả tốt. Làm sai, hưởng quả xấu. Nguyên lý này nằm trong phạm vi hồi đáp sinh học trong Thiền. Tức là khi thực hành bất kỳ chủ đề nào trong Thiền, hiệu quả của nó là sẽ đưa đến xấu hay tốt, lợi hay hại cho thân, tâm, và trí tuệ tâm linh của chúng ta. Tại sao ? Vì cơ thể chúng ta là cơ thể còn sống. Trong cơ thể này, từ trong đầu đến các tuyến nội tiết và hệ thần kinh, nội tạng, cơ bắp đều có các chất nước hóa học. Chất này được gọi là “chất sinh hóa” (biochemical substances). Chúng là những “nội tiết tố,” tức hormones. Chúng có khả năng làm cho thân đau bệnh hay khỏe mạnh; tâm an vui hay chán nản; ký ức mất: quên trước, quên sau, hay phục hồi, hoặc nhớ dai.
Thực hành thiền lâu năm, chúng tôi đã kinh nghiệm được điều này. Sai, đưa đến bệnh. Đúng, đưa đến khỏe mạnh. Nhưng thế nào là sai ? Thế nào là đúng ?
Đúng là khi áp dụng các pháp trong Thiền do Phật hay Tổ dạy, ta không cố gắng quá mức, không nỗ lực tối đa, không tập trung tư tưởng vào đối tượng. Ta thực hành thong thả, tà tà, thư giãn, nhưng đều đặn; không bỏ sót thời khóa dụng công trong ngày và cũng không chuyên nặng về tư thế ngồi với quyết chí đì thân, đì tâm. Càng đì thân, đì tâm, ta sẽ không tránh khỏi bệnh tâm thể như cao máu, tiểu đường, béo phì.
Ta thực hành trong 4 tư thế đi, đứng, nằm, ngồi (ngồi chơi) hay ngồi nghiêm chỉnh bằng những phương tiện do Phật dạy theo trình độ căn bản. Ta áp dụng những cách: biết, chỉ biết, biết rõ ràng đầy đủ (chánh niệm tỉnh giác), biết như thật trong 4 oai nghi. Bằng cách này, ta sẽ đi thẳng vào 1 trong 3 tánh trong cơ chế Tánh giác. Ta không đi lòng vòng. Không lấy đá đè cỏ. Không đì tâm, không đì thân. Qua những cách thực hành như vậy, các chất nước hóa học sẽ được tiết ra từ đối giao cảm thần kinh, từ vùng Dưới Đồi, từ trong các tuyến nội tiết, và từ trong cuống não như chất: serotonin, melatonin, acetylcholine, endorphine, dopamine, insulin, v.v…
Sai là áp dụng các pháp trong Thiền do Phật hay Tổ dạy mà chúng ta cố gắng quá mức, nỗ lực dụng công quá mức, tập trung tư tưởng quá mức vào các chủ đề. Hoặc ta dùng ý thức, ý căn hay trí năng méo mó để dụng công. Bằng cách này ta sẽ tác động vào giao cảm thần kinh thường trực, đưa đến các chất sinh hóa học xấu được tiết ra để làm hại cơ thể chúng ta. Thí dụ như: norepinephrine (noradrenaline), epinephrine (adrenaline), cortisol, glucagon…
Tuy là một môn thuộc về tâm linh, nhưng Thiền là một môn khoa học thực nghiệm. Vì khi chúng ta thực hành, toàn bộ tế bào não, các định khu vỏ não, hệ thống viền não, hệ thống ký ức, hệ thống thần kinh, hệ thống tuyến nội tiết đều bị tác động đồng bộ theo 2 nguyên tắc phản xạ:
Phản xạ giác quan đưa đến ngộ. Phản xạ thụ động đưa đến hoàn toàn chứng ngộ. Từ cuối năm 1997, khi hướng dẫn thiền sinh thực tập thẳng vào cơ chế tánh giác, chúng tôi đã đưa ra những nguyên tắc này.
Chúng tôi mong rằng khi học Thiền, quí vị cần nắm cho vững nguyên lý tác động - tác dụng để tránh thực hành sai lạc.