Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - BÀI 52
CHẠM MẮT LÀ BỒ ĐỀ
Ngày xưa, thật xưa, trước khi tu học theo Thầy, chắc cũng nửa thế kỷ trước, lúc đó mình thường xem kinh điển đại thừa, có lần đọc đâu đó, không phải trong văn kinh, mà chỉ là lời đầu sách hay lời cuối sách của dịch giả bàn luận về kinh, có mấy chữ “chạm mắt là bồ đề”. Ủa, mình mở mắt ra đây, mà có thấy gì khác lạ đâu? Sao mình không giác ngộ? Xưa hơn nữa, hồi còn đang học năm cuối của trung học, trong chương trình Triết học có Luận lý học, Tâm lý học, Siêu hình học v.v…thầy dạy môn Triết có giảng câu “Vạn vật đồng nhất thể”. Lúc đó, mình có lần băn khoăn, suy gẫm: mình không có làm gì xấu, ba mẹ anh em đều thương mình, mình cũng thương ba mẹ anh em, bạn trong lớp thương mình, mình cũng thương bạn, mình cũng quí thầy cô giáo, ra đường mình cũng tốt với mọi người, vậy sao mình không phải là Phật, sao mình không có thần thông? Sao mình không được gặp Phật, hay gặp bà tiên nào, như trong truyện cổ tích? “Vạn vật đồng nhất thể” mà. Suốt tuổi thơ của mình chỉ là những hình ảnh Phật và mấy bà tiên rất hiền và rất đẹp, sẽ cứu giúp mình khi mình ngoan, hiền mà gặp khổ.
Cho tới bây giờ, không biết bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, Phật và mấy bà tiên mới từ từ hiển hiện ra, cũng rất hiền và rất đẹp y như trong truyên cổ tích vậy.
"Chạm mắt là bồ đề" là sao? Khi xưa, mình đã mở mắt, ngắm thật rõ từng bông hoa, cây cảnh, thấy thiên nhiên rất là đẹp, không biết ở đâu mà có màu trắng, màu hồng cho mấy bông hoa này, hương thơm từ đâu mà có trong hoa? Sao trong kinh sách nói hễ mở mắt ra thì là giác ngộ, còn mình mở mắt thấy cái gì cũng không hiểu.
Bây giờ mới có thể tạm hiểu đơn sơ năm chữ "chạm mắt là bồ đề" ý nghĩa gì.
"Bồ đề" âm từ chữ Bodhi, có nghĩa là giác ngộ, là hiểu biết đúng và sâu sắc tất cả những chân lý của cuộc đời.
Người giác ngộ có thể trả lời tất cả những câu hỏi, thí dụ như:
- Bông hoa này từ đâu mà có?
- Màu trắng, màu hồng của bông hoa từ đâu mà có?
- Hương thơm từ đâu mà có trong bông hoa?
- Mình từ đâu mà tới đây?
- Tại sao mình phải già, phải bệnh rồi chết như mọi người?
- Sau khi chết, mình sẽ ra sao?
- Tại sao có người đẹp, có người không đẹp?
- Tại sao có người hiền, có người xấu ác?
- Tại sao có người khi hiền khi dữ? v.v…
Thì Đức Phật đã giải thích rõ ràng trong kinh điển:
- Qui luật vô thường, hay qui luật biến dịch, thành- trụ-hoại- diệt.
- Qui luật sanh- già- bệnh- chết cho con người.
- Y duyên tánh, bản thể của tất cả thế gian và con người là do nhân duyên mà thành lập, nên biến đổi và hoại diệt theo nhân duyên.
- Qui luật tuần hoàn trong vũ trụ cũng theo nhân duyên, v.v…
Khi mình hiểu tất cả những qui luật chi phối con người và thế gian, thì mình sẽ sống thuận theo những biến đổi bất thường trong đời, sẽ bình an vui vẻ chấp nhận tất cả hoàn cảnh.
Bây giờ, thử mở mắt ngắm nhìn thiên nhiên, cỏ cây hoa lá bên ngoài. Mình thấy gì? Đây là bông giấy màu đỏ, đây là bông mai màu vàng, đây là bông 10 giờ màu tím, đây là mấy cây cảnh màu lá xanh tươi, nắng đang ấm, mấy con chim se sẻ bay trên mấy khóm hoa. Mình biết nhờ mưa thuận gió hòa, mà thiên nhiên tươi thắm, đó là "Y duyên tánh" đang hiển hiện, đủ duyên thì cảnh thiên nhiên như vậy, rồi khi không đủ duyên, nó sẽ thay đổi. Cũng như dãy hoa thủy tiên đã tàn, mấy gốc đào chỉ là chi chít lá non. Vạn vật tất cả là pháp do duyên sinh, thì nó phải vô thường, biến hoại.
Hiểu rõ vậy rồi thì mình vui trong "cái đang là". Cái đang là đang tươi thắm, rạt rào sức sống, hiển hiện đầy màu sắc, lung linh tuyệt vời trong nắng ấm.
Thiên nhiên trong khuôn viên Tổ Đình này cũng y hệt thiên nhiên bao la bên ngoài vậy. Bên ngoài có núi sông, có mặt trời, mặt trăng, có đường phố, có người, có cảnh, thì tất cả cũng là pháp do duyên sinh, tất cả sẽ biến đổi, sẽ hoại diệt theo nhân duyên của mỗi thứ, để rồi theo nhân duyên lại xuất hiện trở lại.
Chúng ta sẽ nhận ra thực sự vạn pháp là trống không, mỗi cái tên gọi thực sự không có gì vững bền trong nó. Mỗi cái tên gọi, hay mỗi hiện tượng thế gian là trống không, nó là như huyễn ảo mà thôi. Thì mình xa rời tất cả cảnh bên ngoài.
Bây giờ, chúng ta nhìn sâu hơn nữa, mình sẽ thấy gì ? Thấy rõ ngay trước mắt là khoảng không trong suốt, trong veo, không có gì trong đó. Là tâm của mình, tạm nói như vây. Chứ nó không có gì hết, chỉ tạm diễn nói là tâm, và tạm nói là của mình. Chỗ này tây phương nói là “the this”, hay “the that”.
Trong kinh Nikāya, Đức Phật thường nhắc các vị tỳ kheo sau khi ngồi kiết già, lưng thẳng, thì đặt chánh niệm trước mặt. Chánh niệm là cái Biết trong sạch, tĩnh lặng, khách quan của chân tâm. Cái Biết này có chức năng là Biết chính nó, hay tự nhận biết (self-awareness).
Khi nó thấy cảnh, thì nó thấy “cái đang là”. Khi nó an trú trong chính nó, thì nó thấy “cái như vậy” (Tathatā/ the Suchness). Bây giờ, mọi sự đều chấm dứt, không có lời nói, không có văn tự, không có tên gọi, thế gian cũng không còn. Không suy nghĩ, không phân biệt, không thương ghét, tất cả tan biến, bình đẳng.
Có phải cổ nhân đã nói đúng “chạm mắt là bồ đề”?
Thiền viện, 18- 4- 2024
TN
Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - BÀI 52
Click icon tam giác để nghe - Click icon ba dấu chấm để download