CHỨNG VÀ TRÚ THIỀN THỨ HAI
Lời ngõ: Loạt bài viết về các tầng Thiền của Đức Phật được trích từ quyển sách "Tiến Trình Tu Chứng Của Đức Phật" do Hòa Thượng Thích Thông Triệt biên soạn; đã được phát hành lần đầu tiên năm 2005 và tái bản lần thứ nhì năm 2007. Mục đích của loạt bài viết này nhằm giúp cho Thiền sinh ôn lại phương thức thực hành đúng như lời Phật dạy. Kỳ này bài viết chỉ rõ phương thức thực hành để chuyển đổi từ tâm phàm phu sang tâm bậc thánh. Nếu không nắm rõ kỹ thuật thực hành thì xem như đường tu bị bế tắc đành phải chờ một duyên lành vậy.
BBT
Với kinh nghiệm của tầng Thiền thứ nhất, Bồ Tát cảm nhận niềm hân hoan vui thích và khoái cảm thấm nhuần toàn thân. Ngài cảm thấy nội tâm an tịnh. Ngài nhận ra kết quả này phần lớn do nhờ ly dục và ly bất thiện pháp. Tuy nhiên, Ngài chưa kinh nghiệm được mức độ an tịnh sâu hơn, vì trong tâm còn hai loại niệm tầm và tứ cứ liên tục xen kẽ khởi lên. Sau đó, Bồ Tát tiến lên bước thứ hai để chấm dứt niệm nói thầm (tức tầm = vitakka), và chấm dứt niệm đối thoại thầm lặng (tức tứ = vicāra).
Khi áp dụng bước này, Bồ Tát không sử dụng ý thức, cũng không sử dụng trí năng để cố gắng quán sát hay cố gắng nhớ, hoặc cố gắng theo dõi, và điều khiển hơi thở vào, ra bằng cách nói thầm “Tôi biết tôi hít vào dài,” “Tôi biết tôi thở ra dài” như trước kia nữa. Hơi thở cứ vào và ra tự nhiên, Ngài chỉ duy trì niệm biết rõ ràng có hơi thở vào và ra mà thôi. Nơi đây chỉ có niệm biết mà không có người biết. Ngài gọi là “chánh niệm hơi thở vô, chánh niệm hơi thở ra.” Hoặc Phật cũng dạy: “Hít vào dài, vị ấy rõ biết: “Tôi hít vào dài.” Thở ra dài, vị ấy rõ biết: “Tôi thở ra dài.” Hít vào ngắn, vị ấy rõ biết: “Tôi hít vào ngắn.” Trong hai bước này, vị đệ tử duy trì niệm rõ biết khi hít vào cũng như khi thở ra mà không thêm nội dung gì vào. Niệm rõ biết này tương xứng với niệm thầm nhận biết.
Đây là phương thức "nhận biết đối tượng" bằng sự chú ý trống rỗng hay quan sát trống rỗng sự kiện hơi thở vào, ra. Trong đó không có chủ thể biết, chỉ có sự nhận biết về sự hít vào thở ra.
Thí dụ, khi hơi thở vào, biết rõ hơi thở vào; khi hơi thở ra, biết rõ hơi thở ra; khi cơ bụng hay cơ hoành hít vào dài, biết rõ hít vào dài; thở ra dài, biết rõ thở ra dài. Khi bụng phồng lên, biết rõ phồng lên; khi xẹp xuống, biết rõ xẹp xuống. Đây là sự nhận biết biết rõ những hoạt động của sự hít vào, thở ra. Trong sự biết rõ ràng này không có lời nói thầm về sự “phồng lên, xẹp xuống” của cơ bụng hay cơ gian sườn, hoặc cơ hoành, cũng không có sự phân biệt của ý thức xuất hiện để nói lên các trạng thái hơi thở dài, ngắn, sâu, cạn, thô, tế, hay trong sạch như thế nào. Nếu cho thêm bất cứ lời gì vào trong tiến trình này thì sai.
Nói chung, tất cả niệm hơi thở vào, ra, thô, tế, dài, ngắn, sâu, cạn, ta đều biết rõ ràng, nhưng biết mà không lời nói thầm về sự biết, chỉ thầm nhận biết, hay lặng lẽ biết. Đây là biết như thật về sự vào, ra của hơi thở. Trong đó không có chủ thể Tôi/Ta đóng vai trò, chỉ có niệm biết rõ ràng.
Bằng cách này, tâm Ngài trở nên trong sáng, tĩnh lặng, và biết rõ ràng những cảm giác của thân. Lúc bấy giờ niềm hân hoan vui thích thấm nhuần toàn thân Ngài, do tác dụng sinh học bên trong cơ thể tạo ra. Ngài thích thú trạng thái này và tiếp tục duy trì trạng thái hân hoan vui thích đó. Tuy nhiên, sau đó Ngài cảm thấy không hứng khởi để tiến sâu thêm nữa.
Để biết nguyên nhân bắt nguồn từ đâu, Bồ Tát tự khảo sát lại nội tâm. Cuối cùng Ngài nhận ra do tầm, tức lời nói thầm còn xuất hiện để hưởng ứng niềm hân hoan vui thích bằng cách nói thầm về niềm hân hoan vui thích đó. Ngài xem đây là bệnh*. Ngài lại cố gắng chấm dứt tầm, bằng cách không hưởng ứng niềm hân hoan vui thích kia nữa. Sau đó, tầm và tứ đều tự động dừng bặt. (Kinh gọi là “Diệt tầm và tứ.”). Chỉ còn lại sự biết rõ ràng về hơi thở vào và ra mà không có người biết. Ngài gọi trạng thái này là "định không tầm, không tứ."
Ngài tiếp tục thực hành nhiều lần cách này cho đến khi hoàn toàn làm chủ tâm ngôn, đạt được sự tĩnh lặng bên trong với trạng thái tâm không còn khởi niệm lăng xăng. (Kinh gọi là -nội tĩnh nhất tâm.) Lúc bấy giờ niềm hân hoan vui thích và thoải mái (hỷ lạc) tuy thấm nhuần khắp toàn thân Ngài, dù biết rõ ràng trạng thái này, tâm Ngài vẫn không dính mắc với cảm giác đó. Tâm Ngài lúc bấy giờ mới thực sự đến trạng thái định (samādhiyati).
________________
* Tư liệu này được ghi trong Kinh Tăng Chi 4, “Tự Hành Hạ Mình”.
Ngài thuật lại cho Aggivessana về trạng thái chứng và an trụ trong chi Thiền thứ hai như sau:
“Diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm ta.” (Kinh Trung Bộ 1, Đại kinh Saccaka, số 36)
GHI CHÚ
- Một đoạn kinh trong Tương Ưng Bộ Kinh 5, Phẩm Một Pháp, phẩm Ngọn Đèn, đức Phật cho biết rằng khi chưa chứng Chánh Đẳng Giác, Ngài thường áp dụng phương pháp “Định niệm hơi thở vô, hơi thở ra.” Ngài thuật lại rằng Ngài đã thực hành nhiều lần với pháp hít thở bằng “Sati-samādhi,” tức “Định niệm,” nhờ đó thân và con mắt của Ngài không mệt nhọc. Tức là khi đạt được trạng thái này, Ngài không bị hôn trầm và uể oải. Riêng về tâm, Ngài không còn bị các lậu hoặc chi phối. Tâm của Ngài không có chấp thủ, tức là không còn dính mắc vào các đối tượng giác quan. Ngài nói:
“... Định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này các Tỳ kheo, tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy thời có quả lớn, có lợi ích lớn hơn...Ta trước khi giác ngộ, chưa chứng Chánh Đẳng Giác, khi còn là Bồ Tát, Ta trú nhiều với trú này, thân ta và con mắt không có mệt nhọc, và tâm được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ...”
Từ kinh nghiệm trên, sau này khi đi giáo hóa, đức Phật thiết lập pháp “Định Niệm Hít vào Thở ra” để dạy đệ tử đạt được Thiền thứ hai là định không tầm không tứ.
Ngài chia làm nhiều bước. Trong đó hai bước quan trọng nhất là chấm dứt các niệm suy nghĩ và dừng hết tầm và tứ. Đây là tầng định quan trọng bậc nhất trong hệ thống Thiền Phật giáo. Vì qua được tầng định này, ta mới có khả năng làm chủ tâm ngôn hay làm chủ suy nghĩ. Sau đó mới đủ điều kiện tiến sâu vào các tầng định khác. Nếu lời nói thầm chưa được kiểm soát, ta không thể nào có kinh nghiệm làm chủ vọng tưởng hay kinh nghiệm định.
Cũng trong Tương Ưng Bộ Kinh 5, Phẩm Một Pháp “Tương Ưng Hơi Thở Vô, Hơi Thở Ra, phẩm Ngọn Đèn (S.v,316), đức Phật nói:
“Do vậy, này các Tỳ kheo, nếu Tỳ kheo ước muốn rằng: “Mong rằng các niệm, các tư duy của ta được đoạn tận,” thời định niệm hơi thở vô, hơi thở ra này phải được khéo tác ý8.”
Tiếp theo, đức Phật mô tả bằng “định niệm hít vào và thở ra” đưa đến dứt tầm, dứt tứ như sau:
“Do vậy, này các Tỳ kheo, nếu Tỳ kheo ước muốn rằng: “Mong rằng làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, tôi sẽ chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm,” thời định niệm hơi thở vô, hơi thở ra này phải được khéo tác ý.”
Giải thích ý nghĩa Định Niệm (sati-samādhi).
- Chữ “sati” trong trường hợp này không có nghĩa “nhớ” mà có nghĩa sự nhận biết; tương đương tiếng Anh là “awareness.” Như vậy, thuật ngữ “Định niệm” trong trường hợp này không phải “nhớ Định” mà là Định bằng sự nhận biết. Có nghĩa, ở giai đoạn này sự nhận biết đã trở thành một năng lực vững chắc, trong đó không có mặt vọng tâm, chỉ có niệm biết không lời hiện hữu. Vì thế Phật mới đặt tên là “Định niệm.” Nếu hiểu nghĩa “sati” là “nhớ” thì không đúng.
Thí dụ, khi hơi thở vào, biết có hơi thở vào. Khi hơi thở ra, biết có hơi thở ra. Khi bụng phồng lên, lúc hơi thở vào, biết có sự phồng lên; khi bụng hạ xuống, lúc hơi thở thoát ra, biết có sự hạ xuống. Thế thôi. Sự nhận biết này rất rõ ràng, không đứt quãng. Trong đó không có lời nói thầm xảy ra trong não về bất cứ sự kiện gì. Vì thế, niệm biết này không phải là trạng thái ý thức biết mà là trạng thái thầm nhận biết. Nếu nói theo thuật ngữ Thiền, cái biết trước là cái biết của ý thức, cái biết sau là cái biết của tánh giác. Do đó, trong niệm biết này không có người biết mà chỉ có một dòng biết lặng lẽ về sự vào và ra của hơi thở hay về bất cứ đối tượng nào khác. Đây là cái biết như thực. Nếu dựa vào khoa học thần kinh não bộ (neuroscience) mà nói, thì đây là trạng thái tự nhận biết của tánh xúc chạm.
- Ngài chỉ giữ trạng thái thầm nhận biết sự vào và ra của hơi thở, chứ không chú tâm điều khiển hơi thở và cũng không khởi niệm phân biệt về sự vào hay ra của hơi thở dài hay ngắn, nhanh hay chậm... như thế nào nữa. Bằng cách này quán tính nói thầm và đối thoại thầm lặng hay tầm và tứ không thể tự động khởi lên. Vì vậy, trong tiến trình hít vào và thở ra này không có niệm nói thầm bất chợt xen vào mà chỉ có sự biết hơi thở ra, vào mà thôi.
Tác dụng
- Khi định niệm đã trở thành một năng lực, có mặt thường trực thực sự, tất nhiên tầm và tứ phải vắng mặt. Vì tầm và tứ là sự nói thầm và đối thoại thầm lặng. Cả hai (tầm và tứ) cũng là chướng ngại trong sự thực tập Định ở bước đầu đối với nhiều chủ đề khác trong Thiền. Còn định niệm là niệm biết đã trở thành thường hằng, vững chắc, và không gián đoạn, thuộc bước thứ hai. Trong đó tâm ở trạng thái: thầm nhận biết, không có mặt ý thức, ý căn, và trí năng.
- Khi bắt đầu thành tựu chấm dứt tầm và tứ, nội tâm Ngài hoàn toàn yên tĩnh. Ngài cảm nhận một trạng thái phấn chấn (vui thích) và dễ chịu hay khoan khoái (tức hỷ lạc) toàn thân. Ngài biết rằng trạng thái hỷ lạc này do định không tầm không tứ sinh ra chứ không phải do ly dục và ly bất thiện pháp sinh ra. Tuy nhiên, sau đó cảm giác khoan khoái (lạc thọ) này vẫn còn kéo dài, làm cho tầm thỉnh thoảng khởi lên để nói ra ấn tượng về sự khoan khoái kia như thế nào. Ngài thấy đây là bệnh. Sau đó Ngài quyết định phải chấm dứt tầm để tâm không bị dính mắc với lạc thọ. Cuối cùng Ngài vượt qua. Tức là dù biết có lạc thọ, lạc thọ đó không chi phối tâm Ngài. Sau cùng lạc thọ cũng chấm dứt luôn khi Ngài đạt được Thiền thứ ba.
Nhận xét
- Với người thường, muốn đạt được trạng thái không tầm không tứ thật vô cùng khó khăn. Vì quán tính suy tư, nghĩ tưởng hay tư duy biện luận về nhiều chủ đề đã ăn rễ sâu trong tâm thức ta từ khi ta lớn lên được khoảng 10 tháng tuổi đến hiện nay.
- Trong lúc đó, Ngài vốn đã nhiều năm sống độc cư trong rừng sâu hẻo lánh. Ngài không suy nghĩ mông lung, không tưởng nhớ quá khứ, không bàn chuyện dục lạc thế gian, cũng không tranh chấp với người chung quanh; suốt ngày dồn nỗ lực chiến đấu chống lại tham dục. Đến khi nhận ra tầm và tứ còn xuất hiện trong tâm, Ngài nỗ lực thực hành cách làm chủ ngôn hành. Cuối cùng Ngài đạt được mục tiêu.
Chú ý
- Nếu đã thực hành thiền nhiều năm mà chưa dừng được vọng tưởng, ta có thể rơi vào một trong những khuyết điểm như sau:
(1) chưa thực sự nhận ra cốt lõi vọng tưởng là gì,
(2) chưa làm chủ được ý ngôn, tức tâm lầm bầm (manojalpa = mental murmur),
(3) không nhận ra sự nguy hiểm của tầm và tứ có tác dụng làm cản trở mức độ định và huân tập thêm lậu hoặc như thế nào,
(4) chưa đạt được không tầm không tứ định.
- Trên thực tế, tầm và tứ thực sự là vọng tưởng. Trong đó tâm thường hướng đến đối tượng do sự can thiệp của ý thức. Từ đó chính ý thức tạo ra sự dính mắc dây dưa với đối tượng. Cốt lõi vọng tưởng chính là sự nói thầm không dứt hay trạng thái ta tự đối thoại thầm lặng triền miên trong đầu. Chúng có thật. Chúng do ta tự khởi nói. Hoặc chúng do quán tính nói thầm trong não khởi lên. Biển tâm sở dĩ dậy sóng thường xuyên, chính là do tâm ngôn cứ phát sóng. Mạng lưới tư duy cứ dầy đặc là do sự nói thầm đan kết. Muốn chấm dứt chúng, ta phải áp dụng kỹ thuật làm chủ tâm ngôn. Nếu làm chủ được tâm ngôn, ta sẽ có định trong 4 oai nghi. Còn không làm chủ được, dù có quán chiếu vọng tưởng là giả, là ma, chúng vẫn hiện hành trong tâm ta như thường. Rồi ta cứ bị vọng tưởng dẫn dắt đi lang thang. Sự tu thiền xem như đến đây bị bế tắc. Cho nên, ta cần thông suốt điều này để nhận ra căn nguyên vọng tưởng và thực chất vọng tưởng. Rồi sau đó ta áp dụng cách chấm dứt vọng tưởng.
- Nếu không kinh nghiệm định không tầm không tứ, xem như trong đầu vị ấy vẫn còn tràn ngập vọng tưởng. Một ngày nào đó, vị ấy có khả năng bị tâm ba thời (quá khứ, hiện tại và tương lai) dẫn dắt đi vào vòng điên đảo thị phi.
Tìm hiểu giá trị Thiền thứ hai
Dựa vào sự thành công của Bồ Tát trong chi Thiền thứ hai, ta có thể rút ra 8 điểm đặc biệt để học tập về chi Thiền này:
- Thực chất không tầm không tứ định - Trên mặt ý nghĩa, cốt lõi rốt ráo của thuật ngữ không tầm không tứ là “không suy nghĩ,” “không tư duy biện luận” hay “không nói thầm và không đối thoại thầm lặng trong đầu.” Do đó cảm thọ và tri giác (tức Tưởng) không thể khởi lên được. Lý do là Tưởng xem như đã bị cơ chế của Tánh Giác kiểm soát, làm cho tâm không còn hướng đến đối tượng để suy luận hay để quán sát và tư duy về đối tượng.
- Cần lưu ý về chức năng của Tưởng (saññā). Trên nguyên tắc, chức năng của tưởng được biểu hiện dưới nhiều dạng năng lực. Toàn bộ các năng lực đó được thể hiện bằng sự nói thầm hay Tầm. Ta có thể liệt kê các loại năng lực đó như sau: năng lực “gọi tên,” năng lực “khái niệm,” năng lực “định danh,” năng lực “tạo thành ý nghĩ,” năng lực “tạo thành ấn tượng,” “năng lực liên tưởng.” Vai trò của Tưởng luôn luôn gắn liền với kinh nghiệm của chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Cho nên, bất luận lúc nào hễ 6 căn tiếp xúc với 6 trần, sự gọi tên hay sự thiết lập khái niệm hoặc sự định danh, hoặc sự tạo thành ý nghĩ... liền khởi ra. Thí dụ, thấy một vật, tri giác liền mô tả vật đó là vật gì, tên gọi là chi, v.v... Rồi những mạng lưới tín hiệu này liền truyền thẳng đến Hành. Hành truyền đến Thức.
Qua đó, triều tâm sẽ không bao giờ yên lặng. Phật đã kinh nghiệm điều này, nên dạy ta phải buông bỏ mọi hỷ lạc trong các tầng Thiền. Nếu cứ bám vào cảm thọ, tất nhiên ngôn hành phải phát ra. Khi ngôn hành đã thực sự yên lặng, ta sẽ đạt được không tầm không tứ định. Và đàng sau trạng thái định không tầm không tứ, ta thầm nhận biết rõ ràng các cảm thọ mà tâm không dính với cảm thọ.
Đây là điều chúng ta cần lưu ý.
- Nói chung, người nào đạt được biết không lời hay thầm nhận biết vững chắc, người đó đạt được không tầm không tứ định, làm chủ được các mô thức tri giác - một yếu tố quan trọng để đạt được "nhân chứng." Người nào thực hành thiền trong 4 oai nghi mà trong đầu cứ nói lảm nhảm theo các phương thức thực hành của mình, người đó không làm sao có khả năng tiến đến tâm định. Nếu đã thực hành nhiều năm mà vẫn duy trì niệm nói thầm trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi, Phật gọi là "thiền bệnh" hay "khổ." Nếu tỉnh trí, ta cần xét lại lối thực hành này. Nếu không sửa đổi, mãi mãi ta vẫn dậm chân một chỗ, không bao giờ có kinh nghiệm được tâm định.
- Điều kiện bắt buộc - Muốn đạt không tầm không tứ định, ta phải làm chủ ý ngôn. Muốn đạt được điều này, ta phải thực hành từng bước kỹ thuật làm chủ ý ngôn.
- Cách thực hành - Có hai cách để đạt được tầng định này. Một, muốn đạt định này, bạn phải làm chủ tiếng nói thầm lặng trong tâm bằng cách thực tập “không định danh đối tượng” hay “không gọi tên đối tượng” hoặc “không nói thầm trong não.” Bởi vì nếu không làm chủ được sự phát ngôn thầm lặng này, tri giác cứ hoạt động, vọng tưởng cứ liên tục khởi ra dưới nhiều dạng nội dung khác nhau, đưa đến tâm tán loạn hay dính mắc. Vì vậy, nếu thực sự làm chủ tâm ngôn vững chắc, bạn sẽ đạt được tầng định thứ hai mà không thông qua pháp Định Niệm Hít Vào Thở Ra.
Hai, nếu áp dụng pháp Định niệm hít vào thở ra, ta phải ứng dụng cách không khởi niệm nói thầm về những tiến trình hít thở như không nói “Tôi biết tôi hít vào,” “Tôi biết tôi thở ra,” v.v... hay không “đếm hơi thở từ 1 đến 10,” hoặc cũng không khởi ý “quán sát hơi thở vào, ra, dài, ngắn, sâu, cạn, thô, tế” như thế nào. Khi thở, ta chỉ giữ niệm biết không lời về sự vào, ra của hơi thở và thầm nhận biết những cảm thọ trên thân (cảm giác toàn thân) qua các bước thực hành hít thở vào, ra. Thuật ngữ gọi chiêu thức này là “chú ý trống rỗng” hay “quan sát trống rỗng.” Đây là cách làm chủ tri giác. Các căn, đặc biệt là ý và thân tuy tiếp xúc với đối tượng, biết đối tượng, nhưng tâm không diễn nói về đối tượng. Nếu áp dụng đúng như thế, cuối cùng ta sẽ đạt được không tầm không tứ định. Đồng thời cũng qua phương thức này, ta sẽ xây dựng được nền tảng của chi Thiền thứ ba.
- Nội tĩnh nhất tâm - Nội tĩnh nhất tâm là đặc tính của không tầm không tứ. Hễ khi ta đạt được không tầm không tứ, trạng thái tĩnh lặng từ bên trong (nội tĩnh) cơ chế Tánh Giác sẽ xảy ra, và ngay lúc đó ta sẽ kinh nghiệm được một dòng biết không lời không gián đoạn. Nó là trạng thái “tĩnh lặng bên trong với tâm thuần nhất khi tâm ngôn hoàn toàn vắng lặng.” Bên trong tâm này không có sự loạn động tạp niệm, không có vọng tưởng mà chỉ có “đơn niệm biết.” Đơn niệm biết này chính là dòng biết không lời thường hằng lặng lẽ và vững chắc. Chính nó là nền tảng của định.
Nói theo thuật ngữ Thiền tông, đây là trạng thái ý niệm "ta" đã hội nhập vào tánh giác thành một thể thống nhất. Nơi đó chỉ có cái biết thường hằng vô ngôn và lặng lẽ mà không có ý niệm “Ta" hiện hữu.
- So sánh - Trạng thái VÔ NIỆM trong Thiền Tông tương đương với trạng thái không tầm không tứ định. Vì trong vô niệm không có niệm của trí năng, không có niệm của ý căn hay của ý thức mà chỉ có niệm biết rõ ràng về môi trường chung quanh hay bên trong cơ thể ngay trong lúc đó. Khi rơi vào trạng thái định này, trong đầu vị ấy chỉ hiện hữu một dòng biết không lời. Đồng thời vị ấy cảm nhận sự tĩnh lặng bên trong và nhận rõ trạng thái tâm không dính mắc vào hai bên, gọi là "tâm thuần nhất."
- Lạc thọ không chi phối tâm - Đây là điểm đặc biệt của chi Thiền thứ hai. Đức Phật nói: Lạc thọ khởi lên từ nơi thân Ngài, dù được tồn tại, lạc thọ đó không chi phối tâm Ngài.
Điều này có nghĩa, trong tiến trình nhận biết lạc thọ thấm nhuần toàn thân, Ngài không còn nói thầm về lạc thọ đó nữa nên tâm của Ngài không dính mắc với lạc thọ đó. Vì vậy, dù lạc thọ có khởi lên trên thân, lạc thọ đó không tác động được tâm Ngài.
Ta đã biết, đặc tính của Tưởng, tức tri giác là tạo ra các mạng lưới khái niệm khi nó nhận thông tin hay tín hiệu từ nơi Thọ. Bây giờ ta làm chủ sự nói thầm, tức nhiên tri giác không thể chi phối tâm ta, dù ta có cảm nhận tri giác đó ra sao. Trong trường hợp này, xem như thông tin dừng lại tại nơi Thọ. Đó là ta chỉ thầm nhận biết về “lạc thọ.”
Như thế, trong trường hợp này tâm Ngài đã trở nên "nhân chứng." Do đó, dù nhận biết lạc thọ khởi lên nơi thân, tâm không duyên theo lạc thọ đó.
Trên đây là 8 điểm đặc biệt của Thiền thứ hai.
Tóm kết
- Tác dụng của dứt tầm dứt tứ tạo ra niềm hân hoan vui thích tràn ngập thân-tâm. Niềm hân hoan vui thích này vẫn dây dưa kéo dài trong 4 oai nghi. Nếu không biết, ta khởi lên khoái cảm và an trú trong đó để thưởng thức sự hân hoan vui thích, kết quả tầm sẽ có dịp khởi lên để diễn nói về những nhịp độ hân hoan vui thích kia ra sao. Như thế, ta rơi vào định có tầm không tứ. Tức là có nói thầm mà không có đối thoại thầm lặng. Nếu biết rõ tác dụng của niềm hân hoan vui thích là điều tất nhiên do sự làm chủ tâm ngôn tạo nên, ta không khởi lên niệm mừng và cũng không say mê niềm hân hoan đó. Trái lại, tiếp tục dồn nỗ lực chìm sâu trong không tầm không tứ định, cuối cùng ta sẽ vào từng Thiền thứ ba là Xả. Tâm sẽ trở nên bình thản, cân bằng, không vui, không buồn, không khoái cảm, không hân hoan, không dính mắc.
- Nếu thực sự thành tựu vững chắc Thiền thứ hai, giá trị của chi Thiền này đưa đến trạng thái tâm trong sáng, làm chủ cảm thọ, các loại tâm xúc cảm không thể khởi lên. Nó là nền tảng của Xả, tức Chánh niệm tỉnh giác định (Satisampajañña-samādhi). Trong đó không có sự hoạt động của trí năng, ý căn, ý thức, và tự ngã. Đưa đến thân-tâm hài hòa. Ngôn hành không còn tự động phát ra theo quán tính cũ của tế bào não ở các vùng ký ức và vùng phát ngôn. Đưa đến Tưởng thực sự yên lặng. Tánh giác bắt đầu có mặt và trở thành nhân chứng.
Đây là trạng thái tâm thuần nhất (Cetaso-ekodhi-bhāva). Nó là nền tảng của định và cũng là nền tảng của tu chứng hay nội chứng. Thiền gia cảm nhận những chuyển hóa bên trong thân và tâm, nhưng không hề bị dính mắc với các sự chuyển hóa đó. Sự phát huy tâm linh được đặt trên cơ sở này.
Tuy nhiên, vì niệm nói thầm chưa thực sự đạt được vững chắc nên trong tiến trình định này, thiền gia cảm thấy khoan khoái thấm nhuần toàn thân liên tục. Niềm vui tươi lúc nào cũng biểu lộ trên ánh mắt và gương mặt. Nụ cười hồn nhiên không lúc nào thiếu vắng. Nếu không biết buông bỏ trạng thái khoan khoái hay hân hoan vui thích này, cứ thường xuyên an trụ trong đó, đây là bệnh. Vì niệm nói thầm lại có điều kiện khởi lên để hưởng ứng với cảm thọ hân hoan vui thích. Nếu đã như thế, ta không thể tiến lên Xả, tầng Thiền thứ ba. Vì vậy, chớ nên an trụ trong niềm hân hoan vui thích khoái cảm này. Phải tiếp tục chìm sâu trong Không Tầm Không Tứ định để củng cố tánh giác. Không dính mắc với cảm thọ hay tri giác đó.
- Điều kiện cần thiết để thực hành:
- Trước hết, trong thời kỳ còn thực tập, ta phải nắm rõ đặc tính không tầm, không tứ hay không giác, không quán thực sự là không nói thầm hay không tự nói qua nói lại với ta về chủ đề mà ta đương thực hành. Trong giai đoạn này, nếu thực hành bất kỳ chủ đề nào của Thiền, trong đầu ta cứ nói thầm liên tục, ta sẽ mãi mãi ở bước thứ nhất. Không thể nào tiến lên bước thứ hai, dù ta cố công thực hành vài mươi năm.
- Thứ hai, phải nắm rõ đặc tính biết không lời là nhìn thấy biết, cảm nhận biết đối tượng mà không nói thầm về đối tượng. Ở đây, đối tượng của ta là sự hít thở vào, ra. Như vậy, khi hít thở vào, ra dù thân cảm thọ như thế nào, ta cũng không nói một lời gì về cảm thọ đó. Ta chỉ thầm nhận biết thôi. Nếu khởi niệm nói thầm thì sai. Vì khi nói thầm, mạng lưới Tưởng sẽ triển khai, ý thức, trí năng, tự ngã, và tâm sở liền có mặt. Tất nhiên tánh giác phải vắng mặt. Cho nên, cần nhớ: “không nói một lời gì, dù lời đó mô tả hơi thở của ta tĩnh lặng hay trong sạch như kim cương.” Ta chỉ thầm nhận biết đối tượng hay sự kiện hoặc giữ niệm biết rõ ràng về đối tượng hay sự kiện đó mà thôi. Trong đó không có hình dung, không có tưởng tượng hơi thở như thế nào. Đây là cách thực hành đúng theo phương thức chánh niệm do Phật dạy.
- Thứ ba, phải nắm vững kỹ thuật thực hành cách làm chủ tâm ngôn hoặc chú ý trống rỗng hay quan sát trống rỗng về hơi thở vào, ra, hoặc bất cứ đối tượng nào khác. Đây là những cách thực hành không sử dụng ý thức để tập trung tư tưởng vào đề mục; không sử dụng trí năng để quán sát đối tượng. Chỉ giữ niệm biết không lời về hơi thở vào, ra, dài, ngắn, sâu, cạn.