THIỀN và KIẾN THỨC THỜI ĐẠI
của HT Thích Thông Triệt (2014)
Luận giảng
Giả thiết
Mở đầu việc tạo Luận và Vấn Đáp, chúng tôi giả thiết như có người hỏi về một chủ đề nào đó liên hệ đến sự thực hành thiền, chúng tôi nhân đó trả lời, hoặc nhân đó chúng tôi nêu câu hỏi, hỏi ngược lại người hỏi để xem người hỏi có nắm được chủ đề hay không. Cho nên, có lúc chúng tôi tạo ra sự hỏi-qua-đáp-lại trong một chủ đề. Với chủ đích làm cho vấn đề được sáng tỏ hơn.
Bất cứ chủ đề nào trong luận giảng này, trước hết chúng tôi đều nhắm đến khai triển phần định nghĩa dụng ngữ hay thuật ngữ của chủ đề đó. Phần khai triển này được so sánh như cách chỉ hướng đi và nơi đến cho người thực hành. Với người mới đi vào Thiền, điều này rất hữu ích. Vì nếu hiểu sai ý nghĩa dụng ngữ hay thuật ngữ Thiền, hậu quả sẽ đưa đến thực hành sai lầm nghiêm trọng đối với thân, tâm, và trí tuệ tâm linh của người hành Thiền.
Vì vậy, để sự trả lời được đầy đủ và rõ ràng, chúng tôi nêu thêm nhiều câu hỏi đáp phụ với trọng tâm là nhắm xoay quanh chủ đề chính. Đây là cách khai triển làm cho vấn đề được sáng tỏ hơn và đầy đủ hơn. Chủ đích là giúp người thực hành dựa vào đó để định hướng đi và sử dụng phương tiện đi cho đúng cách. Có như thế, nội dung hỏi-đáp mới mang kết quả tốt cho quí vị mới đi vào Thiền, hoặc những vị đã thực hành Thiền lâu năm mà vẫn dậm chân một chỗ.
Tác động - tác dụng
Điểm quan trọng nhất trong sự thực hành thiền là tác dụng của nó đối với thân, tâm, và trí tuệ tâm linh của người thực hành, qua cách người đó sử dụng kỹ thuật hay chiêu thức để áp dụng Pháp của Phật hay của Tổ.
Vì vậy, quí vị cần biết rõ nguyên lý tác động - tác dụng của sự thực hành thiền đối với:
- vỏ não,
- hệ thống viền não,
- hệ thống thần kinh tự quản, và
- hệ thống tuyến nội tiết
hoạt động ra sao, tác động và tác dụng như thế nào đối với nội tạng của ta. Nếu không nắm vững nguyên lý tác động - tác dụng này, khi thực hành, ta có thể tạo ra ảnh hưởng không tốt đối với thân, tâm, và trí tuệ tâm linh của ta. Thí dụ, thân từ không bệnh, có khả năng đưa đến bệnh; tâm từ không dính mắc, có khả năng đưa đến dính mắc; trí tuệ từ sáng suốt, có khả năng đưa đến ngu si chấp ngã, chấp kiến, chấp pháp. Rồi tạo ra muôn ngàn hình thức đấu tranh điên đảo, tranh chấp, tranh giành triền miên trong đời sống hằng ngày. Sau cùng là làm cho việc tu Thiền của ta mất hết ý nghĩa cao quí của nó là chuyển đổi nhận thức, thoát khổ, giác ngộ, và giải thoát.
Cho nên, nội dung phần hỏi đáp rất quan trọng. Chúng tôi cố gắng tạo ra nhiều hình thức, nhiều nội dung hỏi đáp qua lại để cho vấn đề được rõ ràng hơn. Cho đến khi chúng tôi nghĩ rằng vấn đề giải thích đến đó tạm đủ, chúng tôi chuyển sang chủ đề khác, và nêu tiếp câu hỏi.
Hỏi – qua – đáp – lại
Thông thường, mở đầu một đoạn văn vấn – đáp, chúng tôi viết một bài Luận ngắn, rồi giải thích nội dung bài Luận đó, bằng cách nêu lên những câu hỏi đáp qua lại. Chúng tôi gọi là “hỏi–qua–đáp–lại.” Chủ đích của sự hỏi–qua–đáp–lại này, chúng tôi nhắm 2 điểm:
1. Một là giải đáp thắc mắc mà giả thiết người thực hành muốn biết cho rõ nghĩa về những dụng ngữ hay thuật ngữ Thiền để khi thực hành, vị đó tránh hiểu sai nghĩa dụng ngữ hay thuật ngữ Thiền.
2. Hai là hướng dẫn người thực hành bằng cách tạo ra những câu hỏi-đáp qua lại để nhân đó, người thực hành vỡ ra điểm mấu chốt quan trọng và cần thiết vốn nằm ở điểm nào. Từ đó, người thực hành sẽ biết cách thực hành đúng theo nguyên tắc “hồi đáp sinh học trong Thiền.”
Thí dụ 1
Như có vị muốn nghe giải đáp thắc mắc về một chủ đề liên hệ đến quá trình thực hành thiền, vị đó hỏi:
Hỏi: - Xin Thầy giải thích nguyên lý tác động-tác dụng trong Thiền ?
Đáp: - Nguyên lý tác động-tác dụng trong Thiền là nguyên lý trình bày sự tương tác qua lại giữa:
- Tâm,
- Pháp,
- Não bộ: gồm vùng tiền trán 2 bán cầu não trái và phải, và vùng phía sau bán cầu não trái,
- Hệ thống viền não, gồm: Đồi thị, Dưới đồi, Tuyến nội tiết, 2 trung tâm ký ức: ngắn hạn (hay xúc cảm/ Amygdala) và dài hạn,
- Hệ thần kinh sọ não và hệ thần kinh cột sống,
- Hệ thần kinh Tự quản gồm: Giao cảm và Đối giao cảm, và
- Hệ Tuyến nội tiết,
qua kỹ thuật và chiêu thức thực hành đưa đến kết quả tốt hay xấu cho thân, tâm, và trí tuệ tâm linh, qua sự tiết ra các chất sinh hóa học trong đầu dây tận cùng của giao cảm thần kinh hay của đối giao cảm thần kinh, hoặc bên trong các tuyến nội tiết. Trong đó vai trò chính là Tâm, hay Ta, hoặc Trí năng tỉnh ngộ.
Hỏi: - Xin Thầy giải thích chữ Tâm mà Thầy mới đề cập, Thầy cho chúng tôi biết trong trường hợp này là loại tâm gì trong đạo Phật ?
Đáp: - Tâm trong phạm vi này là Chân tâm, tức Tánh giác.
Hỏi: - Thưa Thầy, còn về ý nghĩa chữ Ta, trong trường hợp này, cái Ta đó thật sự nó là gì ?
Đáp: - Ta trong phạm vi này là “Ta thanh tịnh” hay “Tự ngã thanh tịnh.”
Hỏi: - Thưa Thầy, làm sao biết được trạng thái thanh tịnh của ý niệm Ta đó ?
Đáp: - Chỉ cần quí vị không nói thầm trong não thì ngay lúc đó quí vị liền kinh nghiệm sự thanh tịnh bên trong tâm của quí vị liền ngay tức khắc.
Hỏi: - Xin Thầy giải thích vì sao không nói thầm trong não lại tương xứng với thuật ngữ Thanh tịnh?
Đáp: - Lý do là khi quí vị không nói thầm trong não thì quí vị vẫn biết qua thấy, nghe, xúc chạm. Sự thấy biết, nghe biết, và xúc chạm biết này, thuật ngữ gọi là “Tự ngã thanh tịnh” hay đó là cái “Ta thanh tịnh.”
Hỏi: - Cám ơn Thầy ! Đây là lần đầu tiên chúng tôi nghe sự giải thích của Thầy về thuật ngữ “Thanh tịnh” đồng nghĩa với “Không nói thầm trong não.”
Thưa Thầy, còn Tự ngã tuyệt đối thanh tịnh là do chức năng nào ?
Đáp: - Đó là Tâm Như đóng vai trò