Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - BÀI 53
XUẤT THẾ VÀ NHẬP THẾ
Thời xưa, chúng ta có thể tạm phân ra hai cách sống: nhập thế và xuất thế. Nhập thế, dấn thân vào cuộc đời, quyết chí học hành, thi đậu, làm việc, tích cực phục vụ xã hội. Xuất thế, trái lại, thích sống nơi an nhàn vắng vẻ, không tranh đua tiếp xúc với đời, để tu tâm dưỡng tánh. Tuy nhiên trong thực tế, cuộc đời mỗi người thường dấn thân học tập, trau dồi tài trí, ra đời, làm nghề nghiệp, tới cuối đời, tuổi già sức yếu, sẽ nghỉ ngơi, hưởng cảnh an nhàn. Tức là khi tuổi trẻ thì thích nhập thế, lúc về già mới chọn đời xuất thế gian.
Ta có thể lấy mấy câu thơ sau đây của thi hào Nguyễn Công Trứ biểu hiện chí khí của người thanh niên quyết chí xây dựng sự nghiệp, dấn thân phục vụ cho đời, cuối cùng, tuổi già mới trở về quê, an hưởng đời sống nhàn hạ.
Chí làm trai
Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc,
Nợ tang bồng vay trả, trả vay.
Chí làm trai nam bắc đông tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.
Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
Đã hẳn rằng ai nhục với ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ.
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong.
Chí những toan xẻ núi lấp sông,
Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ.
Đường mây rộng thênh thênh cử bộ,
Nợ tang bồng trang trắng, vỗ tay reo.
Thảnh thơi thơ túi, rượu bầu.
(Nguyễn Công Trứ, tk. 19)
Đó là con đường đi của Nho giáo, hay còn gọi là Khổng giáo ngày xưa ở Trung Hoa và các nước Á Châu chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa cổ.
Trong khi đó, đạo Phật chủ trương khác. Trước khi dấn thân phục vụ cho đời, mình phải có trí tuệ và từ bi hơn người, thì công sức cống hiến của mình mới thực sự có giá trị. Sự nghiệp cống hiến này là đạo đức, phẩm hạnh cao quí và trí tuệ sáng suốt hiểu biết tất cả những sự thật đang điều hành thế gian và con người. Muốn cống hiến, hay phục vụ người khác, thì trước nhất, chính mình phải có một đời sống cao thượng, trong sáng, hài hòa, vượt lên trên sóng gió khổ đau của cuộc đời. Do vậy, ai quyết dấn thân đi theo con đường của đức Phật thì trước nhất phải có quyết tâm “xuất trần, xuất thế”. Tức là rời bỏ gia đình, cắt những sợi dây ràng buộc thân ái.
Đức Phật nhiều lần tâm tình:
“Đời sống gia đình bị ràng buộc, con đường đầy những bụi đời. Đời sống xuất gia như sống giữa hư không. Thật rất khó sống tại gia đình mà có thể sống đời sống Phạm hạnh thuần tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, rời bỏ gia đình, sống không gia đình.”
Sau khi Đức Phật chấp nhận cho xuất gia, người đệ tử nhận một chủ đề, thường là Thiền Quán, rồi vào rừng ẩn tu một mình, mỗi sáng đi khất thực, ăn xong, vị ấy sẽ thực hành chủ đề của mình. Một thời gian ngắn sau, vị đệ tử thông suốt, tâm trong sạch hoàn toàn, không dính mắc bất kỳ cái gì trong đời, biết rõ mình đã đặt gánh nặng xuống, sẽ không còn có tái sanh đời sau. Vị ấy công bố: “Sanh đã tận. Phạm hạnh đã thành. Việc cần làm đã làm xong. Sau đời này không có đời sống nào khác nữa”. Vị ấy đến trình với đức Phật, đức Phật chứng nhận, và vị ấy trở thành một bậc A la hán. Từ đây xem như vị A la hán an trú trong hữu dư niết bàn.
Bấy giờ đức Phật dạy các vị A la hán, phân ra mỗi người đi một hướng giáo hóa chúng sanh khắp nơi trong xứ Ấn Độ.
Như thế nào là một vị A la hán? Trong bài Đại kinh Xóm Ngựa, Đức Phật nói:
"Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo được gọi là bậc A-la-hán? Vị này đã làm cho xa lìa các ác, các pháp bất thiện, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh già, chết trong tương lai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán".
Như vậy, trong thời đức Phật, vị A la hán tâm hoàn toàn trong sạch, thì lời nói, cử chỉ hành động cũng không có lỗi lầm và không thể trở lại bị ô nhiễm, nên đức Phật khuyến khích các vị xông pha vào giữa chợ đời tùy duyên mà hóa độ chúng sanh. Cho tới khi mạng căn đã mãn, các vị A la hán nhập vô dư niết bàn, chấm dứt tái sanh.
Như vậy chúng ta thấy Đức Phật đã vạch ra con đường cho người đệ tử quyết tâm của mình là: xuất gia, vào rừng ở, sống một mình, sáng đạo rồi, ra đời giáo hóa, thì đó là ban đầu phải xuất thế để tu sau mới nhập thế để giúp đời. Con đường này tạm gọi là A la hán đạo.
Về sau, chư Tổ Phát triển chủ trương Bồ tát đạo. Thì cũng có hai giai đoạn: tự giác- giác tha hay tự độ- độ tha như bên A la hán đạo, nhưng khác ở chỗ, người Bồ tát có nguyện vọng tu cho tới thành Phật, tức quả vị Vô thượng chánh đẳng giác. Do có hoài bảo cao thượng như thế, nên vị Bồ tát phải có tâm nguyện "đời đời tái sanh thừa hành Bồ tát đạo" vì thế vị Bồ tát không an trú vô dư niết bàn, mà an trú trong hữu dư niết bàn, vào đời tích lũy công đức, phát huy trí tuệ cao thượng cho tới quả vị Toàn Giác.
Như vậy, con đường của Bồ tát cũng bước đầu xuất thế để tu tập và sau là nhập thế để giúp đời.
Nhìn chung cả hai con đường, A la hán đạo và Bồ tát đạo, đều phải dấn thân trọn vẹn thì mới có kết quả : xuất thế phải trọn vẹn, nhập thế giúp đời cũng phải trọn vẹn.
Bây giờ trở lại chúng ta, là cư sĩ thôi, chưa có thể xuất thế gian trọn vẹn được, thì sao?
Chúng ta vẫn sống trong gia đình, có bổn phận chăm sóc cha mẹ, vợ chồng, con cháu, bà con v.v…Sống làm sao cho trên dưới đều thuận hòa, vui vẻ. Đồng thời, chúng ta giữ năm giới cho đúng:
- Không giết hại sinh vật
- Không gian tham trộm cắp
- Không tà hạnh
- Không vọng ngữ
- Không uống rượu.
Chúng ta "chú tâm cảnh giác" quan sát tâm mình, thường xuyên có ý tưởng nào xấu ác khởi lên trong tâm mình không?
Đối với lỗi lầm của người khác thì bao dung tha thứ, đối với chính mình thì khắt khe sửa đổi.
Phải thông hiểu tới những chân lý rốt ráo: bản chất của thế gian là trống không, là như huyễn, do nhân duyên hội họp mà sinh ra, rồi sẽ thay đổi, và sẽ mất đi. Mình sẽ bớt dính mắc với những cảnh thăng trầm trong cuộc đời. Đây là trí tuệ xuất thế gian, giúp mình sống bình an trong đời.
Kết thúc lại, cư sĩ chúng ta có con đường riêng, tạm gọi là trung đạo: thân là sống nhập thế, tâm thấy biết "cái đang là", trí tuệ thì "xuất thế gian" để vẫn sống hài hòa trong gia đình và xã hội mà đời sống hữu ích cho mình và cho người khác, trí tuệ phát huy, công đức, phước báu cũng được tròn đầy.
Thiền viện, 19-4-2024
TN
Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - BÀI 53
XUẤT THẾ VÀ NHẬP THẾ
Click icon tam giác để nghe - Click icon ba dấu chấm để download