HỌC PHẬT, CẦN THẤY RA SỰ THẬT
I. DẪN NHẬP
Là Phật tử, chúng ta thường được nghe giảng “đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ”. Hiểu đơn giản hai chữ “đạo Phật” là con đường dẫn đến giác ngộ. Đạo là con đường. Phật là tỉnh thức, là giác ngộ. Bồ Tát Siddhartha Gautama là vị đã tìm thấy con đường thoát khỏi luân hồi sinh tử, được tôn là Phật, hiệu Thích Ca Mâu Ni. Suốt 45 năm dài sau khi thành đạo, Đức Phật đã bôn ba đây đó chỉ bày cho chúng sanh phương thức tu tập thoát khỏi biển luân hồi sinh tử, cho đến lúc Ngài nhập diệt ở tuổi tám mươi, tại khu rừng Sa-la thuộc vùng Kushinagar, nước Ấn Độ.
Học Phật, chúng ta được dạy rằng mục đích của đạo Phật là thấy ra sự thật, mà sự thật này liên hệ đến khổ và thoát khổ. Bình thường, muốn thoát khỏi sự buồn bực, điều quan trọng đầu tiên là phải biết rõ nguyên nhân nào gây ra sự bực bội. Như cuộn chỉ bị rối, phải biết rối chỗ nào, để mình từ từ gỡ ra ở chỗ đó. “Biết” là “nền tảng của giác ngộ”. Từ từ là tính chịu đựng, lòng kiên nhẫn, không để cơn bực bội nóng nảy làm tối mù tâm trí, khiến cho cuộn chỉ mỗi lúc một rối ren thêm. Như vậy làm việc gì cũng phải có sự hiểu biết tức có trí tuệ, thì mới mong giải quyết được vấn đề. Muốn thoát khỏi đau khổ cũng vậy, phải biết đầu mối, nguyên nhân đau khổ là gì, không thể chỉ ngồi một chỗ than vãn: “tại sao tôi khổ như thế này, làm sao để tôi hết khổ.... v.v....” là sẽ hết khổ!
Bài pháp đầu tiên là bài kinh “Tứ Diệu Đế”, Đức Phật giảng cho năm người bạn đạo đã từng tu khổ hạnh cùng với Ngài trước kia, đứng đầu là đạo sĩ Kiều Trần Như. Chủ yếu bài kinh nêu lên bốn sự thật. Đó là sự thật về khổ, nguyên nhân của khổ, phương thức tu tập để hết khổ. Giác ngộ về Tứ diệu đế tức giác ngộ về khổ, giác ngộ về nguyên nhân gây ra khổ, rồi mới tu tập theo Bát chánh đạo để thoát khổ tức giải thoát. Bát chánh đạo là con đường tu tập theo tám ngành đưa đến giác ngộ và thoát khổ. (*) Ngoài Bát chánh đạo, còn có nhiều pháp trợ đạo khác đưa đến giác ngộ và giải thoát như: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi... Con đường đưa đến thoát khổ có nhiều pháp như thế, nhưng chung quy cốt lõi của các pháp này nằm ở chỗ nào?
II. HỌC PHẬT LÀ THẤY RA SỰ THẬT
Đạo Phật dạy chúng ta rất nhiều pháp liên hệ đến khổ và thoát khổ như vừa nêu ở trên. Nhưng điểm chính yếu cần thiết nhất của những pháp học đó là cái gì? Theo lời dạy của các bậc Thầy giác ngộ, thì cốt lõi của đạo Phật đơn giản là nhận thức được sự thật về vạn pháp, mà sự thật đó dù đức Phật Thích Ca có ra đời hay không thì sự thật đó đã, đang, và sẽ hiện hữu không bao giờ thay đổi, vì nó là chân lý. Chống đối chân lý, thì con người chỉ sống trong phiền não khổ đau. Chấp nhận sự thật để tu tập theo Phật pháp, thì mới có thể thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Dưới đây là những điều cốt lõi của đạo Phật mà chúng ta cần biết. Đó là:
- Tánh sinh diệt: Hiện tượng nào trên thế gian này cũng sinh và diệt. Không có cái gì bất biến tồn tại mãi. Thử quan sát mọi trần cảnh xung quanh chúng ta sẽ thấy không một hiện tượng nào có đời sống vĩnh cửu. Con người, thú vật, chim muông, cây cỏ đều có đời sống một thời gian nhất định của nó. Xe cộ hôm nay mới mẻ xinh đẹp, sẽ có ngày hư hoại, biến thành đóng sắt vụn. Nhà cửa là nơi che mưa trú nắng của con người cũng có lúc hư hao không thể sửa chữa được, sẽ bị giật sập xây cất cái khác. Ngay cả thành phố hay một quốc gia cũng thay đổi và biến mất, thay thế vào đó là thành phố khác hay quốc gia khác vì nguyên do này hay lý do khác... Những loài vô tình như đất đá, núi non, sông hồ.. cũng bị quy luật “sinh-trụ-hoại-diệt” chi phối. Do đời sống của con người chỉ trên dưới trăm năm nên không thấy được sự thay đổi của các hiện tượng có đời sống lâu dài hằng tỷ năm của vũ trụ. Cho nên thực chất của tất cả hiện tượng thế gian dù lớn như núi Tu-Di hay nhỏ như hạt bông cải, đều vô thường sinh diệt như lời Đức Phật dạy. Đó là sự thật!
- Pháp ấn vô thường: Nhìn chung, cái gì sinh diệt thì vô thường. Vô thường là không vững bền, không tồn tại, luôn thay đổi. Thí dụ con người không trẻ hoài mà phải già theo thời gian, hoặc không ai khổ hoài và cũng không ai suốt đời hạnh phúc. Thời tiết cũng vậy, nóng lạnh thay đổi thường xuyên. Để ý cây cối xung quanh, cây nào cũng thay đổi theo từng mùa, ra lá, ra hoa, kết nụ thành trái, rồi rụng lá trơ cành. Căn nhà, chiếc xe hay bất cứ vật dụng gì cũng không tốt, không đẹp mãi, mà sẽ hư hao, xấu xí theo thời gian. Những hiện tượng thay đổi này gọi là vô thường. Đây là dấu ấn mà người học Phật cần phải nhận ra. Nếu không nhận ra và không chấp nhận vô thường, thì Khổ đế sẽ có mặt. Cho nên Vô thường là sự thật, không thể chối cải là không có vô thường được!
- Chân lý vô ngã: Bản chất của hiện tượng thế gian không thực chất tính, mà do nhân, do duyên hợp lại mới sinh ra con người hay vạn vật, chứ không có một vật thể nào tự chúng có được, nên tất cả mọi hiện tượng thế gian đều vô ngã. Con người ta cũng vậy. Thế nhưng con người thường hay đồng hóa những yếu tố kết hợp lại đó chính là mình, tự xưng là ta, của ta hay tự ngã của ta. Rồi bám chặt lấy nó như một cá thể vững bền.
Thực chất cấu trúc của con người cũng như vạn vật không thực thể, không bền vững, nên không có cái ta, cái ngã trong tấm thân ngũ uẩn đó. Có câu hỏi không có cái ta, cái ngã thì ai tu hành, ai chứng đắc? Ai cảm thọ đau khổ, ai hạnh phúc? Đạo Phật giải thích, mỗi yếu tố hay mỗi uẩn trong thân tâm sinh-vật-lý của con người đều có nhiệm vụ khác nhau. Như tác ý, suy nghĩ, muốn hành động điều gì, thì “tâm sở tư” thuộc hành uẩn phụ trách, chứ không phải “tôi tác ý, tôi suy nghĩ”. Vui buồn, khó chịu là công việc của “tâm sở thọ”, chứ không phải “tôi buồn hay tôi vui”. Như vậy suy nghĩ buồn bực vui vẻ là công việc của Tâm. Tâm định, là công việc của “tâm sở định”. Chứng ngộ là công việc của Trí tuệ. Mỗi tâm sở, mỗi uẩn làm một công việc, mà mình lại nói đó là “của mình, của tôi”. Nếu là “của tôi” thì tại sao tôi muốn trẻ đẹp hoài, mà cái thân này cứ già nua theo năm tháng? Tôi muốn thân thể luôn khỏe mạnh, mà tại sao nó vẫn bệnh hoạn không nghe lời? Như vậy chứng tỏ không có cái ta, cái ngã gì ở đây, mà chỉ có các pháp (ngũ uẩn) vận hành tùy theo nhân theo duyên, nên gọi là Vô Ngã. (*)
Chân lý Vô Ngã là một dấu ấn quan trọng nhằm phá bỏ khái niệm “chấp ngã”. Nếu nhìn đời qua lăng kín bởi cái tôi, cái của tôi, tự ngã của tôi, thì sự thấy biết đó thiên lệch, thành kiến, định kiến, không trong sáng, không chân thật, tức không đúng với sự thật trước mặt. Vì thế chấp ngã, chấp pháp là nguyên nhân ngăn cản sự giác ngộ, đồng thời là nơi dung chứa mọi lầm chấp, tham lam, ích kỷ, kiêu mạn, nghi ngờ... đưa đến sự phiền não khổ đau, trong kinh gọi hành trạng đó là vô minh.
Tóm lại, giáo lý nhà Phật dạy vạn pháp do duyên khởi duyên sinh, không pháp nào là tự lập, nên nó không thoát khỏi nguyên lý “vô thường, khổ, vô ngã”. Và nó cũng không thoát khỏi quy luật “sinh-trụ-hoại-diệt”. Các nội dung này chính là cốt lõi trong Phật pháp. Nếu chúng ta không giác ngộ, hay chính xác là không chấp nhận những điều này thì vấn đề giải thoát khổ đau sẽ chỉ là những ảo tưởng, bởi vì việc tu tập của chúng ta chỉ đi lòng vòng như con kiến bò trên miệng chén mà thôi!
III. KHI NÀO NHẬN RA SỰ THẬT?
Nhận xét rằng đạo Phật là đạo chỉ ra sự thật, vậy sự thật đó nằm ở đâu? Đức Phật nhấn mạnh trong bài kinh “Nhất Dạ Hiền Giả”: “Quá khứ đã đoạn tận/Tương lai thì chưa đến/Chỉ có pháp hiện tại/Tuệ quán chính là đây”. Như vậy chúng ta có câu trả lời ngay trước mắt. Đó là sự thật không nằm ở quá khứ, không nằm ở tương lai, không nằm ở chỗ nào khác, mà sự thật ngay tại chỗ “thực tại hiện tiền”. Giác ngộ là thấy ra sự thật cái gì đang xảy ra tại đây và bây giờ, cái đó gọi là thực tại. Trạng thái tham, sân, thích, ghét... thì khác nhau, nhưng nhận ra sự thật về các trạng thái này thì bình đẳng như nhau.
Thí dụ như bây giờ mình đang nổi sân. Mình thấy “cái đang là của sân” tức mình thấy “sự thật về sân”. Thấy rõ cơn sân xuất hiện diễn biến như thế nào, thấy rõ sự lợi hại của cơn sân. Và khi nó chấm dứt thì tâm như thế nào. “Cái thấy” là quan trọng, chứ không phải tâm vui hay tâm buồn hoặc tâm sân hận là quan trọng. Dù cơn sân phát xuất từ bản ngã, nhưng ngay trong thực tại mình chỉ quan sát, chiêm nghiệm, soi sáng cái sân với tâm định tĩnh, không phản ứng chống đối hay chấp nhận, nghĩa là quan sát cơn sân trong tinh thần vô ngã, từ lúc cơn sân khởi sinh cho đến khi cơn giận nguôi ngoai và chấm dứt. Thấy biết rõ ràng sự diễn biến của sân với tâm định tĩnh, giúp ta giác ngộ được tánh sanh diệt, vô thường, vô ngã của cơn sân.
Nếu có bản ngã xen vào tự cho cái sân đó là ta, của ta, tự ngã của ta thì ngay khi đó Khổ đế, Tập đế hiện diện. Cho nên đạo Phật cốt yếu là thấy ra sự thật, chứ không phải rèn luyện, mài giũa để đạt được bất kỳ lý tưởng nào, kể cả Niết-bàn.
IV. “NHẬN RA CỐT LÕI, RỒI PHẢI THỂ NHẬP”
Nhận ra được cốt lõi của Phật pháp, chỉ mới là bước đầu trên con đường hữu học. Nhờ nhận ra được cốt lõi của Phật pháp, hành giả sẽ không bị tà kiến dẫn đi lạc hướng. Hiểu rõ về giáo lý, hành giả còn phải thực hành, bắt đầu từ chánh niệm thấy biết Như thật (Yathà bhùta) biết cái đang là, rồi đến cái Như vậy (Tathà/Tathatà). Cả Như thật và Như vậy đều đặt trên nền tảng “ly ngôn thuyết” tức không lời, trong kinh dùng từ “Atakkàvacara” nghĩa là ngoài phạm vi lý luận. Đây chính là cốt lõi rốt ráo, tinh túy nhất trong những cốt lõi mà hành giả đã ngộ.
Tại sao “Atakkàvacara” được xem là cốt lõi tinh túy như vậy? Đó là vì qua trạng thái tâm Tathà (ngôn hành, ý hành và thân hành không động) Đức Phật mới đắc quả A-La-Hán vô thượng chánh giác. Nếu không hiểu ý nghĩa sâu sắc để thực hành, thì không làm sao kinh nghiệm được Chân như, tức tâm Tathà. Đặc biệt là những hành giả tu thiền. Thấy được cốt lõi các pháp chưa đủ, đó là chỉ mới ngộ trên mặt lý thuyết, nhưng chưa thực hành để thể nhập những điều hành giả đã ngộ ra.
Thí dụ như ngộ về “sinh diệt, vô thường, vô ngã ” mà không thể nhập thì chưa thể giải thoát khỏi khổ đau. Bởi vì khi nhận ra được tánh sinh diệt, vô thường, vô ngã của các pháp là hành giả mới ngộ đạo thôi. Hành giả cần phải tư duy, chiêm nghiệm để thể nhập các pháp, thì khi đó hành giả mới chứng ngộ đạo. Chứng ngộ là hành giả loại trừ được năm hạ phần Kiết sử như Thân kiến, Giới cấm thủ, Hoài nghi, Tham dục, Sân hận... bước vào dòng Thánh. Còn như tu tập pháp Như Thật mà không thể nhập Như vậy, thì cũng chưa thoát khỏi luân hồi sinh tử. Cho nên con đường tu Phật là khi nhận ra rồi phải thực hành thể nhập. Thể nhập để chứng ngộ chuyển hóa tâm phàm tình trở thành tâm bậc thánh, để đi đến mục tiêu giác ngộ giải thoát. Cho nên tiến trình “ngộ đạo, thể nhập đạo, chứng ngộ đạo” cũng chính là cái cốt lõi quan trọng bậc nhất đối với người đang đi trên con đường học Phật tầm cầu giải thoát khỏi Tam giới.
IV. KẾT
Tu tập theo đạo Phật không phải để sở hữu được điều gì, mà thực ra là để buông xả không bám víu với bất kỳ những gì ở trên đời... mà chỉ nhận biết rõ ràng pháp đến rồi đi, đó là điều tự nhiên của vạn pháp. Và sự đến đi đó, là bài học “sinh diệt, vô thường, vô ngã” giúp cho chúng ta không bị dày vò phiền não khi nghịch cảnh đến, hoặc quá đắm chìm mê say hưởng khoái lạc, khi duyên thuận lợi đến với mình, mà phải sống trong trung đạo vừa phải. Bởi vì theo lời Phật dạy, được nhắc đi nhắc lại trong kinh là mọi thứ trên đời này đều “sinh diệt, vô thường, vô ngã”. Ngay cả những sắc pháp đang hiện hữu ở nơi con người như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và mọi danh pháp bên trong như thọ, tưởng, hành, thức... cũng đều vô thường, vô ngã, không. Muốn thoát khổ, người tu cần giác ngộ những điều này, sau đó tự mình soi sáng lại chính mình, để không vướng mắc với những yếu tố không thực thể từ bên trong hay bên ngoài thân. Luôn tự nhắc nhở ghi nhớ lời vàng ngọc quý báu của Đức Phật dạy, trước giây phút Ngài từ giả trần gian: “... Này các Tỷ-kheo hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Hãy lấy Pháp của ta làm đuốc. Hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát. Đừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các ngươi!.. ” Hay: “... Này các Tỷ-kheo, ta nói với các Thầy. Tất cả mọi pháp hữu vi đều vô thường. Hãy nỗ lực (tu hành) để đạt mục tiêu (giải thoát) của mình.” (**)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
(Sinh hoạt trên zoom với đạo tràng Tánh Không Houston, TX, 14/4/2024)
Tài liệu: (*) Kinh Chuyển Pháp Luân / Tứ Diệu Đế & Vô Ngã tướng(**) Kinh Đại Bát Niết Bàn.