LÀM CHỦ SỰ SUY NGHĨ
Tâm là một tiến trình niệm liên tục đủ loại. Nó là một bãi chiến trường mà trong đó niệm xung đột thường trực khởi lên. Tâm này là tâm vọng. Bản chất của nó là di động. Nó được lập thành dựa trên quán tính suy nghĩ triền miên. Ta suy nghĩ về nhiều vấn đề khác nhau trong cuộc sống hằng ngày. Hầu hết tâm chúng ta đều bị áp lực của suy nghĩ thúc đẩy để suy tính việc này, việc kia. Tất cả suy nghĩ đó đều phù hợp theo hoàn cảnh sống hay môi trường sống của từng thành phần con người hay từng lứa tuổi trong xã hội. Với người chưa tỉnh ngộ, chưa giác ngộ, có lối suy nghĩ tính toán theo kiểu người chưa tỉnh ngộ, chưa giác ngộ. Với người lương thiện có lối suy nghĩ tính toán theo mẫu người lương thiện. Thiện và ác, phải và trái, chia rẽ và đoàn kết, danh và lợi, quyền lực và tranh chấp... luôn luôn gắn liền trong những nội dung suy nghĩ của con người đủ mọi thành phần. Nhưng hầu hết mọi người đều không nhận ra chính suy nghĩ là tác nhân gây ra phiền não, tranh chấp, sân hận, đấu tranh, thù địch triền miên cho xã hội loài người. Nó cũng gây ra uất cảm và gây ra bệnh tâm thể. Nó cản trở sự tiến hóa tâm linh. Nó phản ánh những bản chất phàm tục của "cái Ta." Bởi vì hầu hết những thứ suy nghĩ đó đều hướng đến phục vụ quyền lợi vật chất hay quyền lợi tinh thần của "cái Ta." Đầu mối của đau khổ và đấu tranh điên đảo xuất nguyên từ sự ích kỷ này. Chỉ trừ có những bậc giàu lòng từ bi hay những bậc tỉnh thức, bậc tỉnh ngộ, bậc có trí tuệ, hoặc bậc đã giác ngộ, các ngài sống vì người khác mới đưa suy nghĩ của họ đến phục vụ tha nhân, mang lại hạnh phúc và an lạc lâu dài cho người khác và cho muôn loài chúng sinh. Còn bậc chưa tỉnh thức, chưa tỉnh ngộ, chưa giác ngộ thì họ luôn luôn bị các thứ quyền lợi vật chất và quyền lợi tinh thần bao vây. Vì vậy, cho dù là người tu thiền lâu năm, có khả năng giảng thiền lưu loát, nếu chưa thực sự tỉnh ngộ, chưa thực sự tỉnh thức, chưa có tâm từ bi, chưa triệt tiêu ngã chấp, ngã dục, ngã ái, vị ấy vẫn có lối suy nghĩ tính toán như người phàm phu. Vị ấy vẫn không thoát khỏi mạng lưới danh và lợi riêng tư và những mạng lưới phân biệt, chia rẽ, đố kỵ, ganh tị, nói lén, dán nhãn, chụp mũ hay ngầm hại danh dự và uy tín người khác.
Nay thực tập phương thức làm chủ sự suy nghĩ, đó là cách ta trực tiếp huấn luyện tâm trở nên yên lặng hay trở nên thuần thục. Nó không lăng xăng dao động vì những chuyện thị phi (phải-trái) của thế gian. Tế bào não vùng suy nghĩ sẽ từ lần bị hạn chế dính mắc ngoại duyên. Ý hành, ngôn hành sẽ trở nên yên lặng. Tâm định sẽ trở nên vững chắc. Nếu thực sự đạt được làm chủ suy nghĩ, xem như ta làm chủ được sự di động của tâm. Những xúc cảm lo âu, sợ hãi, sân hận, cáu kỉnh, đố kỵ, ganh tị, tranh chấp, buồn phiền, bực bội, tính toán, oán thù, nghi kỵ... chẳng những không có điều kiện khởi ra mà những sắc thái tâm đó sẽ từ lần bị chuyển hóa để trở nên thuần tịnh hay không động. Thần kinh ta sẽ ổn định. Tâm sẽ thực sự bớt dính mắc, bớt bực bội... Cơ thể ta từ đó sẽ tránh được bệnh tâm thể như mất ngủ, cao máu, loét bao tử, hay tiểu đường. Bởi vì chính suy nghĩ là đầu mối tạo ra những bất an của tâm và những rối loạn chức năng trong cơ thể. Bệnh tâm thể xảy ra dựa trên nguyên lý này.
Tóm lại, đây là cách huấn luyện tâm trở nên yên lặng hữu hiệu nhất. Nó cũng là phương thức tuy rất cũ, nhưng rất mới đối với người mới bắt đầu bước chân vào Thiền.
Hỏi: - Vì sao cách làm chủ sự suy nghĩ là cách huấn luyện tâm trở nên yên lặng hữu hiệu nhất?
Đáp: - Vì ta biết rằng gốc của vọng tưởng chính là sự nói thầm mang nhiều nội dung khác nhau. Ta tiến thẳng vào cách làm chủ niệm nói thầm để thực hành. Ta không đi lòng vòng. Không ngồi đùa giỡn với vọng tưởng. Không lấy niệm thiện đè niệm ác. Trái lại, ta thực tập cách làm cho tế bào não có ký ức mới. Đó là ký ức "không nói thầm." Một khi ký ức này trở thành hiện thực trong tâm, đường thiền của ta sẽ được rút ngắn lại. Khi muốn "sáu căn không dính mắc với sáu trần," ta chỉ cần gợi lên niệm "không nói thầm," ngay đó, tâm ta liền an tịnh. Cũng như khi muốn vào trạng thái vô niệm, ta chỉ gợi lên niệm "không nói thầm," ngay đó, tâm ta liền ở trong vô niệm. Cuối cùng, ta sẽ có kinh nghiệm làm chủ sự suy nghĩ mà không mất nhiều thời gian thực tập như trước đây. Cho nên, đây là cách huấn luyện tâm trở nên yên lặng hữu hiệu nhất.
Hỏi: - Vì sao làm chủ sự suy nghĩ gọi là phương thức "rất cũ”?
Đáp: - Vì từ hàng nghìn năm về trước, phương thức này đã được Phật và chư Tổ truyền dạy:
- muốn ngộ đạo, người tu thiền phải ngưng suy nghĩ;
- muốn không phiền não, người tu thiền phải ngưng suy nghĩ;
- muốn tâm trở thành đất, chứa tất cả các thứ trong sạch hay uế trược trên thế gian, người tu thiền phải ngưng suy nghĩ;
- muốn vô niệm, người tu thiền phải ngưng suy nghĩ, muốn tâm như tường vách, người tu thiền phải ngưng suy nghĩ.
Vì những lý do này nên nó được gọi là "rất cũ."
Hỏi: - Vì sao gọi là "mới" đối với người mới bước chân vào Thiền?
Đáp: - Với người mới bước chân vào Thiền, họ chưa biết phương thức làm chủ sự suy nghĩ là phương thức căn bản trong Thiền Phật giáo, bây giờ họ biết, nên gọi là "mới."
Trích đoạn trong bài viết Huấn Luyện Tâm của Hòa Thượng Thích Thông Triệt
BBT