Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - BÀI 46
Từ bao năm nay, mình vẫn thường có mặt ở Tổ Đình, suốt ngày ngồi trong phòng làm việc rộng rãi, thoáng mát, trước mắt toàn là những khung cửa kính trong suốt, thấy bao quát toàn quang cảnh vườn cây lá chung quanh, nhìn ngang qua thấy con đường dài tới cổng xa xa, ai lái xe tới thiền viện, dừng trước cổng, đều hiện rõ. Công việc chính của mình chỉ là nghe lại những bài đã giảng tại các khóa tu, chọn lọc, điều chỉnh chút ít rồi phổ biến cho các thiền sinh có thể nghe lại ôn bài, ngoài ra thỉnh thoảng có một vài nhận thức mới thì viết ra chia sẻ thêm cho ai có duyên đọc tới. Chỉ vậy thội. Cuộc sống của mình đơn giản thoải mái như vậy. Tuy các đạo tràng có nhiều, lại rải rác xa xôi, nhưng tất cả đã vào nề nếp, biết con đường tu, biết tự tu, tự lập.
Mình luôn làm việc trên máy computer, mang kiếng chăm chăm nhìn hoài cũng mỏi mắt, thường xuyên vẫn bỏ kiếng ra, nhìn xa ra ngoài vườn, cây cảnh hoa lá xanh tươi. Vẫn là bao nhiêu cây cảnh đó, xanh tươi quanh năm: gần nhất là gốc cây tiêu cổ thụ rợp mát, đàng sau là gốc mai đang đơm hoa vàng lấp lánh nắng, sau nữa là toàn màu xanh lá của những hàng tiêu, hàng cây ăn trái hay tùng bách, in nét đậm trên nền trời xanh có mấy cụm mây trắng. Cũng là cảnh đó, mà sao mỗi khi ngắm nhìn, lại thấy khác. Là cảnh khác, hay mắt mình khác, hay tâm mình khác? Hôm nay xin chia sẻ cái thấy của mình với bạn đây.
Sáng nay trời nắng ấm, bầu trời thênh thang xanh ngát, cây mai vàng rực rỡ sau bức màn lá tiêu đong đưa. “Cái đang là” im lìm, thanh thản tự nhiên. Nó vẫn là như vậy, hồn nhiên sống, đơn sơ, như không có gì để nói. Ai có mắt, ngắm nhìn nó, thì nó vẫn vô tư, dường như đứng yên trước mắt mình.
Nhớ lại ngày hôm qua, trời không mây, chỉ một màu trắng đục, chân trời nặng màu xám, mưa lác đác, gió nhiều, cành lá tiêu lay động hơn, hoa mai nặng sũng nước mà hoa vẫn không rụng. Để rồi hôm nay, mặt trời lên, ánh sáng và nắng ấm chan hòa trời đất, cây lá vươn mình lên đón ánh sáng và nắng ấm, mát mẻ hơn, trong sạch hơn, tươi thắm hơn nhiều. Trời đất thay đổi, vạn vật cũng thay đổi theo, hết nắng rồi tới mưa, hết mưa rồi tới nắng, vạn vật hồn nhiên “tùy duyên thuận pháp”, hễ nắng thì đón nắng, khi mưa thì đón mưa, ngày thì hoạt đông, đêm thì nghỉ ngơi. Cả một bầu thế gian vận chuyển hài hòa, luân chuyển, tuần hoàn thiệt là nhịp nhàng, êm đẹp. Có phải là cái mà đức Thế Tôn tạm đặt tên : Y Duyên Tánh” (Idappaccayatā) ?
Vạn vật nương nhau mà có, nên phải nương nhau mà sống. Một cái đi lệch, sẽ kéo theo nhiều cái khác đi lệch, cho tới khi tự nó điều chỉnh lại cho đúng hướng hay là nó sẽ phải tự chấm dứt để trở thành cái khác.
Mấy cái thấy này tạm cho tên là Quán (Anupassanā), là quan sát thế gian, nhận ra qui luật vô thường, qui luật duyên khởi, duyên sinh, và Tuệ thấy “cái đang là” (Vipassanā).
Trong khoảnh khắc thấy cái đang là, hay nhận ra vô thường, hay nhận ra Y duyên tánh, quan sát lại tâm mình, quả thật tâm mình không có những ý nghĩ xấu ác, dù mình có suy nghĩ dây dưa về pháp. Tâm mình đang trong sạch, tĩnh lặng và khách quan, có trí tuệ. Tức là tâm đang “ly dục, ly bất thiện pháp”, thì tâm vẫn đang là chân tâm. Nó vẫn đang yên lặng, không lay động dính mắc tài, sắc, danh, thực, thùy, theo cuộc đời. Trạng thái này cũng là kinh nghiệm một chút về Samatha hay Samādhi. Hay là “đối cảnh vô tâm” trong Thiền.
Đồng thời chúng ta nhận ra trong khi mình quan sát cảnh, thấy cảnh vô thường, thấy cảnh do duyên sinh, thấy cái đang là, khách quan, yên lặng, tâm mình không tham, sân hay si, không có lậu hoặc hay tập khí, tùy miên, mà hoàn toàn trong sạch, dù mình đang quan sát, suy gẫm về pháp, đây là chân tâm, là giới hạnh của thánh chúng tỳ kheo.
- Này các Tỳ kheo, chớ có nói những câu chuyện của loài súc sanh, những câu chuyện về vua chúa, câu chuyện về ăn trộm, câu chuyện về đại thần, câu chuyện về binh lính, câu chuyện về hãi hùng, câu chuyện về chiến tranh, câu chuyện về đồ ăn, câu chuyện về đồ uống, câu chuyện về vải mặc, câu chuyện về giường nằm, câu chuyện về vòng hoa, câu chuyện về hương liệu, câu chuyện về bà con, câu chuyện về xe cộ, câu chuyện về làng xóm, câu chuyện về thị tứ, câu chuyện về thành phố, câu chuyện về quốc độ, câu chuyện về đàn bà, câu chuyện về đàn ông, câu chuyện về vị anh hùng, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện người đã chết, các câu chuyện tạp thoại, các câu chuyện biến trạng của thế giới, câu chuyện về biến trạng của đại dương, câu chuyện về sự hiện hữu và sự không hiện hữu. Vì sao ?
Những câu chuyện này không đưa đến mục đích, không phải căn bản làm cho Phạm Hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn. Có nói chuyện, này các Tỳ kheo, các Ông hãy nói chuyện: "Đây là khổ" "hãy nói chuyện: "Đây là Con Đường đưa đến Khổ diệt..." Kinh Tương Ưng Bộ V, Phẩm Định, tr. 609. (S. V. 149)
Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo được gọi là bậc Thánh? Vị này đã làm cho xa lìa các ác, pháp bất thiện, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh già, chết trong tương lai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được gọi là bậc Thánh.
Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo được gọi là bậc A-la-hán? Vị này đã làm cho xa lìa các ác, các pháp bất thiện, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh già, chết trong tương lai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán.(Đại kinh Xóm Ngựa)
Kết lại, chỉ một cái “thấy”, đơn sơ, hồn nhiên, không cố gắng một chút nào, không có gò ép trong khuôn khổ nào, không kỹ thuật thực hành, cũng không chủ đề, không phải ngồi bán già, không buộc giờ giấc, chỉ là đơn thuần, mở mắt ra nhìn ngắm, cảnh thế nào nhận biết y như vậy, diễn nói hay thầm lặng, tâm đều trong sạch, tĩnh lặng, khách quan. Đó là chân tâm, Giới, Quán, Chỉ, Định, Tuệ đầy đủ. Ba đời chư Phật cũng giảng dạy cái chân tâm đó, nó là cái vô vi, cái vô sanh, nên nó là cái bất diệt, bất tử.
“Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo”.
Vậy, bạn hiền ơi, cái “thấy” quá tuyệt vời phải không? Dĩ nhiên là nghe hay xúc chạm cũng tuyệt vời như vậy.
Tổ Đình, ngày 9-3-2024
TN