TÌM HIỂU “TÂM” TRONG ĐẠO PHẬT
Con người được mô tả gồm hai phần: Thể xác và tinh thần. Theo thuật ngữ Phật học thì thể xác tức thân thể con người gọi là “Sắc”, còn tinh thần là “Danh” tức là tâm. Thân là vật chất, có thể nhìn thấy và sờ mó được, nhưng tâm thì không. Vậy tâm ở đâu trong cơ thể con người? Người xưa cho rằng tâm chính là quả tim. Ngày nay khoa học cho rằng tâm phát xuất từ bộ não, là nơi mà hệ thần kinh trung tâm hoạt động chi phối toàn thân. Người ta phân biệt tâm có ba cơ chế, đó là tâm tư duy, tính toán, lý luận, tâm này thường nhớ nghĩ về chuyện quá khứ, nên tương ưng với Ý Căn trong nhà Phật, tiếng Pàli là “Mano”. Tâm phán đoán, vẻ vời những hình ảnh ở tương lai, nằm cạnh Ý Căn, gọi là Trí Năng, tiếng Pàli là “Citta”. Cả hai Ý Căn và Trí Năng nằm ở phía trước vỏ bán cầu não trái. Còn tâm nhận thức phân biệt là Ý thức nằm ở phía trước vỏ bán cầu não phải, tiếng Pàli là “Vijnana”. Phân chia là như vậy, nhưng khi nói đến một, tức là nói đến cả ba, gọi chung là Tâm.
Hỏi Tâm là gì, làm sao thấy được Tâm, thì được các học giả giải thích tâm là sự suy nghĩ, phán đoán, nghi ngờ, thất vọng, buồn phiền, thương yêu, nhung nhớ, ganh ghét v.v... Những yếu tố tinh thần thuộc trừu tượng vừa kể không thấy được, nhưng người ta có thể cảm nhận tâm qua hành động, lời nói của cơ thể mà biết có tâm hiện diện.
Thí dụ một người đang lúc giận dữ. Giọng nói cộc cằn, to tiếng, có khi chửi bới nặng nề đối phương. Hành động thô lỗ, đánh đập, quậy phá đồ đạc trước mặt v.v…Tùy theo mức độ của hành vi và lời nói, mà chúng ta thấy được tâm người đó đang sân giận nhiều hay ít. Cùng là một người, nhưng âm hưởng của lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ dịu dàng đoan trang, ánh mắt nhu mì hiền lành v.v… Hình ảnh này biểu lộ tâm người đó ở trong trạng thái quân bình, an lạc.
Như vậy, tuy chúng ta không thấy tâm, nhưng rõ ràng tâm là ông chủ chỉ huy, tạo tác cả một đời người. Nó làm cho đời sống con người có lúc hạnh phúc, có lúc phiền não.
Trong thời gian qua, đã có rất nhiều nhà Tâm lý học, các nhà triết học, các nhà nghiên cứu về tôn giáo đã từng đưa ra nhiều bình luận về tâm. Trong bài viết này, chúng ta chỉ tìm hiểu khái quát về tâm trong phạm vi Phật học để áp dụng vào đời sống tu tập hướng đến giác ngộ giải thoát mà thôi!
I. HIỂU “TÂM” THEO PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
Là một vị đại giác ngộ, đức Phật Thích Ca nhận ra đời người ai cũng khổ. Khổ là một chân lý. Hễ có thân là có khổ, mà khổ do đâu sanh? Đó là do tâm con người sanh ra. Muốn diệt khổ, trước hết chúng ta phải tìm hiểu khi nào tâm giúp con người được an lạc hạnh phúc, khi nào tâm khiến con người ưu phiền sầu não. Nghĩa là phải tìm hiểu tâm là gì và dụng của tâm ra làm sao?
Kinh Pháp Cú (Dhammapada), Phẩm Song Yếu, Đức Phật xác nhận tâm là ông chủ, tâm chỉ huy, tạo tác hành động của con người. Nếu con người hành động nói năng theo sự chỉ huy xấu xa của tâm thì sự khổ sẽ theo nghiệp xấu đến với người ấy như bánh xe lăn theo chân con vật kéo, không tránh né vào đâu được. Ngược lại nếu nói năng hay hành động với tâm thanh tịnh thì người đó được vui vẻ hạnh phúc như bóng theo hình. Đoạn văn đó như sau:
“1. Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo.
“ 2. Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm thanh tịnh, sự vui vẻ sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình” . (hết trích)
Như vậy, chỉ một tâm mà có nhiều trạng thái khác nhau, tựu trung xếp thành hai loại. Tâm gây đau khổ, trong nhà Phật ví tâm đó là hồ nước đục, là tâm ô nhiễm, là tâm của kẻ phàm phu. Tâm giúp an lạc hạnh phúc cho con người, trong nhà Phật ví tâm này như hồ nước trong, là tâm thanh tịnh của bậc thánh.
Theo đạo Phật, con người là một hợp thể của năm uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, gọi chung là Danh Sắc. Sắc là vật chất nên không có cái biết. Cái Biết theo Phật giáo Nguyên Thủy do đức Phật thuyết là cái biết của Tâm, tức cái biết của Thọ, Tưởng, Hành, Thức. “Biết” trong đạo Phật gọi là “Thức”. Thức là sự biết, sự nhận thức phân biệt của sáu căn khi tiếp xúc với sáu trần sẽ phát sinh các thức như: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.
Khi các căn tiếp xúc với các trần có cái biết, có cái nhận thức, thì đó là cái tâm biết, còn gọi là tâm thức. Khi nào tâm suy nghĩ, toan tính thì đó là tâm hành. Khi tưởng nhớ quá khứ hoặc tưởng tượng hình ảnh nào đó ở tương lai thì đó là tâm tưởng. Khi cảm giác vui buồn sướng khổ xuất hiện, đó là tâm xúc cảm. Tâm xúc cảm có hai loại: Nóng lạnh hay thân thể đau nhức thì gọi là thân thọ, khi vui buồn, sướng khổ thì đó là tình cảm hay tâm thọ. Bốn cái biết của Thọ, Tưởng, Hành, Thức này chính là Tâm, hay đúng hơn đó là 4 công năng của Tâm.
II. HIỂU “TÂM” THEO A-TỲ-ĐÀM (VI-DIỆU-PHÁP)
Theo Tạng luận A-tỳ-đàm (Abhidhama), hay Vi-diệu pháp, định nghĩa tâm là sự biết, hay nhận thức biết về trần cảnh (đối tượng). Sự nhận thức này đơn thuần là cái biết, không phân biệt tốt xấu, ưa hay không ưa. Khi có so sánh, phân biệt tốt hay xấu, là đã có tự ngã xen vào.
Đặc biệt của Vi-diệu-pháp là nói về lộ trình tâm, tức sự diễn tiến của một dòng tâm sinh diệt. Theo Vi-diệu-pháp thì tâm con người là dòng tâm thức hay luồng tâm thức có tất cả 89 tâm vương và 52 tâm sở, nối tiếp nhau khởi lên rồi diệt. Có 4 thứ tâm được xếp loại tùy theo cõi giới, đó là tâm dục giới, tâm sắc giới, tâm vô sắc giới và tâm siêu thế, tức là tâm vượt ra ngoài tam giới.
Vi-diệu-pháp phân tích tâm rất chi ly phức tạp trên hai phương diện Vật lý và Tâm lý của con người, được gọi là Tâm lý học Phật giáo, cho nên với bài viết ngắn này không thể trình bày đầy đủ theo mô hình A-tỳ-đàm, mà chủ yếu chỉ giới thiệu phớt qua trên bề mặt, đó là nói đến việc nhận biết tâm, công dụng của tâm là cái biết của con người mà thôi!
III. HIỂU “TÂM” THEO QUAN NIỆM CỦA DUY THỨC HỌC
Duy Thức hay Duy Tâm cũng là một môn Tâm lý học của Phật giáo, nhưng thuộc Đại thừa, xuất hiện vào khoảng 9 năm sau khi Đức Phật nhập diệt. Lúc đó ở Bắc Ấn có 2 anh em Bà-la-môn tên là Vô Trước và Thế Thân xuất gia đắc quả A-la-hán. Theo truyền thuyết, ngài Vô Trước dùng thần thông lên cung Trời Đâu-Suất để nghe Bồ-tát Di-Lặc giảng dạy về Duy thức. Ban đêm đi nghe, ban ngày giảng lại cho đại chúng. Người em là Thế Thân, ban đầu tu theo Tiểu thừa, sau nghe lời khuyên của anh, chuyển sang Đại thừa. Ngài là tác giả của các bộ luận về Duy Thức như: Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận, Duy Thức Nhị Thập Tụng, Duy Thức Tam Thập Tụng. Hai ngài Vô Trước và Thế Thân được xem như là Sơ tổ của Duy Thức tông ở Ấn Độ.
Vào khoảng thế kỷ thứ 7 Tây lịch, đời nhà Đường bên Trung Hoa có Tam Tạng pháp sư Trần Huyền Trang sang Ấn Độ thỉnh kinh, và thọ giáo môn Duy thức với ngài Giới Hiền tại Tu viện Nalanda. Trở về Trung Hoa, ngài truyền bá môn Duy thức và trước tác 2 bộ luận Thành Duy Thức và Bát Thức Quy Củ Tụng. Ngài Huyền Trang được xem là Sơ tổ Duy Thức tông Trung Hoa.
Duy Thức học chia tâm ra thành 8 tâm vương và 51 tâm sở. Chữ tâm ở đây cũng đồng nghĩa với chữ thức. Tám tâm vương là tám dạng biết của tâm gồm 8 thức: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức, Mạt-na thức, A-lại-da thức. Sáu thức đầu từ Nhãn thức tới Ý thức là cái biết của 6 căn.
Duy thức phân biệt Ý căn là một cơ năng hay giác quan, do đó Ý căn còn có tên là Mạt-na thức. Ý thức nương vào Ý căn mà phát sinh. Ý căn nương vào A-lại-da thức là thức căn bản để phát sinh. Khi hình ảnh qua 6 cửa sổ giác quan thì phát sinh ra lục thức. Riêng cái cửa sổ Ý căn được xem như là một thức, tức Mạt-na thức. Tìm hiểu một chút về A-lại Da, Ý căn và Ý thức theo Duy Thức tông:
1. A-lại-da thức còn gọi là tàng thức có 3 nghĩa:
a) Năng tàng : Gọi năng tàng vì Thức này như là một cái kho chứa đựng và gìn giữ chủng tử của các pháp không phân biệt thiện ác.
b) Sở tàng: Thức này bị ảnh hưởng vướng mắc bởi chính những chủng tử được chứa trong nó.
c) Ngã ái chấp tàng: Bị thức thứ 7 là Mạt-na bám víu và chấp là ta tức ngã. Nó làm nền tảng cho 7 thức kia phát sinh nên còn được gọi là căn bản thức, nó rộng lớn tiềm ẩn sâu xa và chứa đựng tất cả chủng tử nghiệp trong dòng tâm thức. Tính chất của nó là vô phú vô ký, không thiện cũng không ác, nhưng lại chứa đủ cả hai loại chủng tử thiện và ác. Ngày nào nó còn chứa những chủng tử ô nhiễm phiền não thì nó còn bị Mạt-na chấp là ngã. Khi nào tất cả chủng tử trở thành thanh tịnh thì nó được gọi là Bạch tịnh thức hay Đại viên cảnh trí. Nói cách khác nó trở thành Như lai tạng, là Phật hay Pháp thân .
Theo Duy Thức, tâm được gọi là Thức (Vijnana), khi nó còn ô nhiễm chấp ngã chấp pháp. Khi nào tâm hoàn toàn thanh tịnh vô ngã, thì được gọi là Trí (jnana),
2) Mạt-na thức (hay Ý căn): Là căn cứ phát sinh ra Ý thức, cũng như mắt là Nhãn căn nơi phát sinh ra Nhãn thức, tai là Nhĩ căn nơi phát sinh Nhĩ thức.
Mạt-na được sinh ra từ những chủng tử vô minh của A-lại-da nên bản chất của nó là chấp ngã. Nó chấp A-lại-da là ngã. Tất cả những gì liên quan đến ngã như là ngã si, ngã ái, ngã kiến, ngã mạn… đều bắt nguồn từ nó. Sự chấp ngã của Mạt-na “câu sinh ngã chấp”, tức sự chấp ngã sinh ra cùng lúc với thân mạng. Sự chấp ngã này đã có trước khi sinh ra đời, vì thế Mạt-na không cần phải có năm uẩn mới chấp ngã. Nó từ A-lại-da sinh ra và đã chấp A-lại-da là ngã rồi.
3) Ý thức: Khi Ý căn tiếp xúc với pháp trần làm phát sinh ra sự nhận thức. Sự nhận thức này được gọi là Ý thức. Ý thức có 3 hình thái nhận thức:
a) Hiện lượng: Là sự nhận thức trực tiếp vô tư chưa trải qua suy luận phân biệt.
b) Tỷ lượng: Là sự nhận thức qua suy luận phân biệt.
c) Phi lượng: Khi 2 sự nhận thức trên phản ảnh sai lầm về thực tại thì gọi là phi lượng. Thí dụ trong đêm tối thấy sợi dây tưởng là con rắn, khác với hai thức trước.
Ý thức có lúc bị gián đoạn không hoạt động trong 5 trường hợp sau đây: (1) Trong cõi Trời vô tưởng (2)Trong Diệt tận định (3) Trong Vô tưởng định. (4) Ngủ mê không mộng mị (5) Ngất xỉu, bất tỉnh nhân sự. Ngoài 5 trường hợp trên Ý thức luôn luôn hoạt động ngay cả trong giấc ngủ.
Tóm lại theo Duy Thức thì tâm là thức, là cái biết gồm 6 thức như quan niệm của Phật giáo Nguyên Thủy và thêm 2 thức mới là Mạt-na thức và A-lại-da thức. Các nhà nghiên cứu Phật học cho rằng khái niệm A-lại-da thức là căn bản thức rất hợp lý, thức này bổ túc thêm vào quan niệm xưa nay khi người ta đề cập đến thức, đa số đều nói 6 căn và 6 trần tiếp xúc với nhau, mới sinh ra 6 thức. Thí dụ khi con mắt tức là căn thấy sắc tức là trần mới phát sinh ra nhãn thức. Như thế, thì thức chỉ là sản phẩm của căn và trần. Chư vị này cũng giảng rằng: “Như trong Thập nhị nhân duyên, vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc. Thức ở đây chính A-lại-da, là luồng tâm thức hay nghiệp thức huân tập từ nhiều đời. Từ A-lại-da thức mới sinh ra Danh sắc và ngũ uẩn, trong đó, bao gồm 6 giác quan”.
IV. TÂM THEO QUAN NIỆM CỦA THIỀN TÔNG
Thiền tông chủ trương “trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật”, tức chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật. Tâm con người có rất nhiều tánh, chẳng hạn: Tánh tham, tánh sân, tánh si, tánh kiêu mạn, tánh nghi ngờ, tánh thiện, tánh ác v.v… Những loại tâm tánh này thuộc về tâm phàm phu. Tánh mà Thiền tông đề cập ở đây không phải là bản tánh bình thường của người chưa biết tu thiền như vừa mới kể, mà là Tánh Giác. Ngộ được tâm, thấy được bổn giác, trở về sống với Tánh Giác là ý nghĩa “kiến tánh” của Thiền tông.
Trả lời câu hỏi Tánh Giác là gì? Cố Hòa Thượng Thích Thông Triệt đã trả lời như sau: “Tánh giác có nghĩa đơn giản là tánh biết, tiếng Phạn là “buddhi” nghĩa là năng lực biết. Tánh giác có hai nghĩa: - Nghĩa thứ nhất của Tánh giác (buddhi) là tuệ trí bẩm sinh của con người. Nó có năng lực biết rõ ràng đối tượng mà không bị đối tượng thu hút tác động, thuộc tâm bậc thánh. - Ngược lại, nghĩa thứ hai của “buddhi” là trí năng bén nhạy. Với trí năng, nó bị đối tượng tác động, thuộc tâm thế gian. Cả hai loại trí này trong ngôn ngữ Ấn Độ đều dùng từ “buddhi” để diễn tả. Vì thế người ta dễ lầm lẫn ý nghĩa từ “buddhi”. Người ta chỉ có thể phân biệt được sự khác nhau giữa trạng thái có lời và không lời trong năng lực biết của từ “buddhi”. Nếu có lời là trí năng bén nhạy. Không lời là tuệ trí bẩm sinh. Với trí của bậc thánh, “buddhi” hay “Tánh giác” trên căn bản, là năng lực biết không lời và năng lực nhận thức không lời.
Trong ngôn ngữ Thiền tông, Tánh giác là cái biết không lời, đồng bộ và tức khắc. Có thông tin hay không có thông tin, nó vẫn biết. Nó là dòng biết thường hằng, lặng lẽ, không gián đoạn, không có tâm phân biệt, không có khái niệm ngôn ngữ thành hình trong não mà chỉ có phân tích cô đọng trong nhận thức không lời. Trong nó không có phiền não, không có hình ảnh ganh đua, tranh chấp, xung đột, đấu tranh… như Ý thức và Ý căn. Không có suy luận, suy đoán hay “phải là, chỉ là, nên là” như Trí năng. Vật thế nào, nó thấy y như thế đó, tức thấy cái “đang là” của vật. Mọi thứ thành kiến, định kiến, chủ quan không có trong nó. Do đó, đứng trước tất cả đối tượng nó không dính mắc, không chấp trước, không lệ thuộc. Nó không theo cảnh, không bị cảnh chuyển. Khi nó có mặt, vô minh không có mặt, tự ngã không có mặt, phiền não không có mặt, tập khí hay lậu hoặc không có mặt. Trong bốn oai nghi, nó hằng tiếp thu ngoại trần, nội trần, kiến giải tất cả mà tâm vẫn không động. Trong ngôn ngữ Thiền tông gọi nó là “ông chủ”. Phật giáo phát triển gọi nó là “chân ngã”. Trong Phật giáo Nguyên Thủy, nó được xem là cái biết của người bắt đầu bước vào dòng thánh. Nó được Phật gọi là cái Vô Sanh, Duy Thức tông gọi là Bạch Tịnh Thức. Các vị thiền sư ví nó như hạt minh châu, hay tấm gương sáng, hoặc rỗng rang như hư không. (hết trích)
Tánh giác gồm ba: Tánh thấy (của mắt), tánh nghe (của tai), tánh xúc chạm (của mũi, lưỡi và thân). Tóm lại, Tánh giác là cái thấy biết của Chân tâm.
B. VỌNG TÂM-CHÂN TÂM
1) Vọng tâm: Tâm của người chưa biết tu tập, hằng ngày thường sống với nhiều tâm trạng khác nhau. Lúc thì buồn bực nhớ nghĩ những chuyện quá khứ, khi thì mong muốn tưởng tượng những chuyện ở tương lai. Hiện tại thì suy nghĩ lung tung hết chuyện này sang chuyện khác. Có lúc tác ý suy nghĩ những điều tốt, có lúc suy nghĩ những điều xấu có lợi cho mình mà hại người. Có khi tâm cảm thấy an lạc, hạnh phúc, có lúc lại cảm thấy bực bội, buồn khổ. Thông thường tâm này bị trói buộc bởi những tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, thuật ngữ trong nhà Phật gọi đó là kiết sử, lậu hoặc hay tập khí… Nếu không bị lục trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, lôi cuốn tác động vào tâm xúc cảm thương ghét, thù hằn… thì cũng bị ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy thúc giục đòi hỏi phục vụ cho bản ngã. Nếu được thì vui. Mất, thì buồn. Đức Phật ví tâm này như hồ nước đục, gọi là tâm phàm phu hay tâm sinh diệt. Chư Tổ Thiền tông thì gọi tâm này là Vọng Tâm.
2) Chân Tâm: Khác với Vọng tâm, Chân tâm là tâm tự biết một cách thầm lặng không lời. Cái biết của nó chân thật, đúng đắn, không bị ô nhiễm bởi lăng kính quá khứ, hiện tại, vị lai. Khi lục căn tiếp xúc lục trần, đối tượng như thế nào nó thấy biết như vậy, tức thấy biết cái “đang là” của đối tượng. Nó không phân biệt so sánh bình luận khen chê. Ý căn, Ý thức hay Trí năng tức tự ngã không có mặt trong tâm này. Thầm nhận biết nên tâm an nhiên, tự tại trước mọi cảnh thịnh suy, hợp tan, đẹp xấu, được mất… Đặc tính của Chân tâm là an tịnh, trong sạch, sáng suốt. Đức Phật ví tâm này như hồ nước trong, là tâm bất sinh. Chư Tổ Thiền tông gọi tâm này là Chân tâm hay Tánh giác.
V. TÓM KẾT
Nhìn chung tâm là cái biết, là nhận thức biết, là tánh biết. Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm nhiễm ô, chấp ngã, chấp pháp, tham lam, ích kỷ, là đầu mối sinh tử, là Vọng tâm. Khi tâm giải phóng khỏi năm triền cái: Ham muốn nhục dục, sân hận, si mê, hôn trầm, thụy miên, lo lắng bất an (trạo cử) và nghi ngờ thì tâm nhiễm ô trở thành tâm trong sạch, vô lượng, là nền tảng căn bản của giác ngộ giải thoát gọi là Chân tâm. Tóm lại tâm ô nhiễm là khổ đau, tâm thanh tịnh là Niết-bàn. Tâm mê là chúng sinh, tâm giác là Phật.
Tâm trong đạo Phật được giảng giải rất chi tiết tùy theo các tông phái trong đạo Phật. Bài viết này chỉ nhằm đáp ứng cho các Phật tử mới bắt đầu học Phật, giúp các bạn nhận ra tâm là gì? Lúc nào tâm bị gọi là Vọng, lúc nào tâm được gọi là Chân, hầu dễ bề tu tập, thanh lọc thân tâm, hướng tới giác ngộ giải thoát…
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật./.
Thích Nữ Hằng Như
(Thiền thất CHÂN TÂM, 16/12/2023)
Tài liệu:
(*) Sách: “Tìm Hiểu Và Ứng Dụng Thiền Phật Giáo” Tập 2, cuốn 1: Phần “Tánh Giác” (trang 128…); tác giả: Cố Hòa thượng Thiền Sư THÔNG TRIỆT