Mỗi cuối năm khi hoa mai, hoa đào bắt đầu nở, khi ngoài trời vài cơn gió hiu hiu lạnh nhẹ nhàng lướt qua trên cành cây ngọn trúc, thì chúng ta biết là mùa Xuân đang về. Mùa Xuân chưa hẳn là mùa đẹp nhất trong năm, nhưng mùa Xuân là mùa mà cây cỏ đâm chồi nẩy lộc, là mùa của các loài hoa có tên hay không tên đua nhau rộ nở khoe sắc, mùa mà theo truyền thống phương Đông mọi người dù nghèo hay giàu, dù đang thảnh thơi nhàn hạ hay đang tất bật làm ăn cực khổ ở nơi xa, cũng đều mong muốn quay về sum họp với gia đình: cha mẹ, vợ chồng, con cái để cùng nhau đón mừng mùa Xuân mới.
Nói đến mùa Xuân, chúng ta nghĩ ngay đến sự vui vẻ, ấp áp, mà mọi người trên thế gian đều mong muốn được hưởng. Người thế gian chờ đợi mùa Xuân như thế nào, thì trong nhà Phật mọi người cũng mong có mùa Xuân như thế, nhưng ý nghĩa về mùa Xuân trong đạo thì thâm trầm vi diệu hơn ngoài đời.
Mùa Xuân trong đạo có được hay không là do công phu tu tập và rèn luyện của mỗi người. Trong thiền môn, mỗi tu sĩ có sẵn một nụ hoa Xuân. Tuy là hoa Xuân nhưng nó không hương không sắc và nó cũng không tự nở theo mùa như hoa thế gian. Nó chỉ nở khi tâm người này ở vào trạng thái hoàn toàn vô ngôn tịch tĩnh. Tuy thân tâm ở trong trạng thái lặng lẽ sâu kín và bất động đó, nhưng lại tràn ngập sự an lạc. Và khi đến một thời điểm bất động tột cùng sâu thẳm, do một xúc tác mãnh liệt nào đó va chạm vào nhau thúc đẩy đóa hoa Trí Tuệ bừng nở trong tâm. Bấy giờ hoa Trí tuệ tự nó tỏa hương thơm từ bi, rải sự an lạc đến cho mọi người xung quanh. Khi ánh sáng Trí tuệ bừng sáng trong tâm người tu, thì mùa Xuân Bất Tận mới thực sự tràn ngập trong chốn thiền môn. Và đương nhiên mùa Xuân này mãi mãi ngự trị không bao giờ biến mất trong tâm người giác ngộ.
Xuân Vô thường đến trong đất trời một thời gian hữu hạn ngắn ngủi, nó mang niềm vui phơi phới đến cho mọi người rồi nhanh chóng ra đi. Kế đến mùa Hạ sẽ mang nắng ấm tới, rồi mùa Thu lá vàng héo úa rơi rụng và sau cùng là mùa Đông khí trời giá lạnh cây cối trơ cành.
Khi mùa Đông buồn bả, u sầu vừa trôi qua, thì làn gió Xuân bắt đầu trở mình mang sức sống về với vạn vật. Thế gian có bốn mùa, cứ thế mà xoay dần, mà luân chuyển. Mùa Xuân cũng như giống như con người con vật trải qua tứ thời sinh, lão, bệnh, tử, rồi bị nghiệp lực thôi thúc tái sanh vào một đời sống khác, tiếp tục chu kỳ sinh, lão, bệnh, tử... Cứ thế mà luân hồi trong nhiều cõi, chịu cảnh trầm luân vui buồn khổ não hết đời này sang đời khác.
Xuân đến rồi đi, Xuân đi rồi lại quay về, còn tâm trạng người đón Xuân thì không lúc nào giống lúc nào, cho nên Xuân Quá Khứ không giống Xuân Hiện Tại, lại càng không chắc sẽ giống với Xuân Vị Lai. Xuân luôn thay đổi như thế nên trong đạo gọi đó là Xuân Vô Thường, Xuân Sinh Diệt, Xuân Nhân Quả hay Xuân Luân Hồi...
Con người bình thường sống trong thế gian thì hưởng Mùa Xuân Thế Gian. Còn Xuân trong đạo là Xuân Xuất Thế Gian. Thế nào là Xuân Xuất Thế Gian? Đó là mùa Xuân không sinh không diệt. Chất Xuân vượt ra ngoài cảm xúc của con người, nó vượt ra khỏi thời gian, không gian. Nó không bị ảnh hưởng bởi quy luật vô thường nên nó thường hằng bất biến. Người sống trong Mùa Xuân Xuất Thế Gian này tâm trạng luôn vô tư, bình thản, an vui, tự tại trong mỗi sát-na. Trạng thái đó tương tục mãi từ sát-na này đến sát-na khác, và cứ thế mà hưởng mùa Xuân bất tận vĩnh cửu.
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
Từ TV. CHÂN NHƯ – Cô mến chúc tất cả Thiền sinh Tánh Không, một năm mới Giáp Thìn vô lượng cát tường...