CHỨNG VÀ TRÚ THIỀN THỨ NHẤT
Dựa theo Đại Kinh Saccaka, bài số 36, Kinh Trung Bộ 1, Nikāya, cho thấy trước hết Bồ Tát đã trải qua những kinh nghiệm của Thiền Yoga. Sau đó, Ngài từ bỏ Thiền Yoga, thực hành theo phương pháp do Ngài tự khám phá.
Đây là cuộc hành trình được mở đầu bằng phương pháp Thở với nhiều bước thực hành. Những bước này đưa đến kết quả Ngài đạt được trạng thái phấn chấn (pīti) và dễ chịu (sukha) hay vui thích và khoái cảm, nhưng trong tâm còn có nói thầm và đối thoại thầm lặng hay "hỷ lạc có tầm có tứ." Phật gọi trạng thái này là "Định có tầm có tứ." Theo sử ghi lại, Ngài đã thực hành trong 1 tuần lễ.
Ở đây, ta không biết Ngài thực hành như thế nào, kéo dài mấy ngày trong từng bước thở, nhưng dựa vào bài pháp trong Kinh Tương Ưng bộ, tập 5, Phẩm Một Pháp, bài số 54, Phật dạy các đệ tử nhiều bước thở.
Để đạt tầng định thứ nhất, Phật dạy cách nói thầm: "Tôi biết tôi hít vào, tôi biết tôi thở ra...".
Trọng tâm bước này là “niệm biết có lời nói thầm.” Đó là lời nói thầm khi hít vào thở ra. Hiệu quả của niệm biết có lời nói thầm này là cắt đứt quán tính tâm ngôn từ 3 cơ chế của ý căn, ý thức, và trí năng. Tâm người thực hành bắt đầu trở nên thanh thản và hỷ lạc. Do đó, niệm biết có lời này được xem là phương tiện căn bản và hữu hiệu của cách thực hành làm cho vọng tâm lắng đọng. Nó được xếp tương xứng với cách Tu Chỉ.
Điều cần lưu ý, nếu chỉ nói thầm mà không gắn liền với niệm biết trong đó, vọng tưởng sẽ xen vào.
Sau này, khi đi giáo hóa, Phật gọi trạng thái đó là "Định có tầm có tứ."
Ở đây, ta cần lưu ý: tác dụng bước này đưa đến thân Bồ Tát nhận được niềm hân hoan vui thích và khoái cảm hay phấn chấn và thoải mái (hỷ lạc). Tuy nhiên, dù cảm nhận lạc thọ, lạc thọ đó không chi phối tâm Ngài. Lạc thọ với tâm Ngài là hai. Vì vậy, trong trường hợp này, tâm Bồ Tát đã đóng được vai “nhân chứng.” Đây là điều quá đặc biệt. Vì ngay từ tuần lễ đầu, Bồ Tát đã có khả năng làm chủ lạc thọ. Tuy nhiên, nếu xem lại quá trình khổ hạnh trước đó, ta thấy Bồ Tát đã có kinh nghiệm này rồi, nhưng khả năng làm chủ lạc thọ chưa trở thành năng lực vững chắc. Vì thế, trong 3 chi Thiền đầu, tâm Bồ Tát thường bị dính mắc với các cảm thọ. Sau đó, Ngài nhận ra; rồi nỗ lực chìm sâu trong định, hoàn toàn làm chủ ý ngôn (manojalpa = mental murmur), Ngài mới vượt qua cảm thọ.
Ngài thuật lại sự kiện lạc thọ khởi lên mà không chi phối tâm Ngài cho Aggivessana nghe như sau:
“Này Aggivessana, sau khi ta ăn thô thực và được sức lực trở lại. Ta ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm ta.” (Kinh Trung Bộ 1, Đại kinh Saccaka, số 36)
Nhận xét
- Giá trị Thiền thứ nhất cho thấy, bằng cách sử dụng niệm biết khi hít vào thở ra liên tục, vọng tưởng từ các vùng ký ức vận hành, ký ức dài hạn, và ký ức xúc cảm không thể khởi lên, đưa đến quán tính động của ý căn, ý thức, và trí năng từ từ tạm lắng, tâm bớt tán loạn, và bắt đầu trở nên thuần. Với điều kiện này, ta cũng sẽ cảm nhận trạng thái vui thích và khoái cảm (hỷ lạc) thấm nhuần toàn thân (cảm giác toàn thân).
- Vì còn áp dụng cách nói thầm khi thực hành pháp Thở, nên Phật gọi trạng thái này là định có tầm có tứ. Trong đó, mấu chốt là niệm biết có lời cũng gọi là đơn niệm biết, mà nội dung là biết đang hít vào thở ra, nên Phật cũng xếp đó là tâm thuần nhất. Nó là nền tảng cơ bản của Sơ Định hay Sơ Thiền. Thức (viññāṇa) không có mặt. Tâm không tập trung vào cảnh.
- Tuy nhiên, các luận sư cổ thời, xếp Sơ Định gồm 5 đặc tính: 1) tầm, 2) tứ (hay sát), 3) hỷ, 4) lạc, và 5) nhất tâm (citassa-ekaggatā). Theo cách giải thích này thì Thức có mặt, tâm tập chú hay tập trung vào cảnh.
Lời ngõ: Loạt bài viết về các tầng Thiền của Đức Phật được trích từ quyển sách "Tiến Trình Tu Chứng Của Đức Phật" do Hòa Thượng Thích Thông Triệt biên soạn; đã được phát hành lần đầu tiên năm 2005 và tái bản lần thứ nhì năm 2007. Mục đích của loạt bài viết này nhằm giúp cho Thiền sinh ôn lại phương thức thực hành đúng như lời Phật dạy.
BBT