NĂM ĐIỂM LIÊN KẾT CHÍNH YẾU TRONG THIỀN
Như những nghệ thuật khác trên thế gian, muốn chữa trị bệnh tâm thể, muốn chiến thắng tự ngã, muốn chuyển tâm mê thành tâm tỉnh, muốn tạo cho mình có cuộc sống hài hòa với người chung quanh và với môi trường chung quanh, ngoài Giáo lý Thiền, người hành thiền phải được trang bị thêm nhiều dữ kiện liên hệ đến sự thực hành. Thiếu trang bị, khi thực hành ta sẽ gặp nhiều chướng ngại.
Dưới đây là phần trình bày năm điểm liên kết chính yếu trong tiến trình thực hành mà người mới bắt đầu đi vào Thiền cần nắm vững.
Trên đại cương, những liên kết trong Thiền Căn Bản gồm năm chủ đề lớn mà ta phải trải qua: 1) Ba sắc thái biết, 2) Quán, 3) Chỉ và Định, 4) Tuệ, 5) Kỹ thuật thực hành.
1. Với Ba Sắc Thái Biết, ta nhận ra con người có ba loại biết: Biết của Ý căn, của Ý thức và của Tánh giác. Ta cần nắm rõ đặc tính, chức năng, và tác dụng của ba loại biết đó để khi thực hành ta không lầm lẫn giữa các sắc thái biết đó với nhau. Khi hiểu biết rõ ràng đặc tính, chức năng, và tác dụng của chúng đối với cuộc sống hằng ngày của ta, ta sẽ áp dụng kỹ thuật thích hợp để thực hành làm cho cái biết của Tánh giác có mặt, còn hai cái biết của Ý căn và Ý thức tạm thời vắng mặt. Ta không cần nỗ lực tiêu diệt vọng tưởng, hàng phục vọng tâm mà vọng tưởng hay vọng tâm vẫn không điều kiện hung hăng xuất hiện như trước đây nữa. Chỉ vì khi Tánh giác có mặt thì ý căn và ý thức không thể phát ra được. Tâm ta trở nên an tịnh. Lý do là chức năng của tánh giác là biết không lời, đặc tính của nó là không ganh đua, không xung đột. Khi nó có mặt, tất nhiên tạp niệm không sanh, vọng tưởng không khởi. Ta biết rõ ràng, biết như thật, biết không hai. Qua đó, ta sẽ nhận ra ý nghĩa tâm thuần nhất hay tỉnh giác trong 4 oai nghi mà Phật dạy ta phải thực tập để đạt được nhất tâm. Chư Tổ dạy ta phải “vô sự” hay “vô tâm.” Nhưng làm thế nào để tánh giác có mặt? Trong phần kỹ thuật thực hành có hướng dẫn các kỹ thuật và chiêu thức để ta ứng dụng trong 4 oai nghi.
2. Với Quán, qua những phương thức thực tập, ta sẽ có nhận thức mới về chân tánh hiện tượng thế gian ở mức căn bản là vô thường, xung đột, không hài hòa, tức khổ, không thực chất tính, tức vô ngã, và duyên sinh hay tương quan nhân quả. Tâm ta từ lần bớt dính mắc và chấp trước vào người, vào cảnh, vào tâm, vào vật. Mọi thứ nhận thức cũ do các thứ truyền thống thế gian vốn đã huân tập trong tâm ta sẽ từ lần bị tước bỏ. Trí năng bắt đầu tỉnh ngộ. Ta sẽ không còn mê lầm, mê chấp vào hiện tượng thế gian như trước. Ta sẽ có suy nghĩ chân chánh, có lời nói chân thật, có hành động đúng theo chánh pháp. Sau đó, hỷ lạc bắt đầu hiện hữu trong tâm ta và biểu lộ qua phong thái nói năng, đi đứng. Nơi đâu ta có mặt, niềm vui cũng đều có mặt. Mọi hận thù, tranh chấp, đố kỵ, thương, ghét, nghi kỵ không còn biểu hiện trong phong thái giao tiếp của ta với mọi người chung quanh. Trong Thiền, Quán là phương tiện cần thiết cho người mới đi vào Thiền. Bằng Quán, khi nhận ra chân tánh hiện tượng thế gian, tâm ta sẽ được chuyển. Nó yên lặng. Ta bớt vướng mắc vào đối tượng. Ngồi Thiền, tâm dễ định. Do đó, Quán trợ duyên cho Chỉ và Định.
3. Với Chỉ và Định, qua các kỹ thuật thực hành như Không Định Danh Đối Tượng, Không Nói Thầm Trong Não, Chú Ý Trống Rỗng, Định Niệm Hít Vào Thở Ra, ta sẽ kinh nghiệm nội tâm trở nên yên lặng. Nó bớt lăng xăng, bớt dao động trước tất cả đối tượng. Mọi thách đố của hoàn cảnh không còn làm trí năng bị méo mó. Chỉ vì Tánh giác đã có mặt. Tâm không còn bị cảnh tác động. Ngôn hành trở nên yên lặng, đưa đến niềm vui (hỷ lạc) được xuất hiện. Dòng an tịnh nội tâm bắt đầu được xây dựng trên những kỹ thuật thực hành nêu trên.
Ngoài ra, khi biết không lời có mặt trong thời Thiền kéo dài từ 10 phút trở lên, ta kinh nghiệm được tâm thuần nhất hay nhất tâm. Trong đó hoàn toàn không có tất cả xung đột. Đây là trạng thái định. Sau đó, ta cũng kinh nghiệm thân tâm được cân bằng, và trí tuệ được phát huy. Trên nguyên tắc, từ trong Định, hào rãnh trí năng từ lần bị lấp mất, nhường chỗ lại cho tâm thuần nhất hay tri kiến bất nhị. Quán tính di động, dong ruổi, xao lãng, tán loạn, đần độn của tâm từ lần biến dạng. Tiếp duyên đối cảnh, tâm ta hằng tỉnh hằng giác, không còn bị vướng mắc vào đối tượng như trước.
Bình thường tâm được xây dựng trên cơ sở này. Sau đó ta sẽ kinh nghiệm sự đào thải tập khí/lậu hoặc và sự phát huy huệ lực đến chỗ sâu sắc hơn.
4. Với Tuệ, đây là phương thức thực tập không dán nhãn đối tượng, chú ý trống rỗng, tỉnh thức biết, thầm nhận biết, thấy biết như thật, nghe biết như thật trạng thái đang là của tất cả hiện tượng thế gian. Tuệ này có nghĩa là tuệ trí, tương đương tiếng Anh là “Insight.” Trong Pāli là từ “Vipassanā.” (Khác với từ “Paññā.” Từ này có nghĩa “Tuệ siêu vượt.” Tương đương tiếng Anh là “Transcendental wisdom.” Người Trung Hoa dịch âm là “Bát Nhã.” Nếu thành tựu vững chắc những kỹ thuật dụng công nêu trên, ta sẽ dẹp bỏ được quán tính suy luận của trí năng và những bệnh thành kiến, định kiến chủ quan đối với tất cả đối tượng; chánh niệm tỉnh giác sẽ có mặt trong 4 oai nghi. Tư duy không còn bị trí năng tác động. Từ đó chánh kiến, chánh trí và chánh niệm có khả năng thể hiện trong sinh hoạt hằng ngày của ta. Phiền não cũng theo đó từ lần được dẹp bớt để cuối cùng đi đến chấm dứt toàn bộ. Mọi trói buộc của nghiệp thức sẽ từ lần được nới lỏng. Mấu chốt của tâm giải thoát được đặt trên những phương thức như thật.
Trên nguyên tắc, bằng những phương pháp của tu Tuệ ở Thiền Căn Bản, ta có khả năng cô lập hóa tập khí/lậu hoặc. Nội tâm dễ trở nên an tịnh và sáng suốt. Chính vì thế, tu Tuệ rất cần thiết cho người tu Định mà chưa kinh nghiệm dừng được vọng tưởng.
5. Với Kỹ thuật thực hành, ta sẽ biết rõ giá trị của sự thực hành trong 4 oai nghi hay 4 tư thế; trong đó, tư thế ngồi là tốt nhất vì nó tạo ra tác dụng sinh học. Ta cũng nắm vững vai trò quan trọng của khu Dưới Đồi đối với sự tác động vào hệ thống Thần kinh Tự quản và Tuyến Yên, cũng như hệ thống Tuyến nội tiết. Từ đó ta sẽ nhận ra sự dụng công sai lầm khi ta sử dụng giao cảm thần kinh quá thường trực. Vì hậu quả của sự tác động vào giao cảm thần kinh thường trực đưa đến uất cảm mãn tính, phá hoại cơ thể, rối loạn nội tâm, tạo ra bệnh tâm thể. Đồng thời nó cũng làm hại tế bào não khi cortisol từ tuyến thượng thận bị tiết ra quá nhiều qua những trạng thái ức chế tâm lý hay tỉnh táo quá mức để ngăn chận vọng tưởng, không cho nó khởi lên.
Đặc biệt trong kỹ thuật thực hành, ta biết cách làm thế nào để chận đứng niệm tham, sân, mạn, nghi, ác kiến bất chợt khởi lên. Ta không phát ngôn bừa bãi khi tham, sân, mạn, nghi, ác kiến nổi dậy. Ta biết cách làm thế nào để tánh giác có mặt, vọng tưởng không có mặt mà nội tâm vẫn ở trong tư thế thư giãn.
Khi mới bắt đầu dụng công, ta có thể chọn một trong bốn kỹ thuật để thực hành, hoặc tuần tự thực hành hết 4 kỹ thuật. Ngoại trừ kỹ thuật tỉnh thức biết và thầm nhận biết thì chưa thực hành được vì ta chưa có kinh nghiệm biết không lời trong vài giây. Mỗi kỹ thuật tuy có tác dụng là làm chủ sự suy nghĩ để tánh giác hiển lộ, nhưng mỗi kỹ thuật đều có tác dụng riêng đối với thân, tâm, và trí tuệ tâm linh. Khi thực sự thực hành, ta sẽ nhận ra điều này. Nếu không áp dụng một trong những kỹ thuật trên, ta sẽ không bao giờ làm chủ được niệm khởi. Chỉ vì niệm khởi vốn tiềm tàng trong tập khí hay lậu hoặc. Các thứ đam mê, ghiền nghiện trong ngũ dục sẵn sàng phát ra xung lực để kích thích tâm, làm cho tâm khởi niệm đủ loại mỗi khi tâm bị dính với cảnh, hay tâm không tỉnh thức trước các đối tượng giác quan. Đến khi thực hành lên mức cao hơn, ta sẽ áp dụng hai kỹ thuật tỉnh thức biết và thầm nhận biết với mục đích làm cho tánh giác trở thành năng lực biết vững chắc. Qua đó ta cũng trừ được những trạng thái uể oải (hôn trầm), tâm tán loạn, lăng xăng, dao động (trạo hối), và ngủ gục (thụy miên).
Tóm lại, năm chủ đề nói trên là năm mắt xích liên kết chặt chẽ trong tiến trình thực hành của Thiền Căn Bản. Tuy mục tiêu Thiền Căn Bản là làm chủ sự suy nghĩ, song khi suy nghĩ không còn khởi lên theo quán tính của tế bào não và quán tính lăng xăng dao động của ý căn và ý thức, ngay đó tánh giác liền có mặt. Giống như khi đèn bật sáng, bóng đen liền bị xua tan.
Là người mới bắt đầu đi vào đường Thiền, ta cần nắm vững những mắt xích liên kết trong từng chủ đề dụng công giữa tâm, não, khu Dưới đồi, hệ thống Tuyến nội tiết để nhận ra những tác dụng hỗ tương đặc biệt của từng chủ đề đối với thân, tâm, não bộ, và trí tuệ tâm linh.
Tác dụng của thiền đối với đời sống con người dựa trên những cơ sở đó.
Tóm kết
Muốn hoàn tất Giai đoạn I của Thiền Căn Bản, ta cần nắm vững lý luận của các tiến trình thực hành như sau:
1. Nghi thức thực hành trong 4 oai nghi. - Trong đó ta cần thiết lập buồng thiền riêng và siêng năng thực tập tọa thiền để tạo ra tác dụng sinh học trong tiến trình dừng niệm. Ngoài ra, ba tư thế khác ta đều áp dụng biết không lời.
2. Hạn chế nhân duyên thế gian và hạn chế tri kiến thế gian. - Phần lớn tâm không được trong sạch là do ta dính mắc quá nhiều với thế giới bên ngoài. Ta cần hạn chế bớt các nhân duyên để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăn trâu nội tâm được kiến hiệu hơn. Những quan hệ nào không cần thiết và đôi khi mang lại tác hại nội tâm, cản trở năng lực tánh giác, ta nên hạn chế. Nếu cần, ta cũng nên cắt đứt. Nhứt là băng hình mang tính chất đồi trụy hay chuyện dài tình cảm xã hội, phim ma quái, và truyện Tàu qua các phim chưởng, ta cũng cần cắt đứt trọn vẹn để tâm không còn huân tập những tình cảm xúc cảm.
3. Nắm vững nội dung Ba Sắc Thái Biết. - Không nắm vững, ta dễ lẫn lộn giữa biết không lời của tánh giác và biết có lời của ý thức và ý căn hay của suy nghĩ và trí năng. Ta cũng dễ lẫn lộn giữa tự ý thức (self-consciousness) và tự nhận biết (self-awareness) (hay tự giác). Sau đó, ta cần áp dụng kỹ thuật để thực tập làm cho cái biết không lời trở thành năng lực vững chắc.
4. Kỹ thuật thực hành. - Với người thực hành, ta phải thấy kỹ thuật thực hành là phương tiện giúp ta thành tựu mục tiêu nhắm đến. Không nắm vững kỹ thuật thực hành, ta không làm sao làm chủ được vọng tâm. Khi đã không làm chủ được vọng tâm, ta sẽ không bao giờ kinh nghiệm được sự có mặt vững chắc của tánh giác trong sinh hoạt hằng ngày của ta. Cho nên, ta chớ lơ là kỹ thuật thực hành. Sự khó của Thiền là ở chỗ thực hành. Nó đòi hỏi ta phải miên mật, phải tinh tấn dụng công. Đây là điều kiện cơ bản để ta có kinh nghiệm tâm linh. Nó là sự khác nhau giữa Thiền và các pháp môn khác trong đạo Phật.
5. Phân biệt Định và Huệ. - Ngoài ra, ta cũng cần nhận thức rõ, cái biết không lời là nền tảng của Định và của Huệ. Muốn đi sâu vào khu rừng Bát Nhã, trước hết ta cần có kinh nghiệm biết không lời. Nếu không kinh nghiệm được biết không lời, các chủ đề lớn của Bát Nhã như “Không,” “Chân Như” sẽ là những thuật ngữ trừu tượng và siêu hình mà mãi mãi ta không làm sao kinh nghiệm được. Lý do là muốn đến chân trời mới này, ta phải trải qua kinh nghiệm biết không lời của tánh giác, rồi tiến lên tuệ trí không lời, cuối cùng là nhận thức không lời.
6. Làm chủ sự suy nghĩ. - Sau cùng, ta cần nắm vững trọng tâm nhắm đến của Thiền Căn Bản là làm chủ sự suy nghĩ. Trong Phật giáo, suy nghĩ được Phật so sánh như dây bò trên cây cổ thụ śālā. Thiền sư Trung Hoa gọi nó là “sắn bìm.” Khi làm chủ được nó, tất cả “sắn bìm đều đứt.” Trong Thiền, Suy Nghĩ được sánh như cục u nhỏ, nhưng cực độc. Nó có khả năng tàn phá thân-tâm và thiêu đốt trí tuệ tâm linh của ta, cũng như gây phiền não, đau khổ cho người chung quanh. Muốn thoát khổ, giác ngộ và giải thoát mà không thành tựu mục tiêu làm chủ sự suy nghĩ trước, ta sẽ chẳng bao giờ kinh nghiệm được sự an lạc và hài hòa thực sự bên trong ta. Khi làm chủ được nó, “mặt trời trí huệ tự chiếu.” Như Tổ Bá Trượng nói: “Đất tâm nếu không, mặt trời trí huệ tự hiện.” Khi thực sự làm chủ được nó, chân tâm tự hiển lộ, tất cả “lửa tham, sân, si đều tự tắt.” Tâm ở trạng thái hằng tỉnh hằng giác. Ta không lấy đá đè cỏ. Không lấy tâm thiện đè tâm ác. Ta chỉ cần thực tập cách Không Nói Thầm Trong Não. Khi không nói thầm trong não được vững chắc, ngay đó bộ mặt xưa nay, tức tánh giác liền hiện tiền. Đây là cách đi thẳng của Thiền.
KẾT LUẬN
Đầu mối của thoát khổ, giác ngộ, và giải thoát bắt đầu từ điểm làm chủ sự suy nghĩ. Không làm chủ được sự suy nghĩ, phiền não và khổ đau vẫn dai dẳng theo ta; “lửa tam độc vẫn cháy;” bệnh tâm thể khó tránh; yên vui trong gia đình khó thành tựu; an lạc và hài hòa trong cuộc sống bình thường không thể nào có; Sơ Thiền, cũng không thể nào kinh nghiệm được. Trong kỹ thuật thực hành có hướng dẫn nhiều cách áp dụng. Khi làm chủ được nó, ta sẽ nhận ra năng lực tiềm tàng bên trong thân, tâm, và trí tuệ của ta bắt đầu chuyển động. Đây là những hoạt động của tế bào não ở các định khu trên vỏ não, đặc biệt là vùng Kiến Giải Tổng Quát và hệ thống Viền Não.
Làm Chủ Sự Suy Nghĩ được so sánh như “đi xe một số.” Tốc độ nhanh hay chậm tùy thuộc vào khả năng người lái xe biết cách nhấn ga, nhả ga, biết cách rà thắng, nhả thắng. Thiếu điêu luyện nghệ thuật lái xe một số, ta sẽ không biết khúc nào cần nhấn ga để lấy trớn khi xe đang lên dốc, không biết khúc nào cần nhả ga và rà thắng, đạp thắng khi xe đang xuống dốc, hoặc không biết rà thắng khi quẹo qua, quẹo lại trên những khúc quanh ngoằn ngoèo trên triền núi. Đường làm chủ sự suy nghĩ của Thiền được so sánh cũng ngoằn ngoèo, lên đèo, xuống dốc như đường xe chạy. Nếu thiếu kỹ thuật dụng công, ta sẽ không bao giờ làm chủ được sự suy nghĩ.
Do đó, muốn điêu luyện nghệ thuật “đi xe một số,” ta cần sự hỗ trợ của thực hành và kỹ thuật thực hành. Thực hành và kỹ thuật thực hành là hai phương tiện giúp ta hoàn chỉnh con đường Tâm linh. Muốn tự ngã trở nên thanh tịnh, tâm ngôn bị kiểm soát, ta phải áp dụng đúng pháp và đúng kỹ thuật. Nếu áp dụng sai pháp, dù trải qua vài mươi năm thực hành, cơ bản ta chẳng những không hàng phục được vọng tâm để chân tâm hiển lộ mà bệnh tâm thể cũng không tự chữa được.
Trích từ bài giảng "Lý Thuyết Cơ Bản Về Thiền".
BBT