Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - BÀI 43
Sáng nay, 26 tháng 12, ngày lễ giáng sinh đã qua, nhưng người ta vẫn còn nhộn nhịp chuẩn bị đón mừng năm mới sắp đến. Thời gian này cũng là tuần lễ nghỉ học của các trường, nên là dịp gia đình tụ hội vui chơi.
Hôm nay thời tiết lạnh nhiều, khoảng 45 độ F ở Riverside, mình thì đang ở thiền viện Chân Như, tiểu bang Texas, sáng nay, 8:45am, nhiệt độ bên ngoài 39 độ F, mặc dầu đã thấy có nắng lên.
Sáng sớm nay, đọc email của 1 em thiền sinh gởi, những lời tâm sự về áp lực của đời sống đang bủa vây em. Thiệt ra đã có mấy lần em kể qua loa về cử chỉ, lời nói của các bạn đồng nghiệp, mình cũng có nhắc em cứ ứng phó “như thiền sư”: thấy như mù, nghe như điếc. Vậy là xong. Trong tâm mình thì quan sát lại: nếu mình sai thì sửa đổi, cám ơn người ta; nếu mình không sai, thì chuyện đó cứ xem như chuyện thị phi, không để ý tới nữa, cũng không nên trình báo với cấp trên, sẽ gây thêm khoảng cách hiểu lầm. Nhưng hôm nay thì em đã không nhẫn nhịn hơn được, chuyện lấn cấn càng ngày rõ hơn. Em chán nãn và muốn bỏ đi.
Bỏ đi thì có khá hơn hay sao? Nơi nào cũng là cuộc đời, hễ là tâm đời thì luôn tìm cách vươn lên, để kiếm sống, dù phải giẫm đạp lên người khác. Người ta chưa giẫm đạp lên mình, người ta chỉ mới chỉ chỏ nói lén mình thôi. Sao mình lại dính mắc vào? Người ta chỉ mới cười đùa trêu chọc mình, sao mình không cười tươi với người ta, mọi việc sẽ trở thành nhẹ nhàng vui vẻ. Mình là superviser thì càng phải khiêm nhường, nhất là mình trẻ tuổi lại xinh đẹp hơn người ta. Nhìn kỹ lại, có phải những người không tốt đó là vì họ hơn tuổi mình và không đẹp như mình, cho nên họ mới có chút lòng ganh tỵ thôi.
Nghệ thuật lãnh đạo là khiêm nhường, hạ thấp mình xuống, sống hòa đồng và thương mến tất cả mọi người, kết quả là mọi người sẽ quí mến mình. Tình thương mến phải là vô ngã, bằng trí tuệ hiểu biết tất cả đều bình đẳng. Đó là biết áp dụng những điều học hỏi vào đời sống của mình, chứ không phải trốn chạy cuộc đời rồi vào thiền viện tập thiền để bình tâm lại.
Mới đây, đêm 24 giáng sinh, một em thiền sinh, chồng và con cùng tới thiền viện Chân Như mang 1 giõ trái cây tới cùng ni đoàn thưởng thức. Đêm ấy, em đã tâm tình về cuộc sống của mình, cũng chịu nhiều áp lực: từ công việc quá phức tạp, bận rộn, suốt ngày dán mắt trên computer, rồi những giờ hội họp nặng nề dài đằng đẵng trong sở làm. Lúc trở về nhà lại còn mang theo lời nói, cử chỉ, thái độ không thân thiện của các nhân viên của mình. Cho đến đổi lái xe về tới nhà, chiều tối, vào garage, tắt máy, em còn phải ngồi yên trong xe, nhắm mắt thư giãn 10 phút sau mới có thể bước vào nhà. Nhưng thân thể đã rã rời, tâm cũng còn mệt mỏi, em đã không thể có những lời nói ngọt ngào, những cử chỉ thân ái mà đứa con gái duy nhất trong tuổi mới lớn, sau khi đi học về, ở nhà một mình, chờ đợi cha và mẹ trở về.
Lắng nghe các em tâm sự, mình thấy xót xa. Cuộc đời vất vả tới như vậy sao?
Các em đã biết ít nhiều Phật pháp, biết sống lương thiện, đem khả năng của mình ra cống hiến cho đời, mong có một cuộc sống bình yên. Vậy mà sao lại gian nan tới như vậy? Sao lại bị người đời tranh đua, ganh ghét?
A, thì Đức Phật đã nói: cuộc đời là biển khổ mà! Và qui luật tất nhiên của cuộc đời là qui luật xung đột.
Tại sao lại xung đột? là vì cái Ngã. Người đời muốn đủ thứ: là tài, sắc, danh, thực, thùy. Cho nên mới khởi ra tham, sân, si. Từ đó, Đức Phật dạy: không tham, không sân, không si. Vì tất cả tài, sắc, danh, thực, thùy…là vô thường, ta là vô ngã: không có ta, không có cái của ta. Từ đó mới phát huy được tâm bình đẳng, sống hài hòa trong cuộc đời này.
Đức Phật cũng dạy: nhẫn nhục là một hạnh tu đối trị với những cảnh xung đột của tâm đời. Chịu đựng, kham nhẫn, nhường nhịn, bằng trí tuệ thì không gượng ép, không dồn nén tâm, không bị tổn thương. Nhẫn nhục chính là sức mạnh của người tu. Phẩn nộ, tức giận, là sức mạnh của tâm đời.
Đức Phật dạy mình không thể chuyển hóa người khác, càng không thể chuyển hóa cuộc đời. Vì cuộc đời từ xưa tới nay và mai sau nữa, nó vẫn là biển khổ khi con người chưa giác ngộ, chưa biết mình là ai? Mình tới cuộc đời này để làm gì?
Chúng ta chỉ có thể chuyển hóa chính mình mà thôi. Chuyển hóa ra sao? Tâm mình phải rộng bao la như biển vậy. Biển ra sao?
Biển thấp nhất so với mặt đất, ta học hạnh khiêm cung.
Biển đón nhận tất cả những dòng sông lớn, nhỏ, nước sông trong hay đục. Ta học hạnh bao dung, chấp nhận tất cả những dòng tâm đời.
Biển chuyển hóa tất cả dòng nước khác biệt thành 1 vị duy nhất, vị mặn. Ta đón nhận tất cả những thử thách chông gai và vượt qua, mới là tiến bộ. Ta học hạnh chuyển hóa nghịch duyên thành thuận duyên.
Biển luôn đưa những rác rưởi, thi thể…quăng lên bờ, ta quăng bỏ những buồn phiền, dính mắc, ra khỏi tâm ta. Ta học hạnh biết buông bỏ cái gì và nắm giữ cái gì, đó là luôn chánh niệm và tỉnh giác.
Tuy nhiên, nếu biển chưa có trí tuệ, một khi sinh ra giận dữ, thì là cuồng phong bão tố, giữa biển cũng động đất, núi lửa, sóng thần. Hại người mà trước nhất là hại mình nhiều hơn.
Vậy là sao? Tâm tịnh thì quốc độ tịnh. Chúng ta nên suy gẫm thêm cái chân lý này.
Thiền viện
26- 12- 2023
TN .
Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - Bài 43
PHÚT CHẠNH LÒNG CUỐI NĂM