MỞ ĐẦU
Dù là những danh từ chết, thuật ngữ vẫn là những danh từ chuyên môn của một bộ môn. Tác dụng từ chuyên môn này nhắm giúp người mới bắt đầu đi vào ngành chuyên môn hiểu được thực chất các từ ngữ chết đó nói lên ý nghĩa gì, công dụng ra sao để khi thực sự bắt tay vào môn học đó, người học không bỡ ngỡ, không xa lạ. Thí dụ như những loại từ ngữ đặc biệt của ngôn ngữ học, văn phạm, luận văn, báo chí, toán học, sử học, xã hội học, hóa học, vật lý, y khoa, luật học, kinh tế học, chính trị học, v.v... Đây là những loại từ ngữ riêng biệt mà người không học môn đó sẽ không lãnh hội thấu đáo khi có dịp đọc các sách chuyên môn về bộ môn đó.
Phật học và Thiền học cũng thế; chúng cũng có những loại từ riêng biệt dành riêng cho người thực hành thiền mà người các tông phái khác trong đạo Phật khi xem sách Thiền sẽ không hiểu được thuật ngữ đó nói lên ý nghĩa gì.
Thí dụ như "niệm" "chánh niệm," “Chánh niệm để trước mặt”, ‘Niệm giác tri”, "quán," "về nhà," "thấy tánh." "chân như," "không."
Cho nên, nếu học môn nào mà không nắm rõ ý nghĩa và tác dụng của từ ngữ riêng biệt trong môn đó, ta sẽ dễ lạc lõng trong rừng ngôn ngữ của bộ môn đó. Khi hiểu sai, sự dụng công của ta dễ dàng đưa đến sai. Tất nhiên kết quả sẽ trái với điều ta mong muốn. Vì vậy, để tránh sự hiểu sai ý nghĩa các thuật ngữ chết trong Thiền, chúng tôi soạn một số thuật ngữ cơ bản của Thiền, giải thích cặn kẽ hay sơ lược các thuật ngữ đó để các bạn có ý niệm tổng quát về nội dung và tác dụng các thuật ngữ hay dụng ngữ riêng biệt trong Thiền.
Phương pháp giải thích gồm hai phần: nghĩa chính và nghĩa đích xác của thuật ngữ đó. Đó là, ngoài nghĩa chính, thực sự nghĩa đàng sau của thuật ngữ đó muốn nói lên điều gì.
Qua tác dụng của thuật ngữ, các bạn sẽ khám phá sức sống động mang nhiều ý nghĩa đặc sắc và chính xác của thuật ngữ, chứ không thấy sự khô khan, chết cứng hay một chiều của thuật ngữ. Riêng những bạn nào đã biết trước ý nghĩa các thuật ngữ Thiền được ghi trong phần này, có thể xem lại sơ lược để bổ sung thêm kiến thức Thiền học mà mình có khả năng thiếu sót.
Bài này gồm ba loại từ: Niệm, Chánh Niệm, Chánh Niệm Tỉnh Giác, và Chánh niệm Để Trước Mặt. Khi lên học Bát Nhã, các bạn sẽ gặp thêm các loại từ về Niệm như Niệm Vô Niệm, Niệm Chân Như, v.v...
Trên nguyên tắc khoa học, có nắm được vững chắc, có hiểu rõ ràng thuật ngữ hay dụng ngữ Thiền, ta mới thực hành được đúng, và không phí phạm thời gian dụng công. Còn không hiểu rõ, ta dễ thực hành sai, và mất nhiều thời gian dụng công. Khi đã thực hành sai, thân và tâm sẽ không hài hòa cùng nhau, bệnh tâm thể có khả năng xuất hiện, thần kinh lệch lạc, khí huyết rối loạn, có khả năng đưa đến chết. Người xưa gọi là "tẫu hỏa nhập ma."
Cuộc đời quá ngắn, ta không thể đùa giỡn với thời gian, bằng cách bỏ ra vài ba mươi năm để kinh nghiệm được những gì Thiền nói.
Mong bài đọc thêm này trợ duyên các bạn có thêm kiến thức thuật ngữ và dụng ngữ Thiền để trên đường đi về nhà một mình, các bạn có khả năng tránh được những chướng ngại trên đường dụng công.
I. NIỆM
Trong đạo Phật, thuật ngữ "niệm" có hai từ: bằng tiếng Pāli là "Sati" (sa-tí), tiếng Sanskrit là " "SmRti" (sạm-ríttí), được người Trung Hoa dịch là "nien." Việt dịch theo Tàu là "niệm," tương đương tiếng Anh là "thought."
Theo tâm lý học Phật giáo, với người thường (phàm phu), chưa giác ngộ, niệm là hoạt động của tâm và thân (mental and physical activities). Chúng được biểu lộ dưới ba hình thái: ý nghĩ, hành động, và ngôn ngữ. Do đó, niệm được xem là một trong những thành phần lập thành nghiệp của con người. Vì thông qua niệm, lời nói, chữ viết, thái độ, cử chỉ, hành vi và các sắc thái nói thầm trong tâm (mental babbles) được tạo ra. Tùy theo mức độ và hình thức biểu lộ ra ngoài qua thân và lời nói, niệm được định danh hay dán nhiều nhãn hiệu khác nhau, như niệm tham, niệm sân, niệm si, niệm vui, niệm buồn, niệm thiện, niệm ác, niệm vô ký (indifferent thought), vân vân.
Trong trường hợp này, tất cả niệm khi được biểu lộ ra ngoài bằng thân và lời đều do tự ngã làm chủ thể. Bởi vì Ai tham ? Ai sân ? Ai si ? - Tôi !
Trong lúc đó cũng có một thứ niệm khác, không do tự ngã làm chủ thể. Đó là "niệm biết" (a thought of awareness). Nó là cái lóe sáng biết đầu tiên của con người. Đặc tính của nó là biết không lời Đức Phật gọi là Pasàda.
1. ĐẠI CƯƠNG
Niệm làm cho con người có thể nhớ để suy luận, xét đoán và giải đáp những vấn đề khó khăn cũng như những vấn đề tâm lý xúc cảm phức tạp và bình thường. Nó giúp con người chú tâm vào đối tượng để đạt được những điều thiện, có đạo đức hay bất thiện và phi đạo đức. Với niệm này, con người đi vào vòng tái sinh hay luân hồi. Trong lúc đó, với người giác ngộ, làm chủ được tâm ngôn, niệm là hoạt động của chân tâm dưới dạng thầm nhận biết, hay cuả tâm tathà: tỉnh thức biết, nhận thức biết. Đây là trí huệ thấy biết như thật hiện tượng thế gian mà không thông qua suy luận, không chú tâm, không tập trung sự chú ý. Với niệm này, con người có khả năng tiến đến giải thoát tâm, giải thoát tri kiến, đi đến giác ngộ và cuối cùng là giải thoát tối hậu.
Nét đặc biệt cơ bản của niệm là những biểu tượng hiện lên trong tâm thông qua sự cảm thọ của các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và tri giác (tưởng: perception). Tiếp theo, các biểu tượng này được thiết lập thành những hình thức ngôn ngữ, con số hay hình ảnh về những đối tượng như thế nào đó trong tâm. Sau đó các biểu tượng trở thành ý nghĩ, quan niệm và sự sắp xếp những ý nghĩ, những quan niệm thành một trật tự nào đó trong tâm, làm cho ta nhớ lại điều gì đó trong quá khứ hay nhận ra điều gì mà trước đây ta không biết.
Lãnh vực của niệm có thể được xét nghiệm hay trắc nghiệm bao gồm nhịp độ và hiệu quả của sức nhớ, nội dung nhớ và mối tương quan hợp lý giữa những ý nghĩ và quan niệm với nhau qua các hình thức suy nghĩ, ngẫm nghĩ, chú tâm hay chú ý, tạo ra những ý niệm trong tâm. Trên cơ sở đó, thuật ngữ niệm trong tiếng Pali (sati) và Sanskrit (smRiti) gồm những nghĩa:
Nói chung, những điều gì khởi lên trong tâm chúng ta và được biểu lộ ra ngoài qua thân và lời đều gọi là niệm. Niệm này được các nhà Phật giáo Phát Triển xếp vào loại "vọng niệm" (false thought). Còn có những niệm cũng được biểu lộ ra ngoài thân và lời hay không cần biểu lộ ra ngoài bằng thân và lời, trái lại được gọi là "chánh niệm" (right thought, right mindfulness, right awareness).
Đây là điều khó khăn cho người học Phật pháp khi gặp từ "sati" trong văn hệ Pali và "smRiti" trong văn hệ Sanskrit, vì từ "niệm" có quá nhiều nghĩa. Ta không biết nghĩa nào là nghĩa xứng hợp với từ "niệm" trong trường hợp từ này được dùng để chỉ cho sắc thái tâm như thế nào đó. Nếu hiểu sai ý nghĩa từ "sati" hay "smRiti," ta sẽ dụng công sai. Kết quả đưa đến cũng sai luôn. Thí dụ như "niệm biết rõ ràng," "niệm vô niệm," "một niệm không sanh," "nhất niệm," "đơn niệm biết" "định niệm hít vào thở ra," "chánh niệm tỉnh giác," "chánh niệm" trong Bát Chánh Đạo, vân vân…
Ngoài ra, có vài trường hợp khác, từ "niệm" cũng được sử dụng để chỉ cho sự chú tâm mạnh mẽ vào bất kỳ chủ đề gì. Trong trường hợp này, từ "niệm" được các bậc Cao Tăng Trung hoa dịch từ tiếng Pali là "anussati, " tiếng Sanskrit là "anusmRiti," có nghĩa sự "chú ý đúng đắn, " hay "lặp lại lời nói. " Thí dụ như "niệm Phật" (P:Buddha-anussati; Skt: BuddhAnusmRiti: proper attention to the Buddha, or repetition of the Buddha 's name), "niệm chú" (P: mantA-anussati; Skt: mantrA-anusmRiti: a repetition of a divine saying, or sacred speech).
2.THỰC CHẤT NIỆM
Dựa trên sự khảo sát của khoa học, thực chất niệm như sau:
1. Niệm được biểu lộ thành những dòng (currents) như dòng điện. Những dòng này tạo thành một mạng lưới niệm khổng lồ trong não bộ hay trong tâm, thông qua sự tác động của ý căn và ý thức. Người ta có khả năng nhìn thấy bằng mắt thường những sự di chuyển của niệm trong não bộ bằng những thiết bị khoa học được dùng để chụp hình não bộ hay ghi hình hoạt động của não bộ, như máy PET. Chúng tạo ra nhiều màu sắc ánh sáng lóe lên khi chúng va chạm nhau hay hợp nhất lại bên trong não. Chúng đi qua đối tượng và tích lũy trong đối tượng. Chúng không những phân phối thông tin mà còn mang thông tin truyền đi hay cất giữ thông tin lại vào trong các cơ chế ký ức, gồm ký ức vận hành, ký ức xúc cảm và ký ức dài hạn. Từ nơi sắc thái này, niệm mang ý nghĩa "ký ức." Như vậy, khi ta "khởi niệm" (arise a thought) để nhớ một điều gì, đây là lúc ta bươi móc dữ kiện quá khứ mà ta đã kinh nghiệm qua.
2. Niệm được khuếch tán (diffused) trong không gian dưới hai dạng: âm hưởng hay tần số sóng não, như một hòn sỏi được ném vào hồ nước tĩnh lặng. Mặt hồ liền bị gợn sóng. Sóng đó từ từ lan dần khắp mặt hồ đến mé hồ. Đây là trường hợp một người trì chú hay niệm Phật. Niệm kia đi vào không gian qua âm hưởng hay qua tần số sóng não. Niệm này được qui ước gọi là "niệm Phật" hay "niệm chú."
3. Niệm được xem như là những hình thái (forms) của tâm, nhưng thật sự chúng là những tia (rays) hay những dòng (currents) tâm. Chúng chảy ra từ nguồn của chúng. Nguồn niệm đó được gọi là "Niệm căn" (P: satiindriya: the faculty of mindfulness). Niệm căn này hàm chứa nội dung "chú tâm" (mindfulness) hay "chú ý" (attention) hoặc "nhận biết" hay "biết" (awareness), hoặc “tỉnh thức biết “ hay “nhận thức biết”. Nếu chúng mang ý nghĩa "chú tâm" hay "chú ý," chúng xuất phát từ Ý căn hay Ý thức, thuộc vùng tiền trán hai bán cầu não phải và trái, do tự ngã làm chủ thể.
Nếu chúng mang nội dung "biết không lời" (wordless awareness), chúng xuất phát từ Tánh giác , thuộc vùng Wernicke, sau bán cầu não trái, gồm 3 vùng thùy chẩm, thùy thái dương và thùy đỉnh kết hợp, do chân ngã (the real-self) hay "Ông Chủ" làm chủ thể.
Nếu chúng mang nội dung tỉnh thức biết không lời, nhận thức biết không lời thì chúng xuất phát từ vùng precuneus do tự ngã thanh tịnh tuyệt đối làm chủ thể.
Vì thế, năng lực niệm mang nhiều nội dung khác nhau do chúng xuất phát từ 3 nguồn khác nhau.
4. Tuy xuất phát từ nguồn nhưng chúng không bao giờ xa lìa nguồn, và chúng cũng không bao giờ bị cạn. Chúng khác với dòng nước. Nước chảy đi và không bao giờ trở lại. Và nước cũng có thể bị cạn, nếu nó chảy ra từ nguồn suối. Còn niệm có nơi tích lũy và không bao giờ bị cạn. Nhờ sự tích lũy đó con người sống với sự bao phủ hay che chở của niệm của họ. Trong trường hợp này, niệm tạo thành hai loại khả năng đặc biệt.
Thứ nhất, khi niệm có ý nghĩa "nhớ" hay "ký ức," sự tích lũy này sẽ tạo ra những ấn tượng sâu sắc trong tâm, hay những đức tin mãnh liệt vào một vị anh hùng hoặc một đấng thiêng liêng nào đó. Ta cứ nhớ mãi ấn tượng, rồi biểu lộ những hành động đặc biệt đối với ấn tượng đó. Ngay lúc đó, tâm liền bị cột trói với ấn tượng. Thứ hai, khi niệm có nghĩa là sự "nhận biết," nó tạo ra trạng thái tâm tĩnh lặng, không vướng mắc vào những đối tượng vì trong nó không có tự ngã mà chỉ có sắc thái biết không lời thường hằng và lặng lẽ. Tâm liền ở trạng thái rỗng rang, thanh tịnh, không động, không bị cột trói vào đối tượng. Từ nguyên lý này, tâm có khả năng tiến đến giác ngộ và giải thoát.
5. Con người bình thường sống trong mạng lưới niệm mà họ biểu lộ trong cuộc sống hằng ngày của họ. Mạng lưới đó được so sánh như mạng nhện (the spider’s webs) mà con người sản xuất. Tất cả mạng (webs) này mang những ý định (intentions), những thông tin (informations), những truyền thông (communications), những thông điệp (messages) ra ngoài môi trường không gian để kết nối với những mạng niệm khác của người khác.
Đây là trường hợp mạng lưới niệm dưới dạng "Internet."
6. Còn khi niệm đi vào trong tâm, nó cũng tạo thành những mạng lưới chằng chịt trong tâm và ghi lại một cách không có ý thức. Nhưng khi muốn nhớ lại, ta có khả năng nhớ rõ ràng từng chi tiết hay một số chi tiết niệm.
Trong lúc đó, nếu niệm trở thành một năng lực mạnh, vững chắc, chính nó trở thành ý chí dũng mãnh. Người có ý chí dũng mãnh chắc chắn sẽ được thành công tốt đẹp. Nếu đi sâu vào đường tâm linh, người ấy sẽ đạt được mục tiêu giác ngộ, chuyển hóa thân tâm và thăng hoa trí huệ. Nếu đi vào đường xây dựng sự nghiệp thế gian, người ấy sẽ thành công trên các mặt của cải, tài sản, và danh tiếng.
7. Suy nghĩ đôi khi là một tiến trình điều chỉnh có ý thức đối với dòng niệm từ bên ngoài đi vào nhận thức của tâm. Nếu không có suy nghĩ thích hợp với dòng niệm từ bên ngoài đi vào, dòng niệm sẽ gây hỗn loạn trong tâm, làm khởi lên những sắc thái bộc phát tham và sân (the forms of upsurging greed and anger). Tà kiến sẽ khởi lên. Chánh kiến sẽ bị mai một. Kết quả sẽ đưa đến hành động và lời nói bất thiện; nghiệp ác đối với người khác, vật khác sẽ được tạo ra. Như các lãnh tụ quá khích của các đoàn thể tôn giáo hay chính trị.
8. Mạng lưới mà con người sáng tạo trở thành mô thức niệm của họ. Họ suy nghĩ trong đường biên giới của những mạng lưới này. Nhiều người có một "mạng lưới niệm nhỏ" trong nhà bếp, trong buồng ngủ, hay nơi sở làm. Đó là họ khởi niệm để suy nghĩ, để nhớ, để chú tâm, hay để lo lắng về những gì bên trong nhà bếp, bên trong buồng ngủ, và nơi sở làm của họ. Sóng niệm của họ không bao giờ yên lặng. Tâm của họ luôn luôn dính mắc với đối tượng.
9. Nhiều người sáng tạo mạng lưới của họ liên hệ đến người thân thương, quí kính. Như mẹ có mạng lưới lo nghĩ, lưu tâm, và chú ý đến con. Con có mạng lưới thương yêu, lưu tâm, và chú ý săn sóc mẹ. Vợ có mạng lưới lo lắng, chăm sóc, lưu tâm, và chú ý đến chồng. Chồng có mạng lưới thương yêu, lưu tâm, chú ý và chăm sóc vợ. Thầy có mạng lưới lo lắng, chú ý sức khỏe và việc tu tập cho trò. Trò có mạng lưới lo lắng đến công việc và sức khỏe của thầy. Đây là những mạng lưới tình thương. Trong đó không có điều kiện. Nhiều mạng mạnh, chặt, và bền; nhiều mạng lỏng, yếu, và không bền. Mỗi mạng là một cơ chế nhạy cảm (a sensitive mechanism) để truyền thông với những dòng niệm khác nhau trong môi trường sinh hoạt liên hệ với nhau. Mỗi dòng niệm đều có năng lực riêng của chính nó. Chính năng lực này tạo ra những mức độ mạnh, yếu, chặt, lỏng, bền hay không bền. Nguồn của chúng đều chảy ra từ tâm. Người thu nhận cũng thu nhận từ tâm. Chính vì thế, tâm là nguồn của niệm. Nguồn niệm này là nguồn niệm của vọng tâm, vì nó được hình thành trên quan niệm, trên ý nghĩ, trên tư tưởng của tự ngã hay cái "Ta."
10. Niệm chỉ là những vận động của hiện tượng vật lý. Hiện tượng này dễ dàng gây xáo trộn thân hay quân bình thân. Chúng được tạo ra bởi những yếu tố lậu hoặc hay tập khí, và tâm trong sạch. Lậu hoặc hay tập khí tác động tâm thức (mental consciousness) tạo ra sóng niệm dưới dạng beta và alpha. Sóng niệm này càng gia tăng xuất hiện thường xuyên, cơ thể khó tránh bệnh nội tạng, thuật ngữ gọi là bệnh uất cảm (stress) và bệnh tâm thể (psychosomatic diseases). Trong lúc đó tâm trong sạch tác động khu vực tánh giác tạo ra sóng niệm dưới dạng theta và delta. Sóng này càng thường xuyên gia tăng xuất hiện, thân và tâm hài hòa cùng nhau. Theo đó, trí huệ sẽ thăng hoa, tiềm năng giác ngộ sẽ từ lần được triển khai.
11. Trên phương diện vật lý, niệm là những sóng điện (electrical waves) với những tần số khác nhau và điện áp (voltages) phát ra từ ý (Pāli: mano - mind) bằng những tiến trình suy nghĩ và không suy nghĩ. Suy nghĩ càng nhiều, sóng não càng hiện lên sóng beta. Mạng lưới niệm sẽ dày đặc thêm với nhiều nội dung tư duy phức tạp: lo âu, sợ hãi, sân hận, thù ghét... Không suy nghĩ càng lâu, sóng não sẽ hiện lên sóng delta. Trong nó chỉ có niệm biết không lời không đứt quãng. Nhưng thế nào là không suy nghĩ ? Đó là không nói thầm trong não. Đi; chỉ biết đi. Đứng; chỉ biết đứng. Ngồi; chỉ biết ngồi. Nằm; chỉ biết nằm. Ăn; chỉ biết ăn. Uống; chỉ biết uống. Lái xe; chỉ biết lái xe. Lặt rau; chỉ biết lặt rau. Niệm Phật; chỉ biết niệm Phật. Trì chú; chỉ biết trì chú. Mỗi hành động đều biết tất cả mà không có niệm suy nghĩ xen vào.
12. Tâm con người tỏa ra (radiate) sóng niệm (thoughtwaves) liên tục. Tâm tạo ra chúng hay
phản chiếu chúng. Tâm phóng đại (amplify) chúng hay làm yếu (weaken) chúng. Bởi vì tâm bao gồm 3 sắc thái: thứ nhất là tâm phàm phu, thứ nhì là tâm Bậc Thánh, thứ ba là Tâm Tathà. Tâm phàm phu tạo ra sóng beta và alpha, và có khả năng phóng đại dạng beta hay alpha. Tâm Bậc Thánh và tâm Tathà có khả năng tạo ra sóng theta và delta, và có khả năng làm yếu hay mất đi sóng beta và alpha. Bạn có thể biết rõ điều này khi bạn nhìn lên bảng đo điện não đồ với dạng biên độ (amplitude) rộng hay hẹp. Biên độ rộng là dạng của beta hay alpha. Biên độ càng hẹp là dạng từ theta đến delta. Người mang trong đầu nhiều vọng tâm, biên độ sóng não beta hay alpha càng rộng. Người ở trạng thái tâm tĩnh lặng, biên độ beta hay alpha tự mất, nhường chỗ lại cho biên độ theta hay delta.
13. Sóng niệm luôn luôn giữ tâm con người với đối tượng. Đây là nói về con người còn sống, không làm chủ được ý căn, mang nhiều lo âu, sợ hãi, sân hận, phiền muộn, suy nghĩ, nhớ nhung, luyến tiếc, lo xa, phòng xa, và có những mưu đồ, ý đồ hay hoạt động có mục đích trong tương lai gần hay tương lai xa theo lối phàm tục.
Đời sống thường ngày làm cho con người luôn luôn bận rộn vì những va chạm với các mạng niệm khác trong gia đình, trong xã hội, trong cộng đồng, trong tổ chức, và trong dân tộc. Khi con người có khả năng làm chủ ý căn, sóng niệm từ bên ngoài không thể nào tác động được tâm vị đó; cuộc sống của vị đó không bị bận rộn, bối rối, lo âu, sợ hãi, buồn phiền, giận tức, oán hận, ta thán vì chúng. Bởi vì vị đó có khả năng thu nhận niệm hay không thu nhận niệm từ bên ngoài. Nhưng khi con người không có khả năng làm chủ ý căn, sức quyến rũ (glamors) hay sức gây khó chịu của môi trường hay đối tượng sẽ xâm nhập vào dòng niệm của họ. Sức quyến rũ hay gây khó chịu đó sẽ ngăn cản (impede) quyết tâm hay thái độ cao thượng của vị đó, làm cho vị đó cũng có những thái độ phàm tục, ấu trĩ, ngu si hay cá mè một lứa như những sóng niệm từ bên ngoài tác động vào nội tâm vị đó. Những mô thức năng lực bóp méo (distortion of energy patterns) chánh kiến, chánh tư duy, chánh niệm, chánh nghiệp sẽ xảy ra. Cuối cùng, vị đó sẽ khó tránh tạo ra những niệm xung đột với những dòng niệm bên ngoài. Tà kiến, tà niệm, tà tư duy, tà nghiệp tức khắc sẽ được tạo ra. Trước tiên, chắc chắn vị đó sẽ kinh nghiệm niệm bất an. Chỉ vì tánh giác của vị đó đã bị niệm si, niệm sân, niệm tham che khuất.
3.ĐẶC TÍNH CỦA NIỆM
Niệm có nhiều đặc tính:
1. Đặc tính thứ nhất. Nhanh hơn ánh sáng. Nó có thể đến nơi đến của nó dù xa như đến các ngôi sao và mặt trời.
2. Đặc tính thứ hai. Pha trộn (alloy). Bằng sự chú tâm (mindfulness) hay chú ý (attention) niệm này được hướng thẳng đến đối tượng. Đây là tự ngã sử dụng trí năng để nhắm vào đối tượng. Khi nhãn căn hoặc nhĩ căn tiếp xúc đối tượng, phản ứng xúc cảm (emotional reaction), phân biệt ý thức (discriminative consciousness), nhận xét chủ quan (subjective reflection), trí năng biện luận (discursive intellect) liền xảy ra. "Niệm pha trộn" (alloyed thoughts) liền được hình thành. Nhiều loại tạp niệm (sundry thoughts) khác nhau theo đó được thành lập. Cái biết như thật, thấy như thật không có mặt. Trái lại, cái biết bằng suy luận, vẽ vời, thêu dệt thường xuyên có mặt. Nếu niệm pha trộn hay tạp niệm càng được phát huy, mạng lưới niệm nhị nguyên (dualistic network of thoughts) càng dầy đặc thêm. "Dây bò dây leo của tư tưởng" càng bò ra thêm mãi. Với niệm này, trong hiện tại ta cảm thấy vui sướng, thích thú, nhưng trong tương lai, giác ngộ và giải thoát không bao giờ được thành tựu. Tâm ta sẽ mãi mãi đen tối vì những niệm pha trộn giữa thiện/ác, chánh/tà, phải/trái, đúng/sai. Như trong Trung bộ Kinh I, Tiểu Kinh Pháp Hành, số 45, Phật cho thí dụ về một bẹ hạt giống của dây bò, dây leo nứt ra và rơi dưới gốc cây sala, làm cho các vị thần ở trên cây sala phải run sợ. Vì lẽ, dây bò, dây leo này có khả năng làm cho cây sala phải bị chết, sau khi chúng bao phủ khắp toàn thân và nhánh cây sala.
Sau này Thiền tông dựa vào đó để cảnh giác người thích khuếch đại niệm, gọi là cắt đứt sắn bìm, tức là cắt đứt loại dây sắn hay dây bìm.
3. Đặc tính thứ ba. Như lửa bốc cháy (fieriness). Bất cứ khi nào nó khởi lên, nó đều "đốt cháy" tất cả đối tượng trước mặt nó cho đến khi nó tới nơi nó muốn tới. Thí dụ, với niệm SÂN, nó có khả năng đốt tiêu tất cả rừng công đức mà ta đã tạo nên từ nhiều tháng, nhiều năm trước đây trong nghiệp thiện của ta. Nó làm tiêu tan tất cả mối bang giao có thiện cảm giữa người và người, khi niệm Sân tới nơi người nhận nó. Nó đốt hết tình thân thiện, tình sư đệ, tình thương, lòng từ, và tạo ra sự giận hờn, sự oán trách, sự thù địch, sự giết chóc, sự tàn phá, sự tiêu hủy thành phố, tiêu hủy thánh tích (như đạo Hồi tiêu hủy thánh tích Phật giáo), chiến tranh, và tình trạng mất trí (insanity), nếu lửa sân cứ cháy lên mãi. Cuối cùng, nó cũng đưa đến sự quyên sinh hay tự sát.
Với niệm Ác, nó có thể làm tiêu hủy hằng triệu người trong nháy mắt, như trường hợp xảy ra trong Đệ Nhị Thế Chiến và trong những cuộc chiến tranh tôn giáo vào thời cổ. Nó cũng đốt cháy chính hào quang địa vị xã hội hay địa vị tôn giáo mà ta đã tạo ra trước đây, và trở lại đốt tâm của nó luôn. Nó đưa con người đến địa ngục, đến máu và lửa, đến thù hận triền miên, đến tàn ác, dã man.
Với niệm Thiện, nó đốt tất cả những chướng ngại gây ra tình trạng trì trệ nội tâm, nó đốt phiền não, đốt luôn cả những mối đau khổ ray rứt trong tâm. Nó cũng đốt những tình trạng ngăn cách và thù hận, và tình trạng làm mờ tối trí tuệ tâm linh. Bất cứ nơi nào niệm thiện đến, nó mang ánh sáng trí tuệ và tình thương, nó làm gợi lên tính sáng tạo, và nó điều chỉnh lại thân-tâm.
Với niệm Từ Bi, nó đốt tâm sân hận và thù địch. Nó làm sáng chói tâm rộng lượng, bao dung, và quảng đại.
Với niệm Hỷ, nó đốt sự Đố kỵ, sự Ganh tị, sự Gièm pha, sự Ích kỷ. Nó tạo ra sự hài hòa trong môi trường sống giữa người và người.
Với niệm Xả, nó đốt tâm bi quan và lạc quan hồ hởi. Nó cũng đốt luôn tất cả tâm dính mắc và chấp trước.
4. Đặc tính thứ tư. Niệm tích lũy trong tâm và được tỏa ra dưới dạng từ trường. Nếu Thiện và Từ Bi, nó mang lại tình thương, văn hóa cao, thiện chí, và sự thanh cao. Nó mang lại lợi ích thiết thực cho con người. Nó cũng là trung tâm của ánh sáng và linh cảm (inspiration). Nếu Sân và Ác, nó mang lại đau khổ, phiền não, tội ác, sự tàn phá, sự tiêu hủy nền văn minh nhân loại, và sự diệt vong cho con người.
5. Đặc tính thứ năm. Biết không ngừng, biết thường hằng (perpetual awareness), biết mà không động. Sau khi biết thường hằng được thiết lập, mỗi niệm đều biểu lộ sự trong sạch, không dính mắc, không vướng mắc, không hai bên trong đó. Đây là niệm biết của tâm Tathà
4.CÁC SẮC THÁI NIỆM VÀ TÁC DỤNG
Có ba loại niệm khởi. Một khởi từ vọng tâm, tức ý căn và ý thức. Một khởi từ chân tâm, tức tánh giác. Một khởi từ tâm Tathà.
Từ vọng tâm khởi lên suy nghĩ, suy tư, tính toán, tư duy biện luận, chú tâm, chú ý, niệm phân biệt (discriminative thoughts), niệm hai bên (dualistic thoughts), đa niệm, tà niệm (wrong thoughts), vọng niệm (false thoughts), niệm chấp trước (clinging thoughts), niệm điên đảo (perverted thoughts). Khi những niệm này thường xuyên khởi lên, ánh sáng giác ngộ không bao giờ xuất hiện trong ta, phiền não và đau khổ sẽ thường xuyên viếng thăm ta. Trí năng biện luận, suy tư tính toán và ý thức phân biệt luân phiên gia tăng hoạt động. Khi ba năng lực này gia tăng hoạt động, ta khó tránh khỏi bệnh tâm lý hay bệnh tâm thể.
Từ chân tâm khởi lên đơn niệm biết, chánh niệm, niệm thầm nhận biết, vô niệm. Khi những niệm này trở thành năng lực vững chắc, phần trí huệ tâm linh của ta sẽ phát triển. Trí năng và ý thức nhường chỗ lại cho tiềm năng giác ngộ, tức Phật tánh. Thân và tâm sẽ hài hòa cùng nhau. Năng lực sáng tạo sẽ từ lần được triển khai từ trong ta.
Từ tâm Tathà khởi lên chánh niệm tỉnh giác, niệm tỉnh thức biết, niệm Tự nhận thức biết, niệm Chân Như, niệm vô niệm.
5.TIÊU CHUẨN CỦA NIỆM
Đối với người thế gian, giá trị cơ bản của niệm được dựa trên cơ sở học vấn, trình độ kiến thức, những ảnh hưởng của cha mẹ, thầy, cô giáo, và cộng đồng hay xã hội.
Đối với Thiền, giá trị cơ bản của niệm được đặt trên hai tiêu chuẩn: vô minh và giác ngộ. Người dù có kiến thức rộng, xuất thân trong gia đình cao quí, trái lại nhiều vô minh, vẫn có niệm khác hơn người ít học, xuất thân trong gia đình nghèo nàn mà đã giác ngộ hay có mức định kiên cố. Niệm của người nhiều vô minh đưa đến tham, sân, si, mê, ác, và chấp ngã. Niệm của người giác ngộ biểu lộ những sắc thái từ bi, quảng đại, rộng lượng, bình thản, và không chấp thủ (non-attachment) hay không dính mắc.
Người nhiều vô minh có thần sắc đen tối; phong thái lăng xăng, không linh hoạt; tâm không cởi mở, thích vạch lá tìm sâu, thích tìm những sơ hở nhỏ nhặt, không cần thiết của người khác để chỉ trích, phê bình, xoi bói, bôi tro, trét trấu người khác, hạ uy tín người khác; thích sống trong quá khứ và luyến tiếc dĩ vãng; thiếu thực tế, mơ tưởng viển vông; trí tuệ vay mượn, ưa cóp nhặt những cái khôn của người khác làm cái khôn riêng của mình. Người này giống như người sống vào thời phong kiến: thuộc làu tứ thư, ngũ kinh. Đó là ưa tầm chương, trích cú; ưa nhái lại lời của người xưa. Mạng lưới niệm của người này luôn luôn thiếu ánh sáng sáng tạo và giác ngộ. Bề ngoài trông có vẻ thông minh, học rộng, nhớ dai, nhưng bên trong thiếu vắng giác ngộ. Tri kiến của vị đó luôn luôn bị cột trói vào đối tượng.
Người có chút ít giác ngộ, thần sắc trong sáng, nước da hồng hào và bóng láng. Mạng lưới niệm của người này luôn luôn đầy ánh sáng sáng tạo.
II. CHÁNH NIỆM
Niệm, trong Pali là sati, trong Sanskrit là smRiti; tương đương tiếng Anh là "thought." Như phần trên đã trình bày, thuật ngữ niệm trong Phật giáo có nhiều nghĩa: Ký ức (memory), sự nhớ lại (recollection), sự ngẫm nghĩ (reflection), sự chú ý (attention), ý nghĩ (idea) hay tư tưởng (thought), sự lưu tâm (attentiveness), sự chú tâm (mindfulness), sự nhận biết (awareness), v.v...
Khi "niệm" được kết hợp với từ "chánh," lập thành "chánh niệm," nó có nghĩa: sự nhận biết đúng. Đây là chánh niệm trong Bát Chánh Đạo. Trong Pāli là: sammA-sati, Sanskrit là samyak-smRti. Thường được dịch sang Anh ngữ là "right awareness " Còn trong nghĩa thường, từ "Sati" cũng được dịch là "chánh niệm." Trong trường hợp này, nhiều người dịch sang tiếng Anh là "mindfulness." Từ này có nghĩa là sự chú tâm, cộng thêm sự chú ý.
Thông thường đối với chúng ta, có thói quen nghĩ rằng "chánh" phản nghĩa với "tà." Để hiểu rõ nghĩa chánh niệm trong phạm vi bài đọc thêm hôm nay, chúng tôi phân ra làm ba phần. Phần thứ nhứt là trình bày chánh niệm theo nghĩa thường, phần hai là theo nghĩa trong Bát Chánh Đạo, và phần ba là nghĩa trong các dụng ngữ chánh niệm tỉnh giác và chánh niệm để trước mặt.
1- CHÁNH NIỆM THEO NGHĨA THÔNG THƯỜNG
Thông thường từ "sati" được dịch sang tiếng Anh là "Mindfulness." Nó cũng được dịch sang tiếng Việt là "chánh niệm."
Trong tiếng Anh, từ "mindfulness" có nghĩa sự "chú tâm" cộng thêm sự "chú ý" (attention). Khi có chú tâm và chú ý, tất nhiên phải có trí năng (intellect), ý thức (consciousness), tri thức (knowledge), tự ngã, và cộng thêm mục đích muốn (purposetive desires) của hành động trong đó. Bởi vì trước khi chú tâm, ta phải có mục đích gì trong sự chú tâm đó, chứ không thể chú tâm suông hay chú tâm "trống rỗng." Khi đã có mục đích, tất nhiên phải có ý muốn, ý định hay sự nhắm đến của tự ngã về điều gì. Do đó, khi thực hiện sự chú tâm, ta phải vận dụng sự chú ý vào công việc hay đối tượng mà ta đương chú tâm đến. Nếu không chú ý đến đối tượng hay công việc đương làm, tâm sẽ lo ra hay tạp niệm (sundry thoughts) sẽ xen vào làm phá tan sự chú tâm, đưa đến hỏng mục đích nhắm đến điều gì của ta ngay trong lúc đó.
Thí dụ: - Khi lái xe, cùng một lúc tôi phải chú tâm đến hướng lái trước mặt và chú ý đến dòng xe đang chạy hai bên phải và trái, cùng để ý liếc nhìn các dấu hiệu lưu thông trước mặt. Mặt khác, tay lái và hai chân cũng sẵn sàng nhịp nhàng hoạt động theo sự tác động của hệ thống thấy và nghe của mắt và tai.
Trong chiều hướng này, nội dung chánh niệm theo nghĩa thường nó gồm có sự hoạt động của trí năng, ý thức, tự ngã, và mục đích với ý muốn đạt được điều gì. Với trường hợp lái xe, tôi muốn lái tốt và đi đến nơi tôi muốn đến.
Đây là chánh niệm theo nghĩa thông thường. Với nghĩa của chánh niệm này, nó không phù hợp với nghĩa của chánh niệm trong Bát Chánh Đạo, vì nó không thể giúp ta hoàn thành chánh định hay loại bỏ tâm nhị nguyên hay tâm dính mắc với ngoại trần (outside world). Ngoại trần ở đây là những đối tượng trước mặt. Lý do là trong trạng thái chánh niệm này, tâm chưa được thuần nhất, tánh giác chưa có mặt, hay tâm chưa ở trạng thái trống không; trái lại ở trong nhị nguyên. Tức là có đối tượng, có ta; có trí năng, có ý thức, có mục đích; có ý đồ, có thận trọng.
Nói chung là có sự đối đãi hai mặt trong đó. Trong tiến trình này niệm niệm liên tục xuất hiện.
Tác dụng của chánh niệm trong trường hợp này nó giúp ta hạn chế được sự lo ra hay phóng tâm theo đối tượng khác. Với người mới thực tập thiền, cần thực tập chánh niệm như thế này.
Thí dụ, trong bước đầu tu pháp Sổ Tức (Đếm Hơi Thở) trong Pháp Niệm Hít Vào-Thở Ra (AnapAnasati), ta cần phải chú tâm và chú ý để đếm hơi thở hay theo dõi hơi thở vào, ra. Trường hợp này, chánh niệm rất cần thiết trong giai đoạn đầu.
Cho đến khi nào thuần thục Thở Đếm, ta phải bỏ phương pháp chánh niệm thở đếm hay theo dõi hơi thở. Nếu duy trì thở đếm hay theo dõi hơi thở vào, ra, dài, ngắn, sâu, cạn, ta vẫn dậm chân một chỗ ở lối nhớ thở đếm hay nhớ theo dõi hơi thở vào ra, dài, ngắn, hay sâu, cạn. Nếu cứ ngồi để nhớ hơi thở hoài như vậy, tâm không thể thoát ra khỏi dính mắc đối tượng.
Cho nên ta phải tiến lên bước khác để tâm (ý thức) không dính mắc đối tượng.
Hỏi: - Làm thế nào để tâm không dính mắc đối tượng ?
Đáp: - Muốn tâm không dính mắc đối tượng, ta phải áp dụng chiêu thức "chú ý trống rỗng" ("bare attention") hay "quan sát trống rỗng" ("bare observation") về hơi thở vào, ra. Tức là ta không còn tập chú vào hơi thở nữa mà chỉ có sự thầm nhận biết (tacit awareness) hay tỉnh thức biết (awakening awareness) về hơi thở vào và ra, dài hay ngắn, sâu cạn mà thôi. Thí dụ, khi hít vào, biết có hơi thở vào, khi thở ra, biết có hơi thở ra. Tất cả sự chuyển động của cơ gian sườn, cơ hoành hay cơ bụng, ta đều biết rõ ràng mà không có lời nói thầm trong não về những tiến trình biết thứ lớp này của cơ thể. Đây là niệm biết đồng bộ có mặt. Đó là niệm biết của tánh giác bắt đầu đóng được vai trò của nó. Trong thuật ngữ, Phật dùng từ "sampajañña" để nói lên sự biết rõ ràng hay biết đầy đủ. Từ này được dịch là "tỉnh giác."
Hỏi: - Tác dụng của chú ý trống rỗng hay quan sát trống rỗng này đưa đến gì ?
Đáp: - Nếu áp dụng đúng như vậy, từ lần ta sẽ dẹp được quán tính di động của tâm, ta cũng hạn chế được quán tính dính mắc vào các mô thức tri giác riêng rẽ bên trong cơ thể. Từ trên kỹ thuật này, tác dụng của nó sẽ đưa đến điều chỉnh được sự rối loạn giao cảm thần kinh. Vì trong tiến trình này đối giao cảm thần kinh hoạt động.
Mặt khác, với thiền, ta sẽ kinh nghiệm được "niệm vô niệm" hay "niệm chân như."
Hỏi: - Tác dụng chánh niệm theo nghĩa thông thường như thế nào ?
Đáp: -Nếu xem chánh niệm là sự “chú tâm,” (mindfulness) chánh niệm này phải có sự chú ý đi kèm theo mới thực hiện được chú tâm. Như vậy, chánh niệm là dụng cụ hiệu quả nhất để thành công trong bất kỳ lãnh vực nghề nghiệp nào trong sinh hoạt xã hội. Thí dụ như trong việc lao động tay chân như may vá, sơn quét, cày bừa, thợ tiện, hay tất cả ngành nghề khác kể cả trong nghề không lương thiện, như trộm cướp, mua bán hàng lậu, vân vân. Đấy là vì mọi người đều muốn đạt được mục tiêu khi chú tâm làm công việc gì nên tất cả đều phải sử dụng chú tâm trong ý nghĩa chánh niệm. Đây là sự thực. Bởi vì chánh niệm với nghĩa chú tâm và chú ý nó bao gồm những hành động của thân và lời với mục đích muốn thu hoạch kết quả tốt trên lãnh vực nghề nghiệp nào đó, kể cả có đạo đức hay phi đạo đức.
Thí dụ 1
Khi làm bất cứ công việc gì bằng tay chân như tụng kinh, gõ mõ, lần tràng hạt, niệm Phật, may vá, lái xe, cuốc đất, làm vườn, giải phẫu, nhổ răng, làm móng tay, đánh computer, nghe giảng bài, làm đồ nữ trang, vẽ họa tranh ảnh, quan sát hay theo dõi một đối tượng, làm nghề đạo chích (trộm cắp đồ đạc của người khác), vân vân; đây là những việc làm với nhiều loại ý muốn có mục đích khác nhau. Khi thực hiện, ta phải chú tâm và chú ý vào những thành phần liên hệ đến công việc đó. Nếu không dồn chú tâm và chú ý vào những gì liên hệ đến công việc, ta khó đạt mục tiêu nhắm đến lúc ban đầu. Thất bại hoàn toàn hay tai nạn có thể xảy ra, hoặc hỏng việc nếu ta không duy trì được chánh niệm với nghĩa chú tâm và chú ý vào đối tượng.
Như thế, tác dụng của sự chú tâm và chú ý này trước hết giúp ta có khả năng ngăn chận sự xao lãng hay lo ra (distraction), hoặc hạn chế sự phóng tâm hay suy nghĩ linh tinh vào những việc khác. Làm việc gì, ta chỉ biết dồn nỗ lực chú ý đến việc đó mà thôi. Tạp niệm khó có thể xảy ra trong trường hợp này. Trên thực tế, khi làm việc gì mà ta lo ra, tâm không trụ vào đối tượng hay công việc, việc ấy dễ đưa đến thất bại và dễ gây ra tai nạn. Vì ta đã áp dụng sai lầm năng lực chú tâm và chú ý vào đối tượng. Nói chung, ta không dồn hết nỗ lực chánh niệm vào đối tượng. Tâm ta cứ chạy ra khỏi đối tượng bằng cách suy nghĩ miên man về những việc khác, người khác; quên bẵng việc mình đang làm.
Thí dụ 2
Với người lái xe chưa có nhiều kinh nghiệm, khi lái xe phải chú tâm cộng với sự chú ý thận trọng về môi trường bên ngoài như những bảng chỉ dẫn lưu thông hai bên lề đường, các dấu hiệu đèn, những người đi bộ và những xe chạy hai đường bên hông của xe ta đương lái. Như thế, việc lái xe sẽ an toàn hơn, khó có thể gây ra tai nạn lưu thông. Nếu ta không giữ chánh niệm theo cách chú tâm và chú ý vào đối tượng như thế, ta có thể gây ra tai nạn lưu thông.
Như vậy, với nghĩa chánh niệm này, trí năng và ý thức có mặt. Do đó cái “Ta” phải có mặt. Cho nên, bất cứ người nào cũng có khả năng áp dụng chánh niệm với sự chú tâm và chú ý bằng cách này. Người tụng kinh cũng áp dụng được, người làm việc thiện cũng áp dụng được, và đặc biệt là người hành nghề bất chính cũng áp dụng được. Chỉ vì tất cả đều phải chú tâm vào công việc sắp làm hay đang làm. Có chú tâm, có chú ý, ta mới chận đứng tâm lăng xăng, tâm lo ra. Tay nghề của ta sẽ trở nên khéo léo. Kinh nghiệm của ta sẽ dồi dào hơn. Nhưng trái lại ta chưa dẹp được tự ngã, chưa dẹp được quán tính nói thầm trong tâm. Nói chung là chưa đánh thức được tiềm năng hoạt động của tánh giác; trái lại tạo điều kiện thuận lợi hơn để tế bào não vùng tiền trán thường xuyên có mặt.
Thí dụ 3
Chánh niệm với nghĩa "chú tâm và chú ý": - Người ăn trộm muốn dọn đồ đạc trong nhà ai, họ phải chú tâm quan sát những giờ giấc sinh hoạt của gia chủ. Khi họ đã nắm vững chi tiết về thói quen sinh hoạt của gia chủ trong ngày, họ liền đợi gia chủ rời khỏi nhà trong vòng vài giờ, họ liền đưa xe đến dọn nhà ngay mà không sợ xảy ra điều gì nguy hiểm. Đây là họ đã áp dụng chánh niệm với nghĩa chú tâm cộng thêm chú ý. Do đó, chánh niệm này không phải là phương tiện với mục đích riêng biệt hướng đến chánh trí, chân trí, an tịnh tâm, thanh thản, hay chánh định. Trái lại nó là phương tiện giúp tất cả mọi giới trong xã hội hoàn thành công việc với sự chính xác hơn, dù đó là nghề nghiệp không lương thiện.
Như vậy, bằng chánh niệm với sự chú tâm và chú ý, chánh niệm này không phải là phương tiện riêng biệt cho người thực hành thiền để đạt được tâm an tịnh và phá tan đám rối tư duy.
Nếu đưa chánh niệm này vào việc thực hành thiền để hy vọng đạt được tâm thuần nhất thì sai. Tuy nhiên, nếu vì để hạn chế sự lo ra, bằng cách gom tâm vào một điểm, ta có thể áp dụng chánh niệm theo nghĩa có chú tâm và chú ý như trên. Nhưng nếu áp dụng chánh niệm bằng sự chú tâm và chú ý để hy vọng đạt được an tâm hay định thì phương pháp này không bao giờ đưa đến mục tiêu đó được. Vì cách thức chánh niệm này, tâm còn ở trạng thái nhị nguyên. Tâm tự nó luôn luôn có đối tượng. Cho dù cuối cùng chỉ còn lại một niệm là tâm dính mắc với công việc đang làm như niệm Phật, tụng kinh, hay may vá hoặc thiền hành. Chỉ vì toàn bộ những niệm này là niệm biết có lời (verbal knowledge). Nó thuộc phạm vi của ý thức hay trí năng. Nhưng nếu muốn hạn chế tâm lo ra để dễ tập trung tâm ý vào một việc, thì phương pháp này có hiệu quả tốt nhất.
Tóm lại, chánh niệm có chú tâm và chú ý đưa đến hai loại nghiệp thiện và bất thiện. Tâm luôn luôn ở trạng thái tự xung đột, vì nó luôn luôn liên hệ đến thế giới nhị nguyên bên ngoài. Tri thức của nó luôn luôn dính mắc với đối tượng. Thí dụ, người tụng kinh thì phải lo nhiếp tâm để tụng kinh; người may vá thì phải lo gìn giữ đường may giữa máy may và tấm vải; người ăn trộm thì phải lo canh chừng những bất trắc sẽ xảy đến, vân vân...
2- CHÁNH NIỆM THEO NGHĨA TRONG BÁT CHÁNH ĐẠO
Trong Bát Chánh Đạo chánh niệm (P: sammAsati; Skt: samyak-smRti: right awareness) là yếu tố thứ bảy. Nó có nghĩa là niệm chơn chánh. Niệm chơn chánh theo Bát Chánh Đạo là "không có niệm phân biệt," "không có tâm tán loạn, tâm xao động," hay "tâm không duyên theo sáu trần," "tâm không nghĩ thiện, không nghĩ ác." Nói gọn lại là tâm thuần nhất (unified mind) hay “tâm biết” (the awareness of the mind). Tức là tâm không dính mắc với bất cứ đối tượng gì. Trong đó không có ý thức, không có trí năng, không có tư duy mà chỉ có một dòng biết thường hằng, không gián đoạn. Vì thế, theo sau chánh niệm là chánh định. Vì có đạt được tâm thuần nhất, ta mới thành tựu định. Như vậy, chánh niệm là nhân của chánh định. Cũng như, muốn đạt được định, ta phải đạt được tâm thuần nhất. Đó là tâm không kẹt hai bên hay tâm thuần nhất. Nếu còn vướng mắc vào một bên nào, vọng tưởng vẫn còn xuất hiện, tâm vẫn còn duyên theo trần cảnh và ở trong trạng thái nhị nguyên. Như thế vẫn chưa phải là chánh niệm theo nghĩa trong Bát Chánh Đạo.
Trên mặt tích cực, tâm duyên theo sáu trần thuộc "tà niệm," ("wrong thought," "wrong mindfulness") vì tâm còn ở phạm trù đối đãi giữa hai sắc thái đối tượng là phải và trái; tốt và xấu; cao và thấp; chánh và tà; khen và chê.
Thành kiến và định kiến chưa được thoát ra khỏi nội tâm... Đây là sắc thái tâm do ý thức phân biệt còn chứa nhiều tập khí tạo nên. Chính vì thế, theo sau ý thức không thể nào có chánh niệm, dù cho trạng thái ý thức đó được xem là cao siêu cùng tột hay sâu thẳm nhất, bởi vì thực chất niệm xuất phát từ ý thức vẫn là "cái bị sanh."
Lý do là nó do sự sáng tạo của trí năng của tự ngã. Thí dụ khi một người có khiếu viết văn hay, làm thơ giỏi, có óc tưởng tượng phong phú như những văn sĩ, thi sĩ nhà nghề, ngôn từ của họ khi phát ra nghe rất kêu như thùng không hay như trống đồng khi được đánh lên. Cho nên, chánh niệm này không phải là chánh niệm trong Bát Chánh Đạo. Nó là chánh niệm trong nghĩa phàm tục của người thế gian. Chỉ có chánh niệm bằng tâm Tathà mới là chánh niệm phù hợp theo nghĩa chánh niệm trong BCĐ. Vì tâm Tathà là "cái vô sanh." Cho nên, đây là lý do Phật xếp chánh niệm vào hàng thứ bảy, trước chánh định. Vì có đạt được sự không theo sáu trần hay sự không loạn động của tâm, ta mới thành tựu được định.
Nhưng thế nào là tâm không theo sáu trần ? tâm không loạn động ?
Đó là trạng thái tâm ngôn không động. Chính vì điểm chủ yếu này nên chánh niệm được xem là nhân của chánh định, vì muốn đạt được chánh định, trước hết ta phải đạt được “tâm thuần nhất”. Trong con người có ba sắc thái tâm: vọng tâm, chân tâm và tâm Phật hay tâm Tathà. Như vậy, sự thuần nhất tâm này phải là sự có mặt của Chân tâm. Mà chân tâm là gì ? — Là tánh giác ! Như thế, sự thuần nhất tâm này là trạng thái biết thường hằng, lúc đó niệm hai bên của ý thức không khởi động. Như vậy, chánh niệm đồng nghĩa với nhận thức biết không lời của tâm Tathà.
Trong Bát Chánh Đạo, chánh niệm là một loại kinh nghiệm thẳng về đối tượng mà không dựa trên suy nghĩ, tri thức, và những cảm nghĩ của người khác hay của truyền thống, hoặc của qui ước xã hội. Chánh niệm này không bao hàm mục đích, không có ý đồ, không có ý muốn. Nó là cái nhận biết (awareness) tức khắc và rõ ràng về đối tượng mà không có ý niệm tự ngã. Do đó, khi xuất hiện trong Bát Chánh Đạo, từ "sati" có nghĩa sự nhận biết (awareness). Đây là sự nhận biết đối tượng mà vọng tâm không có mặt. Nó không giống như sắc thái của chú tâm.
Có như thế, khi "sati" được kết hợp với "sammā" để lập thành Chánh Niệm thì chánh niệm này mới xứng hợp với chủ trương của Bát Chánh Đạo. Vì tác dụng chủ yếu của Bát Chánh Đạo là cách mạng hóa nội tâm, dẹp tan năng lực tự ngã, dẹp tan tâm chấp trước và dính mắc. Nay nếu thực hành chánh niệm mà nội tâm lúc nào cũng dây dưa với thế giới bên ngoài thì làm sao dẹp tan quán tính động của tự ngã? Làm sao dẹp tan quán tính di động của tâm? Làm sao thăng hoa tâm? Làm sao từ trong chánh niệm phát triển được trí tuệ tâm linh hay cân bằng thân tâm? Bởi vì trí huệ tâm linh dựa trên năng lực biết không lời của tánh Giác và nhận thức biết không lời của tâm Tathà.
Vì thế, chánh niệm của đức Phật không phải là tâm tập chú vào ngoại trần. Nó không dính với ngoại trần. Chánh niệm này là sự nhận biết rõ ràng mọi hành động và toàn bộ sự kiện trước mặt các căn. Bản thể thanh tịnh cố hữu của tâm được hiển lộ đầy đủ trong tiến trình này. Sự nhận biết này là tuệ trí không lời (wordless insight). Trong đó không có sự quyết đoán hay so sánh, không có phủ nhận hay chấp nhận, không có tán thành hay không tán thành những cảm thọ nào đó do các căn xúc chạm. Nó là chức năng vững chắc của tâm Tathà. Từ đó gốc rễ nhị nguyên hay của xung đột nội tâm sẽ từ lần bị loại bỏ hay không thể khởi lên. Bởi vì nếu có xét đoán để so sánh, phủ nhận hay không phủ nhận, tán thành hay không tán thành, ưa hay không ưa, tất nhiên phải có sự diễn đạt hay sự nói thầm về đối tượng. Như vậy là có sự phản ánh của cái "Ta" trong đó. Tâm hành, ngôn hành, thân hành được biểu lộ liên tục. Cái thấy biết (visual awareness) liền bị bóp méo (distorted) ngay tức khắc. Sự thật không còn đúng với bản thể của nó nữa. Xung đột nội tâm không sao tránh được. Tiến trình tâm xúc cảm nhị nguyên gắn liền trong loại chánh niệm này. Tập khí hay lậu hoặc lại tẩm ướp thêm vào tâm thiền gia. Cuối cùng, an lạc sẽ không bao giờ trở thành năng lực vững chắc trong tâm người tu thiền.
3.THỰC HÀNH CHÁNH NIỆM TRONG HỆ KINH NGUYÊN THỦY
Trong Bát Chánh Đạo, chánh niệm có nghĩa "đơn tâm" (the singleness of the mind) hay sự nhận biết của tâm. Đây là trạng thái biết rõ ràng và không lời (clear and wordless awareness). Vì thế, theo sau chánh niệm là chánh định. Vì có đạt được sự đơn tâm, hay nhận thức biết không lời, ta mới thành tựu định. Vì định được đặt trên cơ sở biết không lời hay tâm thuần nhất.
Như vậy, chánh niệm là nhân của chánh định. Cũng như, muốn đạt được định, ta phải đạt được biết không lời hay tâm thuần nhất. Đây là tâm không còn "kẹt hai bên." Nếu tâm còn vướng mắc vào một bên nào, tâm ấy vẫn chưa phải là chánh niệm mà là tâm ở trạng thái nhị nguyên.
Ta có thể lập sơ đồ như sau:
Chánh niệm là pháp được Phật dạy đệ tử áp dụng trong bất cứ trường hợp nào trong 4 oai nghi như lúc đi, đứng, lúc ăn uống, lúc mặc áo, lúc nhìn quanh, lúc tiểu tiện v.v... Nếu thành tựu vững chắc, tâm sẽ luôn luôn ở trạng thái an lạc, vọng tưởng không khởi, lậu hoặc hay tập khí, kiết sử, tùy miên không huân tập thêm, và sáu căn không dính sáu trần.
Đối duyên, xúc cảnh, tâm vẫn không có trạng thái nên là hay phải là xuất hiện. Tâm ta lúc nào cũng biết như thật và rõ ràng về đối tượng mà không dính mắc với đối tượng.
Trên mặt tác dụng, chánh niệm là cốt lõi của 3 môn Giới, Định, Huệ. Nó là nền tảng của Chánh Định. Bằng thấy như thật, chánh niệm có mặt. Tâm ở trạng thái trong sạch. Tâm lăng xăng, dao động không có mặt. Phải là, nên là không có mặt; trái lại có mặt đang là. Những rắc rối của ngoại trần không tác động được tâm và những xung đột nội tâm cũng không có điều kiện khởi lên trong trạng thái thấy biết như thật về đối tượng.
Như vậy, chỉ có chánh niệm mới giải quyết vấn đề xung đột nội tâm, vì trong chánh niệm không có mục đích của chính nó, không có sự tưởng tượng diễn đạt về thế giới hiện tượng. Với người sơ phát tâm, hành động nào cũng chứa mục đích trong đó. Khi hành động có chứa mục đích, trước hết sự xung đột nội tâm sẽ xảy ra và sau đó là có sự xung đột với người khác. Vì không có mục đích nào mà không có tự ngã kết hợp với trí năng hay ý thức phân biệt xen vào. Trong hành động đó không có chánh trí (sammā-ñāṇa: right insight) và chánh kiến. Do đó, phiền não sẽ từ lần xuất hiện trong tâm, vì trong mục đích không có cái thấy như thật (the seeing things as they are) về đối tượng; trái lại, có những ước vọng, những mong cầu, những ý đồ phải đạt được hay sẽ đạt được trong tương lai gần hay tương lai xa.
Kết quả của sự thành tựu chánh niệm đưa đến trí tuệ bát nhã (insight wisdom), vì chánh niệm là sự nhận biết chân tính của một hành động mà không có niệm so sánh, tưởng tượng hay suy luận. Chánh niệm là cái biết không có sự khẳng định, không có sự so sánh, không có sự phủ nhận hay chấp nhận, cũng không có thành kiến (bias), định kiến (fixed opinion), và quan niệm chủ quan (subjective conception) trong đó. Vật thế nào, nó thấy biết y như thế đó. Nếu đói, nó biết đói, chứ không có niệm "Tôi cảm thấy đói." "Cảm thấy" là sản phảm của Ý thức chứ không phải của Chánh niệm.
Trong tiến trình biết (the process of awareness) này không có chủ thể "Tôi," không có ý thức phân biệt, chỉ có sự nhận biết mà không có người biết. Nếu biết mà có ý thức phân biệt, đây là cái biết nhị nguyên, trong đó có “Tâm thuần nhất là tôi”, "Cái này là của tôi". Tức thì niệm niệm không còn giữ được trong sạch, bình thản. Đây là trái với chánh niệm trong hệ Kinh Nguyên Thủy.
4.THỰC HÀNH TRONG THIỀN TÔNG
Trong Thiền, chánh niệm là một phương pháp rất khó thực hành đối với tất cả mọi người tu thiền — mới tu hay tu lâu năm. Chướng ngại tạo ra sự khó khăn này dựa trên 3 yếu tố:
1. Thông thường đa số người tu thiền hiểu chánh niệm là "niệm chân chánh," đối nghịch tà niệm. Do đó, họ nghĩ tất cả niệm thiện là chánh niệm vì chúng không "tà," không ác. Rồi họ cố gắng giữ tâm không nghĩ ác, không nghĩ sai trái, trái lại nghĩ thiện, làm thiện, nói thiện, và mong cầu những việc thiện, quả phúc thiện trong đời này hay đời sau.
2. Hoặc chánh niệm là lúc nào cũng phải nhớ và chú ý đến điều mình đương làm.
Thí dụ
- Khi đi, phải nhớ rằng mình đương đi; từng bước chân đều phải chú ý đến trong những lúc dở lên và đạp xuống.
- Khi thực hành pháp Thiền Hít Vào Thở Ra, phải cố gắng nhớ số đếm. Nếu quên, họ xem như "mất chánh niệm," phải đếm lại. Hay nhớ tập trung sự chú ý đến sự vận động của cơ chế thở, như bụng phồng lên, xẹp xuống.
3. Hoặc nếu được nghe giảng sâu xa mà không nhận được sự giải thích rõ ràng, họ sẽ được tiếp thu ý nghĩa trừu tượng rằng chánh niệm là niệm chân như, là vô niệm, là niệm không hai, niệm hiện tại, ở đây và bây giờ; trong đó không có quá khứ, không có tương lai. Để rồi cuối cùng "nghe thì hay mà không biết những định nghĩa trên là gì, và cũng không biết làm sao thực hành để đạt được chánh niệm trong khi đi, đứng, ngồi, nằm."
Để chỉnh lý những điều hiểu sai về chánh niệm, người sơ phát tâm cần nhận rõ thực chất sự nhận biết (awareness) chính là cái biết không lời (the wordless awareness), còn chú ý trống rỗng (bare attention) là chú ý mà không có sự tập trung tư tưởng, hay gom tâm lại. Nó không phải là sự chú ý bằng ý thức. Nếu nhận sai hai chức năng này của nhận biết và chú ý, chánh niệm sẽ trở thành tà niệm. Đó là thay vì biết không lời, ta lại biết có lời; thay vì chú ý mà không tập trung ý thức, ta lại tập trung ý thức; thay vì chỉ có đơn niệm biết, ta lại khởi niệm hai bên.
Trong cách thực hành chánh niệm của Phật không phải là cách đưa vào những niệm hay tư tưởng cao siêu, thanh cao như những lời hay ý đẹp, những tư tưởng trừu tượng trong đó. Ta cần chú ý là mọi thứ tình cảm xúc cảm (emotional sentiment) hay cảm hứng (inspirations) không được thiết lập thêm trong chánh niệm. Nếu thiết lập, niệm đó không còn mang đúng ý nghĩa chánh niệm nữa, và ta sẽ bị niệm do ta đặt ra dẫn tâm chạy theo nó. Như thế, ta thực sự rơi vào tình trạng "theo vọng tưởng" hay "chơi trò chơi cút-bắt với niệm." Vì trí năng hay ý thức hiện hữu.
Khi thực sự áp dụng đúng chánh niệm, mọi niệm của chúng ta đều không rơi vào hai bên, vì nó không liên kết với thế giới bên ngoài, không có ý thức và suy nghĩ phản ánh hiện tượng thế gian. Do đó, không có ý niệm "Tôi" hiện hữu mà chỉ có cái Biết không lời hiện hữu. Chúng ta kinh nghiệm thẳng vấn đề mà không thông qua suy nghĩ, không thông qua trí năng, không thông qua phân biệt của ý thức, không thông qua truyền thống qui ước thế gian hay không thông qua tư tưởng của người khác. Trái lại chỉ qua sự phân tích tạo thành biểu tượng trong cơ chế tánh giác.
III. CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC
Từ này được dịch ra Việt ngữ từ tiếng Pāli là sati ca sampajañña. Tương đương tiếng Anh là awareness, full awareness, or total awareness. Trong tiếng Việt, nó có nghĩa "sự chú ý tới và biết rõ ràng, hay biết đầy đủ." Đây là sự nhận biết rõ ràng nhưng không lời bình luận, không lời suy luận, suy đoán về điều gì mà ta đang thấy, đang xúc chạm, hay đang thực hiện, hoặc đang tiến hành. Trong sự biết rõ ràng đó hàm chứa sự thận trọng, sự cân nhắc về đối tượng, chứ không phải biết thoáng qua, biết hời hợt hay biết đại khái. Đây là chức năng biết rõ ràng và đầy đủ của tánh giác. Nó không phải là chức năng biết phân biệt của ý thức cũng không phải của trí năng. Người chưa có kinh nghiệm biết không lời của tánh giác, không thể thành tựu được niệm biết rõ ràng hay biết đầy đủ được. Vì"sati"(niệm) được dùng chung với sampajañña (biết đầy đủ hay biết rõ ràng, hoặc biết toàn thể) nên nó được nhiều nhà dịch thuật Tây phương dịch là "Mindfulness". Ở đây chúng tôi dịch là “full awareness”. Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch là "chánh niệm."
Về dụng ngữ sati ca sampajañña được Phật thiết lập đặc biệt được dùng để chỉ thái độ biết rõ ràng và đầy đủ trong 4 oai nghi.
Trong Phẩm ROHITASSA thuộc Tăng Chi Bộ Kinh, tập 1, tr. 635-636, Phật dạy 4 loại định, trong đó Phật đề cập đến "Biết rõ ràng hay biết toàn thể." Từ Pāli là "sati ca sampajañña" được dịch là "chánh niệm tỉnh giác."
Nội dung bài kinh này gồm 5 đoạn. Mỗi đoạn Phật nói đến tác dụng từng loại định. Trong đó loại định thứ ba là loại định đưa đến thành tựu chánh niệm tỉnh giác.
— đoạn thứ tư của bài kinh, Phật nói: "Và này các Tỳ kheo, thế nào là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chánh niệm tỉnh giác ?"
"— đây, này các Tỳ kheo, với vị Tỳ kheo, thọ (1) khởi lên được rõ biết, thọ an trú được rõ biết, thọ chấm dứt được rõ biết; tưởng (2) khởi lên được rõ biết, tưởng an trú, được rõ biết, tưởng chấm dứt được rõ biết; tầm (3) khởi lên được rõ biết, tầm an trú, được rõ biết, tầm chấm dứt được rõ biết."
"Này các Tỳ kheo, đây gọi là định tu tập, do tu tập làm cho sung mãn, đưa đến chánh niệm tỉnh giác."
Ngoài Phẩm Rohitassa, dụng ngữ sati ca sampajañña được thấy ghi lại trong các kinh:
Kinh Niệm Xứ số 10, Kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm (AnapāAnasati Sutta: Mindfulness of Breathing. Nhưng chúng tôi dịch là “Awareness of Breathing”) số 118 thuộc Trung Bộ Nikàya Tập 3, và Kinh Sa Môn Quả số 2, Kinh Đại Niệm Xứ số 22, Kinh Phúng Tụng số 33 thuộc Trường Bộ NikAya, và các kinh trong Tăng Chi Bộ như kinh Đáng Được Cung Kính, kinh Niệm Chết, kinh Bốn Hạng Người... Trong đó chữ "sati" được dịch là "chánh niệm" vì từ này được Phật kết hợp chung với từ sampajañña (full awareness, total awareness or clear awareness), có nghĩa "biết đầy đủ," "biết toàn thể" hay "biết rõ ràng," được dịch theo Hán Việt là "tỉnh giác."
Nhưng biết rõ ràng cái gì ? Đó là biết rõ ràng sáu trần động trong sáu căn hay trong sáu căn có sự khởi động của sáu trần mà tâm vẫn ở trong trạng thái yên lặng, bình thản. Tâm không suy luận, không vẽ vời, không thêm, bớt, không lo âu, không sợ hãi. Nói chung, tâm không xúc cảm trước các đối tượng.
Tại sao phải biết như thế ? Vì có giữ niệm biết như thế, trong 4 oai nghi tâm mới không duyên theo sáu trần hay không dính mắc với sáu trần và hằng ở trong trạng thái xả hay bình thản. Đây là mục đích yêu cầu của bài kinh.
__________________________________________________________________________
1. Thọ = P: vedana = cảm giác ấn tượng (feeling, sensation). Cảm giác này được xảy ra trong lúc tọa thiền do các căn tạo ra các ảo giác như ngứa, nóng, nhức, tê, lắc lư thân mình.
2. Tưởng = P: sañña = perception = tri giác biểu tượng; cảnh tượng bên ngoài do các căn tiếp xúc rồi hiện rõ lên trong tâm; hình thức của nhận thức cao hơn cảm giác, thông qua cơ chế của 6 căn nhận thông tin từ bên ngoài vào rồi lập thành biểu tượng.
3. Tầm = P: vitakka = suy nghĩ, ngẫm nghĩ (pondering, reflection) = nói thầm. Đây là trạng thái tâm hướng đến đối tượng do sự khởi dậy hình ảnh hay biểu tượng từ vùng ký ức vận hành và ký ức dài hạn, tạo ra niệm khởi dưới dạng suy nghĩ bằng sự nói thầm. Trong giai đoạn này, sự nói thầm không còn là một năng lực mãnh liệt như trước khi ta chưa dụng công tu.
Đặc biệt nhất là lúc tọa thiền, khi các mô thức tri giác riêng rẽ từ sáu căn khởi lên, ta không dính mắc với chúng.
Nếu dính mắc với chúng, niệm biết kia liền trở thành "niệm dính mắc đối tượng" không còn mang ý nghĩa "chánh niệm." Khi "niệm dính mắc đối tượng" có mặt, chúng sẽ phá tan tiến trình định của ta. Tức là trong lúc đó ta đã theo vọng tưởng dưới các dạng của mô thức tri giác riêng rẽ và sự đối thoại thầm lặng. Chính vì thế, để đạt chánh niệm, ta phải tỉnh giác (hay tỉnh biết). Nếu mê, tức không tỉnh, ta sẽ bị niệm từ các mô thức tri giác trong sáu căn dẫn đi.
Đây là lý do vì sao Phật dạy các vị Tỳ kheo phải "chánh niệm và tỉnh giác". Vì có "nhận biết rõ ràng, " tâm mới không dính mắc với các sự kiện xảy ra từ bên trong sáu căn, xem như ta đạt được "trú xả" hoặc đạt được "không ưa thích", "không ghét bỏ" về những điều gì do sáu căn thu vào từ sáu trần bên ngoài hay bên trong cơ thể.
Nhưng làm thế nào để "không kẹt hai bên ?" Chỉ có im lặng từ trong tâm thức mới cụ thể hóa được không kẹt hai bên, không ưa thích, không ghét bỏ. Như vậy, ở trường hợp thứ hai, nghĩa chánh niệm cũng đồng nghĩa với vô niệm. Nó được dùng để chỉ cho trạng thái tâm hằng yên tĩnh và đàng sau trạng thái hằng yên tĩnh này xuất hiện một dòng biết không hai. Đó là sampajañña, biết rõ ràng, biết đầy đủ, biết toàn thể về đối tượng hay sự kiện trước mắt mà không có kèm theo lời nói thầm. Hoặc nếu có phát ra lời, lời đó không có sự can thiệp của trí năng hay của ý thức mà là sự kiến giải của tánh giác. Bởi vì nếu có trí năng hay ý thức tham dự, nội dung lời nói của ta sẽ không được thanh tịnh, không được trong sạch, không được thanh cao; nó ở trong trạng thái hai bên, tức nhị nguyên. Ít hay nhiều đều vướng mắc sự chấp trước, ưa thích hay ghét bỏ, chủ quan hay thiên lệch, hoặc bị sự tác động của một trong hai thứ quyền lợi: quyền lợi tinh thần và quyền lợi vật chất. Bởi vì lời nói đó do tự ngã chủ động phát ra. Lời nói này luôn luôn được đặt dưới sự suy luận hay phân tích của ý thức và ý căn. Trong lúc đó, ý thức và ý căn vốn được xây dựng trên cơ sở tập khí hay lậu hoặc.
Tóm lại, chánh niệm và tỉnh giác có nghĩa khi các căn tiếp xúc đối tượng, hay khi các đối tượng tự khởi trong các căn dưới hình thái các mô thức tri giác, mà Thiền tông gọi là pháp trần, ta cố gắng nhớ giữ niệm biết của tánh giác để tự ngã không có mặt trong tiến trình biết này. Do đó, tuy hằng biết rõ ràng đối tượng mà tâm vẫn không dính mắc với đối tượng. Vì sao ? Vì trong đó không có mặt tự ngã mà có mặt tánh giác. Một khi tánh giác xuất hiện, bóng đen của vô minh phải bị tan mất. Nó càng có mặt thường xuyên, phiền não và đau khổ càng lánh xa trong cuộc sống hằng ngày của ta. Đây là pháp tu mà Phật dạy hàng Tỳ kheo sử dụng để tâm được bình thản trước các duyên. Đứng trước các pháp thế gian, tâm không ưa thích, không ghét bỏ, không dính mắc; trái lại được an tịnh. Mọi sự chấp trước không còn khởi dậy trong tâm vị đó nữa. Khi đã nhuần nhuyễn sự yên lặng nội tâm, vị ấy mới đáng được chắp tay cung kính, đáng được cúng dường và đáng được hưởng phước điền (ruộng phước).
--- o0o ----