TÌM HIỂU THUYẾT “NGŨ THỪA TRONG PHẬT GIÁO”
I. DẪN NHẬP
Kinh Pháp Hoa dạy rằng: “Đức Phật ra đời vì một đại nhân duyên. Đó là khai thị cho chúng sanh liễu ngộ Phật tri kiến nơi mình”. Tại sao Đức Phật lại muốn khai ngộ Phật tri kiến nơi chúng sanh? Đó là vì nếu chúng sanh khai mở chứng ngộ được Phật tánh, thì họ sẽ được tự do, thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử.
Trên đường tu giải thoát giác ngộ, căn cơ tâm tính của mỗi người, mỗi khác, không ai giống ai, nên pháp của Phật khi thấp, khi cao, khi xa, khi gần. Dù Đức Phật dạy Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện, hay dạy Tứ Đế, Vô thường, Vô ngã, Thập nhị nhân duyên hoặc dạy về Pháp tánh, Pháp tướng, Thật tướng Vô tướng hay Chân Không v. v... thì mục tiêu của Ngài cũng nhằm chỉ bày cho chúng sanh phương thức tu tập chứng ngộ pháp giới tánh. Giáo pháp của Phật tuy nhiều, nhưng chung quy được phân loại thành năm cấp bậc, thuật ngữ gọi là “Ngũ thừa Phật giáo”. Là Phật tử chúng ta cần tìm hiểu các phương thức tu tập cũng như công dụng của mỗi thừa như thế nào, để tự chọn pháp tu thích hợp với căn cơ của mình. Vì thế, chủ đề bài viết chia sẻ hôm nay là “Tìm Hiểu Thuyết Ngũ thừa trong Phật Giáo”
II. TÌM HIỂU “NGŨ THỪA PHẬT GIÁO”
Thừa: Tiếng Phạn là “yàna” có nghĩa là cỗ xe giúp người ta di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác theo ý muốn. Đức Phật ví đạo pháp của Ngài như các cỗ xe. Những ai đã chọn leo lên cỗ xe đạo pháp của Ngài, nếu là xe nhỏ, người đó sẽ được đưa đến cảnh giới an vui, nếu là xe lớn sẽ đưa người ấy đi xa hơn thoát khỏi luân hồi sanh tử, và cao quý hơn hết là đạt tới quả Vô thượng chánh giác. Đương nhiên muốn đến chỗ cứu cánh cuối cùng không phải dễ, nhưng tin vào lời tuyên bố của Đức Phật : “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành” thì chúng ta không ngại ngùng gì, mà không cùng nhau bước lên chuyến xe thích hợp với căn cơ của mình để tu tập.
Về giáo pháp của Phật, chúng ta thấy pháp tu Ngài dạy, bao gồm cả thế gian và xuất thế gian, tùy theo căn cơ lợi, độn, và trình độ cao thấp, Đức Phật đưa ra năm cấp bậc gọi là năm thừa. Năm thừa hay năm phương pháp tu tập này khác nhau, nên đưa đến kết quả khác nhau. Năm thừa được xếp theo thứ tự: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh-Văn thừa, Duyên-Giác thừa và Bồ-Tát thừa. Trước hết chúng ta tìm hiểu cỗ xe đầu tiên là Nhân thừa.
1. NHÂN THỪA
Người tu Nhân thừa là người đã thọ và giữ gìn “Tam quy, ngũ giới”. Tam quy là nương tựa vào ba ngôi Tam bảo: Phật-Pháp-Tăng. Phật là đấng giác ngộ vô thượng chánh đẳng được tôn xưng là Phật bảo. Pháp là lời dạy của Đức Phật, cụ thể là Tam tạng kinh điển (Kinh-Luật-Luận) gọi là Pháp bảo. Tăng là những vị đã ly gia cắt ái, sống chung thành đoàn thể thanh tịnh, đang tu tập hành trì đúng chánh pháp Như Lai và tiếp sức truyền bá đạo Phật giúp Phật tử hướng đến giác ngộ giải thoát, gọi là Tăng bảo.
Ngũ giới là năm giới cấm do Phật chế ra, được xem như hàng rào ngăn cản không cho hành giả vi phạm những điều tội lỗi. Năm giới cấm đó là: “1.1) Không sát sanh. 1.2) Không tham lam trộm cắp. 1.3) Không tà dâm. 1.4) Không nói dối. 1.5) Không uống rượu.”
Nhân thừa là con đường tu hành cho những người sơ cơ nên có phần dễ thực hiện. Nhờ không vi phạm năm giới cấm nên ngay trong đời sống hiện tại, hành giả xứng đáng được xem là người có tư cách, có đạo đức. Khi thân hoại mạng chung, thần thức không bị rơi vào ba đường dữ: “địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh”, mà được trở lại cõi Người, nên có tên là “Nhân thừa” .
2. THIÊN THỪA
Tu “Thiên thừa” là tu “Thập thiện” tức làm mười điều lành, tránh xa mười điều ác. Những ai, sống ở đời này tạo nhiều nhân lành, đời sau sẽ hưởng nhiều quả tốt, chẳng hạn như được sanh lên cõi Trời hưởng phước, sống an lạc sung sướng. Theo đạo Phật thì có nhiều cảnh Trời. Cảnh Trời thấp nhất thuộc về Dục Giới có 6 cảnh : Tứ Vương thiên, Đao-Lợi thiên, còn gọi là Tam-Thập-Tam thiên, Dạ-Ma thiên, Đâu-Suất thiên, Hóa-Lạc thiên, Tha-Hóa-Tự-Tại thiên. Cao hơn cõi Trời Dục giới có 18 cảnh Trời thuộc về Sắc giới. Chúng sanh ở cõi này có sắc thân, nhưng không có ái dục nam nữ. Phía trên cõi Trời Sắc giới là cõi Trời Vô Sắc giới có 4 cảnh Trời.
Chư thiên dù ngụ ở cảnh Trời nào kể trên đều có tuổi thọ rất cao. Cao nhất trong ba cõi là cảnh Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Chư thiên ở nơi đây, tuổi thọ đến 84 ngàn đại kiếp. Tuy tất cả chư thiên có đời sống trường thọ, nhưng vì chưa hoàn toàn giác ngộ thâm sâu pháp Phật, nên một khi phước Trời đã hết, vẫn phải bị đọa luân hồi trong ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới để trả nghiệp.
Bằng nhục nhãn của người phàm phu, chúng ta chỉ có thể trông thấy được cảnh Người và cảnh Súc sinh, còn những cảnh khác như ngạ quỷ, địa ngục hay 28 cảnh Trời mô tả trong Kinh thì không thấy được. Nhưng không thấy không hẳn là không có! Dù không biết chắc chắn rằng các cảnh Trời đó thực sự ở đâu ngoài trái đất này? Nhưng ngày nay, các nhà Thiên Văn Học đã tìm ra được trong Thái Dương Hệ có trái đất (nơi con người ở) và nhiều hành tinh khác đang xoay quanh mặt trời, còn có nhiều Thái Dương Hệ khác trong vũ trụ bao la nữa. Không biết các hành tinh xa xôi đó có phải là những tầng Trời mà Đức Phật đề cập tới và được ghi lại trong Kinh hay không?
Nhưng dù thế nào thì con người sống ở thế giới Ta-Bà này không ai là không khổ, nên việc vâng lời Phật dạy tu “Thập thiện” để đời sống hiện tại được an lạc và khi qua đời được sanh về cõi Trời Dục giới cũng là điều tốt đẹp. Mười điều Phật dạy trong kinh Thập Thiện được ghi lại như sau:
Kinh ghi, muốn được lên các cõi Trời cao hơn như Sắc giới hay Vô Sắc giới, để được an lạc hơn, và có tuổi thọ cao hơn cần phải tu thêm Thiền Định.
3) THANH VĂN THỪA
Tu “Nhân thừa” hay “Thiên thừa” giúp hành giả trở lại làm người ở thế giới này, hoặc làm tiên ở cõi Trời hưởng phước. Nhưng khi hết phước, tùy theo nghiệp tốt xấu đã tạo từ nhiều đời trước, phải chịu luân hồi trong 6 cõi: Trời, Người, A-tu-la, Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục. Cho nên, hành giả cần tu theo pháp “Thanh Văn thừa” để thoát luân hồi sinh tử.
Quả vị của “Thanh Văn thừa” là “Niết Bàn”. Các vị Thanh Văn, sau nhiều năm tu luyện, lần lượt chứng ngộ bốn bậc, từ thấp lên cao: Tu-đà-hoàn (Dự lưu), Tư-đà-hàm (Nhứt lai), A-na-hàm (Bất lai). Cao nhất là bậc A-la-hán (Bất sanh) nghĩa là không còn sanh tử trong 3 cõi, mà thể nhập vào Vô-dư-y Niết-bàn.
Tu “Thanh Văn thừa”, hành giả phải học giáo lý và hành trì theo pháp “Tứ Diệu Đế”. Tứ Diệu Đế là bốn sự thật rõ ràng hiển nhiên gồm: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.
1) Sự thật về Khổ đế: Con người sanh ra đời không ai là không khổ. Các nỗi khổ về thân là : “sanh, già, bệnh, chết”. Khổ vì tình cảm không được toại ý như xa cách người thương yêu, hay phải sống gần với người mình ghét bỏ, hoặc khổ vì ước muốn không được toại nguyện. Ngoài ra, còn có cái khổ chấp thân ngũ uẩn (ngũ ấm) là thật, nên khi các uẩn không hài hòa, không quân bình, quá thịnh hay quá suy khiến con người ta phải chịu nhiều khốn khổ.
2) Sự thật về Tập đế: Những quả khổ trong hiện tại, do nhiều nguyên nhân sâu xa trong quá khứ, chứ không phải tự dưng mà có. Những nguyên nhân gây khổ đau gọi chung là “Kiết sử”. Kiết là cột chặt. Sử là sai khiến. Những thứ cột chặt sai khiến chúng sanh phải chịu luân hồi sanh tử, gồm 5 độn sử và 5 lợi sử.
Năm độn sử gồm: Tham; Sân; Si; Mạn; Nghi. Rất khó diệt trừ, phải tu Chỉ, tu Quán chứng ngộ trên thân và tâm mới dẹp được những lậu hoặc này.
Năm lợi sử gồm: (1) Thân kiến là chấp thân ngũ uẩn có thật, không hiểu lý Vô ngã; (2) Biên kiến là nghiêng hẳn về một trong hai cực đoan: Thường kiến hoặc Đoạn kiến, không rõ lý Trung đạo, lý Duyên Sanh, tánh Huyễn v. v… ; (3) Tà kiến là chấp những điều không đúng với chân lý; (4) Kiến thủ là tự cho sự kiến giải của mình là đúng, nên bảo thủ, dừng lại một chỗ, không tiến được trên con đường tu. (5) Giới cấm thủ là bám víu vào những điều răn cấm không phù hợp với chân lý, trái ngược với trí tuệ, từ bi, như mê tín dị đoan chẳng hạn.
Năm món sau gọi là “lợi sử” nghĩa là những món phiền não thuộc về nhận thức. Tu học theo Chánh tri kiến, Chánh tư duy thì có thể chuyển đổi nhận thức.
3) Sự thật về Diệt đế: Diệt nghĩa là tiêu diệt. Diệt đế là chân lý nói về trạng thái thanh tịnh tự tại giải thoát, sau khi diệt sạch mười kiết sử nêu trên. Trạng thái này gọi là Niết-bàn (Nirvana).
“Niết (Nir)” nghĩa là rơi rụng, thoát khỏi, không còn nữa; “Bàn (Vana)” nghĩa là nổi lên, khởi lên, lăng xăng, lộn xộn. “Niết Bàn” là thái độ sống xa lìa những lăng xăng, dao động, phiền não, an trú trong trạng thái vắng lặng thường tịnh. Khi tập đế hoàn toàn bị tiêu diệt, thì trí huệ phát sinh, chủng tử “sinh diệt” chấm dứt, Diệt đế tức Niết Bàn có mặt.
4) Sự thật về Đạo đế: Muốn tận diệt nguyên nhân gây khổ, hành giả tu tập Bát Chánh Đạo. Đạo có nghĩa là phương pháp, là con đường tu tập. Bát chánh đạo gồm tám phương thức tu tập là: “4. 1: Chánh Kiến: Thấy biết về thân, tâm, cảnh trần một cách đúng như thật, phù hợp theo luật nhân quả, lý nhân duyên. 4.2. Chánh tư duy: Suy nghĩ và quán chiếu thuận hợp theo chân lý. 4.3. Chánh ngữ: Nói năng phù hợp với chân lý. 4.4: Chánh nghiệp: Ba nghiệp thân, khẩu, ý theo chân lý. 4.5. Chánh mạng: Sinh mạng được bảo trì và phát triển thuận hợp theo chân lý. 4.6. Chánh tinh tấn: Cố gắng, tiến hóa theo chân lý. 4.7. Chánh niệm: Tâm thức sáng tỏ, biết rõ về tâm và cảnh trong từng phút giây đời sống, bây giờ và ở đây. 4.8. Chánh định: Tâm thức yên lặng, không còn dao động theo cảnh duyên bên ngoài (tâm như, cảnh như), dần dà ứng hợp với cảnh giới Niết Bàn.”
Đạo đế gồm 37 phẩm trợ đạo như: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo. Mỗi pháp tu, nếu ứng dụng triệt để cũng có thể tiêu diệt được nguyên nhân gây khổ, không nhất thiết phải tu đủ 37 phẩm.
Tu tập “Thanh Văn thừa”, các vị Thanh Văn thấu hiểu về “lý vô thường”. Tất cả mọi hiện tượng trên thế gian này từ con người, sự vật, cây cỏ, sông núi… và ngay cả vũ trụ đều bị luật vô thường chi phối. Con người có bốn tướng vô thường là: “sanh, già, bệnh, chết”. Bốn tướng vô thường nơi sự vật là :“sanh, trụ, dị, diệt”. Tóm lại các pháp có hình tướng đều vô thường, vô ngã.
4. DUYÊN-GIÁC THỪA
Tu “Duyên-Giác thừa” là hành giả tu tập theo pháp “Thập nhị nhân duyên”. Thập nhị nhân duyên là 12 mắc xích dính liền nhau, là vòng luân hồi sinh tử của con người. Hành giả quán 12 nhân duyên theo hai chiều xuôi (lưu chuyển) và ngược (hoàn diệt), cho đến khi thuần thục thì giác ngộ giải thoát, thành “Bích Chi Phật”.
Theo “Lý Nhân Duyên” thì tất cả hiện tượng thế gian đều không thực chất tánh, do nhiều duyên hợp lại mà thành. Thí dụ: Cái bàn không có tự thể vì không tự nhiên mà có. Do người thợ mộc làm việc cưa cắt bào gọt gỗ thành nhiều hình thể như mặt bàn, chân bàn, còn cần phải có đinh, có ốc xoắn, có búa, có cưa v.v… mới đóng thành cái bàn. Con người cũng vậy, không tự dưng con người hiện diện trên thế gian này, mà phải do tinh cha, huyết mẹ, do ăn uống, hít thở không khí mới thành con người.
Mười hai nhân duyên khởi đầu là: “Vô minh duyên nên Hành; Hành duyên Thức; Thức duyên Danh Sắc; Danh Sắc duyên thành Lục nhập; Lục nhập duyên Xúc; Xúc duyên Thọ; Thọ duyên Ái; Ái duyên Thủ; Thủ duyên Hữu; Hữu duyên Sanh; Sanh duyên Lão Tử.”
a) Quán Nhân Duyên theo chiều lưu chuyển (xuôi):
Trong 12 Nhân duyên không có duyên nào độc lập, mà nó dính liền với nhau như sợi dây xích, mắc này dính liền với mắc kia. Mắc đầu tiên gọi là Vô minh. Tại sao gọi là Vô minh? Người Vô minh là người bị tham sân si che mờ lý trí, không hiểu chân lý Phật dạy.
Do Vô minh khiến hành vi và nhận thức không đúng với chân lý Phật dạy, thường tạo nghiệp qua thân, khẩu, ý gọi là Hành. Hành chính là nghiệp lực thúc đẩy thần thức đi thọ sanh gọi là Tử Thức. Thức dựa vào sự phối hợp của tinh cha, huyết mẹ tạo thành Danh Sắc. Danh là thức, Sắc là tinh huyết cha mẹ hợp thành bào thai. Thai bào được nuôi dưỡng trong bụng mẹ, theo thời gian phát triển đủ 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý gọi là Lục nhập. Khi ra khỏi lòng mẹ, 6 căn tiếp xúc với 6 trần gọi là Xúc. Do sự tiếp xúc nên có cảm Thọ khổ, vui, hoặc không khổ không vui. Bởi cảm Thọ nên sanh yêu thích là Ái (dục ái, hữu ái, phi hữu ái). Từ yêu thích khởi tâm chiếm giữ là Thủ. Do bảo thủ, nên mong muốn có mặt ở đời này, cũng như đời sau gọi là Hữu. Khao khát có mặt ở đời là nguyên nhân Sanh đời sau. Đã có sanh là phải già chết là Lão Tử.
Trong 12 Nhân duyên liên hệ quá khứ là Vô minh, Hành. Hiện tại là Thức, Danh Sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu. Vị lai là Sanh, Lão Tử. Vòng luân hồi cứ thế xoay mãi không có lối thoát. Đây là quán 12 Nhân duyên theo chiều lưu chuyển.
b) Quán Nhân Duyên theo chiều hoán diệt (nghịch):
Hành giả học hỏi pháp Phật, thấu hiểu Lý Nhân Duyên, biết rằng vạn pháp không thực chất tính nên nó “Vô thường, Vô ngã”. Hiểu được như thế thì phá được mắc Vô minh.
“Vô minh diệt nên Hành diệt; Hành diệt nên Thức diệt; Thức diệt nên Danh Sắc diệt; Danh Sắc diệt nên Lục nhập diệt; Lục nhập diệt nên Xúc diệt; Xúc diệt nên Thọ diệt; Thọ diệt nên Ái diệt; Ái diệt nên Thủ diệt; Thủ diệt nên Hữu diệt; Hữu diệt nên Sanh diệt; Sanh diệt nên Lão tử diệt.”
Như vậy, chỉ cần một mắc xích tan vỡ thì tất cả đều tan vỡ. Vòng luân hồi sinh tử cũng bị tan rã.
Trên đây là phương thức quán “thập nhị nhân duyên”, Đức Phật dạy cho các vị Thanh Văn. Ngoài ra, còn có các vị đại căn đại trí, sanh ra đời không gặp Phật, không nghe được pháp Phật, nhưng nhờ có trí tuệ sáng suốt, tự mình quan sát thấy được cảnh vô thường biến đổi của vạn pháp, mà giác ngộ được nguyên nhân sanh tử luân hồi, rồi đắc đạo gọi là “Độc giác Phật”.
Tóm lại, người tu theo “Duyên Giác Thừa” thấu hiểu được “Lý Nhân Duyên”, đạt được “trí Vô thường, Vô ngã” nên chứng quả Duyên-Giác, còn gọi là Bích-Chi Phật hay Độc-Giác Phật chấm dứt luân hồi.
5. BỒ-TÁT THỪA
Các vị Duyên giác chứng ngộ được “Lý Duyên Khởi, Pháp Duyên Sanh” thấu rõ cái gì do duyên kết hợp mà thành thì tự tánh của nó là không, thuật ngữ gọi là “tánh không”.
Như thí dụ ở trên: Cái bàn do nhiều yếu tố hợp lại, khi các duyên chưa hợp thì chưa có cái bàn, mà chỉ có các bộ phận rời rạc như mặt bàn, chân bàn v. v… khi ráp lại tạm đặt tên là cái bàn. Vì cái bàn không thực chất tánh, nên gọi là tánh không, là huyễn hóa không thật.
Con người và cảnh vật cũng như thế, cả thảy đều như huyễn vì không thật chất tánh, không tự nhiên mà có, nên con người và cảnh vật thực tánh là không, là vô ngã.
Tu tập tiến lên một bước nữa là “Bồ-Tát thừa”. Các vị ngồi trên cỗ xe Bồ-Tát tu theo “Lục độ”, còn gọi là “Lục Ba-La-Mật”, là sáu pháp: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ . Sáu pháp này tu đạt cứu cánh, gọi là Lục Ba-La-Mật.
(1) Bố thí: gồm tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí gồm có ngoại tài và nội tài. Dùng tiền bạc, của cải, để giúp người nghèo đói là bố thí ngoại tài. Khi cần đến sức lực hoặc một phần thân thể mình như tặng máu, tặng một phần nội tạng để cứu người, đó là bố thí nội tài… Quan trọng là đem chánh pháp chỉ dạy cho mọi người tu hành để được giác ngộ giải thoát như mình là pháp thí. Dùng phương tiện giúp người qua cơn lo sợ hãi hùng là Vô Úy thí.
“Bố thí Ba-La-Mật” là khi bố thí không thấy mình bố thí, không thấy kẻ thọ thí, không thấy vật đem bố thí. Mình, người và vật đều không, gọi là “tam luân không tịch”. Nếu mình thấy cái gì cũng thật thì không thể nào tu Ba-La-Mật được.
(2) Trì giới: Là gìn giữ giới pháp của Phật răn cấm. Sau đây là ba nhóm giới thanh tịnh Bồ-tát phải thực hành: (1) “Nhiếp luật nghi giới” là tuân thủ tất cả các loại giới luật do Đức Phật chế định, tích thiện ngừa ác. – (2) “Nhiếp thiện pháp giới”, Bồ-tát tu chứng các pháp thiện lành. – (3) “Nhiêu ích hữu tình giới”, khi đã tu luật nghi và tu thiện pháp, Bồ-Tát luôn làm những điều lợi ích cho chúng sanh và phát nguyện cứu độ hết thảy chúng sanh. Các giới pháp này, nếu tu hành đến cứu cánh viên mãn, gọi là Trì giới Ba-La-Mật.
(3) Nhẫn nhục: Là sức cam chịu mọi hoàn cảnh khổ đau, bức bách tủi nhục đến với thân mình. Khi gặp những điều oan ức, thiệt hại đến danh dự, thân thể mà vẫn cam chịu để tròn hạnh nhẫn nhục. Nhẫn nhục khi đạt đến cứu cánh là một sức mạnh phi thường vì đã thực sự chiến thắng bản ngã. Được thế mới gọi là Nhẫn nhục Ba-La-mật.
(4) Tinh tấn: Là cố gắng nỗ lực. Nhờ chứng ngộ thấy thân mình như huyễn, chúng sanh như huyễn, độ hữu tình như huyễn, nên Bồ Tát không cảm thấy mệt mỏi trên con đường tự lợi và lợi tha.
Tự lợi tinh tấn là dốc hết khả năng tu tập cho chóng thành đạo quả. Tinh tấn lợi tha là dốc hết khả năng để cứu giúp người trên nhiều phương diện, nhất là giáo hóa cho họ giác ngộ. Cả hai bình diện tự lợi, lợi tha, Bồ-tát lúc nào cũng nỗ lực hành trì gọi là tinh tấn Ba-La-Mật.
(5) Thiền định: Do thấy mình không thật, nên không chấp ngã, không chấp nhân, không chấp cảnh. Nhờ vậy nên khi hành thiền, tâm dễ yên lặng đi vào định. Khi tâm và cảnh nhất như là thiền Ba-La-Mật.
(6) Trí tuệ: Do dứt sạch mọi nhiễm ô, vọng tưởng, nên mặt trời trí tuệ vô sư chiếu sáng rực rỡ. Trí tuệ này do công phu tu thiền định mà phát xuất, chớ không phải do học tập mà được. Khi trí tuệ này hiển lộ, thì vô minh phiền não hoàn toàn tiêu sạch. Đây là trí tuệ Ba-La-Mật.
Hàng Bồ-Tát là những bậc phát Bồ Đề tâm rộng lớn, cầu thành “Phật quả” để độ chúng sanh, phát nguyện tu hành tự lợi, lợi tha, tự giác, giác tha, trải qua vô lượng kiếp, đến khi nào giác hạnh được viên mãn, mới đắc quả vô thượng Bồ Đề, nên gọi là Đại thừa.
Ngoài ra, còn một pháp môn đặc biệt thù thắng dành riêng cho người đại căn, đại trí, chỉ cần nghe một câu Kinh, một bài kệ, hay một cử chỉ nào đó, họ trực nhận ngay tánh giác Bồ Đề sẵn có của mình, chứ chẳng phải giảng giải dài dòng văn tự như Ngũ thừa. Pháp môn này vắn tắt chỉ ngay vào tâm người “thấy tánh thành Phật” gọi là “Tối thượng thừa”, là “Nhất thừa” hay “Phật thừa”.
III. KẾT LUẬN
Vì căn cơ chúng sanh khác nhau, nên Đức Phật phương tiện thuyết ngũ thừa để giúp chúng sanh dần đạt được giải thoát tối hậu. Ngũ thừa Phật giáo ví như 5 loại xe gồm: Hai loại xe Nhân thừa và Thiên thừa giúp hành giả thoát khỏi ba đường dữ Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Ba loại xe khác là Thanh-Văn thừa, Duyên-Giác thừa và Bồ-Tát thừa giúp hành giả ra khỏi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới.
Trước khi quyết định mình sẽ lên cỗ xe nào trong năm cỗ xe trên, thiết nghĩ chúng ta cần tự vấn xem mình muốn đi về đâu trong tương lai? Cõi Người? Cõi Trời? Niết-Bàn hay thành Phật? Chúng ta biết rằng, quyền chọn lựa cỗ xe nào, đó là quyền của mình. Hành giả có thể lên chuyến xe Nhân thừa hay Thiên thừa hoặc chuyến Thanh-Văn thừa, Duyên-Giác thừa hay Bồ-Tát thừa. Không ai bắt buộc hay chọn lựa thay cho mình. Bởi vì chính hành giả là người tu tập, hành trì suốt thời gian trên chuyến xe mình ngồi, chứ không ai tu tập giùm mình cả. Đặc biệt là khi hành giả biết đang ngồi trên chuyến xe không thích hợp với căn cơ, khả năng, hay biết rằng chuyến xe mình đang ngồi sẽ không đưa mình đến nơi mong muốn, thì hành giả có thể tự thắng và chuyển sang xe khác không một thế lực nào cản trở.
Bài viết “Tìm Hiểu Thuyết Ngũ Thừa Phật Giáo” tạm ngưng nơi đây. Nguyện chúc cho chư hành giả trên các chuyến xe, hành trì tinh tấn, và mau chóng về tới bến đổ thanh tịnh an toàn. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật./.
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
(Chân Tâm thiền thất, 04-10-2023)