TÍNH NGUYÊN TẮC
Ni Sư Thích Nữ Triệt Như thuyết giảng,
nhân Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập đạo tràng Toronto, Canada.
Ngày 23 tháng 8 năm 2015
Như Anh ghi
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Chủ đề Tánh Nguyên Tắc là một chủ đề mới trong vài năm sau này, Thầy Thiền Chủ thuyết giảng cho Tăng Ni cũng như cho thiền sinh khắp nơi. Trong sinh hoạt của đời sống bình thường cũng như trên con đường tu tập của chúng ta rất cần đến Tánh Nguyên Tắc.
Trước khi đi vào phần chính, Cô muốn trình bày lại từ đầu, nhất là từ các lớp căn bản Thầy nhấn mạnh đến vai trò của cái biết và mình cũng đều nhận ra rằng trong mỗi người chúng ta có những sắc thái biết khác nhau. Nói chung có thể phân chia ra ba sắc thái biết. Sắc thái biết thông thường mà chúng ta đã sử dụng từ mấy mươi năm nay là sắc thái biết của tâm người thế gian, tức là nói chung chưa biết tu tập đúng, cái sắc thái biết này thường là chủ quan vì Trí Năng của chúng ta ưa suy luận méo mó theo những khuynh hướng tàng ẩn bên dưới tâm của mình mà Đức Phật gọi là Lậu Hoặc. Ngoài ra còn có những Tùy Miên là những xúc cảm tiềm ẩn sâu sắc. Lậu Hoặc và Tùy Miên là những thứ làm cho tâm mình trở nên không còn trong sáng, không còn khách quan, mình đã huân tập từ bao nhiêu đời tạo nên nghiệp mà từ đó dắt dẫn mình đi tái sinh. Sắc thái biết của tâm đời đưa tới kết quả là cũng có vui, cũng có hạnh phúc nhưng kèm theo đó là khổ đau, là xung đột từ trong nội tâm mình, rồi đưa đến xung đột với những người chung quanh, do đó cái biết này đưa tới cuối cùng là cái biển khổ triền miên của chúng ta. Sắc thái biết thứ hai là sắc thái biết của cái tâm tương đối tỉnh ngộ trong sạch hơn tức là mình bắt đầu tu tập theo những lời dạy của Phật, của Tổ và chúng ta bắt đầu chuyển đổi cái nhìn về cuộc đời, cái nhìn này bây gìờ đúng hơn cái nhìn lúc trước là cái nhìn của tự ngã, bây giờ là cái nhìn thích hợp với cái nhìn của bậc giác ngộ tức là của Phật, do đó sắc thái biết này tương đương với cái biết của tâm bậc thánh. Từ đó tu tập thì bắt đầu dừng được những vọng tưởng lăng xăng, dao động, chủ quan do đó bắt đầu kinh nghiệm được cái biết không lời, cái biết không lời này cũng được xếp là cái biết của tâm bậc thánh. Sắc thái biết thứ ba cao nhất: khách quan, tĩnh lặng và bắt đầu có trí tuệ, đó là cái biết của tâm Phật hay là của tâm như và cái biết này rõ ràng đầy đủ cho nên gọi là nhận thức biết không lời. Từ cái biết đi đến nhận thức phải qua một tiến trình, tức là nó thành lập bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần điều hiểu biết đó, ghi thành những dấu vết, những ấn tượng sâu sắc ở trong tâm đến khi mình hiểu biết rõ ràng đầy đủ về một nội dung cố định, một đối tượng cố định nào đó thì cái biết ban đầu bây giờ trở thành nhận thức biết.
Do đó nền tảng của nhận thức đặt trên cái biết ban đầu. Chúng ta tạm phân chia ra ba sắc thái tâm: tâm phàm phu, tâm bậc thánh và tâm Phật. Khi thành lập được nhận thức, nó cũng mang ba cái sắc thái tâm khác nhau, tức là nhận thức của tâm thế gian, nhận thức của tâm bậc thánh và nhận thức của tâm Phật, vì cái biết đơn giản, nông cạn và có tính cách tổng quát, toàn diện cho nên nói chung cái biết tạo ra nghiệp thì nghiệp này không có sâu sắc. Khi nói đến nhận thức tức là biết rõ ràng đầy đủ qua một tiến trình thực tập, thực hành mới đưa đến cái nhận thức, cho nên nhận thức sẽ cho ta những kết quả sâu sắc hơn. Nhận thức của tâm đời sẽ tạo ra nghiệp, cũng có nghiệp tốt hay là nghiệp xấu nhưng thông thường là nghiệp xấu. Vì bên dưới của nhận thức có lời là cái ngã làm chủ thể, mà khi nói cái tự ngã nó hàm ý là luôn luôn mong cầu, mong muốn hay nói theo thuật ngữ đó là tham, tham ái, và lòng tham của con người về năm mặt: tài, sắc, danh, thực, thùy không có bờ bến, không có giới hạn cho nên ở trong thuật ngữ Phật học gọi là khát ái không bao giờ đủ. Mà cuộc đời thì có bao giờ chìu ý chúng ta, cho nên những điều mong muốn, mong cầu, những hy vọng, những hoài bão, những tâm nguyện của mình ít khi nào được thỏa mãn, do đó lòng mong cầu khát ái là nguồn cội của khổ đau. Nhận thức của tâm đời thường là đưa tới khổ đau dù cho mình làm việc tốt bên dưới tâm vẫn là cái ngã, có thể mình làm việc tốt thì cái ngã của mình nó càng lớn, cho nên nếu ở trong tâm đời thì không thể đưa tới được sự an lạc thực sự.
Khi chúng ta tu tập tỉnh ngộ rồi, đi theo gót chân của Đức Phật, từ cái biết của tâm tỉnh ngộ thực tập để đi tới cái biết không lời của tánh giác và thực tập hoài, miên mật chúng ta sẽ thành lập được nhận thức không lời nhưng mà nó vẫn còn sử dụng giác quan, tức là nhận thức qua thấy, qua nghe, qua xúc chạm, thì đó là tương ứng với trạng thái của Chánh Niệm Tỉnh Giác có nghĩa là mình sống ở trong cuộc đời nhận biết rất rõ ràng sâu sắc nhưng còn sử dụng giác quan khi tiếp xúc với trong đời. Trạng thái này gọi là trạng thái Tỉnh Thức Biết hay là Chánh Niệm Tỉnh Giác vì tâm mình đã trở nên khách quan, không dính mắc với cuộc đời. Trạng thái này trong thiền gọi là Nhân Chứng, nghĩa là chúng ta vẫn sống trong cuộc đời nhưng không bị đời lôi cuốn, lúc nào mình cũng có cái nhận thức biết rõ ràng sâu sắc nhưng không tác ý. Hễ không tác ý có nghĩa là không suy nghĩ, không phán đoán khen-chê, đúng-sai, xấu-tốt, thiện-ác thì cái tâm mình vẫn bình an và cái thấy đó được xếp vào cái thấy của tâm bậc thánh. Trong tiến trình này, cái ngã không thể nào biểu lộ ra được, không còn chủ động nhận thức của chúng ta. Tu tập ở trong thiền đạt được trạng thái này xem như là đã có kết quả tốt, mình sống ở trong cuộc đời mà tâm vẫn bình an và khi ra đi chúng ta có thể tỉnh thức để ra đi, nghiệp lực sẽ không có lôi kéo chúng ta, và nếu như cái tâm của mình vững chắc thì có thể là mình sẽ tái sinh theo tâm nguyện của mình vào những cảnh giới tốt để tiếp tục con đường tâm linh. Trong trạng thái này mình vẫn còn sử dụng giác quan cho nên Phật tánh cũng bắt đầu phát huy, nhưng trong một giới hạn tương đối. Đến mức độ nhận thức cao nhất, là nhận thức ngoài giác quan thì chúng ta xem như đóng cửa các giác quan, có nghĩa là đóng cửa qua ba tánh: thấy, nghe và xúc chạm, thì bấy giờ chỉ còn có một cửa thôi, đó là nhận thức không lời ngoài giác quan thì mới được Thầy xếp là nhận thức của Tâm Phật. Bấy giờ trí tuệ tâm linh của chúng ta mới được triển khai rộng lớn, sâu sắc và đầy đủ, Thầy gọi nó là phản xạ thụ động, là trạng thái của Đức Phật trong tầng Định thứ tư tức là Định Bất Động.
Như vậy chúng ta nhận thấy ba loại nhận thức này là ba thứ tâm: tâm thế gian, tâm bậc thánh và tâm như hay là tâm Phật. Nhận thức của tâm thế gian có thể là sai lầm, còn nếu đúng thì nó cũng ở trong mức độ tương đối của đời, tức là nó thích hợp với luật pháp, thích hợp với đạo đức với tập quán văn hóa của xã hội, đó là cái giá trị của nhận thức của tâm đời. Còn qua tới nhận thức của tâm bậc thánh và tâm Phật thì nó thích hợp với chân lý mà Đức Phật đã giáo hóa chúng ta, cho nên những nhận thức của tâm bậc thánh và tâm Phật có một cái giá trị chắc chắn vững bền, thường hằng.
Bây giờ chúng ta là thiền sinh đã tu tập một thời gian rồi chúng ta nhận biết tâm của mình có nhiều sắc thái như thế. Cô vừa mới tạm phân chia ba sắc thái tâm, chứ thực ra tâm của chúng ta nó như là một giòng sông không thể nào ngăn chia ra từng khúc sông. Khi mình gặp một chuyện gì bất thường mà mình quên tu tập thì mình cũng trở lại tâm thế gian, tức là mình sẽ khổ, mình sẽ giận, mình sẽ tức đó là trở lại tâm thế gian rồi. Rồi khi nào sực nhớ lại con đường tu, bình cái tâm lại thì mới trở lại cái tâm tỉnh ngộ của bậc thánh. Như vậy trong cái giòng sông tâm của mình, có nhiều khi mình kinh nghiệm được trạng thái tĩnh lặng, khách quan của tâm nhưng cũng có khi mình đối duyên xúc cảnh, bị cảnh lôi cuốn trở lại tâm đời, đó là sự phức tạp của những tiến trình tâm của chúng ta, cho nên khi Cô phân biệt ba sắc thái tâm chỉ để giải thích nó rõ ràng hơn một chút sự phức tạp của tâm chúng ta. Thành thử mình phải tỉnh thức để biết lúc nào mình đang ở chỗ nào, khi vừa có một niệm buồn, một niệm tủi thân, một niệm khó chịu, một cái gì đó nó lấn cấn trong tâm thì mình biết mình đang ở trong chỗ xung đột của tâm thế gian, khi nào mình hớn hở, đắc chí, kiêu ngạo là mình đã ở trong tâm của thế gian, tất cả những sắc thái tâm xúc cảm đều là tâm thế gian. Khi nào mình không có những tâm lý xúc cảm đó thì mình ở trong tâm bậc thánh, tức là cái tâm tĩnh lặng an vui bình thường, và khi nào mình ở trong tâm bất động phát triển từ, bi, hỷ, xả thì mình biết mình bắt đầu bước vào dòng thánh, tức là dòng tâm linh.
Để tu tập tiến lên, làm sao để tự mình tỉnh thức, làm sao để tự mình nhớ con đường tâm linh để mà tu tập. Sau những khóa tu học rồi, thì mình là người độc hành, một người chiến sĩ độc hành và mình phải chiến thắng tất cả những cái tâm đời của mình. Những sắc thái tâm gọi là ô nhiễm đó, là những cái ma chướng nội tâm, khi mình hiểu vậy rồi thì mình không có bịnh đổ thừa, không có đổ thừa người khác, không đổ thừa hoàn cảnh, không đổ thừa tại ông Trời, ông Phật gì hết, là vì trong tâm mình còn những thứ ô nhiễm tâm mà biểu lộ là cái ngã của mình, khi mình nhận rõ như vậy rồi mới mong tiến bộ.
Làm sao để mình lúc nào cũng tỉnh thức? Có những cái khuôn mẫu, cái khuôn phép để cho mình tự khép mình trong kỷ luật. Khi mình nhận ra nhận thức nào của mình là đúng, thì mình lấy đó để làm nguyên tắc sống cho mình. Những nguyên tắc sống này phải đặt trên những lời Đức Phật dạy. Phật và Tổ giảng dạy cái khuôn mẫu sống cho mình. Là người thiền sinh, tức là mình đang dấn thân trên con đường tâm linh, cho nên cái khuôn vàng thước ngọc của mình là Đức Phật. Những giáo lý của Đức Phật là những chân lý tuyệt đối, nó đã được kiểm nghiệm từ mấy ngàn năm nay rồi, chưa có ai bắt bẻ được những điều mà Đức Phật giảng dạy, đó là chân lý tuyệt đối thường hằng bất biến ở trong đời và khi mình theo đúng những chân lý này thì nó cũng tự động thích hợp với những chân lý quy ước của cuộc đời tức là luật pháp, đạo đức, văn hóa, văn minh . Đó là chân lý quy ước đặt ra để bảo vệ cho mình có hạnh-phúc, sống an-toàn ở trong cuộc đời. Khi mình đi vào con đường tâm linh thì phải thêm cái mục tiêu là những lời dạy của Đức Phật, tức là những bản thể của hiện tượng thế gian mà mình đã học, ví dụ như những quy luật vô thường, quy luật vô ngã, cao hơn nữa là tương quan nhân quả hay là tánh không, tánh huyễn, tánh chân như, hay là quy luật biến dịch thì tất cả những quy luật đó đã chi phối vũ trụ này và con người từ khi mới hiện hữu trên thế gian.
Đó là những chân lý tuyệt đối, đó là những nguyên tắc tâm linh mà mình phải đi theo. Khi mình nhận ra đó là những nguyên tắc thì mình cương quyết giữ đúng nguyên tắc. Thầy gọi đó là Tánh Nguyên Tắc cho thiền sinh. Trên thực tế, Thầy có lập ra thanh quy và những thanh quy của Thầy là để khai triển cụ thể ra những lời dạy của Đức Phật và nó cũng phù hợp với những đạo đức, luân lý, luật pháp của thế gian. Thanh Quy của Thầy ban hành từ năm 1998. Thầy bắt đầu hướng dẫn thiền năm 1995 là khóa căn bản đầu tiên, đến nay đã là khóa căn bản thứ 120, trải qua 20 năm rồi. Mới đây Thầy có tu chỉnh lại bản Thanh Quy cho thích hợp, và Thầy đã ban hành hồi tháng 2 năm 2015 tại thiền viện. Khi mình đi vào con đường tâm linh và khi mình đi vào pháp môn Thiền Tánh Không thì mình nên suy ngẫm về những điều Thầy nhắc nhở ở trong Thanh Quy và khi mình chấp hành theo đó, là mình giữ đúng tánh nguyên tắc. Nếu mình thấy những nguyên tắc đó là cái kỷ luật khắt khe, đó là mình đứng trong chỗ đứng của tâm đời, còn khi mình ở trong tâm bậc thánh thì mình sẽ nhìn thấy những nguyên tắc Thầy ghi ở trong Thanh Quy là để bảo vệ cho thiền sinh. Bảo vệ cái gì? “Bảo vệ người đó ở trong cái vòng tròn của tánh giác, và nếu thực hành trọn vẹn là mình ở trong cái vòng tròn của tâm như”, còn khi mình đi ra ngoài những nguyên tắc đó, là mình rơi vào dòng đời. Khi mình thấy nó bó buộc mình khe khắt quá, lúc đó tâm mình là tâm buông lung, phóng dật của thế gian. Thầy đi theo con đường của Đức Phật ngày xưa. Mỗi khi trong tăng đoàn có người nào vi phạm thì Đức Phật chế ra giới luật, nó trở thành ra Tạng gọi là Tạng Luật. Nó quan trọng không kém gì Tạng Kinh. Giới Luật của Đức Phật nghiêm khắc lắm, ngài ghi lại từng chút từng chút để gìn giữ cho đệ tử của Ngài ở trong chỗ tâm như, còn khi mà ra ngoài giới luật là rơi vào cái vũng đau khổ của lậu hoặc, đó là ý nghĩa của giới luật của Đức Phật.
Đó là giới tướng thôi, còn giới thể của Đức Phật dạy là ở trong Tâm Như, thì trọn vẹn hết không biết bao nhiêu là giới. Trong Tâm Như là cái kho báu, kinh nghiệm được Tâm Như thì kinh nghiệm được vô ngã, còn ra khỏi Tâm Như thì rơi vào ngã, mà mình biết cái ngã của mình là đầu mối của tất cả khổ đau. Trong một bài kinh Cô đã giảng, có ghi lại câu chuyện giữa vua Ba Tư Nặc và hoàng hậu Mallika (âm ra là Mặc Lợi), nhà vua và bà hoàng hậu đều là đệ tử của Đức Phật, thường trao đổi với nhau về những điều nhận biết về tâm linh. Một hôm nhà vua hỏi hoàng hậu Mallika: “Bà thân ái với ai nhất, cái người mà bà thân ái nhất có phải là tự ngã của bà hay không? hay là còn có ai bà thân ái hơn cái tự ngã của bà”. Thì bà trả lời: “Đúng như vậy, tôi chỉ thân ái nhất với tự ngã của tôi”. Bà hỏi lại vua: “Như vậy, bệ hạ thân ái với ai hơn là tự ngã của bệ hạ?” thì ông vua Ba Tư Nặc cũng đáp: “Đúng rồi, ta chỉ thân ái nhất với tự ngã của ta mà thôi”, sau đó nhà vua đến gặp Đức Phật và kể lại sự trao đổi bàn luận của mình như thế, thì Đức Phật chấp nhận điều đó đúng và Đức Phật mới nói lên mấy câu thi kệ cảm hứng:
“Đi khắp cùng trời cuối đất
Không thấy ai thân hơn tự ngã
Vậy những ai yêu quý tự ngã của mình
Chớ có chạm đến tự ngã của người.”
Đó là một bài kinh Đức Phật nói đến tự ngã. Khi chúng ta còn sống ở trong đời, hoặc là khi chúng ta đã tỉnh ngộ nhưng tự ngã của mình vẫn là chủ thể của mình, là cái mình thương yêu nhất ở trong đời, chỉ khi nào hoàn toàn đạt được cái định bất động tức là không còn tác ý nữa thì lúc bấy giờ cái tự ngã mới vắng bóng, mình mới kinh nghiệm được vô ngã. Khi thực sự kinh nghiệm vô ngã lúc đó mới hoàn chỉnh được bao nhiêu giới tướng.
Tánh nguyên tắc cũng là hình thức của giới luật, nhưng những nguyên tắc này do chính mình đặt ra cho mình từ những cái nhận thức đúng trong cuộc đời, bây giờ mình xếp nó thành nguyên tắc sống cho mình và mình phải có đủ cái hùng lực để giữ đúng những nguyên tắc do chính mình đặt ra, thì như vậy gọi là mình có tánh nguyên tắc. Vì nguyên tắc đặt ra trong khi mình sáng suốt, trong khi mình khách quan và trải qua một tiến trình kinh nghiệm rồi, thấy nó đúng mình mới xếp thành nguyên tắc sống cho mình. Cho nên khi mình giữ đúng nguyên tắc đó thì mình sẽ đi nhanh, đi thẳng tới mục tiêu của con đường tâm linh của mình.
Khi nào thì mình bẻ gãy nguyên tắc? Khi có một trường hợp gì đó bất thường xảy ra, khi tâm mình bối rối, mơ hồ, không còn sáng suốt hay là khi mình bị những tình cảm chủ quan chi phối, khi mình khởi ra những ý gì đó thuộc về tâm đời thì lúc đó mình có thể bẻ gãy nguyên tắc. Khi mình không làm đúng theo nguyên tắc có nghĩa là mình đã rơi ra cái chỗ chủ quan, rơi ra cái chỗ tình cảm, xúc cảm làm cho mình mê mờ không giữ đúng nguyên tắc. Thành thử tánh nguyên tắc rất là cần thiết, nó hướng mình đi đúng mục tiêu, không có ngó quanh, không có thiên lệch, không có chủ quan để từ đó đi thẳng tới mục tiêu thì đây là một phương tiện giúp mình không có ngã rẽ để đi thẳng đến con đường tâm linh. Như vậy trong con đường tâm linh, nó đòi hỏi mình phải có cái quyết định, như chúng ta đã học trong lớp Trung cấp ba Bát nhã rồi. Trong Thập độ ba la mật có một ba la mật là Quyết định ba la mật, đó tương tự ý nghĩa với tánh nguyên tắc. Khi đã quyết định cái gì rồi phải đi theo không thay đổi mà cái điều quyết định của mình nó phải đúng. Mà làm sao biết đúng ? - Nó phải phù hợp với lời dạy của Đức Phật, phù hợp với bản thể, với chân tánh của hiện tượng thế gian, với chân lý trong đạo Phật, thì đó là đúng và khi mình nhận ra nó đúng mình phải làm theo. Cái ngã của mình, cái lười biếng, cái buông lung, cái chủ quan, cái tình cảm, cái nhẹ dạ của mình nó có thể làm cho thay đổi tánh nguyên tắc, thành ra mình phải chiến thắng để theo đúng tánh nguyên tắc thì mới mong đi tới được mục tiêu. Cho nên đây là một đức tính quan trọng giúp cho mình đạt được mục tiêu tánh nguyên tắc này. Nó cũng là cái tinh tấn ở trong con đường tâm linh, và cũng có thể nói khác đi nó là cái dũng của người tu. Mình phải nhẫn nhục, chịu đựng, phải chấp nhận tất cả những cái gì bất thường, những cái gì éo le ngang trái, những cái gì xung đột, nói chung những cái chướng ngại trên con đường tu tập để mình giữ đúng những nguyên tắc của mình thì đó cũng là giúp cho mình tinh tấn trên con đường tu.
Bây giờ Cô cho một ví dụ nhỏ cụ thể: Mình là những người cư sĩ còn sống ở trong đời với bao nhiêu là việc dồn dập tới hoài, không bao giờ không có việc đời cho mình. Từ nhỏ mình phải dồn hết tâm lực thời gian để đi học, để thi đậu, để có việc làm, để trả ơn cha mẹ, để lập gia đình, để nuôi con cái v.v..., rồi khi mình ra đi làm phải biết làm trọn vẹn vai trò ở trong sở làm, về nhà thì phải đóng vai trò của người cha, người mẹ, người chồng, người vợ, rồi của người con, tức là đối với cha mẹ, đối với gia đình của mình, đối với con cái, biết bao nhiêu là những công việc dồn dập tới trong đời sống của một người. Rồi bây giờ mình tỉnh thức, mình muốn đi vào con đường tu tập, mình muốn bước vào con đường tâm linh, thì cũng đòi hỏi biết bao nhiêu là điều kiện phải có những hy sinh, có những kế hoạch.v.v.. Bây giờ trên hai vai gánh nặng việc đời, việc tâm linh làm sao cho tròn mà sức của mình thì có hạn. Sức khỏe thì vô thường, đời sống của mình thì ngắn ngủi. Các vị Tổ nói: sinh-già-bịnh-chết là bốn cái núi lớn lúc nào cũng ép chặt mình, nó đè nặng mình. Như vậy làm sao ra khỏi cái biển khổ, làm sao ra khỏi những sức ép của cuộc đời. Bây giờ mình phải chọn cái nào ưu tiên, cái nào quan trọng. Mình phải biết chọn lựa, đó là cái trí tuệ của mỗi người.
Mỗi ngày sống là một ngày đi tới cái chết, không ai ra khỏi con đường đó, nó là con đường độc đạo ai cũng phải đi, hễ sinh ra là phải có già, là phải có bịnh, là phải có chết, đó là cuối con đường của mình. Mà việc đời cứ dồn dập hoài, trách nhiệm bổn phận đối với cha mẹ, đối với người bạn đời, đối với con, đối với cháu làm sao để tranh đấu, để sống, để trả ơn cha me, để nuôi cái gia đình của mình, rồi chỗ nào để làm những việc đời, việc xã hội. Rất là nhiều việc dồn tới, nếu không biết sắp xếp mình sẽ bị áp lực đó. Vậy mình phải biết sắp xếp cái gì là ưu tiên, nếu mình nhận thấy con đường tâm linh có một giá trị, có một nhu cầu cấp thiết đối với mình thì mình sắp xếp vấn đề tâm linh là ưu tiên, là quan trọng nhất khi mình đi vào con đường tâm linh, đừng mang cái mặc cảm là ích kỷ.
Mình biết tất cả những pháp khác là pháp thế gian, là quy ước, mình có gặp gỡ cha, mẹ, bạn đời, con cháu là những cái dây của tương quan nhân quả, của tương quan nghiệp báo trong bao nhiêu đời mà đó là những pháp thế gian gọi là pháp hữu vi, nhân duyên hội đủ thì gặp nhau, nhân duyên không hội đủ thì cũng chia tay, gặp nhau rồi có ân, có nghĩa, có oán, có hờn thì lại tạo nên nghiệp để rồi mai sau gặp lại nữa, gặp lại để rồi có ân, có oán, rồi gặp lại nữa cứ lặp đi lặp lại hoài cái đời sống mà Đức Phật nói là: “thật là đáng chán”. Tất cả những cái dây ràng buộc ở trong cuộc đời mà Phật và Tổ nói: “bản thể nó là trống không, bản thể nó là huyễn hóa”, do đó mình phải có trí tuệ để chọn hành lý nào mang đi. Mình mang đi định và huệ hay mình mang đi lậu hoặc và nghiệp, mình có tự do hoàn toàn lý trí để chọn lựa hành trang mang đi. Khi mình thương yêu một người thì mình sẽ mang theo ái, khi mình ham thích tiền bạc mình cũng mang theo ái, đó là ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy, đó là nghiệp lực và mình sẽ trôi lăn hoài trong cái biển lậu-hoặc.
Pháp của Đức Phật đã dạy rõ ràng trong kinh điển 2550 năm nay rồi và các vị Tổ đã triển khai mà tại sao tới bây giờ cuộc đời vẫn là biển khổ. Như vậy mình mới thấy rõ lậu hoặc là những cái đam mê của mình trong tài, trong sắc, trong danh, trong thực, trong thùy, là những cái mớ mà Đức Phật gọi là mật ngọt của cuộc đời. Cuộc đời có mật ngọt nhưng những người trí tuệ sẽ thấy mặt sau của mật ngọt là cái gì? Đó là nguy hiểm của mật ngọt. Thấy rõ ràng là nguy hiểm thì mới tránh xa, tránh xa thì không còn tham dục, không còn tham ái là không còn lậu hoặc. Khi không còn tham ái thì như thế nào? thì đó là giác ngộ, không còn lậu hoặc thì cái tâm trong sạch, là Niết-Bàn khi còn sống, đó cũng là một con đường tu.
Phương tiện tu không ngoài hai phương tiện: Trí tuệ và Thiền định. Huệ để hiểu ý nghĩa của cuộc đời, hiểu tất cả những cảnh đời là trống không, là huyễn, là mộng, là những tấn tuồng trên sân khấu đời mà thôi, nó có rồi nó sẽ mất tức khắc khi không đủ duyên. Thế giới của nhân, của duyên chỉ ràng buộc cái tâm đời gọi là tục đế. Người đời bị quay cuồng, bị cuốn hút trong tục đế: trong tài, trong sắc, trong danh, trong thực, trong thùy. Người có Trí-tuệ gọi vô minh là cái thấy biết của tâm đời, là cái thấy sai lầm, méo mó, huyễn hóa như mộng, như chiêm bao mà tưởng là thiệt cho nên vui, cho nên khổ, cho nên khóc, cho nên cười, tất cả gọi là huyễn, là mộng. Quý vị đã học lên Trung cấp ba Bát nhã rồi, như quý vị biết: ta đã nhận thấy đó là huyễn, là mộng, tại sao còn tham đắm? Khi hết tham đắm, trong kinh gọi là "ly tham đoạn diệt không có dư tàn" thì là giác ngộ và giải thoát, đó là con đường của Thiền Huệ. Khi không còn ham muốn, không có tác ý thì mình chỉ thấy như vậy, như vậy về hiện tượng thế gian, thì đó là cái gì? Là Tâm Như, là nhận ra cái trạng thái chân như của hiện tượng thế gian. Bây giờ với tâm bất động thì sống hay chết vẫn là như thế. Có thân hay không có thân mình vẫn an trú ở trong cái chỗ đó, còn gì mà nói là sinh là tử nữa, con người sợ nhất là chết bây giờ không còn sợ chết nữa thì là an lạc thôi, thì cái tâm đó là Niết-Bàn.
Như vậy con thuyền để chuyên chở mình đi trên giòng sông tâm linh là Tánh nguyên tắc. Mình phải cương quyết, với ý chí dũng mãnh giữ gìn những nguyên tắc sống thích hợp với những chân lý mà Đức Phật dạy. Đó là Tánh nguyên tắc trong thiền.
Chân thành tri ân Thầy Thiền Chủ và Ni Sư
Toàn thể thiền sinh Tánh Không Toronto
NHƯ ANH ghi