Ý
Trích đoạn trong Bài đọc thêm về chủ đề "BA SẮC THÁI BIẾT",
phần 'Chú thích'
do Hòa thượng Thích Thông Triệt biên soạn
Người Trung Hoa dịch nghĩa từ manas (tiếng Sanskrit). Đôi khi họ cũng dịch âm là “mạt na”. Mạt na hay Ý có nghĩa năng lực của tư tưởng hay năng lực tư duy; tương đương trong tiếng Anh là “the capacity of thought”, hay “the thinking faculty”.
Nó là chỗ của trí năng, suy luận lý trí và xét đoán/nhưng không có ý thức tham dự. Nó là cơ quan bên trong (inner organ), qua đó những ấn tượng của thế giới bên ngoài đi vào tâm hay qua đó đối tượng của giác quan ảnh hưởng đến tâm. Nó làm cho ta khởi lên những cảm nghĩ, những quyết định và cuối cùng là chuyển ý chí của chúng ta đi đến hành động. Năng lực này được kết nối với những chức năng của trí thông minh (buddhi : intelligence), trí năng (intellect) và ngã-ý thức (ego-consciousness; the “I-consciousness”).
Những loài không phải sinh từ trong bào thai (not born from the womb) đều không có năng lực tư duy, nên được gọi là vô tưởng (không có sự nhận biết) a-sañjñin (“insensible”). Trong khi đó, các loài thú lớn như voi, cọp, sư tử, sơn dương, trâu, bò và những loài có vú khác, trong đó có loài người, vì chúng có năng lực tư duy nên được gọi là loài hữu tưởng (sañjñin).
Những loài khác ở các cảnh giới thấp tuy không từ thai sinh, nhưng có năng lực tư duy vẫn được xem là loài có tưởng.
Duy Thức Tông xem nó là Ý căn (mind-organ). Nó là căn bản của năm loại ý thức của năm giác quan như thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm.
Trong tiếng Pāli, từ mano hay Ý có nghĩa tâm hay tư tưởng tương đương trong tiếng Anh là “mind” hay “thought”. Trong A Tỳ Đạt Ma (Abhidharma), mạt na dùng để chỉ đồng nghĩa với THỨC (viññāna: consciousness) và TÂM (citta: mind, state of consciousness). Đôi khi mano cũng có nghĩa tiềm thức (P: bhavanga-sota: subconsciousness), qua đó niệm hay tư tưởng đi vào. Trong vai trò “tâm”, nó biểu hiện (embodies) năng lực lý trí (the rational faculty) của con người. Nó như chủ thể trong sự quan hệ của chúng ta với thế giới bên ngoài. Trong trường hợp này, nó được xem như giác quan riêng biệt, hoạt dụng (acting on) với thế giới hiện tượng. Cho nên nó được xếp như là giác quan thứ sáu (the 6th sense) – sánh với năm giác quan khác là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân, vì nó cảm nhận được thế giới bên ngoài và tạo ra hình ảnh trong tâm. Thí dụ, mắt thấy chuông, bàn, hoa, đèn. Những vật này được truyền vào mắt, Ý cảm nhận được các vật đó, rồi tạo ra hình ảnh trong tâm thành bốn vật riêng rẽ với những sắc thái mà mắt đã trông thấy. Vì vậy, nó tương ứng với chức năng trí năng của ý thức (the intellectual functioning of consciousness). Trong Duy Thức, mạt na được xem là thức thứ bảy, gọi là mạt na thức. Ý thường trái ngược với miệng và thân, nhưng cũng thường đi chung trong ba nghiệp, gọi là thân, miệng, ý nghiệp.