NGUỒN NHẬN THỨC
Trích đoạn trong Bài đọc thêm về chủ đề "NHẬN THỨC"
(P: parijānanā: cognition; P: parijānāti: to cognize)
do Hòa thượng Thích Thông Triệt biên soạn
Nhận thức có ba nguồn:
1) Nhận thức bằng giác quan - Cái gì được nhận thức bằng giác quan thì không bao giờ là nhận thức bằng suy luận.
Thí dụ, khi lửa được nhận thức bằng giác quan thấy (the sense of vision), đó là lửa có mặt trong tầm nhìn của mắt. Lửa được nhận thức trực tiếp từ nơi mắt, không qua suy luận của trí năng. Trong trường hợp này đối với các nhà duy thực (realist), giác quan đóng vai trò nhận thức trực tiếp, họ gọi giác quan này là giác quan tri giác (sense-perception). Khoa học gọi là vùng Kiến giải Tổng quát.
Đặc tính của giác quan tri giác chỉ nhận thức bằng vật trống rỗng (the bare thing). Trong đó vật chỉ chính nó mà thôi (thing-in-itself). Trong đó không có tất cả những liên quan đến cái khác hay những đặc tính chung của vật. Thí dụ, thấy lửa; biết có lửa. Thấy khói; biết có khói. Nói theo ngôn ngữ Thiền tông, đó là “tự tướng - svalaksana” của vật được nhận thức bằng “tánh thấy”. Ta không thể thêm điều gì nữa về đối tượng. Trên cơ sở này, với nhận thức bằng giác quan tri giác con người có khả năng đạt được tuệ giác, nếu ta biết cách miên mật thực tập.
2) Nhận thức bằng suy luận - Cái gì được nhận thức bằng suy luận thì không bao giờ là nhận thức bằng giác quan. Thí dụ, khi thấy khói, khói là đối tượng trong tầm nhìn của mắt, nhưng qua thấy khói, ta suy luận có lửa. Lửa được nói lên là nhận thức bằng suy luận chứ không bằng giác quan tri giác. Vì mắt không thấy lửa mà chỉ thấy khói. Lửa ngoài tầm nhìn của mắt. Lửa được nhận thức bằng suy luận. Trong suy luận hình ảnh đối tượng được nhận thức gián tiếp, có nghĩa mơ hồ (vaguely) hay trừu tượng (abstractly), bởi vì ta chỉ nhận thức qua dấu hiệu của nó là khói chứ không thấy tận mắt qua dấu hiệu của nó là lửa. Trong trường hợp này, trí năng đóng vai trò suy luận nhận thức. Do đó, vật chính nó được nhận thức bằng giác quan, nhưng khi có mặt trí năng thì những đặc tính riêng hay đặc tính chung của vật được lập thành bằng sự tưởng tượng hay tô vẽ của trí năng. Vật không còn được thể hiện theo tự tướng của nó nữa.
Cho nên, cái gì được nhận thức bằng suy luận là nhận thức của trí năng. Cái gì được nhận thức bằng trí năng thì không bao giờ là nguồn cội của trí tuệ Bát nhã. Trong nhận thức này luôn luôn chứa tư tưởng nhị nguyên (dualistic thoughts); thành kiến, định kiến, thiên kiến, hay quan niệm chủ quan thường trực xuất hiện trong nhận thức suy luận.
3) Nhận thức ngoài cảm giác - Hiểu biết hay biết như thực (yathābhūta ñāṇa) là loại nhận thức “ngoài cảm giác - extra-sensory”. Hiểu biết này được có là do thọ trong sạch hay tâm không dính mắc đối tượng tạo nên. Trong tiến trình cảm thọ này không có thành kiến, định kiến, thiên kiến, hay quan niệm chủ quan xuất hiện. Người có kinh nghiệm “thầm nhận biết hay biết thầm lặng - tacit knowing or tacit awareness” hoặc “biết thanh thản - serene awareness” là người có nhận thức ngoài cảm giác. Nhận thức này là nhận thức không lời (wordless cogniton). Nó không dựa vào trí năng mà dựa vào tánh nhận thức biết. Trong Phật giáo Nguyên Thủy, nó là nền tảng của Vô sanh trí. Trong Phật giáo Phát Triển, nó là nền tảng của Trí tuệ Bát Nhã. Tất cả người thường tuy cũng có năng lực này, nhưng họ không nhận ra nó vì họ chưa được hướng dẫn hay chưa có kinh nghiệm thực sự về nó. Do đó, năng lực này được xem là năng lực “ngoại lệ”. Nó chính là năng lực của “Thọ thanh tịnh”. Chỉ có người thực sự bước vào dòng Thánh mới kinh nghiệm được thọ thanh tịnh. Người còn nhiều dính mắc không bao giờ kinh nghiệm được nhận thức ngoài cảm giác. Khi tâm bị ngũ chướng2 đè nặng, nhận thức ngoài cảm giác không thể có. Từ đó, trí huệ tâm linh không làm sao có điều kiện để phát sinh. Vì vậy, năng lực nhận thức ngoài cảm giác luôn luôn là nền tảng của trí tuệ Bát nhã hay trí tuệ tâm linh.