Từ hơn hai năm nay, mình trụ ở tổ đình, sáng chiều mắt chỉ chạm tới cỏ cây hoa lá. Dường như cuộc đời xa tít ngoài kia.
Nhớ tới Đức Phật giảng dạy cho đệ tử, thường đem hình ảnh người huấn luyện ngựa hay huấn luyện voi phải biết huấn luyện ngựa hay voi cho thật là thuần để cho vua sử dụng. Người tu phải huấn luyện tâm mình tương tự người nài huấn luyện ngựa hay voi vậy. Về sau các vị Tổ Trung Hoa so sánh việc tu tập giống việc chăn trâu, vẽ ra mười bức tranh chăn trâu.
1- Tìm trâu
2- Thấy dấu
3- Thấy trâu
4- Được trâu
5- Chăn trâu
6- Cỡi trâu về nhà
7- Quên trâu còn người
8- Trâu người đều quên
9- Trở về nguồn cội
10- Thỏng tay vào chợ
Đây là tranh chăn trâu của Thiền Tông, chư Tổ đại thừa cũng có 10 bức tranh chăn trâu tương tự. Chúng ta thấy từ bức thứ 1 tới bức thứ 5 là giai đoạn học hỏi, nghe pháp, biết được con đường tu là quan sát và điều chỉnh tâm mình, có cố gắng, có quyết tâm “ly dục, ly bất thiện pháp”.
Từ bức thứ 6 tới bức thứ 8: tâm trở nên thuần, “nhu nhuyến, dễ sử dụng”, không còn đối tượng, không còn chủ đề dụng công, không còn thấy có ta dụng công. Điều này có nghĩa là tới đây tâm trở nên yên lặng, không lời, không khái niệm ta và chủ đề dụng công nữa. Chỗ này tranh vẽ một hình vòng tròn trống không, tượng trưng bản thể hoàn toàn trong sạch, trống rỗng, tĩnh lặng, khách quan, tức là hình ảnh của chân tâm.
Bức tranh thứ 9 và thứ 10 trình bày kết quả của con đường tu là đạt được mục tiêu “trở về nhà”, tương tự hình ảnh “chàng cùng tử” trong kinh Pháp Hoa trở về nhà, gặp lại cha và lảnh trọn gia tài. Tiếp theo là đem áp dụng trí tuệ của mình vào đời sống với hạnh từ bi, phụng sự và giáo hóa người khác.
Chúng ta không lấy làm lạ, sao đức Phật thường so sánh người tu như người huấn luyện voi hay ngựa, có lẽ vì ngài dòng dõi chiến sĩ, giai cấp lãnh đạo, từ thời trẻ đã phải trui rèn cỡi ngựa, cỡi voi tập trận. Còn chư Tổ Thiền tông Trung Hoa lại tượng trưng con đường tu là chăn trâu, có lẽ vì xứ Trung Hoa là xứ nông nghiệp, trồng lúa, nên trâu bò để tiếp sức con người cày bừa.
Hôm nay, mình thử trình bày công sức của một người làm vườn chăm sóc mảnh vườn của mình, cũng giống công việc chăm sóc tâm của mình vậy.
Trước nhất là mình phải biết chỉ chăm sóc ngôi vườn của nhà mình thôi chứ, phải không các bạn? Mình biết rõ cái ranh giới vườn của mình tới đâu, không bao giờ được đổ rác qua vườn nhà của người ta, có khi cũng không được trồng cây lớn có tàng lá de qua sân nhà khác, họ có quyền cắt nhánh cây nào choán qua sân của họ. Khi thấy một ngôi vườn đẹp, mình có thể nhìn ngắm và tỏ lời khen với người chủ vườn, người chủ vườn chắc cũng vui vẻ theo. Có bao giờ mình dám chê bai một ngôi vườn dơ bẩn, hoang dại với người chủ của nó, quen biết hay chưa quen không? Chắc không ai dám làm cái việc “rước họa vào thân” đó.
Vậy mà có khi nào mình quên chăm sóc cái vườn tâm của mình, lại cứ đi nhìn ngó vườn tâm của người khác, rồi xét đoán khen chê, khi thương khi ghét, nói lỗi của người này cho người khác biết?
Mỗi ngày, mình đều nhớ tưới mấy cây ăn trái, tưới mấy chậu hoa, tưới khóm rau, mùa hè nóng gắt thì tưới buổi sáng sớm hay buổi chiều mát, tưới nhiều hơn mùa xuân có mưa. Mùa thu và mùa đông thì lá khô và rụng hết, mình phải cào lá khô, vun lại gốc cây làm phân bón. Lá cây thông, cây bách thì cào lại rồi đổ rác đi. Mùa xuân thỉnh thoảng có mưa, hay sương đêm cũng làm âm ỷ đất, cây hồng, cây đào lại đơm nụ ra hoa. Cỏ non cũng nhú lên như mạ, chen lẫn với rau tần ô. Thấy cỏ dại thì mình nhổ đi, để lại rau tần ô cho mọc tự do.
Vườn tâm của mình cũng phải quan sát nó mỗi ngày, là nói thiệt dễ dãi, lơi lỏng. Thiệt ra, phải chăm sóc tâm mình nhiều hơn nữa, vì mình hay quên lắm. Tại sao vậy? Tại sao mình có thể ngồi chơi trong vườn giờ này qua giờ khác, ngắm cây cảnh hoa lá không chán, còn khi quan sát tâm thì mình chỉ ngắm nó vài phút là phóng đi đâu mất rồi. Có phải tại vì hoa lá trời mây kia nhiều màu sắc tươi đẹp, âm thanh trầm bổng vui nhộn nó lôi cuốn mình. Còn cái tâm sao mà nó lặng yên, không hình ảnh, màu sắc, mờ mờ ảo ảo, lúc có lúc không. Nó có khi mình thấy nó, còn khi mình nhìn cảnh, vui theo cảnh, thì cái tâm biến mất rồi, mình quên bẳng cái tâm đi. À, giống như nhà mình có một cái đèn thôi. Khi quay cái đèn ra ngoài sân, thì nó chiếu sáng bên ngoài sân thôi, bên trong nhà tối tăm mù mịt. Muốn trong nhà sáng lên, thì mình phải quay cái đèn chiếu vào trong nhà, lập tức nhìn thấy rõ bàn ghế, đi đứng vững vàng không lo vấp ngả.
Cái đèn là trí tuệ của mình, là cái Biết rõ, đúng như thực, trong sạch, tĩnh lặng, thường xuyên quay lại, soi sáng từng ngõ ngách trong tâm mình, mình mới nhận ra ý nghĩ khởi lên là thiện hay ác, nên làm hay không nên làm, nên nói ra hay không được nói ra.
Mỗi người chúng ta đều có một cái đèn thôi, đèn thật sáng, giống nhau hết. Vậy thì chắc chắn chúng ta chỉ để dành thắp sáng cái nhà của mình thôi, hay cái mảnh vườn của mình thôi, chứ có bao giờ mình lại chỉa ánh sáng qua nhà hay ngôi vườn của người khác làm chi, hoang phí, phải không các bạn?
Đó là điều chúng ta nên ghi nhớ, trí tuệ của mình, trong đó có công sức có thời gian nữa, là những thứ quí vô cùng, chúng ta nên nhớ sử dụng trí tuệ, công sức, thời gian cho việc quan sát tâm của mình thôi. Đừng lãng phí cuộc đời nhìn ngắm người khác để khen chê, “vạch lá tìm sâu” làm gì, gây phiền toái thêm cho cuộc đời.
Chúng ta tu, chỉ có một việc thôi, là chuyển hoá cái tâm của mình cho nó trở lại bản tánh trong sáng, an lạc của nó. Chỉ vậy thôi.
Đó là chúng ta đã đóng góp thật nhiều cho thế gian rồi, thế gian mất đi một người quậy phá, rắc rối, làm tổn hại người khác.
Các bạn ơi, nếu mỗi người đã biết chăm sóc ngôi vườn nhà mình hoa lá xanh tốt, thì cũng nhớ chăm sóc vườn tâm của mình, hoa trí tuệ, lá từ bi, mùa nào cũng sẵn có để dâng hiến cho đời.
Thiền viện, 27- 3- 2022
TN
Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - Bài 09
NGƯỜI LÀM VƯỜN