CHỈ LÀ 3 CHỮ THÔI
Mới vừa qua, lại có thiền sinh hỏi về Giới và Định nữa. Sao chúng ta còn thắc mắc hoài về chữ nghĩa vậy ha. Giới, Định, Tuệ, ba phương tiện này hỗ trợ nhau, cả ba đều quan trọng ngang nhau, không thể thiếu cái nào.
Kết quả cuối cùng, người tu theo Phật phải nhắm tới là sống bình an, hạnh phúc, thanh thản, không bị ràng buộc với bất cứ điều gì trong đời. Muốn đạt tới đó, ta phải sống với trí tuệ. Đây là một cách nói đơn giản theo người đời. Ta không nói theo kinh sách nữa, kinh sách vẫn nói: mục tiêu tu tập là đạt thoát khổ, giác ngộ và giải thoát.
Sống bình an là cái tâm bình an, sống hạnh phúc là cái tâm hạnh phúc, sống có trí tuệ cũmg là cái tâm có trí tuệ. Vậy chủ thể là cái tâm trong sạch, tĩnh lặng, chiếu sáng. Hướng nhắm tới của chúng ta là làm sao sống được với cái tâm đó. Tu một đời hay tu nhiều đời, hay vô số đời, gian nan vất vả, sinh rồi chết, lại sinh ra rồi chết, cứ như vậy lặp lại hoài, xương trắng cao như núi, nước mắt khóc thương mình lai láng như đại dương mênh mông. Ngẫm nghĩ đi, các bạn. Có bao giờ, giữa đêm khuya, thức giấc, ngắm ánh trăng xa vời vợi kia, mà cảm thương mình, ngậm ngùi cho số phận làm người, con đường đi sao mà xa tít mù khơi.
Tuy nhiên, Phật và Tổ đã xác định cái tâm trong sáng đó mỗi người chúng ta đều có. Vì chúng ta mải mê vui chơi trong cuộc đời, như đứa con trẻ khờ dại, bỏ nhà rong chơi, thấy cảnh tưng bừng màu sắc, nhộn nhịp âm thanh, tưởng là hạnh phúc, dấn thân vào, sáng ra tỉnh giấc, nào đâu là màu sắc, nào đâu là âm thanh, chỉ thấy một thân trơ trọi, tóc bạc, cuối đời. Không còn sức khỏe, không còn thời gian, làm sao đi kịp trở về nhà. Cứ vậy, rồi chết, rồi lại sinh ra đời nữa...Cái nhà của mình, ai cũng có, mà sao đi hoài chưa về tới? Tại sao vô số đời rồi, mà đi hoài vẫn chưa về tới nhà? Tại vì sao, các bạn ơi! Tại sao, trăng ơi!
Từ ngàn xưa, chư Phật cũng như đức Phật Thích ca, đã nhìn thấy sự thật của thế gian, đã thương cảm con người mê lầm, bị thế gian cuốn hút, bị xoay vần, mê loạn tâm trí, sinh ra tranh chấp, xung đột, hủy diệt lẫn nhau, khi thì khát ái khi thì thù hận. Từ đó, Phật mới tạm dùng nhiều phương cách khác nhau, chỉ bày sự thật, dẩn dắt con người lần hồi bước ra khỏi cảnh giới u mê, tâm trí tán loạn, mờ mịt đó.
Thí dụ những phương thức phổ thông, chúng ta đã biết, tùy theo khả năng của mỗi người:
- Năm giới: cho người tại gia. Đa số là người cư sĩ, tức là đã phát tâm theo Phật, học Pháp, qui ngưỡng Tăng để học hỏi. Đây là mình đã biết đặt mình vào khuôn phép của đức Phật, cố gắng thực hành đúng năm giới là mình sẽ chuyển hoá được nghiệp. Tâm sẽ an vui hơn, không còn nghiệp xấu ác, thì cuộc đời sẽ bình an hơn, gia đình hài hòa hạnh phúc.
- Xuất gia: điều kiện cần thiết để bước tới những bước cao hơn.
Xuất gia có nhiều ý nghĩa lắm, từ ý nghĩa thực tế, nông cạn của người mới bắt đầu tu tới ý nghĩa sâu sắc, cao quí, rốt ráo của việc xuất gia. Ban đầu, xuất gia là rời khỏi gia đình riêng của mình, sau khi đã lạy tạ bốn ơn: vua hay người lãnh đạo, đất nước, thầy, tổ tiên cha mẹ, từ đây tâm lượng rộng lớn hơn, đối với tất cả một tâm bình đẳng. Rời khỏi nếp sống thế tục, không còn quan hệ riêng tư nữa với cha mẹ, bà con, vợ chồng, anh em, con cháu như xưa. Không còn đi làm nghề nghiệp gì để kiếm sống, hay nuôi gia đình. Không cần lo nghĩ tới việc nhà riêng, mà sống bằng của bố thí, thức ăn, chỗ ở, y phục, thuốc thang. Như vậy, tuy nói là bước đầu của việc xuất gia mà cũng đã mang lại nhiều kết quả sâu sắc rồi: tâm luyến ái lần hồi tàn rụi, không còn ai thân ái thì không còn bi lụy riêng tư, không còn ham ăn no ngủ kỷ, không còn thích tích lũy tiền bạc, từ bỏ hết danh tiếng địa vị của đời.
Mình thấy những kết quả đầu tiên của việc xuất gia mang tới thiệt là cần thiết, nó mở ra ngay lập tức cánh cửa của giải thoát, hay là hết khổ vì những trói buộc của cuộc đời. Còn ở trong đời là còn bị trói buộc vì tiền bạc, bị trói buộc vì sợi dây luyến ái. Từ bước ban đầu, việc xuất gia đưa tới bước cuối: xuất trần, xuất thế, ra khỏi biển khổ thế gian.
Con đường đi này là con đường Giới luật, gìn giữ nhắc nhở người tu sống theo đạo đức, giữ tâm trong sạch, không bị cuốn hút theo dòng đời. Thì đó là gì? Ta cũng có thể nói đó là tâm đã Định, trong cuộc sống hằng ngày, tám gió thổi không động đó, các bạn! Và trên con đường tu này, ta phải có trí tuệ, phân biệt cái nào đúng, cái nào sai; luôn nhìn quan sát từng cử chỉ, lời nói, ý nghĩ của mình; khi tiếp xúc với bên ngoài phải có cái thấy biết trong sáng khách quan thì tâm mới không dính mắc, phải thấy tất cả mọi người đều bình đẳng qua những chân lý phổ biến (Dharma), đó là gì? Là Tuệ trí.
Vậy trong sự kiện xuất gia thôi, đã bao gồm cả ba mặt: Giới, Định, Tuệ. Hay có thể nói cách khác: Giới cũng là Định, cũng là Tuệ.
Dù cho mình thích Giới, chỉ tu Giới thôi, kết quả vẫn phải là Giới uẩn, mà trong Giới uẩn phải có Định và Tuệ. Cũng tương tự vậy. Nếu mình chỉ tu Định thôi, đạt được Định uẩn thì mặc nhiên cũng hoàn chỉnh Giới và Tuệ. Nếu mình tu Tuệ, thì Tuệ uẩn cũng bao gồm Định và Giới.
Ba cửa để đi vào một ngôi nhà Tâm. Đó là tâm hoàn toàn trong sạch. Trong sạch và chiếu sáng nữa, vì bản thể tâm là tự nó đầy đủ Giới thể và Giới tướng, tự nó tĩnh lặng, bất động, là Định uẩn, tự nó có chức năng sáng tạo, trực giác, kiến giải tất cả, là Tuệ uẩn.
Nếu ta tu học một thời gian dài mà không kinh nghiệm được Giới- Định- Tuệ cùng đồng thời phát huy, dù là từ bước đầu, đơn giản, lần lần vững chắc hơn sâu sắc hơn, thì ta nên suy gẫm lại mình có đi lệch chỗ nào. Tự mình phải có ý hướng phục thiện, nếu được thiện tri thức nhắc nhở, còn không, thì cũng không còn cách nào cứu vãn được, khi mình cho là mình đúng, bản ngã kiên cố thì che mờ trí tuệ khách quan.
Làm sao cho tâm trong sạch? Không được dính mắc với cuộc đời bên ngoài. Làm sao không dính mắc khi 6 căn vẫn luôn mở cửa? Phải dùng nhiều cách:
-Quán: biết tất cả đều vô thường, khổ, vô ngã, thì không ham thích say mê trong đời nữa.
- Giới: không làm, không nói, không suy nghĩ về điều xấu ác, hại tới người khác.
- Định: giữ tâm yên lặng, không xét đoán, không suy nghĩ thêm.
- Tuệ: chỉ nhận biết thế gian một cách khách quan.
Trong cách giải thích bình dân đó, thì Giới, Định, Tuệ cũng không khác nhau.
Từ trước, người ta thường giải thích đơn giản là: từ thực hành Giới sẽ đưa tới tâm Định, rồi từ Định sẽ phát huy Trí Tuệ. Cách nói này cũng đúng, cho người căn cơ trung bình, tu từ từ. Mà thực ra, suy gẫm sâu hơn, mình sẽ thấy ba lãnh vực đó không tách rời nhau được. Trong Giới hoàn hảo phải có Định và Tuệ, trong Định hoàn hảo phải có Giới và Tuệ, trong Tuệ hoàn hảo phải có Giới và Định.
Chắc chúng ta còn nhớ trong kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật nhiều lần nhắc đi nhắc lại cho các vị Tỳ kheo rằng:
"Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu".
Đức Phật cũng kể lại vì sao ngài từ bỏ gia đình, ra đi:
"Đời sống gia đình bị gò bó, con đường đầy những bụi đời. Đời sống xuất gia như sống giữa hư không. Thật rất khó sống tại gia đình mà có thể sống hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh đời sống phạm hạnh thuần tịnh. Ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình".
Nhìn kỷ lại lịch sử, ba môn học, Tam học: Giới- Định- Tuệ, Phật chỉ giảng dạy cho hàng tỳ kheo, không có giảng cho người tại gia. Đối với hàng cư sĩ, tại gia, Phật chỉ giảng giữ năm giới, được lợi ích sinh lên cõi Trời. Tại sao như vậy? Không lẽ Phật không từ bi? Chúng ta nên nhớ là Phật có tha tâm thông, rõ biết căn cơ người khác, biết trước ai sẽ đạt quả vị nào. Vậy tại sao Phật không hướng dẫn người tại gia lên tới cảnh giới niết bàn? Các bạn có câu trả lời rồi, phải không?
Chư Phật trí tuệ phi thường, không bao giờ làm việc vô ích.
Sợi dây “ÁI” không cắt đứt, thì làm sao đây? Nó còn có nhiều tên nữa, nó cũng là “tham”, cũng là “dục”, cũng là “vô minh”, là căn bản của luân hồi sinh tử triền miên.
Nếu ta vẫn sống trong đời, nhưng sống độc thân, không có người thân ái, thì được. Không liên hệ nhiều bà con, anh em, con cháu, bạn bè. Thân và tâm trong sạch. Cắt đứt nhân duyên thế gian và tri kiến thế gian, như lời dạy của Tổ Đạt ma:
“Ngoài dứt các duyên,
Trong không nghĩ tưởng,
Tâm như tường vách,
Mới vào được đạo.”
Như thế cũng khớp với hình ảnh lý tưởng của ngài Duy Ma Cật trong kinh. Ngài Duy Ma Cật sống tại gia, là một ông trưởng giả, nhưng hạnh sống hoàn toàn trong sạch, với trí tuệ, và thần thông của một bậc đại bồ tát.
Vậy thật ra, xuất gia có nghĩa rõ ràng là một phương thức cắt ái dục, trau dồi đức hạnh, dẹp bản ngã, bằng cái hàng rào của giới luật. Đó là đi bằng giới tướng để hoàn thành giới thể. Tuy nhiên, mình cũng có thể nói, khi quyết tâm xuất gia là tâm đó đã tỉnh ngộ, dứt khoát với những thú vui trong đời, chọn con đường giải thoát. Cho nên trong tâm của người phát tâm xuất gia đã có mầm móng của Giới, Định và Tuệ rồi.
Kết lại, ba môn Giới, Định, Tuệ thực ra chỉ là ba sắc thái của Tâm thuần nhất. Ta không thể tách rời chúng ra được. Ta không thể nói: tôi chỉ tu Định không cần biết tới Giới và Tuệ, có khi đó là tà định, như trường hợp của Devadatta.
Vậy thực ra, Giới, Định, Tuệ chỉ là ba chữ thôi, là phương tiện, Đức Phật bày ra để hướng dẫn nhiều căn cơ chúng sanh, cũng như Bát chánh đạo, Thất giác chi, quy y, xuất gia ...Tất cả là ngôn ngữ, là lời, do Đức Phật tạm bày ra. Chúng ta không nên cố chấp vào văn tự, mà phải hiểu cái gì ẩn sâu bên trong văn tự. Kinh sách ghi chép Pháp (dharma), Thiền tông cho đó là tử ngữ, những hàng chữ chết. Chúng ta phải nhận ra cho được Đạo, cái chân lý cuối cùng, tức là Pháp thân (Dharmakāya), cái không thể diễn tả bằng lời, cái không có hình sắc, âm thanh, cái không có trên thế gian. Đó là cái gì? Nó không có tên nha các bạn, nếu nhanh miệng trả lời là ngài Hoàng Bá cho ngay ba gậy đó!
Thiền viện, 12- 11- 2021
TN
Triệt Như - Suối Nguồn Hạnh Phúc - Bài 36
CHỈ LÀ 3 CHỮ THÔI
(CLICK vào icon tam giác để nghe - CLICK vào icon 3 dấu chấm để download)