Bây giờ chúng ta cần hiểu rõ 2 từ tầm là gì, tứ là gì? Chúng do chức năng nào đảm nhận? Vì sao chúng lại được Phật tuyên bố là chướng ngại hàng đầu của người tu thiền? Vậy chúng ta thử tìm kiếm một định nghĩa về Tầm và Tứ. Có tìm ra đúng định nghĩa chúng ta mới hy vọng vào tận hang ổ của chúng, mới tiêu diệt được chúng.
Trên mặt lý thuyết, tầm là từ ngữ trong tiếng Pàli gọi là vitakka. Nguyên gốc từ Vitakka có nghĩa: sự suy tư, ngẫm nghĩ, lý luận, lý lẽ, suy nghĩ; Đứng trên mặt thực hành Thiền, ta thấy bên trong cốt lõi suy tư, ngẫm nghĩ, lý luận, lý lẽ, suy nghĩ thực sự là tâm ngôn hay sự nói thầm trong não. Bởi vì toàn bộ suy tư, ngẫm nghĩ...suy nghĩ chính là trạng thái ta tự nói thầm trong não. Ở đây chúng ta định nghĩa một cách bình dân: Tầm là sự nói thầm trong não. Địa điểm xuất phát của Tầm là vùng tiền hồi đai, ý căn, và Wernicke.
Còn từ tứ trong tiếng Pàli gọi là vicàra. Trước kia Tàu dịch là Quán, hiện nay dịch là Tứ. Nguyên gốc từ Vicàra có nghĩa là sự dò xét, quan sát, tư duy biện luận, cân nhắc; Đứng trên mặt thực hành Thiền, ta thấy bên trong cốt lõi sự dò xét, quán sát hay tư duy biện luận chính là sự đối thoại thầm lặng của tự ngã. Đây là sự đối thoại dây dưa trong não. Ở đây chúng ta định nghĩa một cách bình dân: Tứ là sự đối thoại thầm lặng. Địa điểm xuất phát của Tứ là các vùng ký ức ngắn hạn (còn gọi là ký ức vận hành), ký ức dài hạn ( thuộc vùng Hải mã), và ký ức xúc cảm.
Cả hai tầm và tứ đều thuộc về cái biết của ý thức và ý căn. Có nghĩa là trước khi thực hành, ta cần sử dụng tầm và tứ để suy nghĩ về pháp học và pháp hành. Sau đó, ta cần quán sát các đối tượng để nhận ra thực chất pháp học. Trong trường hợp này, tác dụng của tầm và tứ giúp ta chuyển đổi nhận thức: Ta có cái nhìn mới về cuộc đời, về người, về cảnh, về của cải thế gian, và đặc biệt nhất là về ta. Ta không còn mê lầm, mê chấp tất cả hiện tượng thế gian nữa. Tâm ta sẽ rộn lên niềm vui và thích thú (hỷ lạc) vì ta có nhận thức mới về cuộc đời, về người, về cảnh, về của cải thế gian, và về ta. Ta bắt đầu mở trói những ngoại duyên.
Thí dụ, Phật dạy vạn pháp là vô thường. Muốn hiểu rõ thực chất ý nghĩa vô thường, ta phải suy tư ngẫm nghĩ (tức là tầm) để tìm hiểu ý nghĩa thuật ngữ vô thường là gì. Sau đó,
ta cần quán sát hay dò xét (tức là tứ) một vật để xác minh tính chất vô thường của vật đó. Từ đó ta có thể suy ra các hiện tượng khác cũng đều vô thường.
Như vậy, tầm và tứ là phương tiện cần thiết lúc ban đầu. Chúng giúp ta thấy, biết và hiểu thực chất hiện tượng thế gian để ta chuyển đổi nhận thức cũ, có nhận thức mới. Ta không còn lơ là đến việc tập luyện thiền nữa. Bởi vì thân ta cũng vô thường. Một ngày nào đó cơn bệnh ngặt nghèo đến, như viêm gan, ung thư, ta không còn đủ sức khỏe và thời gian để tu. Cái chết gần kề. Cho nên, trong lúc còn khỏe mạnh, ta phải cố gắng tranh thủ thì giờ để tham dự khóa Thiền và bố trí thì giờ riêng tư để thực hành tại nhà. Nếu không sáng suốt, vô thường đến, ta không còn đủ điều kiện và thì giờ để dụng công. Tuy nhiên, muốn tiến đến khai mở trí tuệ tâm linh, đầu tiên chúng ta phải áp dụng phương pháp tu chỉ, ta phải dùng Tầm để tắt Tứ. Đây là lúc ta không còn ngồi để nói thầm hay đối thoại thầm lặng với ta nữa. Bởi vì nếu ta cứ suy nghĩ, cứ quán xét sự lý, sóng não không bao giờ yên lặng. Vậy bây giờ chúng ta phải tỉnh ngộ để áp dụng cách dùng Tầm để tắt Tứ. Đó là chúng ta dùng niệm nói thầm Không Nói. Đây là cách thực hành thiết thực nhất. Ta không bị kẹt trong sự giải thích dần lân của các luận sư cổ thời. Trái lại tiến thẳng vào cốt lõi thuật ngữ để thực hành. Bao lâu trong đầu chúng ta quen dần hai từ Không Nói thì xem như chúng ta đã thành công trong việc dùng Tầm để tắt Tứ. Tại sao kỳ vậy? Vì trong não chúng ta cứ quen nói thầm triền miên, bây giờ chúng ta tự mình xếp lại cho trong não bộ của chúng ta thành một trật tự mới để khi chúng ta tiếp xúc với đối tượng nào thì chúng ta vẫn cứ duy trì niệm biết mà không phê phán gì về đối tượng cũng như không suy nghĩ gì về đối tượng nhưng trong đầu chúng ta vẫn nhận biết rõ ràng về đối tượng. Như vậy đó là cách chúng ta thành công trong bước đầu của tu thiền Không Nói.
Bây giờ chúng ta cần xét lại từ ngữ Tứ thật sự là gì ở trong não của chúng ta, Tứ thực sự là sự nói chuyện qua lại với chính mình. Chúng ta không nhận ra cốt lõi của từ ngữ đó, Từ những vị Nguyên thủ quốc gia đến người cùng đinh trong xã hội, đều cứ khởi lên những chuyện liên hệ đến vai trò và địa vị của riêng mình. Khiến cho tâm chúng ta không có phút giây nào được an ổn. Từ những chuyện liên hệ đến nhiều người hoặc những chuyện liên hệ đến vài cá nhân, chúng cứ khởi lên liên tục bằng sự đối thoại giữa mình với mình mà thôi. Chư Tổ thiền tông xếp những loại đối thoại thầm lặng đó là vọng tưởng. Hoặc các ngài còn gọi đó là vọng, bởi vì tìm thì không thấy ai hết, tương đương với từ ngữ tiếng
Anh là falsehood. Còn chúng tôi xếp những loại vọng kia chính là sự
đối thoại thầm lặng dây dưa trong đầu của chúng ta là có thực chứ không phải giả
(falsehood).
Bây giờ nếu chúng ta muốn cắt đứt những mạng lưới vọng đó, thì chúng ta phải dùng hai từ Không Nói. Khi hai từ Không Nói khởi lên thì mạng lưới vọng đó bị triệt tiêu liền tức khắc. Cho nên chúng ta phải biết thực sự vọng đó chính là do chúng ta khởi lên từ những mạng lưới ký ức, rồi chúng ta cứ duyên theo những hình ảnh từ quá khứ khởi lên liên tục. Nghiệp bất thiện của chúng ta vốn khởi phát từ trung tâm ký ức xúc cảm. Qua sự đối thoại thầm lặng ở trong đầu của chúng ta khiến cho tâm chúng ta trở nên ác độc đến giết
người. Chính là từ vùng ký ức xúc cảm, những hình ảnh đó đã khởi lên.
Tại sao dùng Tầm lại tắt được Tứ? Ta đã biết Tầm là sự nói thầm, bây giờ muốn tắt được Tứ chúng ta phải dùng hai từ Không Nói để chấm dứt sự nói thầm trong não. Khi chúng ta dùng hai từ Không Nói một cách liên tục đó là chúng ta tạm cắt đứt đường mòn ngôn ngữ trong não bộ của chúng ta. Do đó lúc chúng ta dùng tầm phải cộng thêm niệm biết, chính niệm biết đó đã tác dụng lên tứ, lúc bấy giờ tứ không thể nào khởi lên được. Nếu lúc đó chúng ta dùng tầm mà thiếu niệm biết thì tứ có thể khởi lên trở lại. Do đó ở mức độ này chúng ta phải luôn giữ niệm biết. Ở đây xem như chúng ta đang tô xi măng lên bức tường định để cho bức tường định được thêm kiên cố vững chắc. Còn chính hai từ Không Nói là những viên gạch để xây lên bức tường định đó.
Kết luận: Để thực hành chủ đề Định không tầm không tứ thì chúng ta chia ra làm hai phần, Định có tầm không tứ và Định không tầm không tứ. Ở phần Định có tầm không tứ chúng ta phải dùng niệm nói thầm hai từ Không Nói để chúng ta cắt đứt được sự đối thoại thầm lặng trong não chúng ta. Ở đây đòi hỏi chúng ta phải dụng công miên mật thì mới chấm đứt được quán tính đối thoại thầm lặng trong não chúng ta. Chính sự đối thoại thầm lặng đó đã gây ra biết bao nhiêu phiền toái trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Thù hận và nước mắt cứ bị tuôn chảy dài dài mà chúng ta không biết tại sao. Bây giờ chúng ta được hướng dẫn cách thực hành để chấm đứt quán tính đối thoại thầm lặng trong não. Khổ đau và tranh chấp từ nay trở đi sẽ không còn khởi động ở trong tâm chúng ta nữa.
Tâm Như diễn đọc