Phước Huệ Song Tu
(Trích từ Bản tin sinh hoạt tháng 9 năm 2002, trang 4)
Phước Huệ Song Tu, đối với Thiền, ý nghĩa câu này như thế nào?
Tu là cách ta tiếp thu pháp học và pháp hành phù hợp với trình độ căn cơ của ta để sau đó ta ứng dụng pháp học trong cuộc sống hằng ngày hay trong sự luyện tập Thiền. Căn bản, sự tiếp thu này phải rõ ràng, đầy đủ, vững chắc, và phù hợp với trình độ căn cơ của ta. Căn cơ thấp, ta tiếp thu pháp thực hành thấp. Căn cơ cao, ta tiếp thu pháp thực hành cao. Nếu không nắm vững chắc và rõ ràng pháp học và pháp hành, ta sẽ không biết pháp nào phù hợp với trình độ kiến thức của ta để ta học hay luyện tập cho đúng theo lời dạy của Phật hay của chư Tổ. Đây cũng là cách ta được trang bị Giáo lý để ta có đầy đủ khả năng ứng dụng lời dạy của Phật hay lời dạy của Tổ trong cuộc sống hằng ngày hoặc trong những lúc ta thực hành hay luyện tập Thiền trong 4 oai nghi... Đó là ý nghĩa của chữ Tu.
Tu Phước là cách ta cụ thể hóa thái độ, cử chỉ, và lời nói của ta đối với người hay thú vật với mục đích mang lại niềm an vui, hạnh phúc, sự an toàn, hay làm vơi đi những nỗi lo âu, sợ hãi, những nỗi khổ đau tâm lý và thân xác cho những đối tượng này. Người phát tâm tu phước là người phải có sẵn lòng hào hiệp, tâm rộng rãi, tâm từ bi, tâm hỉ xả, và tâm vì sự sống của chúng sinh khác mà không phân biệt màu da, chủng tộc, tín ngưỡng, và chế độ xã hội. Thí dụ như đối với thú vật, ta phóng sanh; đối với tử tù, ta tha mạng chết; đối với tù binh, ta phóng thích; đối với người đói, ta ban cho thức ăn, thức uống; đối với người tàn tật, ta sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi họ cần đến; đối với kẻ có khổ đau tâm lý, ta thường xuyên thăm viếng, chuyện trò, hoặc dùng lời khuyên để xoa dịu; đối với kẻ bị áp bức, ta sẵn sàng bênh vực và tận tình giúp đỡ theo khả năng của ta... Nói chung, tu phước là hành vi đạo đức được thể hiện với tâm từ bi, tâm hỉ xả đối với chúng sanh khác một cách tích cực và cụ thể, cho dù chỉ bằng những khuyên lơn, an ủi mà thấm tình huynh đệ, tình bà con, tình người. Đây là cách ta thực hiện tinh thần quên mình vì người trong Bồ tát đạo. Khi thực hiện việc làm này, chính ta phải cắt bớt những phần vật chất mà ta có sẵn để chia xẽ với người khác, hoặc ta hy sinh một phần vật chất, tài sản của ta để mang lại sự an vui, no ấm, bình an, và an toàn cho người khác.
Vì vậy, tu phước luôn luôn phải thích hợp với khả năng sẵn có của ta, từ lòng sốt sắn, nhiệt tình, tâm cởi mở đến tiền bạc, của cải vật chất, nói chung là tài vật, và công sức, hay những khả năng chuyên môn nào đó để khi cần, ta có thể giúp đỡ người khác cụ thể mà không mong cầu báo đáp. Đó là cách thể hiện tu phước tích cực đối với người khác mà không có thái độ tính hơn, tính thiệt trong đó. Thí dụ, muốn làm công việc từ thiện như cứu trợ nạn nhân bị thiên tai bão lụt, động đất, hỏa hoạn, chiến tranh tàn phá mà ta không có sẵn tinh thần xung phong làm công tác xã hội, không có sẵn tiền bạc, sức lực, khả năng chuyên môn như làm nhà, dựng lều, tiêm thuốc, băng bó, hay phương tiện vật chất khác thì ta không thể thực hiện được thái độ tu phước. Nếu có một trong những thứ nói trên, ta có khả năng tiến hành tu phước dưới dạng cứu trợ.
Ngoài ra, khi thực hiện mục tiêu tu phước, ta phải có tinh thần bố thí ba la mật. Đó là bố thí mà không cầu danh, không cầu lợi, cũng không đặt điều kiện phân biệt chủng tộc, phe nhóm, khuynh hướng chính trị, chế độ xã hội, tín ngưỡng tôn giáo trong đó. Nếu đưa ra những điều kiện này để bố thí hay giúp đỡ, hoặc cúng dường thì việc tu phước chẳng những không thực hiện được mà ý nghĩa quên mình vì người, vì phụng sự Tam Bảo cũng mất đi. Trái lại, trong tâm ta lại huân tập thêm tư tưởng so đo, đố kỵ, thù địch, cá nhân, và bè phái. Tức là khi phát tâm bố thí, cúng dường, làm công việc xã hội, hoặc giúp đỡ ai mà tâm còn có tính toán trong đó.
Giá trị tu phước
Trên nguyên tắc, có hai loại Phước báo: phước hữu lậu và phước vô lậu. Phước hữu lậu là làm công việc bố thí, cúng dường, giúp đỡ, cứu trợ mà tâm còn nghĩ đến giá trị công đức đó ta sẽ được hưởng phước báo trong đời này hay đời sau. Phước vô lậu là làm việc thiện mà ta không tính đến công đức đó ta sẽ được hưởng phước báo trong đời này hay đời sau như thế nào. Tuy nhiên, theo qui luật Nhân Quả Nghiệp Báo trong đạo Phật, hễ người nào biết tu phước thì người đó được hưởng quả báo tốt trong đời này và đời sau. Càng tu phước, ta càng phát huy được tinh thần bồ tát trong tâm ta. Tinh thần bồ tát là tinh thần vì người quên mình. Thí dụ, nhờ tu phước nhiều, trong cơn bệnh ngặt nghèo, thập tử nhứt sanh, người đó có thể vượt qua khỏi nhờ gặp linh dược, hoặc được danh y chữa khỏi, hay nhờ một sự may mắn kỳ diệu nào đó...
Nhờ tu phước nhiều, trong cuộc sống hằng ngày, người đó thường gặp nhiều may mắn trong công việc làm ăn hay có những sự giúp đỡ tận tình của người khác. Người sống ích kỷ, keo kiệt, nặng tinh thần cố chấp, quên người chỉ nghĩ đến mình, sống bon chen, giành giựt, bo bo nghĩ đến lợi cho mình, không biết bố thí, cúng dường, không giàu lòng từ thiện, người đó chắc chắn sẽ không được hưởng phước báo hoặc không gặp được những sự may mắn kỳ diệu trong những tai nạn rủi ro. Nếu có phước báo trong đời này thì khi phước báo đó đã được hưởng hết, tai họa sẽ đến nơi. Cho nên giá trị của tu phước được so sánh như cách dự trữ “tài nguyên công đức” trong kho lẫm Nhân Quả của Phước Báo. Duyên may sẽ đến với ta, ngoài sức hiểu biết thông thường.
Những chi tiết tu phước
Cụ thể, tùy theo địa vị xã hội của ta, trong việc tu phước ta có thể thực hiện như sau:
1) Cúng dường chư tăng như y áo, thuốc men, thực phẩm, và chỗ ở.
2) Giúp đỡ tài vật, thuốc men cho người nghèo, người già, người cô đơn, người không nhà, người bị hoạn nạn, người trong cơn khốn khổ cùng cực.
3) Làm Phật sự như hùn công đức ấn hành kinh sách Phật học, Thiền học; dịch kinh sách Phật học, Thiền học và các loại sách Khoa học khác; hùn công đức lập Chùa; lập Tu Viện, Thiền Viện; làm công quả tại Chùa, Tu Viện, hay tại Thiền Viện.
4) Làm công tác xã hội như hùn công đức tài vật, sức lực, khả năng chuyên môn để xây dựng và cứu trợ nạn nhân bị thiên tai bão lụt, hỏa hoạn, động đất, chiến tranh; giúp tiền cho học sinh nghèo; giúp đỡ bệnh nhân tại các trại cùi; hiến máu; giúp đỡ người khác mỗi khi họ cần đến...
5) Đóng góp khả năng chuyên môn trong việc giáo dục miễn phí; làm y tế xã hội như khám bệnh và chữa bệnh miễn phí.
6) Đại xá tù nhân hay tha mạng sống tù nhân tử hình.
7) Phóng sanh thú vật như thả chim, thả cá, thả rùa hay không nuôi chim, không đào ao nuôi cá, nuôi rùa để làm thức ăn.
Tu Huệ là phương pháp tu học và cách thực hành theo những qui định và hướng dẫn trong giáo lý Thiền để làm cho tâm ta được chuyển hóa, thân ta được điều chỉnh bệnh tật, thân-tâm được hài hòa và trí huệ ngày càng được phát huy. Ở mức thấp, trí huệ này là trí huệ ta nhận rõ chân tánh hiện tượng thế gian. Sống trong đời ta sẽ bớt dính mắc, bớt chấp trước, bớt giận, bớt buồn phiền người khác. Mỗi khi tiếp xúc với người khác, tâm ta không còn bực bội, khó chịu về lời ăn, tiếng nói của người khác đối với ta. Thái độ cử chỉ và lời nói của ta đối với người khác, việc khác được thể hiện dưới năng lực trí huệ. Ta không bốc đồng, không a dua theo người khác mà ta không biết người đó đưa ta đi đến đâu. Khi phát ngôn, ta cũng không có thái độ ngu xuẩn đối với người khác, việc khác để tỏ ra ta là người thông thái. Ở mức cao hơn, trí huệ này là trí huệ ta thấy như thật, biết như thật, nghe như thật, xúc chạm như thật, nhận thức như thật về tất cả đối tượng của giác quan mà trong đó không có ý niệm “Ta.” Bằng trí huệ này, ta hạn chế được sự hoạt động của trí năng và ý thức phân biệt để cho năng lực của tánh giác hoạt động. Qua đó, mạng lưới của tưởng sẽ không hoạt động. Kết quả, tâm ta sẽ dễ dàng an tịnh. Những xúc cảm ngấm ngầm sẽ không ray rứt nội tâm ta. Đến mức độ cao hơn nữa, trí huệ này là trí huệ tự phát từ bên trong ta. Đây là những quá trình phát triển của tiềm năng giác ngộ, tức Phật tánh từ bên trong ta, thông qua các chủ đề dụng công của Thiền Định hay Thiền Huệ. Thí dụ, trong cuộc sống hằng ngày, theo những khả năng tiếp thu pháp học và pháp hành trong Thiền, ta sẽ có những nhận thức mới đối với hiện tượng thế gian và nắm vững những pháp hành để ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày trong 4 oai nghi. Chủ đích của sự ứng dụng này là để ta tạo ra điều kiện cân bằng thân-tâm của chính ta và tạo ra sự hài hòa giữa ta với người chung quanh và môi trường chung quanh. Ta không còn lấn cấn, bực bội với người chung quanh... An lạc hay hạnh phúc không phải đến từ bên ngoài mà đến từ bên trong thái độ nhận thức của ta đối với chân tánh hiện tượng. Trên căn bản, khi nhận rõ chân tánh hiện tượng là ta đã bắt đầu có trí huệ. Ta không còn lầm chấp về thực tướng hiện tượng thế gian như trước nữa. Ngoài ra, thông qua những cách ứng dụng pháp học, ta có khả năng khai triển các năng lực bên trong cơ chế tánh giác để phát huy trí huệ tự phát. Thí dụ, tánh thấy, tánh nghe, tánh xúc chạm, và tánh nhận thức không lời.
Thầy nói: - Tu huệ là cách thực hành khó nhất trong trong đạo Phật, nói chung và trong Thiền nói riêng. Vì nó đòi hỏi ta phải có trí năng tỉnh ngộ dùng làm cơ sở.
Song tu là cùng thực hành hay ứng dụng xen kẽ hai thứ Phước và Huệ trong sinh hoạt hằng ngày của ta. Đó là khi gặp dịp áp dụng Phước thì ta sẵn sàng bố thí, cúng dường hay giúp đỡ người khác trong những trường hợp ngặt nghèo, khốn khó theo khả năng của ta mà ta không mong cầu phước báo đời này hay đời sau. Riêng phần ứng dụng Huệ thì hằng ngày ta cũng học và thực tập những cách ứng dụng Huệ theo các chủ đề trong Thiền Quán, Thiền Định và Thiền Huệ mà ta đã tu tập hay đã được hướng dẫn. Đó là ý nghĩa của Phước Huệ Song Tu.