Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - BÀI 44
Sáng nay, một buổi sáng mùa đông, nơi miền đồi núi vắng vẻ này, trời se lạnh. Ngồi trong phòng làm việc, mở máy sưởi, mình ngắm nhìn cây cảnh trước mắt. Ngay trước mắt là cây tiêu cổ thụ, đường kính gốc chắc cũng một thước, thân cây rắn chắc kẻ nứt sần sùi màu nâu sậm, trong khi vô số nhánh lá thì nhỏ xíu, mềm dịu, xanh non, buông thỏng xuống, đong đưa theo làn gió nhẹ. Lá tiêu vẫn còn vương sương đêm. Sau cây tiêu là ba cây bông giấy, hoa màu đỏ. Ngang đó là hai gốc cây mai, tạm gọi là mai, vì hoa sẽ màu vàng, có đóa 5 cánh, có đóa 10 cánh, mỗi cánh yểu điệu mỗi vẻ riêng, bây giờ trơ cành vì mình mới ngắt lá, hi vọng hoa sẽ nở trong mùa xuân. Thả tầm mắt xa hơn nữa, toàn cảnh là một màu xanh, màu xanh quanh năm của cây tiêu, cây thông, cây tùng, cây phượng vỹ, cây khuynh diệp. Còn vườn cây ăn trái thì ngoài tầm mắt của mình. Cuối tầm nhìn là khung trời xanh và mây trắng.
Bây giờ nắng bắt đầu lên. Những tia nắng dìu dịu từ nơi nào xa tít, chiếu nghiêng nghiêng lên cây lá trong vườn. Cảnh vật như vừa vẽ phớt lên môt màu sáng hơn, tươi hơn. Những hạt kim cương nhỏ xíu xuất hiện ra lấp lánh trên cành tiêu lá xanh non. Bây giờ mùa đông nên vườn chỉ có 3 gốc cây hoa giấy là có hoa thôi. Màu đỏ của hoa giấy bây giờ sáng hơn, rực rỡ hơn, những cánh hoa thấy mỏng manh, trong hơn, nổi bật hơn bên vài cánh hoa còn trong bóng mát với màu đỏ sậm. Cũng có vài giọt sương đêm còn đọng trên hoa, xa xa nhìn không khác kim cương chiếu sáng trong nắng.
Thiên nhiên tươi đẹp biết bao, cả trời xanh và mây trắng! Hạnh phúc biết bao, đất nước nào còn có trời xanh và mây trắng! Bây giờ mình thường hay ngắm nhìn trời xanh và mây trắng, hay bình minh, và trời chiều còn ráng nắng, hồng hồng. Trời mây thênh thang, trong sáng, thanh thản tự do, không vướng bụi trần.
Vừa qua, trong chuyến hành hương Ấn Độ, 1 cô thiền sinh vui miệng kể trong 1 lần du lịch nào đó, 1 cô người Trung quốc cứ đưa cái máy cellphone lên cao chụp hình lia lịa. Cô thiền sinh mới tò mò hỏi: Cô chụp gì vậy? Được trả lời: chụp hình mây, từ nhỏ tới giờ tôi chưa từng thấy mây.
Thoáng nghe qua câu chuyện, mình thấy rúng động trong tâm, ngẩn ngơ. Lúc đó, mình ngước lên bầu trời Ấn Độ, tìm mây. Không thấy mây! Cũng không thấy trời xanh. Chỉ là một màu trắng đục. Trong tâm thấy cảm thương thế hệ trẻ sau này có thể sẽ không còn thấy trời xanh và mây trắng bay bay nữa. Sau chuyến hành hương, mình có dịp về Tuy Hòa, ngước nhìn trời cao, thấy trời vẫn xanh, mây trắng vẫn có đó, vui mừng, quê hương vẫn còn phước báu, vẫn còn trời xanh và mây trắng như ngày nào.
Bây giời nắng đã ấm hơn, mặt trời lên gần đỉnh đầu, trời xanh nhạt hơn, mây trắng đã tản mạn nhẹ như tơ. Tuy mình nói vẫn là trời xanh và mây trắng, nhưng trời đâu còn y hệt trời hồi sáng sớm, mây cũng không còn là những cụm mây trắng tinh đâu. Ba chậu hoa giấy đỏ cũng đổi khác. Dưới bóng mát cây tiêu cổ thụ, hoa bây giờ màu đỏ sậm hơn, cũng không còn thấy đơm mấy giọt nước kim cương nữa. Những tàng lá tiêu trong mát thì màu xanh đậm tối hơn, những tàng lá tiêu đón nắng thì xanh thắm hơn, cũng đang chiếu lấp la lấp lánh, vì ánh nắng, chứ không phải vì sương đêm. Nhìn kỹ thì thiên nhiên vẫn đang thay đổi không ngừng. Sức sống đang rạt rào trong từng gốc rễ, thân cây, nhánh lá. Lúc nào cũng biến hóa, chuyển động. Rễ có việc làm của rễ, thân cây có việc làm của thân cây, lá có việc làm của lá, hoa có việc làm của hoa, sông có việc làm của sông, mặt trời có việc làm của mặt trời… Tất cả đều chuyển động hài hòa trong nhịp điệu hài hòa của thiên nhiên. Tất cả như một bức tranh puzzle vĩ đại, mỗi thành phần đều vừa vặn khít khao, theo định luật Y Duyên Tánh (Idapaccayatā).
Chúng ta cũng vậy, mình là một thành phần trong thế gian bao la nầy. Cả thế gian đều chuyển biến không ngừng, mình phải chấp nhận định luật đó, nghĩa là không cưỡng chống lại, không buồn hay vui, tâm không bị cuốn hút theo sự thay đổi ngoài ý muốn của mình.
Chúng ta không thể bắt thế gian ngừng lại để ta nắm bắt nó trong tay mình, thế gian luôn luôn tuôn chảy, tràn lan qua không gian và thời gian. Chúng ta chỉ có một phương cách là phải hòa nhập vào trong dòng nước tuôn chảy đó, từng phút từng giây mình đồng hành với nó. Rồi sao nữa? Mình nắm bắt cái chớp mắt, cái chớp mắt đáng giá ngàn vàng, cái chớp mắt có sự sống thực sự, cái chớp mắt “đang là”, cái chớp mắt “bây giờ và ở đây”.
Tại sao chỉ có thể nắm bắt nó? Sự thật đơn giản, vì chỉ có giây phút đó, chúng ta mới đang sống. Đang sống là sao? Là mắt ta đang thấy và biết rõ, tai ta đang nghe và biết rõ, thân, mũi, lưỡi đang xúc chạm và biết rõ. Biết rõ cái gì? Biết rõ chính trong thân và trong tâm mình, cũng biết rõ cảnh thế gian bên ngoài. Ngoài cái chớp mắt “đang là”, tất cả thân, tâm và cảnh là của quá khứ, của tương lai hay của hiện tại, chúng nó chỉ là ảo ảnh, ảo giác trong ký ức, hay trong tưởng tượng mà thôi.
Cái bây giờ và ở đây có thể vẫn có hình tướng, có màu sắc, có mùi vị, có âm thanh…nên trong chớp mắt nó đã thay đổi hay biến mất và trở thành cái khác.
“Cái đang là” cũng là pháp hữu vi, hiện hữu theo định luật tự nhiên của Y Duyên Tánh. Vì thế mình hiểu tại sao Đức Phật gọi đó là Yathābhūta, giống như thật. Thật là khi nó không bao giờ thay đổi, mà thế gian thì luôn luôn thay đổi. Bởi thế gian thay đổi luôn, trong chớp mắt nó đã đổi mới, cho nên thân ta cũng đổi mới, tâm ta càng đổi mới mau hơn, cảnh bên ngoài cũng đổi mới từng giây phút, không bao giờ giống y cái hiện hữu trước đó.
Vậy thì mình phải sống trọn vẹn từng giây phút, quan sát thật sâu, thật kỹ chính mình, thân ái hài hòa với người khác bên cạnh, thưởng thức từng giây phút bình minh hay hoàng hôn, ngắm nhìn nâng niu từng đóa hoa, từng chiếc lá. Các bạn hiền ơi, chúng ta chỉ có thể thân ái cái đó trong một chớp mắt mà thôi. Cái đó chỉ xuất hiện 1 lần trong đời, rồi trong thoáng chốc nó đã thay đổi, và không bao giờ trở lại như xưa. Hoa đào sẽ nở mỗi mùa xuân, nhưng đóa hoa năm nay đâu phải là đóa hoa năm trước. Người ngắm hoa đào bây giờ cũng không phải là người ngắm hoa năm cũ.
Thiền viện, 15- 1- 2024
TN
Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - Bài 44
CHỈ CÓ MỘT LẦN…