CỐT LÕI THIỀN PHẬT GIÁO
Cốt lõi là cái tinh túy, cái tinh ba. Chớ không phải cái bề ngoài.
Nếu so với cái cây, nó không phải là lá cây, cành cây.v.v. mà là cái lõi bên trong của cây. Cái cốt lõi đó phải ngắn gọn, mới gọi là cốt lõi. Mà trong đạo Phật có nhiều cốt lõi lắm. Tại sao vậy?
Vì mỗi người nhìn 1 góc cạnh (tương tợ 5 người mù sờ voi) sẽ thấy mỗi góc cạnh khác nhau. Vậy cốt lõi của đạo Phật là do mỗi người nhìn đạo Phật như thế nào. Ví dụ, ngôi nhà này, nếu đứng ở xa nhìn, sẽ thấy nó nằm trên ngọn đồi. Nhưng đứng ở đây nhìn thấy núi xa xa, thì nó không cao. Vậy tùy thuộc cách nhìn của người thực hành Thiền, sẽ thấy cái cốt lõi tương ưng.
Thí dụ: Ở lớp Thiền căn bản, tinh ba là tánh giác. Mình cần hiểu nó là cái gì? Cái tinh ba đó hợp với trình độ của mình.
Lên trình độ khác, thầy lại nói: Cái tinh ba là không ta, không cái của ta, thì đạt tinh thần vô ngã. Đó cũng là cốt lõi.
Lên thêm trình độ nữa, thầy lại dạy: Lý Duyên khởi. Con người không bao giờ thoát ra khỏi vòng quay của guồng máy nhân duyên đó. Khi nào thoát ra được, mới là thực sự giải thoát. Đó cũng là cốt lõi. Mình nhận ra con người như một con ốc, trong guồng máy nhân duyên đó, bị trôi lăn trong sự quay cuồng đó; khi cắt được 1 mắt xích trong 12 mắt xích nhân duyên, thì tất cả mắt xích đều đứt, chấm dứt sanh tử.
Lên một mức độ nữa, các pháp đều không tự tánh, đều là tánh Không. Làm sao thể nhập, để được giải thoát. Đó cũng là cốt lõi.
Lên thêm trình độ nữa, quí vị phải thấy Như Thật, quí vị sẽ thay đổi cái nhìn về thế giới hiện tượng, đạt kinh nghiệm Như Thật Như Vậy, điều chỉnh bệnh tâm thể, trí tuệ tâm linh phát huy. Thì đó cũng là cốt lõi vậy.
Do đó cốt lõi phải khế hợp với trình độ tiếp nhận của mình. Nên mình không thể xác định cái cốt lõi nào. Vấn đề đặt ra là cốt lõi của đạo Phật ở đâu?
Ta phải quay về sự thành đạo của Đức Phật. Tại sao?
Trong phần định nghĩa, cốt lõi, nghĩa bình dân, là cái tinh ba, giống cái lõi cây, không phải da cây, cành cây... Nó là chất nằm ở giữa cây. Trong đạo Phật, ta phải quay về sự thành đạo của Đức Phật.
Thứ nhất, Đức Phật đã trải qua 4 tầng Thiền. Đến tầng Thiền thứ 4, Đức Phật thành đạo. Đức Phật đã có kinh nghiệm Tam Minh, tức 3 năng lực siêu việt của Đức Phật:
+ Túc mạng minh: biết những tiền kiếp của mình.
+ Thiên nhãn minh: biết tiền kiếp của chúng sanh
+ Lậu tận minh: biết nguyên nhân và cách chấm dứt luân hồi sanh tử. Biết cách thực hành đặt trên cơ sở Như Thật Như Vậy. Đây chính là cốt lõi của đạo Phật.
NHẬN RA RỒI PHẢI THỂ NHẬP
Như Thật, tiếng Pāli là: YATHĀBHŪTA
Như Vậy: TATHĀ/ TATHATĀ
Cả hai đều đặt trên nền tảng: Không Lời. Trong kinh, Đức Phật dùng từ: Atakkāvacara tức ngoài phạm vi lý luận.
Đó là cốt lõi rốt ráo nhứt trong những cốt lõi.
Tại sao gọi đó là cốt lõi rốt ráo? Vì qua trạng thái đó, Đức Phật thành đạo. Nếu không hiểu ngữ nghĩa sâu sắc, thì không làm sao đi vô cốt lõi. Đặc biệt bên Thiền, nếu nói cốt lõi không chưa đủ, phải đi đến thể nhập. Giống như ta ngộ cái Như Thật Như Vậy, ngộ tức nhận ra rõ ràng. Nhưng chưa thực hành để thể nhập điều nhận ra. Cho nên con đường đạo Phật là nhận ra rồi phải thực hành để thể nhập.
Thể nhập để làm gì đây? Thể nhập để chuyển hóa thân, tâm và trí tuệ tâm linh. Thí dụ: thân chúng ta có bệnh triền miên chữa không hết, tâm cũng bệnh triền miên là bệnh dính mắc, không có trực giác... Qua thực hành, chúng ta có thể chữa bệnh của thân, tâm không còn dính mắc...
Vậy vấn đề chứng ngộ phải được đặt ra trong cốt lõi đó. Chớ không phải chỉ đòi hỏi người cư sĩ phải giữ 5 giới, nhất là giới vọng ngữ v.v... Đó chỉ như là cành lá.
Cho nên tiến trình ngộ, thể nhập và chứng ngộ phải được xếp vào cái cốt lõi đó, thì mới đầy đủ.
LÀM SAO THỂ NHẬP?
Muốn thể nhập phải đặt trên cơ sở của những tiến trình thực hành. Không thực hành, ta không bao giờ kinh nghiệm được thể nhập. Đây là thực tế. Người tu thiền là người thực hành. Nó khác với những người tu khác trong đạo Phật.
Có thực hành mới kinh nghiệm thể nhập. Có thể nhập mới đưa đến chứng nghiệm trên 3 mặt hay 4 mặt:
1- Điều chỉnh bệnh tật của thân.
2- Điều chỉnh tâm hay chuyển hóa tâm.
3- Hài hòa thân tâm.
4- Phát huy trí tuệ tâm linh.
Bốn điểm đó sẽ phát huy ra năng lượng hài hòa.
Tại sao sự hài hòa được xếp là năng lượng?
Vì cái hài hòa đó không phải nghĩa trừu tượng, mà là cụ thể. Hài hòa cái gì? Cái thân vật chất. Cái tâm cũng là vật chất. Tại sao? Vì cái tâm do neurons biểu lộ ra ngoài, tức tế bào não, đương nhiên nó có năng lượng/ có energy. Nó phát ra những làn sóng, những dạng điện trường.
Sau cùng, thân tâm hài hòa, không còn ba trợn, ba hồi vui, ba hồi buồn, tâm không còn dính mắc. Trước hết cá nhân tự hài hòa, sau mới hài hòa với vợ chồng, con cái, với người chung quanh, với tập thể mà mình tiếp xúc. Cho nên hài hòa là năng lượng diệu hữu trong Thiền. Muốn đạt cái kỳ diệu đó phải đi qua cái cốt lõi này.
Nếu tôi là cư sĩ, giữ 5 giới, tu sĩ giữ 10 giới, 250 giới v.v... Đức Phật có dạy, nhưng để cuối cùng đi vào cái cốt lõi này.
Vấn đề đặt ra là từ ngữ Như Thật Như Vậy là gì? Nó nói lên cái gì? Vậy Như Thật là sao? Như Vậy là sao? Cái cốt lõi là nhận thức ra cái cốt lõi đó là gì?
Khi từ giả gia đình ra đi, Đức Phật muốn đạt cái Vô sanh. Khi thành đạo, Đức Phật ở trong trạng thái Như Thật Như Vậy.
KHÁI QUÁT VỀ NHƯ THẬT NHƯ VẬY
Đạo Phật có nhiều đường đi đến. Mỗi đường tùy từng căn cơ. Bây giờ ta xem lại sự thành đạo của Đức Phật, dựa trên 4 tầng Thiền. Đến tầng thứ 4, Phật thành đạo qua trạng thái Như Thật Như Vậy. Đây là mấu chốt: Không Lời.
Làm sao nhận ra cái Không Lời?
Ta phải có “cái nhận thức” mới nhận ra được cái không lời.
Thái độ mình là cái nhận thức. Nhận thức gì? Nhận thức cốt lõi thành đạo là Như Thật Như Vậy, mà phải dựa trên mấu chốt không lời.
Sau đó, mình phải hiểu ngữ nghĩa cốt lõi đó.
Như Thật là sao? Là trạng thái đang là của sự kiện. Trạng thái đó xảy ra Như Vậy đó, là sao? Là không thêm mắm thêm muối gì hết. Là như vậy đó.
Đó là nghĩa bình dân. Mình không nói khách quan tính gì hết, đây là nghĩa hàn lâm. Thí dụ: chúng ta nhìn chung quanh thấy những người đang viết. Đó là thấy như thật như vậy. Nếu tò mò coi họ viết gì? thì đó là ý thức tò mò, không phải tâm tĩnh lặng. Còn nói: ông bà đó viết cái gì? phải viết thơ phải không? đó là suy luận của trí năng.
Cái Như Thật Như Vậy không phải là đối tượng của trí năng, mà là đối tượng của giác quan. Vậy cốt lõi đạo Phật luôn luôn sử dụng giác quan, để đạt trạng thái tinh ba này. Đó là nhìn bên ngoài bằng giác quan, thấy cái đang là.
Cái đang là là gì? Thời gian và không gian gặp nhau ở một điểm. Tức bây giờ và ở đây gặp nhau. Thấy mọi người đang viết: đó là bây giờ và ở đây. Không có nội dung viết gì.
Tâm có quán tính 3 mặt: suy nghĩ, suy luận và phân biệt so sánh. Trong cái đang là hay bây giờ và ở đây, tâm dừng lại liền. Bao nhiêu tập khí/ lậu hoặc đều dừng lại.
Ta phải tập. Vì tâm ta bao nhiêu năm qua bị tô màu đủ thứ, thấy là định danh, là dán nhãn. Bây giờ phải thấy Như Thật, chỉ thấy cái bây giờ và ở đây của hiện tượng.
Ba nhóm: ý căn, ý thức và trí năng quậy tâm ta hoài. Bây giờ phải tập để cho nó dừng lại. Thì lúc đó sẽ có cái Biết của tánh giác.
Không nhận thức rõ ngữ nghĩa của Như Thật, không đi vào được cốt lõi.
Thấy biết Như Thật, cái Biết đó thường hằng lặng lẽ, nhờ cái biết đó mới vô được Như Thật.
Thế giới hiện tượng luôn luôn tĩnh lặng. Tại vì tâm ta không tĩnh lặng. Thế giới hiện tượng không tên, do mình gắn tên cho nó. Tâm ta liền bị điều kiện hóa trong những tên đó. Bây giờ phải trả thế giới hiện tượng về cái không tên của nó, mới đi vào cốt lõi được. Hệ Phát Triển khai triển chỗ cốt lõi là: lý như như, lý vô danh, lý vô tướng... Khi ta có kinh nghiệm đó thì tâm ta dừng lại liền. Mà có cái Biết. Chỗ đó không lời. Đức Phật gọi là Atakkāvacara.
Chúng ta phải có nhận thức. Ở đây là nhận thức không lời. Đó là trên phương diện chúng ta phải nhận rõ tinh ba đạo Phật, tinh ba của Thiền.
Nhận thức này nằm trong phần ngộ lý. Chúng ta không thể hiểu đơn giản, mà phải nhận ra chỗ Như Thật Như Vậy là chỗ lõi cây hay chỗ cốt lõi của đạo Phật. Ta phải nhận ra ngữ nghĩa của Như Thật Như Vậy bằng nhận thức không lời.
Nói tóm lại, trước nhứt, phải nhận ra ngữ nghĩa Như Thật là cái đang là của hiện tượng. Thí dụ: tôi thấy em ông A, tôi nói thông minh vì tôi thấy trán cao, đó là suy luận.
Bên ngoài thế giới hiện tượng là như thật như vậy, bên trong mình cũng tâm như thật như vậy, thì mới hội nhập. Nếu mình không hiểu nghĩa Như Thật Như Vậy thì ngàn đời cũng không thể nhập.
Trạng thái Như Vậy là sự tĩnh lặng của thế giới hiện tượng, nó vốn không tên. Nhận thức rõ điều này thì mình mới thấy cái bề ngoài của thế giới hiện tượng. Thí dụ, hôm nay tôi thấy trời sương mù, tôi biết như thật như vậy đó. Tôi không nói có bão ở đâu. Bão là trí năng suy luận thêm. Nó không phải là đối tượng của giác quan.
Vậy Như Thật Như Vậy là do giác quan tiếp xúc đối tượng, mà không có trí năng xen vào, không có cái Ta. Chỉ có cái Biết mà thôi. Khi chúng ta duy trì trạng thái đó lâu dài, chúng ta có khả năng thể nhập Như Thật Như Vậy. Do đó phải qua nhiều tiến trình thực hành.
Tóm lại có 3 điểm cần ghi nhận:
+ Sự thành đạo của Đức Phật dựa trên trạng thái Như Thật Như Vậy.
+ Chúng ta phải nhận ra ngữ nghĩa Như Thật Như Vậy.
+ Tiến trình thực hành để thể nhập Như Thật Như Vậy.
NHẮC LẠI NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
Cốt lõi đạo Phật có 2 phần:
+ tùy theo căn cơ
+ theo lịch sử thành đạo của Đức Phật.
Chúng ta phải:
1- Ngộ lý hay nhận ra ngữ nghĩa bằng nhận thức không lời.
2- Thể nhập qua những tiến trình thực hành.
Tóm lại, Như Thật: thấy bằng giác quan.
Như Vậy: thấy bằng cái Biết. Thuật ngữ gọi cái Biết đó là tánh giác.
Tất cả những điều này, quí vị phải xếp vô nhận thức, tức nhận ra được.
Thí dụ: Thấy 2 người nam nữ bắt tay nhau, thì thấy bắt tay nhau, đừng suy luận là có tình ý gì. Như vậy tâm mới đứng một chỗ. Vì tâm mình dính mắc quá cỡ nên có thói quen suy luận, suy đoán. Khi vào được Như Thật, tâm mới gỡ ra được dính mắc.
Bằng nhận thức phải hiểu rõ nghĩa Như Thật Như Vậy. Bằng nhận thức có lời hay không lời cũng được. Nếu có lời thì cũng không thêm thắt vô gì hết. Thí dụ: ăn, ngon biết ngon, chua biết chua, rõ ràng, mà không chê khen.
Khi ta xếp vô được nhận thức thì đó là nhận thức ta đã chuyển hóa. Mình không còn bị dính mắc bao nhiêu những truyền thống cũ: truyền thống gia đình, tập tục, văn hóa v.v...
Vậy phải nhận thức Như Thật Như Vậy là cái đang là, bây giờ và ở đây. Thí dụ: hôm nay có người lên lấy một cái DVD, cúng dường 100 đồng. Không nói người đó sẽ có phước, vì đó là không phải bây giờ và ở đây.
Bây giờ và ở đây là dừng lại nơi vùng tánh giác. Chúng ta đừng sử dụng ý căn và ý thức.
Bằng con mắt nhìn thôi, mà chúng ta có thể chữa được bệnh. Vì sao? Vì tín hiệu nó đi thẳng vào 1 trục dây chuyền tác động đối giao cảm, ra acetylcholine, hạ huyết áp. Thần kinh thị giác trực tiếp tác động qua đối giao cảm, rồi qua Dưới đồi, vô dây thần kinh phế vị, vào tuyến tụy, điều chỉnh đường trong máu.v.v.
Tóm lại, qua tiến trình thực hành, chúng ta có những kết quả sau:
+ nhận thức chuyển đổi, có nhận thức mới.
+ điều chỉnh bệnh tâm thể.
+ chuyển hóa được tâm dính mắc thành tâm thanh thản.
+ trí tuệ tâm linh từ lần phát huy.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nghe và ghi lại lời giảng của Hòa Thượng Thích Thông Triệt
Ngày 15 tháng 1 năm 2015
Tuệ Chiếu