Chư Tổ Phát Triển thường nói có tới 84 ngàn pháp môn tu, tức là có vô số cổng để bước vào ngôi nhà giác ngộ, hay ngôi nhà giải thoát. Hôm nay chúng ta thử khảo sát cánh cổng của Giới.
Giới (Sīla) là những điều Đức Phật đặt ra, được kết tập trong Luật tạng, để nhắc nhở cư sĩ, sa di, tỳ kheo, tỳ kheo ni không được sai phạm, với mục tiêu hướng đến một đời sống trong sạch, hữu ích, hài hòa trong tăng chúng và trong xã hội.
Lúc ban đầu thành lập tăng đoàn, các vị tỳ kheo căn cơ sắc bén nên thành tựu thánh quả rất sớm, không phạm lỗi lầm, nên chưa cần tới giới luật. Về sau, tăng đoàn ngày một đông hơn, căn cơ trung bình, chưa chứng thánh quả, nhiều vị sai phạm, đức Phật vì lòng từ bi, phải chế ra giới luật. Giới là những điều qui định không được nghĩ, nói và làm. Luật là những qui định sự trừng phạt người phạm giới.
Giới có một chỗ đứng quan trọng hàng đầu trên con đường tu của người con Phật.
Bước thứ nhất trên con đường tu học là quy y Tam Bảo. Đồng thời với lòng thành kính quy y Tam Bảo là phải phát tâm xin thọ trì Ngũ giới. Đây là 5 giới nền tảng của đạo đức làm người, làm một người chồng tốt, một người vợ tốt, một người con tốt, một người công dân tốt:
- Không sát sanh
- Không gian tham trộm cắp
- Không tà dâm
- Không nói dối
- Không uống rượu
Tiến lên một bước quan trọng nữa là phát tâm xuất gia, rời xa gia đình, cắt tất cả sự ràng buộc thân ái của thế tục.
“Đời sống gia đình bị gò bó, con đường đầy những bụi đời. Đời sống xuất gia phóng khoáng, như sống giữa hư không. Thật rất khó sống tại gia đình mà có thể sống một đời sống thuần tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, rời bỏ gia đình, sống không gia đình…”
Trong thời đức Phật tại thế, người trưởng thành xuất gia đều trở nên tỳ kheo hay tỳ kheo ni. Sau này, chư Tổ qui định chi tiết: tất cả người mới xuất gia đều có một thời gian là sa di hay sa di ni, với 10 giới, xem như đây là thời gian chuẩn bị hay thời gian thử thách. Đến khi xuất gia chính thức thì phải thọ trì 250 giới tỳ kheo hay 348 giới tỳ kheo ni. Kể từ đây mới tính tuổi hạ.
Cho tới đây, chúng ta nhận ra: Giới luật là quan trọng hàng đầu đối với người con Phật. Giới thành tựu nhân cách, phẩm hạnh con người, bào mòn những thứ ô nhiễm trong tâm, gọt dũa cái bản ngã ích kỷ tham ái, điên đảo làm chướng ngại cho sụ tiến tu.
Tiếp theo là những bước tu của Giới chi tiết hơn, theo bài Đại kinh Xóm Ngựa (trong Trung bộ kinh).
1- Hạnh tàm quý (chú thích thêm: chữ “quý” có thể viết là “úy” thì đúng hơn, trong tiếng hán việt, “úy” là sợ hãi, còn “quý” là tôn kính, ý nghĩa khác. Tuy nhiên trong văn bản dịch kinh thì viết “quý”). Hạnh tàm quý là biết sợ hãi những lỗi nhỏ nhặt của mình, nên ăn năn, quyết chừa bỏ.
2- Giữ gìn thân hành thanh tịnh: không tỳ vết, không che giấu.
Giữ gìn khẩu hành thanh tịnh: không tỳ vết, không che giấu
Giữ gìn ý hành thanh tịnh: không tỳ vết, không che giấu
Giữ gìn sanh mạng thanh tịnh: không tỳ vết, không che giấu.
3- Hộ trì các căn: không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng khi các căn tiếp xúc các trần.
4- Phải tiết chế ăn uống.
5- Chú tâm cảnh giác: ngày và đêm, không cho pháp ác, pháp bất thiện khởi lên trong tâm.
6- Chánh niệm tỉnh giác: khi đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, đều biết rõ.
7- Biết rõ đã đoạn trừ 5 triền cái. Tới đây xem như đúc kết lại những bước đi của Giới, biết rõ mình không còn: tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo cử hối quá, nghi. Kết quả tới đây là:
- Tâm biết mình đã hết khổ.
- Tâm biết con đường tu thênh thang không còn chướng ngại.
- Tâm hân hoan, hỷ lạc tràn đầy.
8- Bốn tầng Định phát sinh: theo bài Đại kinh Xóm Ngựa, tâm hỷ lạc tràn đầy, “hỷ lạc do ly dục, ly pháp bất thiện, có tầm có tứ.” Vậy tầng thiền thứ nhất là kết quả của thời gian trau dồi giới đức trong sạch, không còn những ý nghĩ xấu ác khởi lên trong tâm, lời nói và hành động cũng trở nên trong sạch, lương thiện. Có tầm có tứ nghĩa là vẫn còn suy nghĩ, lý luận, phân biệt thiện ác, nhưng đã làm chủ được tâm ngôn, cần suy nghĩ thì suy nghĩ, khi muốn yên lặng thì yên lặng.
Khi vị tỳ kheo dứt tầm dứt tứ, tiến lên tầng thiền thứ hai, “trạng thái hỷ lạc do Định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm”.
Tại sao vị tỳ kheo chấm dứt tầm tứ dễ dàng như vậy? Còn chúng ta cứ khởi vọng tưởng lăng xăng hoài? Điều này thật rõ ràng: vị tỳ kheo đã cắt đứt tất cả những sợi dây thân ái trói buộc tâm mình: gia đình, bà con, bạn bè, xã hội. Trong khi chúng ta cứ khởi suy nghĩ, tưởng nhớ, ưu tư tới những người thân yêu, quen biết, bổn phận của mình đối với gia đình, xã hội v.v…
Từ đây tiến lên “ly hỷ trú xả, tâm cảm nhận lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú tầng thiền thứ ba”. Tuy nói là “ly hỷ trú xả” nhưng thực tế chỉ rời xa hỷ, mà chưa thực sự an trú xả. Đây là sự chuyển tiếp: biết rõ tâm thanh thản nhưng còn an trú trong lạc thọ. Cuối cùng, hoàn toàn làm chủ cảm thọ “xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.” Đây mới thực sự là tâm xả, hoàn toàn thanh thản, bình đẳng.
Vậy bốn tầng Định là kết quả tất nhiên của tâm tròn đầy giới hạnh trong sạch.
9- Ba Minh:
“Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến:
- Túc mạng minh.
- Thiên nhãn minh
- Lậu tận minh…”
Giai đoạn này là Tuệ Bát nhã tự phát sinh, kiến giải tất cả những điều hoàn toàn mới lạ từ trước chưa biết.
Qua bài Đại kinh Xóm Ngựa này, chúng ta nhận thấy đức Phật đã sắp xếp những bước tu tập có thứ lớp rõ ràng, dựa trên chính kinh nghiệm đức Phật đã trải qua để giảng dạy phổ thông cho các vị tỳ kheo đệ tử căn cơ trung bình. Phải qua một thời gian dài trui rèn giới hạnh mới có thể chứng đạt thành quả cuối cùng, là đời sống phạm hạnh, xứng đáng bậc thánh, phát huy trí tuệ.
Đối với căn cơ trung bình phải trải qua Giới mới có thể đạt Định và cuối cùng là Tuệ. Đây là con đường tu tuần tự, phổ thông cho đa số người theo Phật.
Ngay chính đức Phật, ngài đã trải qua 6 năm khổ hạnh nơi rừng sâu, trút bỏ hết những tham ái của: tài, sắc, danh, thực, thùy, không còn tham, sân, hôn trầm, trạo hối, nghi hoặc, tâm trong sáng, dũng mãnh, kham nhẫn, tinh tấn, tự lực, đức Phật đã “thấy rõ con đường của Pháp” trong lần chứng ngộ Ba Minh và Lý Duyên Khởi sau đó:
+ Trước nhất ngài nhận ra chính tâm mình, nó ra sao, rất khó diễn nói “Atakkāvacara” (ngòai lý luận, ngoài lời) tạm trình bày là “tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy…” sau này ngài tạm gọi là “Tâm Như” / Citta Tathā. Cũng vì qua Tâm Như mà sáng đạo, nên Đức Phật tự xưng là Như Lai / Tathāgata (Such-Gone/ Thus-Come).
+ Ngài nhận ra chính mình đã có vô số đời sống trong quá khứ.
+ Tất cả con người cũng đã trải qua vô số đời sống, mà mỗi đời là kết quả của đời trước, tức có liên hệ nhân quả của nhau.
+ Nguyên nhân chính là lậu hoặc, những thứ đam mê không từ bỏ được khiến con người suy nghĩ, nói năng, hành động, tạo ra nghiệp quả về sau, khiến cho phải tái sinh mãi.
+ Từ đó đức Phật lập ra Bốn chân lý/ Tứ Đế để dạy đệ tử, trong Bát chánh đạo cũng là con đường của Giới- Định- Tuệ.
+ Từ kinh nghiệm của chính mình, đức Phật trình bày rõ trong bài Đại kinh Xóm Ngựa này, cũng bắt đầu là Giới để đạt Định và Tuệ.
+ Qua bài khảo sát nhỏ này, chúng ta cũng có thể nhận ra tính cách thực nghiệm của Phật đạo: chính Đức Phật đã kinh nghiệm con đường thanh tịnh hóa tâm, phát huy trí tuệ, và những ai thực hành đúng theo con đường ấy, cũng sẽ đạt được kết quả giống như vậy.
10- Bậc A la hán
“Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo được gọi là bậc A la hán? Vị này đã làm cho xa lìa các ác, pháp bất thiện, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh, già, chết trong tương lai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được gọi là bậc A la hán.”
Đây là đoạn kết trong bài Đại kinh Xóm Ngựa: Những vị xứng đáng được gọi là Tỳ kheo, là Sa môn, là Bà la môn, là bậc thánh, là bậc A la hán, tất cả phải là những vị đã xa lìa, đã tắm rửa sạch, đã đoạn trừ các ác, pháp bất thiện …
Hôm nay, xin gởi đến các bạn thiền một xâu chìa khóa vàng, tra vào ổ khóa Tâm, có thể mở cánh cổng của Giới để từ từ bước vào Phật Đạo.
Tổ Đình, 1- 8- 2023
TN
Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - Bài 37
TỪ CỔNG GIỚI
Con mong Ni Sư luôn có thật nhiều sức khỏe!
- Thanh Trúc -