CHÁNH NIỆM và CÁCH THỰC HÀNH
Trích từ bài đọc thêm “Kinh Rohitassa” của Hòa Thượng Thích Thông Triệt.
Hạnh phúc không nằm ở đâu xa mà luôn có mặt ngay trong ta. Chúng ta không nhận ra được vì do đắm chìm trong tiếc nuối quá khứ, rong ruổi tới tương lai hay đánh mất mình trong giây phút hiện tại. Chánh niệm mang sự có mặt của tâm về lại với thân, giúp con người có được an lạc và tỉnh thức trong giây phút bây giờ và ở đây. Năng lượng chánh niệm giúp biết rõ điều gì đang xảy ra với bản thân và môi trường chung quanh. Nhờ chánh niệm, ta biết mình đang sống và trân quý sự có mặt của các điều kỳ diệu thực sự đang hiện hữu quanh ta. Tâm không còn lăng xăng dao động, không chạy theo bất cứ dính mắc nào và trở nên hài hòa với mọi thứ. Khi có sự thực tập, tâm hợp nhất với thân, ta thực sự có mặt cho những người xung quanh.
Chánh niệm tỉnh giác giúp tâm dừng lại để sống trọn vẹn với cái đang là. Khi tỉnh giác, năng lượng Phật được biểu hiện, khi thất niệm năng lượng chúng sanh có mặt. Khi bản thân có nhiều hạnh phúc, ta mới có thể san sẻ hạnh phúc đến cho người khác. Chánh niệm là bây giờ và ở đây, thực tập ngay lúc này và tại chỗ này. Chánh niệm không thể có mặt do cầu nguyện hay lễ nghi bên ngoài. Chánh niệm chỉ để chánh niệm, không phải mong cầu điều gì. Khi đã thành thói quen thuần thục, thì chánh niệm mà như không chánh niệm.
Càng chánh niệm thì càng hạnh phúc. Chức năng của chánh niệm là nhận diện và trước hết là cái biết đơn thuần (đơn niệm biết không lời). Trong đó không có sự phán xét hay đưa vào ý kiến riêng. Chúng ta thường ưa thích các thói quen như ganh ghét, sân hận, si mê, nghi ngờ .v.v. vừa tạo nghiệp vừa làm mất hết thời gian công phu. Ta là cái đang thấy, đang nghe, đang xúc chạm. Cho nên an trú với cái đang thấy, đang nghe, đang xúc chạm thì ta có hạnh phúc. Khi vắng bóng tất cả các khái niệm, ta không còn kẹt hai bên, nhìn cái gì cũng thấy dễ thương. Khi mọi dính mắc không còn, hạnh phúc to lớn vô cùng. Hạnh phúc không phải là những thứ mang vào mà hạnh phúc chính là sự buông bỏ hay không còn cố chấp.
Tóm lại, chánh niệm tiêu trừ mọi áp lực, xoa dịu các căng thẳng và giải tỏa mọi điều trói buộc. Ta trở nên nhẹ nhàng, không còn lo lắng, không còn sầu khổ, điều này đồng nghĩa với Niết bàn có mặt. Bản chất của chánh niệm chính là vô niệm. Bằng cách nào để thực hành chánh niệm tỉnh giác?
Trong Phẩm ROHITASSA, Phật dạy 4 loại định, trong đó Phật đề cập đến "Biết rõ ràng hay biết toàn thể." Từ Pāli là "sati ca sampajañña" được dịch là "chánh niệm tỉnh giác." Phật nói: "Này các Tỳ kheo, có bốn định tu tập này. Thế nào là bốn?
"Và này các Tỳ kheo, thế nào là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chánh niệm tỉnh giác?"
"Ở đây, này các Tỳ kheo, với vị Tỳ kheo, thọ1 khởi lên được biết rõ, thọ an trú được biết rõ, thọ chấm dứt được biết rõ; tưởng2 khởi lên được biết rõ, tưởng an trú, được biết rõ, tưởng chấm dứt được biết rõ; tầm3 khởi lên được biết rõ, tầm an trú, được biết rõ, tầm chấm dứt được biết rõ."
"Này các Tỳ kheo, đây gọi là định tu tập, do tu tập làm cho sung mãn, đưa đến chánh niệm tỉnh giác."
(Trích Phẩm ROHITASSA, Tăng Chi Bộ Kinh, Chương 4 Pháp, Phẩm V, nói về 4 loại định)
Cách thực hành: Làm thế nào để ứng dụng chánh niệm tỉnh giác đối với thọ, tưởng, tầm khi chúng khởi lên lúc ta đương ở trong trạng thái Định?
Bước thứ nhất. - Ứng dụng bài kinh Rohitassa, bằng cách biết ba trạng thái khởi lên, an trụ hay chấm dứt của thọ, tưởng và tầm.
Khi ứng dụng bài kinh này, thiền gia phải sử dụng sự "thầm nhận biết" trong lúc tọa thiền. Đó là khi tư thế tọa thiền vừa ổn định, ta sẽ tuần tự cảm nhận (thọ) sự nặng ở một trong 3 vùng, gồm vùng tiền trán, liên hệ đến vùng Broca; vùng thùy đỉnh, liên hệ đến vùng thân thọ, và vùng tam giác phía sau bán cầu não trái, liên hệ đến vùng tánh giác. Ta chỉ thầm nhận biết mà không duyên theo 1 trong 3 sắc thái "thọ" đó. Ngoài ra nếu bất chợt có "tưởng" khởi lên hay chấm dứt hoặc kéo dài (gọi là an trụ), ta cũng thầm nhận biết để không duyên theo chúng. "Tưởng" có nghĩa là những hình ảnh của tâm được gợi lên trong nhãn thức mà ta nhận ra được qua các biểu tượng trong tâm. Chúng khởi lên không có tính cách liên tục mà chỉ do quán tính động của tế bào não của 2 vùng ký ức vận hành ở tiền trán 2 bán cầu não trái và phải, và vùng ký ức dài hạn phát ra. Những hình ảnh đó thực sự là những tri giác được ghi lại trong các vùng ký ức nói trên.
Riêng về tầm khởi lên hay kéo dài hoặc dứt đi, ta cũng đều thầm nhận biết mà không duyên theo. "Tầm" có nghĩa sự suy nghĩ/ngẫm nghĩ điều gì. Thực chất sự suy nghĩ/ngẫm nghĩ chính là sự nói thầm, như trên đã nói, vì vậy, trong trường hợp này, quán tính nói thầm vẫn còn khởi lên, nhưng không còn mạnh như ở trạng thái sơ định hoặc cận hành định. Vì vậy, bằng thầm nhận biết, thiền gia có khả năng chấm dứt quán tính này.
Trên nguyên tắc, khi thiền gia đã hoàn toàn dứt được thọ, tưởng, tầm, xem như vị ấy chủ động được tâm hành1, ngôn hành2 (khẩu hành), và điều chỉnh được thân hành3. Lúc bấy giờ ta sẽ có kinh nghiệm trạng thái tịnh tức.
Nói theo Thiền tông, đây là thiền gia đã cắt đứt được đường ngôn ngữ, làm chủ niệm khởi, không còn theo vọng tưởng; mọi phong thái, oai nghi của thiền gia đều trong thanh tịnh, an lạc. Nội tâm thiền gia không còn khởi niệm lăng xăng, vọng động theo quán tính cũ của ý thức và ý căn. Mây mù vô minh bắt đầu bị xua tan khỏi vùng trời tánh giác, và tánh giác của thiền gia bắt đầu trở thành một năng lực, hiện hữu thường trực hơn và vững chắc.
Bước thứ hai. - An trú trong Xả. Từ này đồng nghĩa với "trụ trong xả." Đây là trạng thái "ý niệm ta/tự ngã ở trong trạng thái bình thản, thư thái, thản nhiên." Nói theo Thiền tông, đây là bước mà "ý niệm tự ngã của thiền gia trụ trong tánh giác." Bởi vì khi thành tựu Xả ở bước thứ nhất, tức là tánh giác đã thực sự có mặt vì đàng sau Xả là cái biết bình thản, dửng dưng, thư thái, trầm tĩnh, thản nhiên, chứ không phải "không có gì hết" ở phía sau trạng thái Xả.
______________________
1. Thọ = P: vedana = cảm giác ấn tượng (feeling, sensation).
2. Tưởng = P: sañña = perception = tri giác biểu tượng; cảnh tượng bên ngoài do các căn tiếp xúc rồi hiện rõ lên trong tâm; hình thức của nhận thức cao hơn cảm giác, thông qua cơ chế của 6 căn nhận thông tin từ bên ngoài vào rồi lập thành biểu tượng, tạo ra các sắc thái tâm sở.
3. Tầm = P: vitakka = suy nghĩ, ngẫm nghĩ (pondering, reflection) = nói thầm. Đây là trạng thái tâm hướng đến đối tượng do sự khởi dậy hình ảnh hay biểu tượng từ vùng ký ức vận hành và ký ức dài hạn, tạo ra niệm khởi dưới dạng suy nghĩ bằng sự nói thầm. Trong giai đoạn này, sự nói thầm không còn là một năng lực mãnh liệt như trước khi ta dụng công tu.
Nói theo kinh Kim Cang, ở bước thứ nhất thiền gia đã hoàn toàn "hàng phục được vọng tâm." Đến bước thứ hai, thiền gia "an trụ trong chân tâm" vậy. Còn nói theo Trí Độ Luận của Ngài Long Thọ, đây là lúc thiền gia "an trụ trong vô sanh pháp nhẫn." Còn sánh với Thiền tông, bằng phương thức an trú trong xả nêu trên, thiền gia đã hội nhập vào tánh giác thành một thể thống nhất. Trong đó, ý niệm tự ngã mất, trái lại chỉ có trạng thái biết không lời hiện hữu thường trực.
Nếu thành tựu thực sự an trú trong xả, tánh giác của thiền gia sẽ có mặt thường trực trong sinh hoạt hằng ngày của vị ấy. Đây là lúc con trâu đen trở thành trâu trắng, nói theo "Mười Tranh Chăn Trâu." Còn nói theo Thiền tông, đây là lúc thiền gia đã thành tựu được pháp "đạt được tánh giác" hay "kiến tánh."
______________________
1. Tâm hành: Pāli: citta-sankhāra = mental conformation or creation of the mind or mental function = sự cấu tạo của tâm; sự sáng tạo của tâm hay cái dụng của tâm. Thí dụ, tất cả hiện tượng thế gian tuy có mà không thật, không trường cửu, trái lại tâm cho là thật, lâu dài, vĩnh viễn; rồi từ đó sinh ra chấp trước, đưa đến đấu tranh, giành giựt, hơn thua để bảo vệ quyền lợi; tạo ra muôn ngàn điều điên đảo thiện/ác để thỏa mãn nguyện vọng của vọng tâm. Tâm hành là nguồn cội của phiền não và đau khổ, cũng là chướng ngại của thiền định. Tâm hành gồm thọ và tưởng.
2. Ngôn hành: Pāli: vācī-sankhāra = "verbal formation," verbal function of the mind = "cấu tạo lời nói." Thuật ngữ, chỉ chức năng nói của tâm. Đồng nghĩa với nói thầm (whispering), nói lầm bầm (muttering) hay tâm ngôn (mental chatter).
3. Thân hành: Pāli: kāya-sankhāra = "bodily formation," bodily actions, including behavior, conduct, and deportment. Hành động của thân, gồm 1) phong thái: đoan trang, không còn rung đùi nhịp cẳng, quơ tay, múa chân, ngồi đứng không yên khi tiếp xúc với mọi người, 2) hạnh kiểm: được biểu lộ qua thân phù hợp theo luân lý và đạo đức, không có hành vi cử chỉ khinh rẻ người, 3) thái độ: đi, đứng, ngồi, nằm không còn những cử chỉ thô tháo, phù hợp theo luật nghi nhà Phật đối với sự quan hệ bên ngoài, nói chung đối với mọi người trong gia đình, xã hội và cộng đồng.
KỸ THUẬT THỰC HÀNH
1. Suốt thời thiền, thiền gia luôn luôn giữ niệm "thầm nhận biết." Đây là trạng thái "biết vô ngôn trong tư thế thầm lặng biết của tánh giác."
2. Khi ứng dụng "thầm nhận biết," nếu gặp khó khăn cần sử dụng các kỹ thuật "gá ý nghĩ vào các vị trí ở môi, miệng, lưỡi, răng."
3. Nhớ luôn luôn kiểm soát thân mình, đầu, cổ cho thẳng đứng.
KẾT QUẢ
Trong tiến trình "an trụ trong xả," cơ thể vị ấy rơi vào tác dụng sinh học, qua đó tập khí hay lậu hoặc được đào thải, nhờ vậy đưa đến những kết quả:
1. Đoạn tận được "5 dây trói buộc" hay "5 hạ phần kiết sử," gồm: thân kiến, giới cấm thủ, nghi, tham, và sân. Ta đã biết 3 nội dung nghi, tham và sân ở phần 5 chướng ngại của tâm, riêng "thân kiến" là xem thân mình có thật và trường cửu, đưa đến quí trọng thân, chuyên tâm chăm lo bồi bổ các đòi hỏi của thân. Từ đó dễ tạo nghiệp bất thiện hay phạm giới cấm. Còn "giới cấm thủ" là sự tôn trọng triệt để những tục lệ lễ nghi cúng kiến sai lầm, như cúng sao, cúng hạn, cúng thần bò, thần rắn, thần lửa v.v... Khi thành tựu an trú xả, tâm và trí ta trở nên thanh tịnh, bình thản nên không còn vướng mắc vào 5 dây trói buộc nêu trên.
2. Cân bằng được thân và quân bình được tâm.
3. Thân và tâm đều hài hòa cùng nhau, đưa đến thần sắc trong sáng.
4. Trí huệ hiện rõ trước tiên là A tì bạt trí (Pāli: adhipañña; Skt: adhiprajña). Đây là trí thấy như thật, cũng còn gọi là trí không phân biệt (Skt: nirvikalpa-jñāna = non-discriminative wisdom or knowledge), thuật ngữ do các nhà Duy Thức Ấn độ sử dụng; còn các nhà Phật giáo Trung Hoa, Nhật bản và Việt Nam gọi là "căn bản trí - fundamental knowledge or wisdom." Với trí này, vật thế nào vị ấy thấy y như thế đó. Nội tâm vị ấy không còn mang bệnh chủ quan, thành kiến đối với bất kỳ đối tượng nào. Và sau đó là sự phát triển trí vô sư.
TÓM KẾT
1. Với Thiền Nguyên Thủy, chánh niệm được xem như bước dụng công quan trọng bậc nhất, vì nó là nền tảng của Chánh định hay Không định. Từ chánh niệm, thiền gia có thể tiến vào Chánh định hay Không định mà không cần qua các từng định của thiền vô sắc như không vô biên, thức vô biên, vô sở hữu xứ và phi tưởng, phi phi tưởng xứ, hoặc vô tướng tâm định.
2. Sánh với Thiền tông, nếu thành tựu vững chắc an trú trong xả, xem như ta thực sự đạt được tánh giác và hằng sống với tánh giác.
3. Vấn đề đặt ra trong Khóa Đặc biệt này, mỗi thiền sinh cần kiên trì nỗ lực dụng công theo từng bước được hướng dẫn. Thiếu nỗ lực thực hành, ta sẽ không bao giờ kinh nghiệm được sự chuyển hóa tâm, thăng hoa trí huệ và quân bình cơ thể.
4. Lý thuyết đã có sẵn, mong quí vị kiên trì dụng công.
Xin hồi hướng công đức đến khắp tất cả.
Tuệ Chiếu