Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời BÀI 22
Hổm nay chúng ta đã tìm hiểu bài Đại kinh Rừng Sừng Bò, sáu vị thánh nhân trình bày hình ảnh lý tưởng của vị tỳ kheo trí tuệ và đức hạnh, có thể chiếu sáng khu rừng hơn cả ánh trăng rằm đêm ấy. Mỗi vị bày tỏ con đường tu có thể không giống nhau nhưng thành quả cuối thì vẫn là một, tức là hoàn mãn đời sống trong sạch và trí tuệ, giúp ích cho chính mình và giúp ích cho đời.
Người cho ý kiến cuối cùng là đức Phật. Đức Phật nói:
-- Này Sariputta, tất cả đều lần lượt khéo trả lời. Và này các Ông hãy nghe Ta nói hạng Tỷ-kheo nào có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga? Ở đây, này Sariputta, Tỷ-kheo, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực về, ngồi kiết-già, lưng thẳng, đặt niệm trước mặt, và nghĩ rằng: "Ta sẽ không bỏ ngồi kiết-già này cho đến khi tâm của ta được khéo giải thoát các lậu hoặc, không có chấp thủ". Này Sariputta, hạng Tỷ-kheo như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga.
Chúng ta nghĩ sao? Đức Phật không nói những gì cao xa, hay quá khó khăn đối với người bình thường: nào là hạnh đầu đà, sống nơi rừng núi, độc cư, khổ hạnh, hay là thiên nhãn thông... ngài đưa ra những điều kiện thật là đơn giản, lối sống hằng ngày của người tu chỉ là: buổi sáng đi khất thực, ăn xong, rảnh rang rồi thì mới tu tập. Tìm chỗ yên lặng, ngồi xuống, chân kiết già, lưng thẳng. Tâm thì sao? Nhớ: “đặt niệm trước mặt”. Chỉ vậy thôi.
Niệm là gì? Pāli là Sati, Sanskrit là Sṁrti, là cái Biết. Biết có lời hay Biết không lời. Biết là có trí tuệ, Biết càng rõ, càng sáng là trí tuệ càng rõ. Không biết mình đang làm gì, không biết mình đang ra sao, là đã phóng tâm nghĩ việc khác, nghĩ tới quá khứ hay tương lai, thân ở đây mà ý nghĩ ở chỗ khác. Thì việc ở đây không xong, mà việc khác cũng không xong. Vậy có khác gì đang sống mà lờ mờ, tâm lăng xăng, phóng dật.
Đức Phật chỉ cần một điều kiện: “đặt niệm trước mặt”. Dù mình sử dụng giác quan nào, cũng phải đặt cái Biết trước mặt. Thì sao?
Nếu mở mắt nhìn, thấy ngay cái đang là của cảnh, tâm khách quan tức khắc.
Nếu nhắm mắt, thấy ngay tâm trong sạch, yên lặng.
Nếu đi, biết từng bước chân xúc chạm.
Nếu hít thở, thấy ngay tâm yên lặng.
Dù ta tập các phương thức: Quán, hay Chỉ, hay Định hay Tuệ, khi nào cũng nhớ “đặt niệm Biết trước mặt”. Biết có lời hay không lời thiệt ra không quan trọng bằng phẩm chất trong sạch của cái Biết. Biết trong sạch khi không có ý tham, sân hay si. Hễ trong sạch thì khách quan, là Biết Như Thực.
Tóm lại, chúng ta nhận thấy phương thức mà Đức Phật đưa ra có tính phổ thông, đơn giản và thực tế nhất. Tất cả các vị tỳ kheo của đức Phật đều sống cuộc đời đơn giản như vậy, tuy nhiên có thêm một đức tính quan trọng nữa là: cương quyết, kiên cường, hay là “quyết định ba la mật”, đó là: phải đạt tới mục tiêu: chấm dứt hết lậu hoặc, không còn chấp thủ”. Bây giờ, làm sao áp dụng cho chúng ta?
Mình còn là người cư sĩ, hay ngay cả tu sĩ, trong xã hội này, chúng ta không thể hành phương thức khất thực mỗi buổi sáng nữa. Chúng ta sống biết đủ, bớt đòi hỏi tiện nghi. Dành nhiều thời gian thực tập, trong sinh hoạt hằng ngày, luôn nhắc mình “Biết rõ ràng trong bây giờ và ở đây”. Biết mình đang làm gì, biết tâm mình đang ra sao, có tham hay sân hay si không, biết cảm thọ đang như thế nào ...Thường xuyên quan sát tâm mình như vậy, thì tới lúc ta sẽ nhận ra tâm mình yên lặng, trong sạch, khách quan. Đó là bản thể tự nhiên của tâm, ta đã trở về an trú trong bản thể tâm của mình. Con đường tu chỉ là vậy.
Các bạn ơi, chúng ta chỉ mới được nghe 6 vị đệ tử của đức Phật, chúng ta đã có 6 phương hướng tu rồi. Nếu chúng ta nghe 1250 vị Arahant thì chắc sẽ có 1250 cách tu tập khác nhau nữa, tuy tất cả cùng chung một bậc Thầy là đức Phật. Tại sao? Vì căn cơ, vì tâm tánh, vì hoàn cảnh mỗi vị khác nhau hết. Bởi vậy, các vị Tổ Phát triển mới nói có 84 ngàn pháp môn đi vào cửa giác ngộ. Đó là con số tổng quát, ý nói vô số con đường tu để “trở về nhà”. Ngôi nhà là một mà có vô số cửa. Như vậy là gì? Là ngôi nhà không có cửa, hay không có vách ngăn. Chỗ nào cũng là cửa để vào, cũng có nghĩa là không có cửa. Phải không các bạn?
84 ngàn pháp môn có nghĩa là không có pháp môn. Vì sao vậy?
Đi cách nào cũng vào nhà, vì nhà là sẵn có, là của riêng mình. Ta đang ở trong nhà, luôn luôn đang ở trong nhà. Chỉ là mình không tin sự thật này, nên mình bôn ba tìm kiếm đâu đâu. Hãy sống hồn nhiên, thật tự nhiên, không cần thêm gì hết, là mình đang ở trong nhà của mình.
Cho nên không có con đường tu, vì còn con đường là ta phải bước đi tới, là còn ta , còn mục tiêu, là còn phải cố gắng tìm kiếm, mà càng tìm kiếm thì càng đi xa “nhà”. Chúng ta đừng nên bắt chước anh chàng cùng tử, trong kinh Pháp Hoa, bỏ nhà ra đi, nghèo khổ suốt 50, khi quay lại phải dọn sạch rác rưởi suốt 20 năm nữa, tới khi nhận ra cha mình, lãnh trọn gia tài của cha, thì mái tóc trên đầu đã bạc phơ rồi. Còn thời gian đâu để giúp ích cho đời? Các bạn thân mến ơi, tóc mình có bạc chưa vậy?
Thiền viện, 26- 6- 2022
TN
84 NGÀN PHÁP MÔN
Click icon tam giác để nghe - Click icon ba dấu chấm để download
Con lặn hụp giữa biển pháp, thấy cửa nào cũng đeo nên trên đường tìm đạo "không có cửa" cho con. Nhưng nếu lắng lòng nghe tiếng lương tâm thì chỉ thấy có một con đường là trở về nhà, cải tà quy chánh.
Hôm nào lẻn vào cửa không không cửa, ngày ngày dọn dẹp, nghe kinh, quét rác, nấu cơm, gánh nước, đến gốc cây tiêu "tắt niệm" ngồi chơi ... thời thời khép sáu cửa, thanh tịnh như vậy thôi!