Tháng 3- 2011, Thầy và tăng đoàn vừa hoàn thành các khóa tu học tại San Jose ngày 13, sang ngày 14 tất cả bay về thiền viện.
Thầy Thiền Chủ bận nhiều việc nên Thầy trụ ở thiền viện chuẩn bị cho ngày “Kỷ niệm 15 năm hoằng hóa” sắp tới. Thầy chỉ thị Sư cô Triệt Như và 2 thiền sinh thuộc đạo tràng San Jose, cô Huệ Như và cô Diệu Nhân, lần này tháp tùng theo sư cô lên Virginia phụ trách
về hướng dẫn khí công. Virginia là 1 “đất mới”, lần đầu tiên tổ chức khóa Thiền căn bản. Khóa Thiền này thành hình là do nhiều nhân nhiều duyên. Đầu tiên, cô Tú Anh cư dân của Virginia, xuống Đạo tràng San Jose
dự khóa căn bản từ vài năm trước, sau đó cô phát tâm muốn mời Thầy lên
Virginia truyền bá pháp môn Tánh Không. Nhưng lúc đó chưa đủ duyên. Đến năm 2010, cô bác sĩ Ngọc Diệp, thiền sinh đạo tràng San Jose tham dự các lớp Căn bản và Bát nhã, sau đó cô thực hành có kết quả chuyển đổi nhận thức, cô thường giới thiệu bạn bè và bệnh nhân đến sinh hoạt thực tập Thiền và khí công tại San Jose, cô đã giới thiệu pháp môn Tánh
Không đến cô em đang sống tại Maryland là cô Minh Tâm. Từ đó cô Tú Anh, cô Minh Tâm họp nhau lại thảo luận và cuối cùng nhờ 1 người bạn là cô Tâm Diệu Phú đứng ra tổ chức. Thêm điều kiện thuận lợi nữa là chùa Hoa Nghiêm do Thầy Kiến Khai đang trụ trì, đã vui lòng cho mượn chánh điện để làm giảng đường đồng thời là chỗ tập khí công cho thiền sinh. Chùa Hoa Nghiêm xin giấy phép xây cất đã 10 năm, nay mới được chấp thuận, lễ khánh thành chùa sẽ được tổ chức ngày 4- 4, cùng ngày với lễ kỷ niệm 15 năm hoằng hóa của thiền viện Tánh Không chúng ta. Thầy Kiến Khai là đệ tử Hòa Thượng Sư Ông Thanh Từ, cùng với Thầy Thiền chủ là chỗ cố tri. Cho nên kỳ này Thầy Thiền chủ rất tiếc khi không lên
Virginia được.
Tăng đoàn kỳ này có thêm 2 thiền sinh của Nam
Cali là anh Tâm Hiền và cô Tâm Hoa dự định bay lên Virginia để hỗ trợ Thầy Thiền Chủ, không ngờ đến ngày gần kề, Thầy quyết định ở lại thiền viện, bỏ vé máy bay. Tuy nhiên 2 vị cũng vẫn lên Virginia thăm gia đình
anh chị Quang Chơn- Mỹ Hiền và hỗ trợ sư cô Triệt Như. Anh Quang Chơn và cô Mỹ Hiền đã từng bay xuống Nam Cali cùng với 2 em là anh Tâm Hiền và cô Tâm Hoa tham gia chuyến hành hương Ấn Độ vào tháng 2- 2010 và khóa nhập thất chuyên tu Thiền Định 10 ngày tại Sanzang Retreat Center tháng 10- năm 2010.
Vừa bước xuống phi trường Virginia, sư cô Triệt Như và cô Diệu Nhân còn đang bỡ ngỡ nhìn quanh quất,
thì trông thấy anh Quang Chơn, cô Mỹ Hiền và 1 cô chưa quen. Sau khi mừng rỡ chào hỏi, mới biết đó là cô Minh Tâm, em cô Ngọc Diệp. Cô Minh Tâm cùng với ông xã từ tiểu bang Maryland lái xe qua đón. Tất cả đưa về
chùa Hoa Nghiêm, xem phòng học, phòng ăn… Chúng tôi gặp gỡ ban tổ chức
khóa tu, mà đại diện là cô Tâm Diệu Phú lo chuẩn bị bữa cơm chiều tại chùa cho chúng tôi. Sau đó theo lời thỉnh mời từ trước, sư cô Triệt Như
và cô Diệu Nhân về tạm trú 8 ngày tại nhà ông Quang Chơn- cô Mỹ Hiền cùng với anh Tâm Hiền cô Tâm Hoa bay đến trong ngày hôm sau. Còn cô Huệ
Như bay thẳng từ San Jose lên Virginia và tạm trú tại nhà anh em của cô, ở gần chùa hơn.
Trên đường từ phi trường về, ngang qua Washington DC,
nhìn ra bờ hồ, những cây hoa anh đào vẫn còn búp non, chưa có 1 hoa nào
nở cả. Cành thì trụi lá, chưa thấy có 1 nụ nào ửng hồng. Ngẫm nghĩ chắc là mình không có duyên ngắm hoa đào nở. Đây là vài hình ảnh thủ đô
Washington DC chụp vội trong khi nhìn ra đường phố qua cửa kiếng xe.
Khóa Căn bản 73
Khai giảng ngày thứ bảy 19, bế giảng ngày thứ sáu 25 tháng 3. Khóa này gồm 30 thiền sinh. Tuy nhiên trong mấy ngày sau có thêm 1 số người mới đến dự thính. Lý do: sáng ngày chủ nhật, chùa Hoa Nghiêm có 1 buổi lễ cầu an, cầu siêu cho nạn nhân thiên tai sóng thần tsunami tiêu hủy 1 thành phố ven biển của Nhật bản. Phật tử đến dự rất đông, đầy cả chánh điện. Sau phần nghi thức tôn giáo do Thầy Kiến Khai chủ trì, ban tổ chức có mời sư cô Triệt Như nói 1 bài pháp ngắn trong 30 phút. Thầy Kiến Khai đắp y ngồi trên bục cao giữa chánh điện, sư cô Triệt Như cũng đắp y ngồi bên phải sau bàn giảng pháp thường ngày. Bài pháp ngắn đại ý như sau:
…“ Chúng ta gặp nhau hôm nay làm 1 buổi lễ cầu an và cầu siêu cho những nạn nhân vừa qua của thiên
tai sóng thần Nhật bản là 1 điều rất tốt, chia sẻ nỗi đau đớn mất mát với người dân Nhật bản. Điều này nói lên được phần nào tấm lòng từ bi không ranh giới chủng tộc hay tôn giáo của chúng ta. Đồng thời chúng ta
nhận ra rõ ràng qui luật vô thường của kiếp sống con người. Nhưng không phải nhận ra vô thường để rồi sợ hãi hay đau khổ. Mà chúng ta nhận
ra sự sống của chúng ta rất là quí báu. Nó có thể bất chợt mất đi. Trong bài kinh ngắn tựa đề “Niệm chết”, Đức Phật có dạy đệ tử như sau “Bất cứ lúc nào các ông cũng có thể chết, 1 con bò cạp, 1 con rắn rít, ngay cả 1 ngọn gió kiếm, các ông cũng có thể chết. Vậy các ông phải tu tập chánh niệm tỉnh giác trong từng phút giây …” Chánh niệm tỉnh giác có nghĩa là Biết rõ ràng và đầy đủ mà không dính mắc. Làm sao để không dính mắc ?
Hằng
ngày các giác quan tiếp xúc với đối tượng, đối tượng thế nào, nhận biết
rõ ràng y thế đó, không thêm bớt. Như thế cũng có nghĩa nhận biết hiện
tượng thế gian trong “bây giờ và ở đây.” Chỉ có giây phút “bây giờ và ở
đây” mới có thể tu tập để chuyển nghiệp của mình. Chúng ta không còn đau buồn vì quá khứ, không sợ hãi lo âu đến tương lai, cũng không dính mắc trong hiện tại. Không dính mắc thì không còn khổ. Vậy bài học vô thường vừa qua như là 1 thông điệp của Đức Phật gửi đến chúng ta, nhắc nhở
chúng
ta phải tỉnh ngộ sớm, siêng năng tu tập thì mới thoát khổ …” Những ngày
học sau, số thiền sinh trong lớp tăng lên, thường lớp hơn 40 người, cũng nghe giảng và thực tập nghiêm chỉnh như thiền sinh chính thức.
Chùa mới xây cất mà đã trang bị đầy đủ về âm thanh, máy chiếu hình trên màn ảnh rất tiện nghi. Sau mỗi buổi học chiều, thiền sinh đều ở lại tập khí công theo sự hướng dẫn của cô Huệ Như và Diệu Nhân.
Chiều ngày thứ sáu 25 là bế giảng lớp, vài thiền sinh đã lên phát biểu rất cảm động, nói lên vài sự chuyển đổi
nhận thức nơi mình. Được biết ngày mai, thứ bảy, là ngày khai mạc “Lễ Hội Hoa Đào” trong 1 tuần tại thủ đô Washington
DC., nhưng sáng ngày mai chúng tôi phải ra phi trường rồi, nên tranh thủ chiều thứ sáu chúng tôi từ giả lớp học, phóng xe ra thủ đô, chụp vài tấm ảnh hoa đào nở . Chỉ có 1 tuần lễ, hoa đã nở rộ trắng xóa những con đường dọc bờ hồ. Những đóa hoa trắng điểm hồng nhạt, vào hình không nhận ra được màu hồng phấn. Thanh niên thiếu nữ bách bộ dưới những tàng
cây nặng trĩu hoa và hương. Trời đã về chiều, mặt trời sắp lặn, gió mát lạnh, hoa đào vẫn nhởn nhơ bên bờ hồ.
Chúng tôi giã từ thành phố hoa đào khi đường phố đã lên đèn. Hình chụp hoa đào trong ánh ráng chiều.
Trong
1 tuần lễ ở Virginia, anh Quang Chơn, cô Mỹ Hiền đã tranh thủ thời gian đưa chúng tôi đi ngắm phố và chụp vài tấm ảnh nơi công viên “kỷ niệm chiến tranh VN”.
Chúng tôi đi bách bộ theo những con đường nhỏ quanh co, chụp vài tấm ảnh với ngôi tháp cao vút, hình dáng giống cây bút chì. Đi thêm 1 đổi nữa vào trong công viên, chúng tôi nhìn thấy 1 pho tượng 3 người chiến binh đang đứng cùng nhìn về 1 hướng.
Bước thêm vài chục bước, chúng tôi nhìn thấy 1 pho tượng đen: 1 người chiến sĩ ngã gục, bên cạnh là 3 cô nữ quân y. Mỗi người biểu lộ 1 tâm trạng đau khổ riêng: 1 cô đang ngồi, ôm người chiến sĩ trên tay, 1 cô đứng ngẫng đầu nhìn lên trời cao, 1 cô quì gối cúi đầu nhìn xuống đất…
Chúng tôi đã lặng người khi nhìn thấy 1 bức tường dài, ghi tên họ những người chiến binh Mỹ đã ra đi trong chiến tranh tại VN. Đang tuổi
thanh xuân, sức khỏe tràn đầy, tương lai còn dài, người thân yêu đâu đó
đang chờ đợi người trở về. Mà bây giờ chỉ còn lại cái tên vô nghĩa trên mặt tường đá đen lạnh ngắt. Du khách cũng nhiều người đến nhìn tên
họ trên bức tường tử sĩ, họ nghĩ gì ? nào ai biết.
Công danh, sự nghiệp ? Tuổi trẻ, tình yêu ?
Dân tộc, tổ quốc ? Chiến tranh, hòa bình ? Tất cả rồi cũng qua đi, như
những cánh hoa đào xinh xắn, khoe hương khoe sắc, trong 1 tuần lễ, rồi
cũng tàn phai …Để rồi âm thầm, 1 năm sau lại đua nhau nở, đong đưa trong gió xuân, nhưng không phải là “hoa đào năm trước”.
Chúng tôi nhớ lại, tại thủ đô Berlin của nước Đức có 1 đài kỷ niệm “tội lỗi của người Đức” đối với dân tộc Do Thái. Chính phủ Đức đã xây 1 lễ đài rất nhiều những ngôi mộ giả chồng chất lên nhau để nhắc nhở thế hệ sau này, người Đức đừng quên những tội
sát nhân của tổ tiên mình trong quá khứ và đừng bao giờ tái phạm. Nước Đức vẫn còn gìn giữ những “lò thiêu sát nhân” đó như những chứng nhân lịch sử cho du khách tham quan. Chỗ nào là phòng giam người, giường nằm
chồng chất lên nhau chật ních, chỗ nào là con đường dẫn tới nhà thờ nhỏ, cho cầu nguyện tha hồ trước khi đi vào phòng tắm tập thể. Đây là phòng tắm, trước khi bước vào phải cởi bỏ tất cả trang sức áo quần; trên nóc là chỗ hơi ngạt thả ra. Đó là lò thiêu, chỗ này cho xác người vào …Những hình ảnh tra tấn bằng ngọn roi da bò, hình chụp người nằm chết bên hàng rào vì lẽn trốn. Bao bọc lò thiêu là tường rào có lô cốt để canh gác v.v…Mà các bạn có biết không ? Bản đồ nước Đức về những vị trí của lò thiêu người, nhìn vào chúng ta sẽ thấy chi chít những đốm đen không thể đếm được. Mỗi đốm đen là 1 lò thiêu !
Còn nữa, những năm đầu qua du hóa Pháp, có 1 lần chúng tôi đi bờ biển Normandie cùng với thiền sinh đạo tràng Paris. Tại đó còn nhiều di tích lịch sử về trận thế chiến II giữa phe Đức quốc xã và quân đội Đồng minh. Dọc bờ biển vẫn còn những khẩu đại bác khổng lồ, 1 nhà kỷ niệm trưng bày các mô hình của trận chiến. Trong những ngày đầu cuộc chiến, những chiến thuyền nhỏ trùng trùng điệp điệp, từ ngoài khơi
đổ vào, lướt sóng thẳng tấn công vào bờ biển, đã trở thành những miếng
mồi ngon cho những khẩu đại bác vô tình. Có hơn 10 ngàn người tử trận ngay lúc đầu. Sau đó, chúng tôi có đi viếng nghĩa trang quân đội Pháp: hàng hàng lớp lớp những ngôi mộ với cây thánh giá màu trắng và 1 tấm mộ
bia ghi rõ tên họ người tử sĩ. Không xa nơi đó, chúng tôi đến viếng nghĩa trang quân đội Đức. Cũng không thể đếm được, hàng hàng lớp lớp thẳng tắp những ngôi mộ với bia ghi tên họ tử sĩ và cây thánh giá trắng
toát, lạnh lùng thản nhiên trước thời gian. Tại đấy có mấy hàng chữ Đức, đại ý: “Xin để cho hậu thế phán xét”…
Dân tộc nào, con người nào cũng có những quá khứ đau buồn. Đức Phật đã nói “Cuộc đời là khổ”, nhưng cái khổ lại do chính con
người tạo ra. Là do lòng khát ái nên dính mắc, là do tham vọng không bờ bến nên tạo ra bao nhiêu nỗi khổ cho con người.
Ca dao bình dân của chúng ta có câu
“Người đời muôn sự của chung,
Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi.”
Tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, giữa 1 quảng trường mênh mông đang sửa chữa, có 1 tòa nhà uy nghi trưng bày pho tượng 1 bậc vĩ nhân của nước Mỹ, tổng thống Lincoln ngồi trên tòa cao, nhìn thẳng xuống ngọn tháp “cây bút” chọc trời.
Viết xong tại thành phố Wald - Michelbach, ngày 2- 7- 2011.
TN