Trong sách sử có câu chuyện một anh chàng tên Diễn Nhã, một hôm soi gương không trông thấy đầu mình, tưởng mình mất đầu, hoảng loạn chạy tứ tung đi tìm cái đầu của mình. Thiền sử Trung Hoa lại có hình ảnh tương tự: một người đang cỡi trên lưng trâu mà không biết mình đang cỡi trâu, lại chạy khắp nơi tìm trâu của mình. Kinh Pháp Hoa cũng có câu chuyện anh chàng cùng tử bỏ cha mà đi. Cha thì giàu có, con thì lang thang khắp nơi nghèo khổ, lúc trở về thấy cha giàu có sang trọng lại sợ hãi không biết là cha mình. Lại có ví dụ viên ngọc châu quí giá nằm trong chéo áo mà không biết lấy ra sử dụng v.v...
Tất cả những hình ảnh trên muốn nói lên điều gì? Phật và chư Tổ chỉ muốn nhắc chúng ta rằng: mỗi người đều có Phật tánh, hay Phật tâm, trọn vẹn đầy đủ giống nhau, không khác với Phật tánh hay Phật tâm của chư Phật, và chư Tổ vậy.
Ngày xưa, sau khi thành đạo, đức Phật đã từng nói: “Lạ thay, tất cả chúng sinh đều có đầy đủ đức tướng trí tuệ Như Lai, mà sao lại cam tâm chịu luân hồi sinh tử mãi?”
Ngày xưa, thế gian bôn ba vượt núi băng rừng tìm tới tận nơi tùng lâm để cầu pháp, chư Thiền đức cũng đã từng nói: “Các ông hãy về đi. Ta đâu có pháp gì dạy người!”.
Các bạn ơi, “cái mà chúng ta tinh tấn ngày đêm, chúng ta mong cầu đạt được”, cái đó mình đã có sẵn rồi, từ khi sinh ra ta đã có nó, và nó có bao giờ xa rời mình đâu.
Cái đó là bẩm sinh, bẩm sinh nghĩa là có sẵn từ khi sinh ra đời. Bản tính của nó là thanh tịnh, nghĩa là trong sạch, là tĩnh lặng. Mình tạm đặt tên nó là cái Biết, cũng gọi là tánh Biết, tánh Giác, Phật tánh hay nhiều tên khác nữa, Vô cấu thức, Bạch tịnh thức, Đại viên cảnh trí, Pháp thân, v.v…Tên là do người đời đặt ra thôi, chứ nó không có tên gì, cũng như tất cả hiện tượng khác trên đời, không có cái gì có tên. Vậy vì chúng không có tên, nên chúng chỉ là Như Vậy, hoàn toàn khách quan, chúng chỉ là chính chúng thôi, không có đặc tính nào, không có phẩm chất gì. Cho nên không thể diễn tả ra được.
Bởi thế, khi chúng ta diễn tả ra cái gì mà ta thấy, nghe, nếm, ngữi, xúc chạm, là ta đã đi ra ngoài cái bản thể trong sạch rồi. Lâu ngày mình quên nguồn cội ban đầu của hiện tượng thế gian, mình gán cho nó đủ thứ danh xưng, đủ thứ phẩm chất, rồi ưa thích, rồi ghét bỏ, tâm mình trở thành rối ren, mờ mịt. Nghe người ta nói “thương mình ngàn năm” rồi cứ nắm chắc câu đó, để thương nhớ, để oán trách, đau khổ, không biết rằng lời nói chỉ là âm thanh, gán ghép âm điệu, bất cứ lúc nào âm thanh cũng có thể tan rã, âm điệu cũng thay đổi khi bổng khi trầm.
Biết rõ như vậy rồi, thì ta tỉnh ngộ, nhận ra tại sao mình khổ? Mình khổ vì mình chạy theo cuộc đời bên ngoài, cứ vươn tay ra nắm bắt những cái hào nhoáng của cuộc đời, như danh vọng, địa vị, giàu sang, hạnh phúc, quyền thế. Chúng ta không biết chúng chỉ là những cái bong bóng nước, xanh xanh đỏ đỏ, huyễn ảo lấp lánh, trong một thoáng chúng sẽ tan biến ngay.
Muốn sống an lành, ta chỉ có một việc duy nhất phải làm là “không làm gì hết”. Phải, không làm gì, thì ngay đó, ta trở về bản tâm trong sạch của chính mình rồi, các bạn ơi!
Không làm gì, có nghĩa là mình không khởi ý mong muốn có cái gì, hay đạt được cái gì, hay mình sẽ trở nên cái gì, hay phải là cái gì. Tất cả mọi cái tác ý đều ra ngoài tâm trong sáng của mình. Tâm mình đã có đầy đủ trí tuệ, có từ bi hỷ xả, có kiến giải cho biết tất cả những gì chung quanh, có khả năng giải thích và trình bày ra.
Các bạn chắc vẫn nhớ ngài Huệ Năng đã tạm diễn tả “cái đó”, cái chân tâm, như sau:
“ Không ngờ, tánh mình xưa nay thanh tịnh,
Không ngờ, tánh mình xưa nay vốn không dao động,
Không ngờ, tánh mình xưa nay vốn tự đầy đủ,
Không ngờ, tánh mình xưa nay vốn không sanh diệt,
Không ngờ, tánh mình hay sanh muôn pháp”.
Bởi vậy, mình đâu cần phải mỗi ngày lau chùi bụi bặm:
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai”.
(Xưa nay không có một vật
Làm gì có lấm bụi bặm).
Các bạn ơi, hãy bước vào nhà, nhà mình đây, ngay trong giây phút này, hãy im lặng bước vào nhà mình. Bình an, trong sạch, tĩnh lặng, sáng trưng. Đã xong, gánh nặng đời đã bỏ lại bên ngoài.
Có một sự thật, chúng ta từ lâu không nhận ra, đó là không có con đường tu, không có con đường nào hết, cũng không có pháp môn. Môn là gì? Là cái cổng để đi vào một nơi nào đó. Pháp môn là cái cổng để đi vào học, hiểu và thực hành Pháp. Pháp là chân lý, cũng là tất cả hiện tượng thế gian. Nói như vậy, chúng ta có thể tưởng là hai thứ khác nhau. Không, chúng chỉ là một. Chân lý hiển lộ ra qua mỗi hiện tượng thế gian, mỗi hiện tượng thế gian chính là chân lý. Ta cũng là chân lý, chân lý cũng hiển lộ qua ta. Ta cũng là tất cả chân lý. Tất cả đều bình đẳng: đều vô thường, đều vô ngã, đều duyên sinh, đều trống rỗng, đều như huyễn, đều như như bất động. Tất cả đều là cái vô sanh, nên bất tử.
Hồi nãy, mình tạm nói là “hãy bước vào nhà”, chứ thiệt ra ta đang ở trong nhà rồi. Các bạn chưa tin sao? Mở mắt nhìn đi, có phải ta đang ở trong nhà mình không? Có phải ta thấy cây cảnh hoa lá bên ngoài trong veo, yên lặng, sáng trưng? Có phải tất cả hoàn toàn tĩnh lặng, không còn gì, không còn ta, không có nhà mình, không có cảnh, không ngoài, không trong...
Thiệt ra thì không thể diễn tả gì hết, ngài Hoàng Bá đọc tới đây, thế nào cũng cho ba gậy!
Thiền viện, ngày 10- 5- 2022
TN