Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - Bài 07
Nhân suy gẫm về trường hợp của ngài Bhaddiya, từ bỏ cảnh sống giàu sang nhung lụa nhưng đầy sợ hãi và bó buộc, ngài trở thành một vị xuất gia, sống rày đây mai đó, không nhà, không người thân, nơi nào ngài tới cũng gợi lên niềm an lạc. Niềm an lạc này là cảm giác tự do thoải mái, bình an. Trong kinh có khi cũng nói như “voi sống giữa rừng voi”.
Thái Tử Siddhattha khi còn trong hoàng cung, ngài có ba tòa cung điện, mỹ nữ múa hát, yến tiệc ngày đêm. Gia đình đều thương yêu quí trọng. Có ai dám làm trái ý ngài? Vậy mà ngài nhận định: “Đời sống gia đình bị gò bó, đầy triền phược, con đường đầy những bụi đời. Đời sống xuất gia, phóng khoáng như hư không”...Nhận định này, nói theo ngôn ngữ ngày nay, cũng diễn tả cái khao khát tự do của thái tử Siddhattha. Còn nói theo kinh điển, đó là khao khát được thoát ra khỏi những nỗi khổ vì qui luật sinh-già-bệnh-chết của đời sống làm người. Chư Tổ từng nói sinh, già, bệnh, chết là bốn ngọn núi lớn vây quanh ta và càng ngày càng ép chặt ta trong đó khó thoát ra khỏi. Vì thế mục tiêu cuối cùng của đường tu chỉ là thoát khổ, giác ngộ và giải thoát, mà ý nghĩa chung cũng là hai chữ “tự do”, hiểu theo nghĩa chân thực của nó, là bao gồm chân, thiện mỹ.
Về sau chư Tổ Đại thừa, khi sáng tác bộ kinh Pháp Hoa nổi tiếng, tạo ra nhiều ấn tượng sâu đậm hơn nữa, cốt ý đánh thức người đời, phải thấy rõ cuộc đời, và gia đình chính là một biển lửa, lửa đang cháy bừng bừng, hãy gấp chạy thoát ra khỏi “Ngôi nhà lửa”:
13.- Xá-Lợi-Phất! Như trong quốc ấp, tụ-lạc có vị Đại Trưởng-giả tuổi đã già suy, của giầu vô-lượng, có nhiều nhà ruộng và các tôi tớ. Nhà ông rộng lớn mà chỉ có một cửa để ra vào, người ở trong đó rất đông; hoặc một trăm, hai trăm cho đến năm trăm người, lầu gác đã mục, vách phên sụp đổ, chân cột hư nát, trính xiêng xiêu ngã, bốn phía đồng một lúc, lửa bỗng nổi lên đốt cháy nhà cửa.
Các người con của Trưởng-giả hoặc mười người, hoặc hai mươi người, hoặc đến ba mươi người ở trong nhà đó.
14.- Trưởng-giả thấy lửa từ bốn phía nhà cháy lên, liền rất sợ-sệt mà nghĩ rằng: Ta dầu có thể ở nơi cửa của nhà cháy này, ra ngoài rất an-ổn, song các con ở trong nhà lửa ưa vui chơi giỡn không hay biết, không sợ-sệt, lửa đến đốt thân rất đau khổ lắm, mà lòng chẳng nhàm lo, không có ý cầu ra khỏi.
Xá-Lợi-Phất! Ông Trưởng-giả đó lại nghĩ: thân và tay của ta có sức mạnh, nên dùng vạt áo hoặc dùng ghe đẳng từ trong nhà mà ra ngoài. Ông lại nghĩ: Nhà này chỉ có một cái cửa mà lại hẹp nhỏ, các con thơ bé chưa hiểu, mê đắm chơi giỡn hoặc vấp ngã bị lửa đốt cháy, ta nên vì chúng nó mà nói những việc đáng sợ.
Nhà này đã bị cháy phải liền mau ra, chớ để bị lửa đốt hại. Nghĩ như thế theo chỗ đã nghĩ đó mà bảo các con: 'Các con mau ra!' Cha dầu thương-xót khéo nói để dụ dỗ, mà các người con ưa vui chơi chẳng khứng tin chịu, chẳng sợ-sệt, trọn không có lòng muốn ra, lại cũng chẳng hiểu gì là lửa? gì là nhà? thế nào là hại? Chỉ cứ đông tây chạy giỡn nhìn cha mà thôi.
15.- Bấy giờ, Trưởng-giả liền nghĩ nhà này đã bị lửa lớn đốt cháy, ta cùng các con nếu không ra liền chắc sẽ bị cháy, ta nay nên bày chước phương-tiện khiến cho các con được khỏi nạn này.
Cha biết các con đều vẫn có lòng thích các đồ chơi trân báu lạ lùng, nếu có, chắc chúng nó ưa đắm, mà bảo các con rằng: 'Đây này là những món ít có khó được mà các con có thể vui chơi, nếu các con không ra lấy sau chắc buồn ăn-năn. Các thứ xe dê, xe hươu, xe trâu như thế, nay ở ngoài cửa có thể dùng dạo chơi, các con ở nơi nhà lửa nên mau ra đây tùy ý các con muốn, cha đều sẽ cho các con'.Lúc bấy giờ, các người con nghe cha nói đồ chơi báu đẹp vừa ý mình nên lòng mỗi người đều mạnh-mẽ xô đẩy lẫn nhau cùng đua nhau ruổi chạy tranh ra khỏi nhà lửa. Khi đó Trưởng-giả thấy các con được an-ổn ra khỏi nhà lửa đều ở trong đường ngã tư nơi đất trống không còn bị chướng-ngại, tâm ông thơ-thới vui mừng hớn-hở.
Bấy giờ, các người con đều thưa với cha rằng: 'Cha lúc nãy hứa cho những đồ chơi tốt đẹp, nào xe dê, xe hươu, xe trâu xin liền ban cho.'
Đây là một đoạn văn xuôi, chỉ diễn tả sơ sài ngôi nhà cũ mục nát, đang bị lửa cháy, trong đoạn thi kệ tiếp theo nói chi tiết hơn, nào là trong nhà đang có: ác thú, quỷ đói, dạ xoa, diều hâu, kên kên, tranh dành cấu xé ăn thịt nhau ...Đức Phật so sánh lửa cháy nhà, chính là:
“lửa dữ của sinh già bịnh chết, của lo buồn đau khổ, của ba độc tố: vô minh, dục vọng và hận thù.” (kinh Pháp Hoa). Đây là cái thấy của người tỉnh thức, người giác ngộ.
Người đời có cái thấy khác. Người đời thấy “sắc khả ái, thanh khả ái, hương khả ái, vị khả ái, xúc khả ái”...Từ ái dẫn tới tham, chấp trước, tìm cầu rồi khổ đau. Nói cách khác, vì vô minh, nên sinh ra khát ái, khởi ra dục vọng, cuối cùng là hận thù và đau khổ. Do đó, thế gian là ngôi nhà nóng bức, thiêu đốt tâm con người, con người thường không hay biết, vẫn chạy loanh quanh tìm cầu giàu sang, danh vọng, hạnh phúc. Những cái đó luôn luôn thay đổi, bay đến bay đi như gió thoảng mà tưởng là của mình, ráng nắm chặt trong tay. Chư Tổ mới khởi tâm đại bi, thương người đời chỉ như những trẻ nhỏ thơ dại, chạy nhảy tung tăng vui đùa, không biết thế gian đầy cạm bẩy, gai góc, hiểm độc, lại đang bừng cháy thiêu đốt tất cả: giàu sang, danh vọng, hạnh phúc và cả con người.
Bởi vậy, bước đầu của người tỉnh thức là khởi lên cái tâm xuất thế xuất trần, đi ngược dòng đời. Dòng đời là dòng xuôi chảy cuồn cuộn của năm con nước xoáy: “tài, sắc, danh, thực, thùy”. Thoát khỏi sự cuốn hút của năm con nước xoáy này thì bước lên tới bến an toàn, trở về quê hương. Là sự bình an, là sự tự do hoàn toàn. Nhưng, các bạn ơi, lúc trước, ai trói buộc mình?
Có một chuyện trong Thiền sử Trung Hoa:
Có Sa-di tên Đạo Tín, tuổi vừa 14, lễ Đại sư Tăng Xán và nói:
– Thỉnh Hòa thượng từ bi ban cho con pháp môn giải thoát.
Sư nói:
– Ai trói buộc ngươi?
Tín đáp:
– Thưa, đâu có ai trói!
Sư nói:
– Sao lại cầu giải thoát?
Tín ngay lời này đại ngộ.
Ngài Tăng Xán là tổ thứ ba của Thiền tông Trung Hoa. Sơ tổ là ngài Bodhidharma (người Ấn độ). Tổ thứ hai là ngài Huệ Khả. Ngài Đạo Tín là tổ thứ tư.
Ông nhận ra điều gì? Chính ta trói buộc ta thôi. Vậy thì chính ta phải cởi mở cái vòng trói buộc mình.
Nhưng việc này không phải đơn giản. Tại sao không đơn giản? Chỉ vì chính ta tự nguyện được trói buộc. Chính ta ham thích, tìm cầu, đam mê, điên cuồng chạy theo nó, qua hết đời này tới những đời khác. Lặp đi lặp lại hoài những đam mê đó, kết tụ lại, tạm gọi là lậu hoặc hay tập khí, kiết sử và tùy miên.
Trong bài Đại kinh Xóm Ngựa, đức Phật lại dạy người tu sĩ, tuy đã xuất gia rồi, mà vẫn còn bị trói buộc vì năm thứ: tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo cử hối quá, và nghi. Khi nào cắt đứt hẳn năm sợi xiềng xích này mới được tự do, hết khổ. Đức Phật so sánh năm thứ này trói buộc mình nặng nề như: người bị nợ, người bị bệnh nặng, như người bị giam trong tù ngục, như người trong cảnh nô lệ, hay người đi trong sa mạc:
“Tỷ-kheo tự mình, quán năm triền cái chưa xả ly, như món nợ, như bệnh hoạn, như ngục tù, như cảnh nô lệ, như con đường qua sa mạc. Này các Tỷ-kheo, cũng như không mắc nợ, không bị bệnh tật, được khỏi tù tội, được tự do, đến được đất lành yên ổn. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán năm triền cái khi chúng được diệt trừ.”
Kết luận là phải có trí tuệ phi thường mới dám cắt đứt vòng xích sắt của tham ái, thoát ra khỏi ngục tù vô minh. Vô minh đồng nghĩa với khổ đau. Trí tuệ siêu vượt đồng nghĩa với tự do, an lạc, giải thoát. Trí tuệ siêu vượt thông suốt bản thể cuộc đời là trống không, là như huyễn ảo, thì có còn muốn nắm bắt cái gì của thế gian nữa không, hở các bạn?
Thiền viện, 9- 3- 2022
TN
Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - Bài 07
Ý NGHĨA CỦA TỰ DO
(CLICK vào icon tam giác để nghe - CLICK vào icon 3 dấu chấm để download)
Chữ trói buộc có nghĩa gì không
Khi ta đang vui với ngũ dục !
Lúc đó tự do thật vô nghĩa.
Ví như một cái cây trong rừng bị cháy.
Nó mượn lửa của cây bên cạnh,
Tự đốt chính nó.
Cho đến khi chỉ còn gốc tro than,
Nó vẫn không biết mình đã tự thiêu.
Con người bị khiển xử bởi tham sân si,
Bị đốt thiêu bởi ngũ dục là tự nguyện.
Thương thay !
Vì tự do mà vẫy vùng đau đớn,
Bấy giờ tôi mới phát hiện mình đang bị trói buộc.
Tự biết mình bị trói buộc, tôi mới nhận chân giá trị của tự do.
Đau thay !
Có ai đó thấy mình bị trói buộc ?
Có ai kia biết mình tự thiêu ?