Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - Bài 05
THƯỜNG BẤT KHINH BỒ TÁT
Trong hệ thống kinh điển Phát Triển, chắc chúng ta đã từng đọc qua bộ kinh Pháp Hoa. Trong đó có phẩm nhan đề: Thường Bất Khinh Bồ Tát. Vị bồ tát này có một phương thức tu đặc biệt. Ngài không tọa thiền, không đọc tụng kinh điển. Ngài chỉ lễ lạy vị tăng và ni, cư sĩ nam, hay cư sĩ nữ, vừa lạy vừa nói lớn:”Tôi không dám khinh quí vị, quí vị sẽ thành Phật”...Nhiều người thấy cử chỉ lạ đó lại sanh tâm bực bội, mắng nhiếc bồ tát. Nhưng bồ tát vẫn thực hành hạnh tu này.
Chúng ta suy gẫm xem hạnh tu này có ý nghĩa gì, lại được chư Tổ ghi lại trong một phẩm của bộ kinh Pháp Hoa, một bộ kinh phổ thông thường lưu hành trong hệ Phát Triển.
Vị bồ tát này có thể chỉ là một nhân vật huyền thoại, hư ảo, danh xưng chỉ là tượng trưng cho hạnh tu mà thôi. Tuy nhiên điều này không quan trọng, vì không phải tất cả hiện tượng trên đời đều là hư ảo hay sao?
Điều quan trọng là chư Tổ muốn gởi gắm điều gì trong nhân vật này?
Hành động lễ lạy là biểu hiện cái tâm khiêm cung, hạ mình sát đất, tôn trọng quí kính người đối diện. Thiệt ra là quí kính Phật tánh nơi một người, chứ không phải quí kính cái thân vật chất và cái tâm đời của người. Khi ta có tâm quí kính người khác như một vị Phật tương lai, thì ta có dám nhìn lỗi của vị Phật tương lai hay không, ta có dám khinh suất nói năng bừa bãi hay không, ta có dám xúc phạm bằng ý nghĩ, lời nói, cử chỉ hay không?
Vậy chỉ cần biết rõ mỗi người đều có Phật tánh, nghĩa là tin rằng mỗi người đều có khả năng giác ngộ như nhau, một ngày nào đó, một đời nào đó, người nào cũng phải giác ngộ. Trong dòng thời gian vô lượng, trong những không gian khác nhau, vô số nhân và duyên khác nhau, người này có thể giác ngộ sớm hơn người kia, có thể sớm hơn ta nữa. Khi nhận thức rõ sự thật này, chúng ta biết mình phải sống như thế nào ngay từ bây giờ. Đó là:
- Sống hài hòa với tất cả mọi người, trẻ hay già, thiện hay ác. Đó là bắt đầu phát huy tâm Từ, thấy ai khổ đau, lầm lỗi, thì phát tâm giúp đỡ, là tâm Bi, thấy người thành công, hạnh phúc, thì khởi được tâm Hỷ, không phân biệt thiện ác, trẻ hay già, là bắt đầu tâm xả, tâm bình đẳng hay vô phân biệt trí.
- Không cần phải “chú tâm cảnh giác” quay nhìn tâm mình xem có pháp ác hay không, nhưng lúc nào trong tâm cũng không thể khởi lên pháp ác, hay bất thiện.
- Đối chiếu lời Phật dạy: ”không khen mình, chê người” thì mình đang áp dụng đúng.
- Biết khiêm nhường và lễ độ đối với tất cả mọi người.
- Phương thức này đánh thẳng vào cái Ngã của mình, không còn ngã mạn, ngã ái, ngã chấp, ngã dục.
Trong xã hội hiện nay mình đang sống, ta không thể có hành vi bất bình thường, ta không thể làm y như ngài Thường Bất Khinh bồ tát, người đời không mắng nhiếc, đánh đập ta, nhưng xã hội sẽ cho là ta khùng điên, nguy hiểm cho xã hội. Vì thế, ta chỉ áp dụng phương thức đó theo cách thích hợp hơn. Đó là trong thầm lặng, mình nhận thức rõ tất cả mọi người đều có khả năng thành Phật, mình cẩn thận lời nói, ý nghĩ và hành xử như trong kinh thường nói “thân cận, cung kính cúng dường vô lượng đức Phật”, sau đó mới viên mãn công hạnh, bồ tát ấy mới thành Phật.
Trong cuộc sống thực tế của chúng ta hiện nay, đâu thấy có vị Phật nào, làm sao ta có dịp thân cận cung kính cúng dường vô lượng Phật được. Đó là chư Tổ muốn nói bóng bảy thôi, tất cả mọi người, chính là “vô lượng đức Phật” trong tương lai, nhưng chư Tổ không nói “trong tương lai”, để cho ý nghĩa mạnh hơn nữa. Tức là mỗi người, ta phải thấy rõ là một vị Phật hiện tiền. Đây là cái thấy của bồ tát. Cho nên bồ tát không bao giờ mệt mỏi, thân cận cung kính cúng dường Phật, làm sao có mệt mỏi, phải không các bạn? Vì thế bồ tát mới nguyện “đời đời thừa hành bồ tát đạo”, ở bên chư Phật đời đời, thì là niết bàn chứ gì nữa?
Tới đây, chúng ta đã thấy việc lễ lạy của bồ tát Thường Bất Khinh ban đầu mình thấy như theo tục đế bát nhã, lần hồi đi tới chân đế bát nhã rồi.
Tục đế bát nhã khi ta nói bồ tát lễ lạy Phật tánh của mỗi người, chứ không phải lễ lạy cái thân vật chất và cái tâm đời của người. Còn phân biệt thân và tâm, thiện và ác. Lần hồi ta không phân biệt nữa, khi ta lễ lạy “cái đang là” , “cái như vậy”, khi ta thấy vô lượng đức Phật hiện tiền và ta đang “thân cận cung kính cúng dường vô lượng đức Phật”.
Thấy vô lượng đức Phật hiện tiền, không phải hoang tưởng, mà là thấy trên mặt bản thể, đây là cái thấy của chân lý rốt ráo. Khi nào chúng ta thấy đúng như vậy, ta sẽ nhận ra rộng hơn nữa, không phải chỉ nói con người, mà chư Tổ Phát triển còn nói: “Tất cả pháp đều là Phật pháp”. Tới đây, tâm xả có mặt, tâm bình đẳng phát huy, vô phân biệt trí có mặt thì tâm nhị nguyên không còn, thế giới nhị nguyên cũng tan rã, cảnh giới danh và tướng cũng biến mất.
Khi ta thấy “Tất cả pháp đều là Phật pháp”, thì pháp âm của chư Phật vang rền khắp nơi, là vô tự chân kinh, là vô thanh chân kinh, không cần tìm cầu nơi nào nữa. Lúc đó: “không dừng lại, không bước tới, ta vượt qua bộc lưu”.
Thiền viện, 22- 2- 2022
TN