Giá Trị Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
đối với người con Phật
CLICK icon tam giác để nghe - CLICK icon 3 dấu chấm để download
Giá Trị Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
đối với người con Phật
Kính thưa Thầy,
Khóa An cư mùa Đông năm nay được tổ chức vào 1 tháng 10, bế giảng vào 30 tháng 12 năm 2009. Chương trình tu học gồm hai phần chính: (1) Học Giáo lý, (2) Thực hành Định.
Về chương trình thực hành Định, năm nay tăng ni tại Thiền viện đã cùng nhập thất chuyên tu với hơn 50 thiền sinh—đã học xong chủ đề "Chân như," nhưng chưa có dịp thực hành—từ các Đạo tràng trong nước và ngoài nước Mỹ "bay về" trại Cedar Falls, Nam Cali, để cùng thực tập chung chủ đề "Chân như Định," tức “Vô tướng Định.”
Thời gian thực tập là 10 ngày: từ 21 tháng 10 đến 30 tháng 10. Đến 7 giờ tối, ngày cuối của Khóa tu Định, thiền sinh phụ trách đo Điện não đồ, công bố tổng kết là có 23 thiền sinh kinh nghiệm làm chủ tâm ngôn qua phương thức "thầm nhận biết." 10 thiền sinh kinh nghiệm "tỉnh thức biết." Cùng lúc đó có 6 thiền sinh kinh nghiệm vững chắc trạng thái nhận thức biết rõ ràng với dạng sóng não Delta. Thầy rất phấn khởi, biết rằng qua kỹ thuật "không nói," “mã ngữ” này đã giúp thiền sinh vào định dễ dàng.
Khóa thực hành “Chân như định” chấm dứt, sáng ngày 30 tháng 10, chúng con trở về Thiền viện. Hôm sau, tăng ni lại tiếp tục học Giáo lý cùng với 34 thiền sinh Khóa Tâm lý học Phật giáo, lớp Cao cấp 3.
Năm nay chương trình học Giáo lý hơi nặng. Đó là chúng con học lại kinh Đại Bát Niết Bàn, nhưng tất cả tăng ni đều thích thú. Vì qua lần nghe giảng kỳ này, riêng con, con nhận ra nhiều điểm sâu sắc trong kinh mà trước kia con chưa nhận ra được. Sau đó, Thầy khích lệ chúng con, mỗi vị viết bài thu hoạch. Đây là phương pháp Hồi đáp mà Thầy đã áp dụng từ năm 1995.
Con còn nhớ, trong nhiều khóa Tu học trước đây, từ Căn bản đến Bát nhã, và Tâm lý học Phật giáo, Thầy có trích nhiều phần trong kinh Đại bát Niết bàn để giảng dạy chúng con. Thí dụ như Bốn Điều Tham Chiếu Lớn trong lớp Thiền Căn bản, Khóa III năm 1997. Thất Giác Chi và Tứ Niệm xứ trong lớp Trung Cấp 3 khóa 1 Bát Nhã. Riêng về Giới-Định-Huệ, Thầy đã giảng dạy trong lớp Cao Cấp 3, Tâm lý học Phật giáo. Đặc biệt năm nay chúng con được nghe Thầy gìảng đi giảng lại nhiều ngày về toàn bộ nội dung kinh này. Trong đó Thầy đã phân loại nội dung chính yếu của kinh Đại bát Niết bàn gồm nhiều điểm, giúp chúng con nhận ra giá trị sâu sắc của Kinh trên các mặt:
- tu tập,
- sống chung trong tập thể tăng chúng,
- điều hành công việc trong tăng chúng, hoặc
- làm việc trong Hội Thiền, hay trong sinh hoạt Đạo tràng ở khắp nơi, sao cho ngày một cường thịnh, không bị suy giảm.
Có thể nói những bài học này đối với tăng ni chúng con, bây giờ thật rất hữu ích. Mỗi bài học đều nói lên giá trị thực tiễn hàm chứa bên trong đó. Vì chúng con có thể ứng dụng lời dạy của Phật trong kinh vào cuộc sống hằng ngày trên mỗi phạm vi sinh hoạt của chúng con: tại gia và xuất gia hay trong vai trò lãnh đạo của tăng chúng. Thầy bảo: "Đây là hành trang cho Giáo thọ !"
Ngoài ra, trong những kỳ Hành hương viếng thăm Phật tích tại Ấn độ, khi đưa đoàn hành hương đến Câu thi na (Kusināgarā) Thầy đều giảng lại những phần trong kinh có ghi các thánh tích liên hệ đến thời gian trước khi Phật Nhập Diệt.
Thí dụ như nơi Phật uống nước lần cuối. Tại đây, Thầy nhắc lại trạng thái Định của Phật khi Phật tọa thiền nhập định tại một ngôi nhà đập lúa của người dân địa phương ở Atumā... Từ điểm này con nhận ra thêm giá trị của Định trong Đạo Phật khác hơn Định trong Thiền Yoga mà trước kia, khi chưa thành đạo, Đức Phật đã theo học từ hai vị thầy. Một ông dạy Vô sở hữu xứ định và một ông dạy Phi tưởng, phi phi tưởng xứ định. Phật đã từ bỏ các loại Định này. Vì các loại Định đó chỉ làm tăng lên sức tưởng tượng và tập trung ý thức vào đối tượng.
Trong lúc đó Thiền do Đức Phật chứng nghiệm và chỉ dạy thì dùng cơ chế tánh giác để vào các tầng Định theo ý muốn mà không cần tưởng tượng hoặc tập trung tâm vào đối tượng. Vì thế loại Định này đưa đến tâm trong sáng, thuần tịnh, sạch hết lậu hoặc, phát triển trí tuệ tâm linh, chứng ngộ chân tánh hiện tượng, đạt được giải thoát cuối cùng, không còn tái sanh lại bất cứ cảnh giới nào.
Đến khi đi vào bên trong khuông viên Tháp Niết bàn, ngang qua hai cây Sala, Thầy dừng lại. Tại đây, Thầy nhắc lại bài kinh Phật giảng lần cuối trước khi Ngài nhập Niết bàn, ra đi vĩnh viễn.. Đó là bài kinh Phật nói về sự quan trọng của việc viếng thăm Bốn Thánh Tích.
v
Hôm nay con xin trình bày vài điều con đã nhận ra, sau khi học lại toàn bộ bài kinh Đại bát Niết bàn.
Trong chặng đường từ Núi Linh Thứu đến Kusināgarā, hơn ba tháng trước khi nhập diệt, Đức Phật đã đi qua nhiều nơi và giảng nhiều bài pháp ngắn trong nhiều trường hợp khác nhau cho chúng Tỳ kheo đã theo Phật trong thời gian dài: nhiều nhất là 45 năm, như các ngài Da Xá và Xá Lợi Phất; trong vòng hơn 20 năm, như các ngài U Ba Li và A Nan... Hoặc có nhiều trường hợp Phật tập họp tăng chúng sống quanh vùng Vương Xá, thuộc lãnh thổ Ma kiệt đà, để giảng những điều mà trước kia Phật chưa từng giảng. Cũng có lúc Phật giảng cho hàng cư sĩ.
Mỗi khi dừng chân nơi một làng, một thành phố, một ngôi vườn, một điện thờ, hay một con sông, Đức Thế Tôn tùy câu hỏi mà trả lời, cũng đôi khi tùy cảm khái lúc đó mà thuyết giảng, và rất nhiều lần nhắc nhở đệ tử những lời quan trọng trong việc tu tập, trong việc đối xử lẫn nhau hay trong việc điều hành tăng sự... Lời dặn dò nào của Ngài cũng đều quan trọng: vừa có tính cách bảo vệ tăng đoàn và giáo pháp được trường tồn, vừa có hướng nhắm đưa ra những pháp tối hậu cho đệ tử để dụng công tu tập đến nơi cuối cùng là thoát khổ, giác ngộ, và giải thoát. Trong đó, đặc biệt nhất là Phật nhấn mạnh đến thái độ sáng suốt của người đệ tử thuần thành là đừng bao giờ tin theo những lời giảng dạy của các vị tăng, dù là vị đại Trưởng Lão hay vị có đông đồ chúng đang theo học, nếu khi đối chiếu những lời giảng dạy đó không đúng theo lời giảng dạy của Phật được ghi lại trong kinh...
Lời di giáo này đối với chúng con, bây giờ thật vô cùng quan trọng. Từ đó, con mới nhận ra vì sao Thầy cho biết là Thầy chủ trương "theo Pháp Phật, nhưng không quên lời Tổ: từ Tổ Đạt Ma đến Tổ Thanh Từ."
v
Trong phạm vi bài này, con chỉ xin khai triển năm chủ điểm mà con đã nhận ra và xem là quan trọng đối với con trong Mùa An Cư năm nay. Chính năm chủ điểm này đã giúp con nhận ra Thiền và Giáo không thể nào tách rời nhau được. Cả hai đều tương tác qua lại với nhau chặt chẽ: Giáo là lời dạy của Phật được ghi lại trong kinh. Thiền là dạy ta những cách thực hành để cụ thể hóa lời dạy đó và cho ta biết những thành quả của tiến trình thực hành đó sẽ mang lại cho thân, tâm, và trí tuệ tâm linh của ta như thế nào. Cho nên, trong mọi thời đại, người tu Thiền đều gắn bó với Giáo, dù “Giáo nội” hay “Giáo ngoại.” Thầy thường nhắc nhở chúng con : "Thiền mà không Giáo là đánh võ rừng. Giáo mà không Thiền như mọt sách hay nhà Thiền lý."
Dưới đây con xin trình bày năm chủ điểm:
I. 41 cách làm cho tăng đoàn (tức chúng Tỳ kheo) được cường thịnh, không bị suy giảm.
II. Giới- Định- Tuệ.
III. Trạng thái Định sâu của ông Ālāra Kālama và của Đức Phật.
IV. Chánh pháp.
V. Các pháp hữu vi đều vô thường.
I- Đức Phật dạy về 41 Pháp Bất thối. Nếu nghiêm chỉnh áp dụng, Tăng đoàn, tức chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
Kính thưa Thầy,
41 Pháp Bất thối này chính là do con gộp chung 6 lần Phật đã giảng cho chúng Tỳ kheo cư ngụ tại vùng Vương xá nghe. 5 lần đầu Phật đưa ra mỗi lần là 7 pháp Bất thối. Cộng chung lại là 35 Pháp Bất thối. Lần thứ 6 gồm 6 Pháp Bất thối.
Trọng tâm 41 Pháp Bất thối đó, Phật nhắm nhắc nhở chúng Tỳ kheo là cần nghiêm chỉnh áp dụng triệt để từng pháp để làm cho Tăng đoàn, tức chúng Tỳ kheo, được cường thịnh, không bị suy giảm. Ngược lại, nếu không áp dụng nghiêm chỉnh, Tăng đoàn hay chúng Tỳ kheo sẽ suy yếu, rồi cuối cùng đi đến tan rã.
Điều này thật hết sức thiết thực. Rõ ràng nhất là sau Phật nhập diệt khoảng 100 năm, tăng đoàn đã phân liệt thành hai Bộ Phái: Trưởng Lão bộ và Đại Chúng bộ, vì bất đồng với nhau về Giới luật giữa hai nhóm Tăng Già và Tăng Trẻ... Rồi từ hai Bộ phái này, Giáo đoàn cứ phân tán thành nhiều Bộ phái khác nhau nữa, chỉ vì những bất đồng quan điểm của các vị đứng đầu Bộ phái về Kinh, Luật nói chung, và các pháp tu, nói riêng...Từ đó, mỗi Bộ phái tha hồ tạo ra Luận, Luật, và Kinh riêng cho chính những vị cùng chung quan điểm hay đức tin riêng của Bộ phái đó. Trong lúc đó cũng có nhiều Bộ phái còn duy trì được truyền thống tu tập do Đức Phật chỉ dạy để kinh nghiệm tự lực, tự giác, giác tha, và chuyên chú tu tập theo Pháp rốt ráo mà qua đó Phật đã hoàn toàn chứng ngộ. Thí dụ như qua Tứ Thiền, Phật chứng Tam Minh với trạng thái tâm tathā. Hơn 10 ngày sau đó, cũng với tâm tathā, Phật chứng ngộ những chân tánh hiện tượng thế gian. Thí dụ:
- Như tánh,
- Bất ly như tánh,
- Bất dị tánh,
- Y duyên tánh,
- Biến dịch tánh,
- Không tánh,
- Pháp giới tánh,
- Pháp tánh,
- Bình đẳng tánh,
- Huyễn tánh.
Ngược lại, cũng có nhiều Bộ phái chủ trương phân tích giáo pháp chi li mà không đưa ra cách tu tập thiết thực để đạt được mục tiêu tối hậu do Phật dạy. Điều này dẫn đến người đệ tử thối chí, ngã lòng, không đúng như Phật đã dạy 41 pháp Bất thối.
Đối với con, 41 Pháp Bất thối này, cho đến bây giờ vẫn là pháp bảo thiết thực. Nếu tăng sĩ chúng con biết nghiêm chỉnh thi hành đúng theo lời Phật dạy từng Pháp Bất thối, chắc chắn chúng con sẽ có nhiều tiến bộ tâm linh thiết thực. Thí dụ như 7 Pháp Bất Thối thứ nhất, Phật đề cao “an trú chánh niệm”. Trạng thái này tương xứng với tầng định thứ ba. Phật thường gọi là “chánh niệm tỉnh giác.”
Dưới đây con xin khai triển thứ lớp 41 pháp Bất thối mà Phật đã chia ra 6 lần giảng, theo khả năng hiểu biết của con.
7 Pháp Bất thối thứ nhất.
- Điểm thứ nhất, trong sinh hoạt tăng đoàn, Phật dạy chúng Tỳ kheo nên thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau. Tụ họp ở đây, Đức Phật muốn nói đến là các vị tu sĩ nên thường xuyên gặp gỡ nhau để cùng tu tập, đọc tụng giới luật, hay nhắc nhở lại lời dạy của Phật trong Kinh. Chớ không phải tụ họp để bàn những vấn đề vô ích mà Phật gọi là "phiếm luận" hay "hý luận." Thí dụ như trong các kỳ Lễ Thọ Bát hằng tháng, hoặc các kỳ sinh hoạt Đạo tràng hằng tháng.Trước khi Phật giảng các pháp bất thối này, Phật nói với tôn giả Ananda: “Này Ananda, hãy đi và tập họp tại giảng đường tất cả những vị Tỳ kheo sống gần Rājagaha (Vương xá).” Nếu như có vị nào nghe mời mà không đến tụ họp thì không được nghe pháp từ Đức Phật. Đức Phật thường khen ngợi những vị nghe nhiều.
Chúng ta cũng nên học theo hạnh “nghe nhiều” để cho tất cả những lời giảng của bậc thiện tri thức thấm nhuần vào trong nhận thức của chúng ta. Điều này không có nghĩa là chúng ta cứ đi chỗ này chỗ khác để nghe bất cứ nơi nào có giảng pháp. Bổ túc cho điểm này, Đức Phật có dạy về Bốn điều tham chiếu lớn (hay Bốn Đại giáo pháp, hay Bốn căn cứ địa). Trong đó Phật dạy khi nghe pháp từ nơi một vị Tỳ kheo hay một vị Thượng tọa, hay một vị Trưởng lão, không nên tán thán hay hủy báng, trái lại phải đối chiếu với Kinh và Luật, nếu phù hợp với Kinh và Luật thì nên theo, nếu trái với lời dạy của Phật trong Kinh hay Luật thì nên từ bỏ.
- Điểm thứ hai, khi tụ họp để sinh hoạt, Phật dạy áp dụng ba nguyên tắc đoàn kết: (1) Tụ họp trong niệm đoàn kết. (2) Giải tán trong niệm đoàn kết. (3) Làm việc tăng sự trong niệm đoàn kết. Đó là những nguyên tắc cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày của tăng chúng. Giá trị tụ họp và tinh thần tụ họp này sẽ giúp cho cá nhân vị Tỳ kheo và tập thể mà vị Tỳ kheo đương sinh hoạt trong đó sẽ ngày càng trở nên một sức mạnh tập thể, tức tăng đoàn sẽ ngày càng trở nên cường thịnh, không bị suy giảm. Tinh thần đoàn kết như một chất keo gắn bó mỗi cá nhân vào một tập thể cùng chung hạnh nguyện, cùng chung lý tưởng: tự giác và làm việc vì người khác. Cuối cùng mỗi cá nhân trong tập thể sẽ sống an vui và hòa hợp với nhau. Không tranh giành, không chống đối lẫn nhau.
Qua đó, tinh thần ích kỷ của cá nhân và tinh thần bè phải sẽ không có điều kiện xảy ra trong tăng chúng. Lề lối làm việc và tinh thần tập thể này là điều kiện cần thiết để duy trì sự cường thịnh trong tăng đoàn.
Còn theo như tình hình sinh hoạt trong Hội Thiền Tánh Không và các Đạo tràng trong và ngoài nước Mỹ, tinh thần đoàn kết là chất xúc tác giúp cho sinh hoạt của các Hội Thiền Tánh Không và các Đạo tràng khắp nơi sẽ ngày càng có điều kiện mang lại lợi ích thiết thực hơn cho mọi tầng lớp người.
- Điểm thứ ba, Phật nhắc nhở về giới luật: không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành. Giới luật do Đức Phật ban ra là để kềm chế tâm không cho nó buông lung phóng dật. Từ đó dễ đạt trạng thái an tịnh nội tâm. Do đó, Phật đặt Giới làm bước khởi đầu của con đường tâm linh trong phương thức Tam Học: Giới - Định - Huệ. Nhưng điểm quan trọng trong phần giới luật là "không ban hành hay hủy bỏ giới luật đã được Phật ban hành. Trái lại, phải sống đúng theo giới luật đã được ban hành." Nếu không sống đúng theo giới luật đã ban hành mà còn sửa đổi hay thêm thắt những giới luật mới, chắc chắn sinh hoạt tăng đoàn sẽ bị suy yếu.
- Điểm thứ tư, Phật dạy chư tỳ kheo phải tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc Tỷ-kheo thượng tọa, những vị này là những vị giàu kinh nghiệm, niên cao lạp trưởng, bậc cha của chúng Tăng, bậc thầy của chúng Tăng và nghe theo lời dạy của những vị này. Khi chúng ta tôn kính người khác, có nghĩa là dẹp bớt cái “Ta” của mình, huống chi là tôn kính các bậc đáng tôn kính. Ngược lại, ta sẽ rơi vào lưới của “Ngã Mạn," tự cho mình là đúng, là giỏi, là hay hơn hết thì còn mong gì học hỏi nơi các bậc Thầy, còn mong gì được trui rèn, được tiến bộ ? Khi đang trên đường tu mà không có tinh thần cầu tiến, chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ hoàn tất được sự nghiệp chuyên tu của chúng ta. Nếu sống tập thể, ta sẽ làm cho tập thể đó không được cường thịnh. Còn nếu trong vai trò lãnh đạo, ta sẽ làm cho tập thể đó tan rã.
- Điểm thứ năm, Phật lưu ý: "Chúng Tỷ-kheo không bị chi phối bởi tham ái, tham ái này tác thành một đời sống khác." Tại sao người tu khi bị tham ái chi phối lại tác thành một đời sống khác ? Vì tham ái chính là dục lậu, một thành phần quan trọng của lậu hoặc, làm nguyên nhân tái sinh. Bởi tâm ta lúc nào cũng nghĩ tưởng đến những thứ tham muốn: tài, sắc, danh, thực, thùy, nên tâm ta không bao giờ trong sạch. Ta bày mưu, tính kế, lập kế hoạch, chương trình để nhắm đến mục tiêu mà tham ái thúc đẩy ta phải có hành động. Từ lý do này, nghiệp bất thiện sẽ được tạo ra. Do đó, sau khi chết, ta phải tái sinh để tác thành đời sống khác.
- Điểm thứ sáu, nhàn tịnh là điều kiện tốt cho người chuyên tu Định, Phật cho biết rằng: "Khi nào chúng Tỷ-kheo thích sống những chỗ nhàn tịnh, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Tại sao? Ở những chỗ nhàn nhã yên tĩnh, tâm mình dễ an lạc, thanh thản, dễ được an định. Như Đức Phật khi xưa, Ngài cũng đã chọn khu rừng cây Pipphala hoang vắng bên kia bờ sông Ni liên thiền, làm nơi dụng công cho đến khi thành đạo. Chúng ta cũng nên chọn môi trường yên tĩnh, dễ tu tập hơn là ở những nơi ồn ào náo nhiệt. (Vì những lời dạy này mà về sau, hệ Theravāda thích vào rừng núi ẩn tu.)
- Điểm thứ bảy, Phật nhắc nhở điều trọng yếu của người tu, đó là "an trú chánh niệm." Phật nói: "Chúng Tỷ-kheo tự thân an trú chánh niệm, khiến các bạn đồng tu thiện chí chưa đến muốn đến ở, và các bạn đồng tu thiện chí đã đến ở, được sống an lạc. An trú chánh niệm, có nghĩa là vị thánh đệ tử của Phật có khả năng thường xuyên ở trong trạng thái tỉnh thức biết không lời. Đây là trạng thái Định sâu: ngôn hành là tầm và tứ và ý hành là thọ và tưởng không còn tự động khởi lên. Người thường xuyên an trú trong trạng thái này, lúc nào cũng nhận biết rõ ràng và đầy đủ môi trường chung quanh mà nội tâm không dao động, không dính mắc với đối tượng bên ngoài giác quan. Trong trạng thái an trú chánh niệm này, từ trường tâm bi, tâm từ, tâm hỷ, tâm xả sẽ lan tỏa ra những làn sống an lạc, khiến người người đều cảm thấy vui thích, thoải mái khi đến gần.
Phật kết luận: khi nào bảy Pháp Bất thối này được duy trì giữa các vị Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo được dạy bảy Pháp Bất thối này, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
7 Pháp Bất thối thứ 2
- Mở đầu 7 Pháp Bất thối thứ hai, Phật đề cao nguyên tắc làm cho tăng đoàn được cường thịnh, không bị suy giảm căn bản là do chúng Tỳ kheo biết xa lánh chuyện thế gian, không vui vẻ làm chuyện thế gian, không đam mê làm chuyện thế gian. Chỉ vì chuyện thế gian là chuyện của người chưa thật sự tỉnh ngộ, người còn nhiều tham vọng trần tục, người thích tranh chấp, tranh giành những quyền lợi thế tục, người chưa nhận rõ chân tánh hiện tượng thế gian là vô thường, xung đột, và không thực chất tính, tức vô ngã, dù người đó đã xuất gia lâu năm hay cao tuổi hạ. Nên trước khi ra đi vĩnh viễn, Phật nhắc lại cho chúng Tỳ kheo hiểu biết rõ nguyên tắc tối hệ trọng này.
Phật nói: "Chúng Tỷ-kheo không ưa thích làm thế sự, không hoan hỷ làm thế sự, không đam mê làm thế sự. Thế sự là tất cả những vấn đề thuộc về gia đình, xã hội, chính trị, quân sự, kinh tế, và văn hóa v.v…Trong một bài kinh khác, bài kinh Phạm Hạnh, Đức Phật kể ra chi tiết tất cả chuyện trong đời sống hàng ngày của tất cả con người, nếu không có mục tiêu đưa đến thoát khổ, giác ngộ, và giải thoát, thì đều là ra ngoài hạnh sống của Tỳ kheo, hay của bậc thánh. Huống chi là ưa thích, hoan hỷ và đam mê làm thế sự. Tức là những việc thế sự này bị năng lực hùng mạnh của khát ái (dục lậu) thúc đẩy mà làm, thì chỉ tạo ra nghiệp thiện hay bất thiện mà thôi. Còn nghiệp thì còn tái sinh. Như vậy là chúng ta đi ngược dòng tâm linh, không thể nào đến bến thoát khổ, giác ngộ, và giải thoát.
Kính thưa Thầy,
Pháp Bất thối thứ tám này làm cho con liên tưởng đến những sự kiện đã xảy ra mà Thầy thường lưu ý chúng con. Đó là khi người xuất gia đứng ra làm chuyện thế sự thì vị ấy đã đi sai tôn chỉ tu tập do Phật giảng dạy. Trong những năm 1998, Thầy thường giảng Kinh Phạm Hạnh để sách tấn chúng con. Sau này, trong Thanh Qui, Thầy nêu lên chủ trương của Thiền Tánh Không là không tham gia chuyện thế sự, không làm chuyện thế sự. Cụ thể như không tham gia hoạt động chánh trị, không tổ chức thương mãi để kiếm lời. Tất cả thiền sinh theo học dưới sự hướng dẫn của Thầy chỉ nhắm hai mục tiêu: (1) Tự tu theo pháp do Phật dạy để kinh nghiệm hài hòa thân tâm, phát huy trí tuệ tâm linh. (2) Khi đã thực sự có kinh nghiệm tu tập, thì tăng sinh Thiền viện hãy cùng Thầy thực hiện nguyện vọng vì người khác.
- 9. Không ưa thích phiếm luận, không hoan hỷ phiếm luận, không đam mê phiếm luận. Trong bài kinh Phạm Hạnh, Đức Phật cũng nói rõ tất cả mọi câu chuyện về vua chúa, về người dân, về chiến tranh, về ma quái, về đàn ông, về đàn bà, về quá khứ, về tương lai, v.v… tất cả đều là phiếm luận, hay là hý luận. Không phải là phiếm luận hay hý luận chỉ có hai điều: nói về Khổ và cách chấm dứt Khổ, hoặc là im lặng, sự im lặng của bậc Thánh.
- Nói về Khổ và cách chấm dứt Khổ: đây là mục tiêu tu tập của mỗi người trong chúng ta. Những khi tụ họp, có thể chia sẻ kinh nghiệm với nhau, mình có thiếu sót chỗ nào thì học được ưu điểm nơi người khác. Đây cũng là phương thức Tứ Đế, là con đường tu của bậc Thánh. Ngoài ra, khi đi giáo hóa, lời lẽ cũng chỉ nói đến phương thức làm sao chấm dứt nỗi Khổ của con người mà thôi. Hễ nói ra ngoài mục tiêu thoát khổ thì Phật đều cho là phiếm luận.
- Im lặng của bậc Thánh: tức nội tâm hoàn toàn tĩnh lặng, không có ngôn hành hay ý hành khởi lên. Trạng thái này chỉ có một dòng nhận thức biết không lời hiện hữu mà thôi. Hành giả tỉnh thức biết rõ ràng và đầy đủ về nội tâm và môi trường bên ngoài mà không dính mắc.
- Không ưa thích ngủ nghỉ. Mới nghe qua điều này, chúng ta tưởng chừng như đây là một việc nhỏ nhặt, không đáng kể. Nhưng nó là một trong năm điều ham thích của thế gian: tài, sắc, danh, thực, thùy. Thùy là ngủ nghỉ. Một người ham thích ngủ nghỉ thì trở nên biếng nhác, không có nhiều thì giờ để tu tập Thiền Định. Nó trái với tinh tấn.
Trong sinh hoạt tại Thiền viện, Thầy đã làm gương nhiều cho chúng con. Đó là Thầy thức khuya mà dậy sớm.
- 11. Không ưa thích quần tụ, không hoan hỷ quần tụ, không đam mê quần tụ. Quần tụ trong ý nghĩa quay quần đông người gặp nhau để vui chơi, bàn luận thế sự, thị phi phải trái của thế gian. Ngoài ra, quần tụ cũng có nghĩa trong cộng đồng chư tăng, có chúng Tỳ kheo cùng lứa tuổi, cùng trình độ, cùng sở thích, cùng quê hương, xứ sở kết bè thân thiện với nhau thành từng nhóm nhỏ. Phật biết rằng với tinh thần "quần tụ" này, nếu không chận đứng sớm, hậu quả đưa đến là tăng đoàn sẽ không được cường thịnh, và sẽ đi đến suy giảm.
Bây giờ nhìn lại tình hình sinh hoạt Giáo đoàn sau Phật nhập diệt từ 100 năm trở lên, hơn 20 Bộ Phái Phật giáo ra đời cũng do chúng Tỳ kheo ở mỗi thời đại đều ham thích quần tụ, khiến cho Tăng đoàn không còn cường thịnh như hồi Phật còn tại thế.
- Không có ác dục vọng, không bị chi phối bởi ác dục vọng. Ác dục vọng là năng lực hùng mạnh nhất của lậu hoặc. Đó là những ham muốn với ý chí hướng hạ, chỉ thỏa mãn lòng khát khao ích kỷ của mình, bất chấp đạo đức hay luật pháp… Nếu một người suy nghĩ, nói năng, hành động theo ác dục vọng của mình thì luật pháp thế gian cũng trừng phạt, huống chi là tu sĩ. Tuy vậy trong giáo đoàn của Đức Phật ngày xưa cũng có một sự kiện xảy ra, đó là Đề Bà Đạt Đa nhiều lần hãm hại Đức Phật để dành quyền lãnh đạo giáo đoàn.
- Không bạn bè ác dục vọng, không thân tín ác dục vọng, không cộng hành với ác dục vọng. Chính mình không có ý đồ hay mưu đồ bất thiện, nhưng nếu chúng ta thân cận với những bạn bè xấu ác, thì chúng ta cũng có ngày bị lung lạc, bị vướng mắc vào những hành động bất thiện đó.
- Kết thúc 7 Pháp Bất thối thứ hai, Phật nhắc nhở chúng Tỳ kheo là "Không dừng ở nửa chừng, giữa sự đạt đáo những quả vị thấp kém và những quả vị thù thắng." Qua phần kết thúc nói trên, cho thấy rằng Đức Phật luôn luôn đặt nặng mục tiêu giải thoát tối hậu. Người tu đừng bao giờ tự mãn với những pháp thấp kém mà mình vừa mới kinh nghiệm. Trái lại, phải tinh tấn tiến lên những giai đoạn cao hơn để tu tập, ngõ hầu đạt được thoát khổ giác ngộ, và giải thoát, nói chung. Còn nói riêng là, nếu chúng ta hài lòng với vài kinh nghiệm thấp kém mà chúng ta vừa mới đạt được, xem như chúng ta đã tự mình dừng lại.
Trong kinh “Lõi Cây,” Đức Phật có giảng rõ điểm này:
Một người muốn tìm lõi cây, nhưng khi vào rừng, gặp một cây, người ấy chặt lấy cành lá mang về, mà tưởng là lõi cây. Tương tự như một người xuất gia, mục tiêu nhắm đến là tu để làm sao đạt được thoát khổ, giác ngộ, và giải thoát. Nhưng vừa mới xuất gia, chỉ là sa di thôi, lại được nhiều người khác cung kính cúng dường, vị ấy tưởng đâu mình tu đã đến nơi rồi, liền tự mãn, xem như mình đã "xong việc," không dụng công tu tập tiếp nữa.
Một người muốn đi tìm lõi cây, khi thấy vỏ ngoài…khi thấy vỏ trong…khi thấy giác cây…khi thấy lõi cây, Người ấy chặt lấy đem về. Tương tự một người xuất gia được người khác cung kính cúng dường mà không tự mãn,...người ấy tu tập giới đức, mà không tự mãn,… người ấy tu tập Thiền định, mà không tự mãn,...người ấy tu tập chánh niệm tỉnh giác mà không tự mãn…người ấy tu tập tiến tới tâm bất động, đạt được giải thoát hoàn toàn.
Tóm lại, nếu chúng ta tự mãn với vài thành quả nhỏ thì chúng ta không thể tiến tới được mục tiêu cuối cùng của đường tâm linh. Đó là tự mình kinh nghiệm được trạng thái "tâm bất động," như Phật đã giải thích rõ ý nghĩa đúng mức của người xuất gia trong bài kinh "Lõi Cây."
7 Pháp Bất thối thứ ba
- Sự nghiệp của người xuất gia là phải có lòng tin nơi Phật, Pháp, và Tăng. Mở đầu 7 Pháp Bất thối thứ ba, Phật đề cập đến "Tín tâm." Phật nói: "Chúng Tỷ-kheo có tín tâm...thì tăng đoàn sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm."
Tín tâm là lòng tin nơi Phật là đấng giác ngộ, tin nơi Pháp đưa đến thoát khổ, tin nơi Tăng là những bậc có khả năng hướng dẫn chúng ta tu tập theo đúng chánh pháp. Nếu ta không có lòng tin nơi Tam Bảo thì chỗ nào là nơi chúng ta có thể nương tựa ? Chúng ta sống trong đời, mọi thứ đều biến dịch, tâm con người càng thay đổi không lường, bên dưới tâm thế gian là những lậu hoặc, hay tập khí, kiết sử và tùy miên luôn thúc đẩy khiến cho đời sống đã bấp bênh, càng thêm bấp bênh, đã phiền muộn, càng thêm phiền muộn…Giống như một chiếc thuyền con giữa biển đang dậy sóng, mà chúng ta không biết lái chiếc thuyền đời mình đến bến bờ nào, nếu chúng ta không có la bàn chỉ hướng. Niềm tin nơi Phật, nơi Pháp, nơi Tăng chính là chiếc la bàn cho cuộc đời của mình, nó hướng mình đến bến an toàn là bến thoát khổ, giác ngộ, và giải thoát.
- Có tàm. Có biết xấu hổ vì những lầm lỗi của mình, từ đó mới từ bỏ lỗi lầm, không sai phạm nữa.
- Có quý. Nếu ta lầm lỗi và người khác biết được, ta cần sám hối để cho ba nghiệp được thanh tịnh.
- Có nghe nhiều. Đức Phật thường tán thán những vị đệ tử nghe nhiều. Thuật ngữ là “đa văn.” Như ngài A Nan trong thời gian làm thị giả cho Đức Phật, ngài được nghe tất cả những bài giảng của Đức Phật. Tất cả những bài pháp của Đức Phật giảng trở thành nội tại một cách tự động trong nhận thức cô đọng của ngài A Nan. Do đó, sau khi Đức Phật nhập diệt ba tháng, trong cuộc Kết tập Kinh điển Lần thứ I, ngài A Nan đã đọc tụng lại tất cả những bài pháp của Đức Phật giảng, gọi là Kinh Tạng.
- Có tinh tấn. Sự tinh tấn như một sức mạnh của ý chí quyết tâm tiến tới mãi trên con đường tâm linh mà mình đã chọn. Thông thường chúng ta ưa thích buông xuôi, nghỉ ngơi, giải trí, lười biếng, chần chờ, hẹn lần lữa… Cho nên bước đầu dụng công phải có ý chí sắt đá khép mình vô kỷ luật thì mới mong tiến bước được. Đó là thực tập đều đặn mỗi ngày, sáng chiều. Ngày hôm nay phải khá hơn ngày hôm qua, năm nay phải tiến tới một bước khá hơn năm trước. Nếu cứ thấy mình y nguyên năm trước, nhận thức không có gì đổi mới, kinh nghiệm cũng không có gì đáng để trình Thầy, thì là mình phải tự xét nguyên nhân nơi đâu ? Tại mình giải đãi, hay tại mình dụng công chưa đúng ? Tại mình không chịu nghe pháp nhiều, hay tại mình tự mãn ? Hay tại mình chỉ nhìn thấy lỗi người mà quên xét lại điều sơ sót của mình ?
- Có chánh niệm. Chánh niệm ở đây Phật muốn nói đến cái nhận thức biết không lời trong bây giờ và ở đây. Nếu chúng ta thường an trú trong tánh nhận thức biết này thì nội tâm an tịnh, thanh thản, không dính mắc điều gì. Có nói, có làm cũng không tạo ra nghiệp.
- Có trí tuệ: tức là có nhận thức mới về hiện tượng thế gian, hay những vấn đề trong sinh hoạt hàng ngày trong tăng chúng và trong các Đạo tràng.
Phật kết luận: - Khi nào 7 Pháp Bất thối này được duy trì giữa các vị Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo được dạy 7 Pháp Bất thối này, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
7 Pháp Bất thối thứ tư
22- Chúng Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi. Đây là chi thứ nhất trong Thất Giác Chi. Thất Giác Chi là bảy chi phần tu tập để đạt giác ngộ. Đây cũng là một tiến trình tu tập dành cho căn cơ cao tu tập pháp rốt ráo. Trong mỗi chi, Phật đều lồng sự giác ngộ trong đó. Trước hết là "Niệm giác chi." Đây là niệm đưa đến giác ngô. Niệm này được hiểu là trạng thái "tâm tathā" mà trong tầng Thiền Thứ tư, Phật đã kinh nghiệm. Đó là "niệm chân như." Suốt 45 năm giáo hóa, cuối cùng Phật mới tổng hợp bảy pháp đưa đến giác ngộ tối hậu này thành "Thất giác chi."
Với niệm giác chi, trong trạng thái này, nội tâm đã dứt hẳn tầm và tứ, nội tâm hoàn toàn tĩnh lặng, trong sáng, rỗng không, chỉ có cái nhận thức biết rõ ràng mà không dính mắc.
23- Tu tập trạch pháp giác chi. Đến đây hành giả chọn pháp dụng công, thí dụ chọn chủ đề "Chân Như" để thực hành thể nhập. Chúng ta không nên hiểu lầm rằng trạch pháp là đi nhiều nơi để nghe pháp, rồi mới chọn cách tu. Trạch pháp này là áp dụng cho người sơ cơ. Còn đối với chúng Tỳ kheo đã theo Phật hơn 40 năm thì trạch pháp giác chi này mang ý nghĩa "chọn pháp đưa đến giác ngộ tối hậu để dụng công." Dĩ nhiên pháp đó là pháp "Chân như ."
24- Tu tập tinh tấn giác chi. Tinh tấn luôn luôn là sức mạnh để hạ thủ công phu, mà không buông lung, không giãi đãi.
25- Tu tập khinh an giác chi. Khinh an là kết quả của những tiến trình Định. Đây là cảm nhận thân khỏe khoắn, nhẹ nhàng linh hoạt, tâm an vui thanh thản. Dù cho mới bắt đầu làm chủ được ngôn hành, chúng ta cũng có thể kinh nghiệm điều này, do các chất nước sinh hóa học tiết ra từ vùng Dưới Đồi, từ Đối Giao cảm Thần kinh và từ cuống não: chất Acetylcholine và Dopamine …
26-Tu tập hỷ giác chi: Cũng nhờ có các chất sinh hóa học Dopamine, Serotonin tiết ra làm cho tâm cảm nhận nhiều hỷ lạc, đồng thời biết mình đã xa lìa các pháp ác, đang tiến dần đến thoát khổ, nên càng hỷ lạc nhiều hơn.
27-Tu tập định giác chi. Tiếp tục tiến tới, chúng ta vào các tầng Định cao hơn: Chân như định, Không định…cho tới khi đạt được Định uẩn.
28-Tu tập xả giác chi. Tới đây là đạt được tâm thanh thản, thuật ngữ gọi là chánh niệm tỉnh giác trong bốn oai nghi.
Tới bước cuối cùng Huệ siêu vượt bật ra với tánh sáng tạo, với trực giác và siêu trực giác, với từ trường từ bi hỷ xả vô lượng.
Phật kết luận: khi nào 7 Pháp Bất thối này được duy trì giữa các vị Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo được dạy 7 Pháp Bất thối này, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
7 Pháp Bất thối thứ năm
26- Chúng Tỷ-kheo tu tập vô thường tưởng: Từ “Tưởng” ở đây là tri giác, sự nhận biết rõ ràng về đối tượng.
Trong các khóa Tâm lý học Phật gíáo, Thầy có giảng rõ về "Tưởng." Tưởng của tâm phàm phu là những mạng lưới khái niệm: khái niệm có lời, khái niệm không lời (mà biểu lộ bằng những cử chỉ, hành động), mạng lưới ấn tượng, mạng lưới ý tưởng và mạng lưới liên tưởng. Bên trong những mạng lưới này là lậu hoặc, hay tập khí, kiết sử và tùy miên vốn tiềm tàng trong đó. Chúng sẵn sàng thúc đẩy ba nghiệp: ý, lời, và thân con người. Nhưng còn có Tưởng của bậc Thánh: còn lậu hoặc/tập khí vi tế và Tưởng của Phật thì hoàn toàn trong sạch, tức là không có vi tế lậu hoặc. Trong bảy Pháp Bất thối này, Đức Phật giảng cho các đệ tử đã có trí tuệ xuất thế gian, nên cần tu tập nhận ra rõ ràng về vô thường: hiện tượng thế gian luôn thay đổi, khi còn, khi mất, không bền chắc từ đó không còn bám chặt, không còn dính mắc nữa.
27- Tu tập vô ngã tưởng: Tiếp theo cần nhận ra hiện tượng thế gian không có thực chất cố định, ngay cả con người chỉ gồm năm khối kết hợp mà thôi: sắc, thọ, tưởng, hành, và thức, cũng luôn luôn biến đổi.
28- Tu tập bất tịnh tưởng: Thêm nữa, chúng ta cần hiểu rõ thân con người là bất tịnh để không còn bám chặt vào thân, hay đam mê ưa thích. Như thế chấm dứt được tham dục.
29- Tu tập nguy hiểm tưởng: Nhận ra tham đắm vào thân, vào hiện tượng thế gian là nguy hiểm vì nó vô thường, vì nó sẽ đưa tới đau khổ khi nó biến đổi hay mất đi.
30- Tu tập xả ly tưởng: Do đó chúng ta mới xa lìa được mọi thứ trên đời, không còn mong bám chặt nó nữa.
34-Tu tập vô tham tưởng: Không còn tham lam, chấm dứt khát ái thì không còn khổ.
35-Tu tập diệt tưởng: Tóm lại, cắt đứt những mạng lưới khái niệm của Tưởng phàm phu, chuyển hóa thành những nhận thức của tâm bậc thánh và tâm Như, bằng những tiến trình "làm chủ ngôn hành" và "ý hành."
Kết luận:
"Tưởng" trong bảy Pháp Bất thối này, thuật ngữ gọi là "Tưởng Minh," tức trí tuệ hiểu biết rõ ràng về những chân tánh của hiện tượng thế gian và của con người. Từ đó đưa đến tâm yên lặng, thanh thản, nhận thức biết rõ ràng môi trường chung mà không còn dính mắc, không còn nắm chặt nữa.
Đức Phật kết luận: “Thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này các Tỷ-kheo, khi nào 7 Pháp Bất thối này được duy trì giữa các vị Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo được dạy bảy pháp bất thối này, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.”
6 Pháp Bất thối cuối cùng
36- Các vị Tỷ-kheo đối với các vị đồng tu phạm hạnh, tại chỗ đông người và vắng người, gìn giữ thân nghiệp từ hòa. Cử chỉ, hành động đầy vẻ từ bi, thân ái đối với các bạn đồng tu: đây là oai nghi tế hạnh của người tu.
37- Gìn giữ khẩu nghiệp từ hòa: Lời nói cần phải dịu dàng, đầy lòng từ bi, có trí tuệ khiến người nghe đều vui thích và có ích lợi. Hơn nữa, lời nói cần đúng người, đúng lúc và đúng việc.
38- Gìn giữ ý nghiệp từ hòa: Thực ra ý là gốc, ý từ bi sẽ biểu lộ ra lời từ bi và hành động từ bi, hòa nhã.
39- Sống với các bạn đồng tu, tại chỗ đông người và vắng người, trong sự thọ trì những giới luật đúng với Sa-môn hạnh, những giới luật không bị gẫy vụn, không bị sứt mẻ, không bị tỳ vết, không bị uế trược, những giới luật đưa đến giải thoát, được người có trí tán thán, không bị ô nhiễm bởi mục đích sai lạc.
40- Những giới luật hướng đến định tâm: Hai Pháp Bất thối này, Đức Phật muốn đề cao Giới luật. Điều này cũng dễ hiểu, nếu ta nhớ Đức Phật đã từng dạy: “Phải nên lấy Giới làm Thầy.” Nhưng giới tướng thì chỉ có giá trị giới hạn, trong khi giới thể là: cái Biết không lời, ở mức độ tu ban đầu và cái nhận thức biết không lời ở mức độ sâu sắc.
41- Trong sự thọ trì những tri kiến đúng với Sa-môn hạnh, những thánh tri kiến đưa đến giải thoát, hướng đến sự diệt tận khổ đau cho những ai thực hành theo, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm: Tri kiến ở đây là tri kiến Như Thật. Tu tập nhuần rồi sẽ dẫn đến tri kiến Như Vậy, đây là tri kiến Phật. Tới đây rồi thì lậu hoặc/tập khí, kiết sử, tùy miên đã được đào thải hoàn toàn, hành giả được giải thoát tri kiến, giải thoát tâm và giải thoát tuệ.
II. Đức Phật dạy về Giới- Định- Tuệ.
Kinh Đại Bát Niết Bàn mà chúng con được học thuộc kinh Trường Bộ, văn hệ Pāli, trong đó nhiều lần lặp lại đoạn văn sau đây:
“Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu.”
Chỉ có mấy câu ngắn gọn này, được lặp lại nhiều lần ở nhiều nơi khác nhau, và Đức Phật không giải thích rộng hơn.
Phương thức tu tập bình thường là tiến trình Giới- Định- Tuệ, tức là từ giữ gìn nghiêm nhặt Giới sẽ có kết quả là tâm được an tịnh, dễ đưa tới Định, rồi trong Định, Huệ lực sẽ phát huy. Con đường tu này thường được gọi là Tam Học là một tiến trình tu tập theo thứ lớp trước sau. Tuy nhiên, sau thời gian dài 45 năm giáo hóa, gần nhập diệt Đức Phật lại nhắc nhở đệ tử :“Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu.”
Các vị đệ tử đang tháp tùng Đức Phật rày đây mai đó đã thông hiểu rõ ràng Giới là gì, Định là gì, Tuệ là gì, nên Đức Phật không cần phải giảng nghĩa nữa. Nhưng mỗi người có khả năng tiếp thu và dụng công khác nhau, nên kết quả có thể khác nhau. Vậy thì những ai đang dụng công bằng con đường Định, đã đạt được Định rồi mà chưa vững chắc trong bốn oai nghi, có thể bị dính mắc vào thế gian, nên Đức Phật khuyên nên dùng Giới luật để kềm giữ tâm mình không loạn động khi tiếp xúc với môi trường chung quanh. Kết quả lần lần sẽ đạt được Định uẩn hay khối Định.
Những ai đang dụng công bằng con đường Tuệ, có được tuệ trí thông hiểu bản thể của hiện tượng thế gian: vô thường, khổ hay xung đột, vô ngã hay không thực chất tính, tương quan nhân quả, hay tánh Không, hay tánh Huyễn v.v…thì bớt dính mắc vào thế gian, bớt khổ, có được trí xuất thế gian. Nhưng muốn tiến tới nữa để đạt được lợi ích lớn hơn, quả vị lớn hơn thì cần phải thể nhập những chân tánh đó. Con đường thể nhập phải đi qua cây cầu của Định, tức là dụng công bằng tiến trình Biết không lời để đi đến nhận thức không lời về các chủ đề đó. Từ cái Biết không lời đến cái Nhận thức không lời đều là chức năng của tánh giác.
Trên đây là hai thành phần trung căn, không đi con đường Định thì cũng phải đi con đường Tuệ. Thành phần thượng căn được Đức Phật nhắc nhở sau cùng. Đã kinh nghiệm khối Định vững chắc rồi, tức Tâm đã trở thành thuần tịnh, thuần nhất, là cái nhận thức rõ ràng và đầy đủ, không dính mắc, cần hạ thủ công phu với chủ đề siêu vượt: Không, hay rốt ráo nhất là chủ đề Chân như. Kết quả sẽ đạt được giác ngộ và giải thoát rốt ráo. Tầng Thiền này tương ưng với tầng Thiền thứ tư qua đó đức Phật bật ra được tiềm năng giác ngộ: nhận ra Ba Minh và Lý Duyên khởi- Pháp Duyên sinh.
Trong phần thứ ba của câu nói của Đức Phật, “Tâm” muốn nói đến Định uẩn, hay nhận thức biết không lời của tánh giác, “Tuệ” muốn nói đến chủ đề Chân như là một chủ đề thuộc về Tuệ. Chủ đề trong Thiền Định có vai trò làm chất xúc tác kích thích tiềm năng giác ngộ tức Phật tánh bật ra. Trong tiến trình này, tác động sinh học làm tiết ra những chất nước sinh hóa học tẩy rửa các đam mê ghiền nghiện bám vào màng tế bào não, hạt nhân và hạch nhân của tế bào não, tế bào cơ bắp…Từ đó lậu hoặc, kiết sử, tùy miên được đào thải từ lần. Không còn những món làm ô nhiễm tâm, thì không còn nhân để tái sinh. Đức Phật nói là được giải thoát.
Kính thưa Thầy,
Tại sao con lại tâm đắc những lời dạy này của Đức Phật ?
Trong ba câu này, con nhận biết là con đang đứng ở đâu, và con cần phải làm gì ?
Con đường của Thiền Định là "con đường trơn trợt, khó đi." Chỉ vì muốn tu Định, tâm ta phải đi tới chỗ biết không lời. Có lần Thầy đã nói: “Tu Định như leo núi mà bám rêu.” Con nhớ ông Bàng Long Uẩn so sánh “ Khó, khó, khó, Ba tạ dầu mè trên cây vuốt.” Đây là ông Bàng long Uẩn mô tả cách tu tập leo lên là tuột xuống ngay !
Còn bà Bàng Long Uẩn thì nói: “Dễ, dễ, dễ, trên đầu ngọn cỏ ý Tổ sư”, Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma dạy: “Đạo là không lời; Giáo là lời; ngay nơi ngươi, đạt được cái không lời, ngươi đạt được Đạo.”
Con hiểu ý nghĩa lời bà Bàng Long Uẩn muốn nói đến là con đường của Thiền Tuệ, thực hành trong bốn oai nghi, thấy, nghe, xúc chạm biết như thật hay thầm nhận biết. Từ đó, tâm lần lần bớt dính mắc, làm cái gì giữ cái Biết rõ ràng trong bây giờ và ở đây. Không nhớ đến quá khứ, không mơ ước tương lai xa xôi hão huyền, cũng không phóng tâm dính mắc trong hiện tại. Từ đó kinh nghiệm tâm yên lặng thanh thản, tức trạng thái Chỉ (Samatha). Ngoài ra mỗi ngày đều giữ thời khóa tọa thiền để có kinh nghiệm Định vững chắc hơn. Từ biết Như Thật sẽ lần lần đến Biết Như vậy và nhận thức Như vậy về hiện tượng thế gian. Đây là con nhận hiểu ý nghĩa câu Đức Phật nói: “Tuệ cùng tu với Định sẽ có quả vị lớn, lợi ích lớn.”
Tiếp theo, con xin trình bày điểm thứ ba trong kinh Đại Bát Niết Bàn mà con tâm đắc:
3- Tầng định sâu của ông Ālāra Kālama và tầng định sâu của Đức Phật.
Kinh Trường Bộ I, kinh Đại Bát Niết Bàn trang 628- 632 chép như sau: (con xin ghi lại để phân tích rõ hơn).
…“Pukkusa, giòng họ Mallā, thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây, liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Pukkusa, giòng họ Mallā, bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu, bạch Thế Tôn, thật là hy hữu, trạng thái trầm tĩnh của một vị xuất gia !
Bạch Thế Tôn, thuở xưa, ngài Ālāra Kālama đang đi trên đường. Rồi ngài bước xuống đường và ngồi xuống một gốc cây, không xa con đường để nghỉ trưa. Bạch Thế Tôn, lúc ấy có khoảng năm trăm cỗ xe đi ngang qua gần ngài Ālāra Kālama. Bạch Thế Tôn, có một người đi theo sau lưng đoàn xe ấy, đến chỗ ngài Ālāra Kālama và nói với ngài:
- “Tôn giả có thấy khoảng năm trăm cỗ xe vừa đi qua không ?”
- “Này Hiền giả, ta không thấy.”
– “Tôn giả có nghe tiếng không ?”
– “Này Hiền giả, ta không nghe tiếng."
– “Có phải Tôn giả đang ngủ không ?”
– “Này Hiền giả, không phải ta đang ngủ."
– “Vậy có phải Tôn giả đang thức tỉnh không ?”
– “Này Hiền giả, ta đang thức tỉnh."
– “Tôn giả đang thức tỉnh nhưng không thấy năm trăm cỗ xe vừa đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe thấy tiếng. Bạch Tôn giả, cái áo của Tôn giả cũng bị lấm bụi."
– “Này Hiền giả, phải, áo ta bị lấm bụi."
Bạch Thế Tôn, người ấy liền tự nghĩ: “Thật là kỳ diệu, thật là hy hữu sự trầm tĩnh của vị xuất gia. Trong khi giác tỉnh, còn thức, nhưng không thấy năm trăm cỗ xe vừa đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe tiếng.” Sau khi tỏ sự thâm tín đối với ngài Ālāra Kālama, vị ấy từ biệt.
- Này Pukkusa, nhà ngươi nghĩ thế nào ? Cái gì khó làm hơn, cái gì khó thực hiện hơn ? Một người trong khi giác tỉnh, còn thức, mà không thấy năm trăm cỗ xe vừa đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe tiếng. Hay một người đang giác tỉnh, còn thức, trong khi trời đang mưa, mưa tầm tã ào ào,trong khi điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, mà không thấy, cũng không nghe tiếng ?
- Bạch Thế Tôn, nói gì đến năm trăm cỗ xe này, cho đến hoặc sáu trăm, hoặc bảy trăm, hoặc tám trăm, hoặc chín trăm, hoặc một ngàn, cho đến trăm ngàn cỗ xe, cũng không thể so sánh được. Thật khó làm hơn, khó thực hiện hơn, một người đang giác tỉnh, còn thức, trong khi trời đang mưa, mưa tầm tã ào ào, trong khi điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, mà không thấy, cũng không nghe tiếng ?
- Này Pukkusa, một thời Ta ở Atumā, tại nhà đập lúa. Lúc bấy giờ trời mưa, mưa tầm tã ào ào, điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, có hai anh em nông phu và bốn con bò đực bị sét đánh chết. Này Pukkusa, một số đông người từ Atumā đi ra đến tại chỗ hai anh em nông phu và bốn con bò đực bị sét đánh chết…
Này Pukkusa, lúc bấy giờ Ta từ nhà đập lúa đi ra và đi qua đi lại ngoài trời, trước cửa nhà đập lúa. Này Pukkusa, có một người từ đám đông ấy đi ra, đến chờ Ta, đảnh lễ và đứng một bên. Và Ta nói với người ấy đang đứng một bên:
- “Này Hiền giả, vì sao có số đông người tụ họp như vậy?”
– “Bạch Thế Tôn, vừa rồi trời đang mưa, mưa tầm tã ào ào, điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, có hai anh em nông phu, và bốn con bò đực bị sét đánh chết. Do vậy mà có số đông người ấy tụ họp tại đây. Bạch Thế Tôn, lúc ấy Ngài ở tại chỗ nào ?”
– “Này Hiền giả, lúc ấy Ta ở tại đây.”
– “Bạch Thế Tôn, Ngài không thấy gì cả sao ?”
– “Này Hiền giả, Ta không thấy gì."
– “Bạch Thế Tôn, ngài không nghe tiếng gì cả sao ?”
– “Này Hiền giả, Ta không nghe tiếng gì.”
– “Bạch Thế Tôn, có phải Ngài đang ngủ, phải không ?” – “Này Hiền giả, không phải Ta đang ngủ.”
– “Bạch Thế Tôn, có phải Ngài đang tỉnh thức phải không."
– “Này Hiền giả, phải.”
– “Bạch Thế Tôn, Ngài đang tỉnh thức, nhưng trong khi trời mưa, mưa tầm tã ào ào, điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, có hai anh em nông phu và bốn con bò đực bị sét đánh chết, nhưng Ngài không thấy cũng không nghe gì.”
– “Này Hiền giả, phải như vậy”.
Này Pukkusa, người ấy liền tự nghĩ: “Thật là kỳ diệu, thật là hy hữu sự trầm lặng của vị xuất gia, khi thức tỉnh, dù có mưa tầm tã ào ào, điện quang chói lòa, sấm sét vang động, có hai anh em nông phu và bốn con bò đực bị sét đánh chết mà không thấy gì, không nghe gì hết.” Sau khi nói lên lòng tin tưởng ở nơi Ta, người ấy đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng về phía Ta và từ biệt.
Khi được nói vậy, Pukkusa, giòng họ Mallā bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, sự tin tưởng của con đối với ngài Ālāra Kālama, nay con đem rải rắc trước luồng gió lớn, nay con đem thả trôi vào giòng nước cuốn. Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn ! Hy hữu thay, bạch Thế Tôn ! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày. Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và Tỳ kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.”...
Đọc hai trang kinh này, nếu không đối chiếu với vài sự kiện khác có liên hệ tới các tầng Định trong Phật Giáo, có thể chúng ta sẽ cảm thấy khó hiểu.
Hôm nay con muốn trình bày một nghi vấn trong kinh điển Phật Giáo. Trong giới hạn của bài này, và khả năng giới hạn của con, con chỉ trình bày khái quát mà thôi, chứ không phải là một bài khảo cứu về Phật học.
Mới đầu, đọc hai trang kinh này, so sánh giữa hai sự kiện: trạng thái Định của ngài Ālāra Kālama và trạng thái Định của Đức Phật, chúng ta thấy tương tự nhau: cả hai đều không trông thấy và không nghe biết gì về những sự kiện xảy ra chung quanh mình khi hai vị đang ngồi thiền mặc dầu cả hai đều đang tỉnh thức. Tuy nhiên, nếu hiểu như thế, chúng ta sẽ thắc mắc: Tại sao hai tầng Định tương tự nhau, mà ở cuối đoạn kinh, ông Pukkusa lại chê ông Ālāra Kālama và tán dương Đức Phật khi ông nói những lời này:
- “Bạch Thế Tôn, sự tin tưởng của con đối với ngài Ālāra Kālama, nay con đem rải rắc trước luồng gió lớn, nay con đem thả trôi vào giòng nước cuốn. Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn ! Hy hữu thay, bạch Thế Tôn ! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày. Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và Tỳ kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.”…
Chúng ta cần nhớ lại tiến trình tu chứng của Đức Phật. Ông Ālāra Kālama là vị thầy thứ nhất đã hướng dẫn pháp Vô sở hữu xứ định. Sau một thời gian, Đức Phật, khi ấy còn là Bồ tát, đạt được tầng Định này nhưng Ngài từ bỏ mà đi vì ngài nhận thấy pháp này không đưa đến Thượng trí và Niết bàn.
“Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Vô Sở Hữu Xứ...” Kinh Trung bộ I, kinh Thánh cầu.
Đây là tầng Định thứ 3 trong 4 tầng Thiền Vô sắc, hay Thiền Yoga.
Sau đó, Bồ tát gặp vị thầy thứ hai là ngài Uddaka Rāmaputta, hướng dẫn pháp Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, là tầng định thứ tư, tầng định cao nhất của Thiền Vô sắc. Sau khi đạt được tầng định này, nhưng cũng không đạt được mục tiêu rốt ráo mà ngài mong muốn, Bồ tát cũng từ bỏ. Giống như trường hợp trước. Sau thời gian gần sáu năm khổ hạnh, thân thể kiệt quệ, Bồ tát từ bỏ khổ hạnh. Cuối cùng, Bồ Tát dụng công pháp Thở mà ngài kinh nghiệm từ lúc thơ ấu, ngài dụng công trong bốn tuần lễ, trải qua bốn tầng Thiền và đạt được sự bừng sáng tâm linh. Đêm cuối của tuần lễ thứ tư, ngài chứng Tam Minh, sạch lậu hoặc. Tuần lễ thứ năm, Ngài chứng ngộ hoàn toàn, nhận ra được pháp tánh và pháp giới tánh, đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng Giác.
Đến đây, chúng ta nhận ra rõ ràng trong kinh Thánh Cầu và kinh Đại Saccaka, Đức Phật kể lại về tiến trình tu và thành đạo của Ngài: lý do nào khiến Ngài từ bỏ các tầng Thiền Vô sắc hay Thiền Yoga. Thiền Vô sắc hay Thiền Yoga là một loại Thiền có mặt ở Ấn Độ trước thời Đức Phật khoảng 500 năm do Ngài Patañjali thiết lập gồm bốn tầng thứ lớp như sau:
1- Không vô biên xứ hay Hư không vô biên xứ
2- Thức vô biên xứ
3- Vô sở hữu xứ
4- Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Cả bốn tầng Thiền này dựa trên sự dụng công khai triển năng lực của ý thức, ý căn, và trí năng.
Đức Phật thành đạo qua bốn tầng Thiền đặt nền tảng trên cái Biết của Tánh Giác, từ cái Biết có lời, đến cái Biết không lời hay Thầm nhận biết, Tỉnh thức biết và Nhận thức biết. Đây là bốn tầng Thiền đưa Bồ Tát Gotama đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác:
1- Định có tầm có tứ hay định có tầm không tứ
2- Định không tầm không tứ
3- Chánh niệm tỉnh giác
4- Định bất động hay Chánh định, hay Định ba hành không động, hay Kim cang định, hay Chân như định.
Đúc kết lại về tầng Định của ngài Ālāra Kālama: đó là tầng Định Vô sở hữu xứ hay có thể là tầng Định Phi tưởng phi phi tưởng xứ: không còn cảm thọ và cũng không còn tri giác trong khi đang Định, có nghĩa là không có cái Biết hay cái Nhận thức rõ ràng và đầy đủ về nội tâm hay môi trường bên ngoài.
Trong khi đó, tầng Định của Đức Phật là tầng Định Bất động hay Định Chân Như. Lúc đó là trạng thái Tâm Tathā hay Tâm Như có mặt. Trong trạng thái Tâm Như không có dấu vết nào của cảm thọ về nội thân hay ngoại cảnh. Cho nên không thấy không nghe, vì lúc đó các tánh thấy, nghe và xúc chạm “xem như tự đóng cửa,” chỉ hiện hữu là tánh Nhận thức Biết không lời mà thôi.
Nhận thức Biết không lời là một dòng Biết thầm lặng, rõ ràng và đầy đủ, về cái gì ? Về chính Nó mà thôi. Trong đêm cuối của tuần lễ thứ tư ngồi dưới gốc cây Pipphala, Đức Phật đã Nhận thức biết rõ ràng và đầy đủ về những Nhận thức sáng tạo do tiềm năng giác ngộ của Ngài bật ra kiến giải, mà sau này gọi là Ba Minh: Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh và Lậu Tận Minh. Trong kinh, Đức Phật nói: “Ta thấy Như Thật Như Vậy” về Ba Minh.
Trong tuần lễ thứ năm, khi Đức Phật chiêm nghiệm về hiện tượng thế gian, có nghĩa đối tượng của nhận thức bây giờ là bên ngoài tâm, thì Ngài đã nhận thấy gì ? Ngài nhận ra cái thực tại rốt ráo — cái tinh túy — cái bề ngoài khách quan của hiện tượng thế gian là Chân như, hay Như tánh, hay cái Như Thế, cái Như Vậy của hiện tượng thế gian. Thuật ngữ là “Tathatā.” Về sau, Tathatā được xếp là Pháp Giới tánh, tức “tinh túy” thế giới hiện tượng.
Sau đó, Ngài nhận ra Y duyên tánh của hiện tượng thế gian. Thuật ngữ là "Idappaccayatā," được xếp là Pháp tánh.
Đức Phật đã chiêm nghiệm và nhận ra pháp giới tánh và pháp tánh bằng trạng thái nhận thức biết không lời của tâm Tathā. Điều này có nghĩa là tiềm năng giác ngộ của Ngài đã bật ra kiến giải bằng những nhận thức không lời rõ ràng về các bản thể và tinh túy của hiện tượng thế gian.
Ngoài ra, chúng ta có thể đơn cử thêm một trường hợp khác để giải thích chỗ này. Đó là bài kinh ngắn: kinh Bāhiya, trong đó Đức Phật dạy ông Bāhiya: “Trong cái thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe, trong cái thọ tưởng chỉ là cái thọ tưởng, trong cái thức tri chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bāhiya, ông không là chỗ ấy. Ông không là đời này, ông không là đời sau, ông không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.”…Sau khi nghe những lời ngắn gọn này, ông Bāhiya đắc quả A La Hán, nhập niết bàn.
Chúng ta nhận hiểu là Đức Phật muốn chỉ cho ông Bāhiya rằng tánh giác có bốn tánh: thấy, nghe, xúc chạm và nhận thức biết. Đồng thời ngài cũng nói rõ cách dụng công: thấy, nghe, xúc chạm đều bằng nhận thức biết không lời. Vì "không lời” nên không dính mắc khi giác quan tiếp xúc đối tượng. Cho nên trong cái nhận thức biết chỉ là cái nhận thức biết mà thôi.
Nếu đem đối chiếu với hoạt động của vùng tam giác phía sau bán cầu não trái, chúng ta có thể lý giải trạng thái này như sau:
- Khi tâm hành giả trụ trong trạng thái Định Chân Như, tức là an trú Tâm trong tánh Nhận thức Biết không lời, thì ba vùng khác của ba tánh: thấy, nghe, xúc chạm đều không động. Do đó, đưa đến người thực hành kinh nghiệm trạng thái “tâm không động.” Chỉ vì ngay lúc đó, vùng Wernicke không nhận được thông tin từ một trong bốn vùng của bốn tánh. Làm cho vùng Tầm và Tứ ở tiền trán bán cầu não trái yên lặng, không khởi niệm.
- Tuy nhiên, khi ấy, nếu hành giả muốn thấy hay muốn nghe thì sẽ thấy và nghe rõ ràng mà tâm vẫn trong trạng thái Định. Chứ không phải là vô tri giác như trạng thái “Diệt tận định.”
- Điểm này cũng là chỗ mà Đức Phật cho là “ngoài phạm vi lý luận”—ATAKKĀVACARA. Sau này, mô tả trạng thái “atakkāvacara,” các nhà Phật giáo Đại thừa (các nhà Phát Triển) nói: "bất khả tư," "bất khả thuyết," hay “bất khả tư nghị.”
Chính chỗ này là điểm khác biệt giữa tầng Định sâu của Đức Phật và tầng Định sâu của ngài Ālāra Kālama. Do sự khác biệt này, kết quả của hai tầng Định khác nhau rất xa:
Tầng Định sâu của Đức Phật tác động đến tiềm năng giác ngộ bật ra, Phật tánh bừng sáng: trực giác, siêu trực gíác phát triển, từ bi hỷ xả biểu lộ đến vô lượng, tính sáng tạo phát huy, năng lực của từ trường rộng lớn…
Tầng Định sâu của ngài Ālāra Kālama phát huy ý thức tập trung cao độ, có thể có những năng lực phi thường, không dính mắc hiện tượng thế gian và những cảm thọ, nhưng tiềm năng giác ngộ không thể nào phát huy được.
Tiếp theo, con xin nhắc đến một điểm quan trọng liên quan đến hai tầng Định này.
Chúng ta đã thấy rõ tại sao Đức Phật từ bỏ bốn tầng Thiền Yoga và chúng ta đã biết Đức Phật thành đạo qua bốn tầng Định với pháp tu: ĐỊNH NIỆM HÍT VÀO THỞ RA, mà về sau Đức Phật đã giảng dạy lại cho đệ tử. Thế nhưng, cũng trong kinh Nikāya, Tương Ưng bộ, lại có nhiều chỗ khác ghi là Đức Phật trải qua chín tầng Định, được xếp thứ tự như sau:
1- Sơ thiền hay Hữu tầm hữu tứ định
2- Nhị thiền hay Vô tầm vô tứ định.
3- Tam thiền hay Chánh niệm tỉnh giác
4- Tứ thiền hay Chánh định
5- Không vô biên xứ định
6- Thức vô biên xứ định
7- Vô sở hữu xứ định
8- Phi tưởng phi phi tưởng xứ định
9- Diệt thọ tưởng định.
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn cũng có một đoạn nói về chín tầng Định này, khi Đức Phật vào Định để nhập Niết bàn:
“Rồi Thế Tôn nhập định Sơ thiền. Xuất Sơ thiền, Ngài nhập Nhị thiền. Xuất Nhị thiền, Ngài nhập Tam thiền. Xuất Tam thiền, Ngài nhập Tứ thiền. Xuất Tứ thiền, Ngài nhập định Không vô biên xứ. Xuất Không vô biên xứ, Ngài nhập định Thức vô biên xứ. Xuất Thức vô biên xứ, Ngài nhập định Vô sở hữu xứ. Xuất Vô sở hữu xứ, Ngài nhập định Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài nhập Diệt thọ tưởng định.
Khi ấy, tôn giả Ananda nói với tôn giả Anuruddha:
- Thưa Tôn giả, Thế Tôn đã diệt độ.
- Này Hiền giả Ananda, Thế Tôn chưa diệt độ. Ngài mới nhập Diệt thọ tưởng định.
Rồi xuất Diệt thọ tưởng định, Ngài nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài nhập Vô sở hữu xứ định. Xuất Vô sở hữu xứ, Ngài nhập Thức vô biên xứ định. Xuất Thức vô biên xứ, Ngài nhập Hư không vô biên xứ định. Xuất Hư không vô biên xứ, Ngài nhập định Tứ thiền. Xuất Tứ thiền, ngài nhập định Tam thiền. Xuất Tam thiền, Ngài nhập định Nhị thiền. Xuất Nhị thiền, Ngài nhập định Sơ thiền. Xuất Sơ thiền, ngài nhập định Nhị thiền. Xuất Nhị thiền, Ngài nhập định Tam thiền. Xuất Tam thiền, Ngài nhập định Tứ thiền. Xuất Tứ thiền, Ngài lập tức diệt độ.
Đây là một nghi vấn quan trọng trong kinh điển Phật học mà Thầy thường lưu ý chúng con, trải qua hơn hai ngàn năm trăm năm vẫn không được làm sáng tỏ.
Trở lại bốn kỳ kết tập kinh điển:
1- Kỳ Kết tập Kinh điển lần thứ I: ba tháng sau khi Đức Phật nhập diệt, năm 483 trước công nguyên. Do ngài Đại Ca Diếp chủ trì, ngài A Nan đọc tụng về Kinh, ngài Upāli đọc tụng về Luật. Kỳ này chỉ là 500 vị A La Hán đệ tử của Đức Phật đọc tụng lại mà thôi. Không ghi chép thành văn bản.
2- Kỳ Kết tập Kinh điển lần thứ II: 100 năm sau khi Đức Phật nhập diệt (383 BC) 700 vị Trưởng lão đọc tụng lại Kinh và Luật, không ghi chép thành văn bản.
3- Kỳ Kết tập Kinh điển lần thứ III: khoảng 236 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, dưới triều vua A Dục. Kỳ này ngoài Kinh, Luật có thêm bảy bộ Luận thư của các bộ phái. Trưởng lão bộ chủ trì. Ngài Mục Kiền Liên Tu Đế chủ tọa. Kỳ kết tập III ghi lại thành văn bản, gồm ba tạng: Kinh, Luật và Luận. Từ đây, chúng ta có Tam Tạng kinh điển bằng tiếng Pāli. Gọi là Kinh Nikāya.
4- Kỳ Kết tập Kinh điển lần thứ IV: khoảng 500 năm sau khi Phật nhập diệt (khoảng đầu thế kỷ 1) triều vua Ca Nị Sắc, Nhất Thiết Hữu Bộ chủ trì, ngài Thế Hữu làm thượng thủ. Kết tập Tam Tạng ghi lại thành văn bản bằng tiếng Sanskrit, gọi là kinh Āgama (A Hàm), phần chính vẫn noi theo Kinh Tạng và Luật Tạng của Trưởng Lão Bộ.
Trở lại nghi vấn trên, chúng ta nhận ra một điều: Kinh Nikāya xuất phát từ kỳ kết tập kinh điển lần thứ III, do ngài Mục Kiền Liên Tu Đế chủ tọa.
Trong sử có ghi sự kiện vua A Dục đã thỉnh ngài UPAGUPTA xuống núi. Ngài Upagupta là vị Tổ thứ tư theo dòng truyền Tổ vị: Ngài Đại Ca Diếp, ngài A Nan, ngài Thương Na Hòa Tu, ngài U Ba Cúc đa (Upagupta)…
Ngài Upagupta đã hướng dẫn vua A Dục đi chiêm bái bốn nơi Phật tích: nơi Đức Phật đản sinh, nơi Đức Phật thành đạo, nơi Đức Phật chuyển pháp luân, và nơi Đức Phập nhập diệt. Tại mỗi nơi, vua A Dục có xây đền tháp và một trụ đá để ghi dấu cho đời sau. Mãi tới ngày nay, tại bốn nơi vẫn còn lại dấu vết đền tháp và ba cây trụ đá tại ba nơi.
Nhưng tại sao khi kết tập kinh điển, dưới triều vua A Dục, không phải là ngài Upagupta, mà lại là ngài Mục Kiền Liên Tu Đế chủ trì ?
Trong văn bản kinh Nikāya này có những đoạn ghi là Đức Phật đã từ bỏ hai tầng Thiền Yoga, có những đoạn nói rõ Đức Phật thành đạo qua bốn tầng Định mà thôi .
Và lại có những đoạn nói là có chín tầng Định, mà bốn tầng Định Yoga được xếp là cao hơn bốn tầng Định của Đức Phật, cuối cùng lại còn thêm tầng Định thứ 9: Diệt thọ tưởng hay Diệt tận định, trong trạng thái đó, hành giả trở thành vô tri giác.
Vậy nghi vấn là: - Ai đã đem năm tầng Định của Yoga ghi thêm vào bốn tầng Định của Đức Phật ?
Kính thưa Thầy,
Trở lại chủ điểm của bài: tầng Định sâu của ngài Ālāra Kālama và tầng Định sâu của Đức Phật, con nhận thấy đây cũng là một luận cứ để làm sáng tỏ thêm phần nào vấn đề trên. Tuy nhiên, trong khả năng rất giới hạn của con, xin chấm dứt ở đây. Những nghi vấn này xin chờ các bậc hành giả Thiền với kinh nghiệm bốn tầng Thiền Định của Đức Phật sẽ minh chứng sau này.
Tiếp theo, con xin nói đến điểm thứ tư mà con tâm đắc trong kinh Đại Bát Niết Bàn:
4- Chánh Pháp:
Kinh Đại Bát Niết Bàn, trang 584- 585 ghi:
“Vậy nên, này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác. Này Ananda, thế nào là vị Tỳ kheo hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác.
Này Ananda, ở đời, vị Tỳ kheo đối với thân, quán thân, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời; đối với các cảm thọ…đối với tâm…đối với các pháp, quán pháp, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời. Này Ananda, như vậy vị Tỳ kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác.
Này Ananda, những ai, sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một pháp gì khác, những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỳ kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi.”
Trong đoạn kinh này, Đức Phật giải thích “dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa” bằng cách tu tập Quán thân, thọ, tâm, pháp, tức Quán Tứ niệm xứ. Phương thức sử dụng Quán ở đây là: chánh niệm tỉnh giác, tức nhận thức biết rõ ràng và đầy đủ về thân, về thọ, về tâm, về pháp, mà không dính mắc.
Chúng ta có thể giải thích rõ hơn: đó là Nhận thức biết Như Thật Như Vậy về Thân, về Thọ, về Tâm, về Pháp. Vậy cốt lõi Chánh pháp là Tâm Tathà hay Tâm Như, bằng Nhận thức không lời để nhìn thấy Thân, Thọ, Tâm, Pháp, thì tâm hoàn toàn tĩnh lặng, không dính mắc.
Trở lại mấu chốt chứng ngộ hoàn toàn của Đức Phật, trạng thái Abhisamaya, trong đêm cuối của tuần lễ thứ tư, Ngài an trú trong trạng thái Ba Hành Không Động, thì trạng thái Tâm Tathā bật ra. Ngài đã thấy Như Thật Như Vậy về Ba Minh.
Qua tuần lễ thứ năm, đạt được Anuttara Sammā Sambodhi, Vô thượng Chánh đẳng giác, cũng bằng Tâm Tathā, ngài đã chiêm nghiệm hiện tượng thế gian và nhận ra bốn đặc tính của hiện tượng thế gian:
1- Tathatā : Như tánh, hay chân như tánh
2- Avitathatā: Bất ly như tánh
3- Anaññathatā: Bất dị tánh
4- Idappaccayatā: Y duyên tánh hay Điều kiện tánh riêng biệt.
Tóm lại, mấu chốt chứng ngộ của Đức Phật là trạng thái Tâm Tathā mới nhận thức được thực tại tối hậu của hiện tượng thế gian là Tathatā, tức Chân như.
Về sau, trong Thiền sử có ghi một sự kiện, có thể chỉ là huyền thoại, đó là tích “Niêm hoa vi tiếu.”
Trong hội Linh Sơn, Đức Phật đưa cành hoa lên. Hội chúng không hiểu gì. Chỉ có ngài Đại Ca Diếp mỉm cười. Đức Phật công bố: “Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, nay phó chúc cho Đại Ca Diếp.”
Ý nghĩa đây cũng là muốn nói đến Tâm Tathā, là Tâm Như hay Tâm Chân như, tức “Chánh pháp nhãn tạng,” “Niết bàn diệu tâm.” Bằng Tâm Như mới thể nhập được với Chân Như của hiện tượng thế gian, là cái “thật tướng vô tướng.”
Ngoài ra, trong đoạn văn kinh này, Đức Phật đã tha thiết dặn dò đệ tử: “tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác”…
Chúng ta được thêm một bài học nữa là: phải tự lực thực hành miên mật, không ỷ lại nơi người khác, không van xin cầu nguyện nơi nào khác. Đây cũng là qui luật tương quan nhân quả: tự mình gieo trồng nhân tốt, tạo đủ điều kiện tốt, thì sẽ có hoa, có quả tốt. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rõ là từ ngữ “mình” có nhiều sắc thái khác nhau rất xa. Đó là “cái Ta phàm tục với đầy dẫy lậu hoặc/ tập khí, kiết sử và tùy miên” hay “cái Ta tỉnh ngộ, trong sạch của bậc thánh, chỉ còn vi tế lậu hoặc, có trí xuất thế gian,” và “cái Ta của bậc Giác ngộ, hoàn toàn trong sạch, không còn lậu hoặc.” Đức Phật muốn nói đến ở đây là cái Ta đã tỉnh ngộ đang đi trên con đường tiến tới giác ngộ. Thì mới đủ trí tuệ để nương tựa nơi chính trí tuệ của mình.
Chúng ta ngày nay, noi theo con đường đi của Đức Phật, chúng ta cũng nhắm hướng đến của mình là kinh nghiệm được nhận thức không lời về Tinh túy của hiện tượng thế gian, đó là thể nhập chân như.
Trong khóa nhập thất chuyên tu Thiền Định I được tổ chức lần đầu tiên, tại trại Cedar Falls ở Nam California, Thầy đã trực tiếp hướng dẫn thiền sinh chúng con dụng công 4 giai đoạn thực hành để dẫn tới Chân Như Định. Khóa chuyên tu kéo dài 10 ngày, từ ngày 21 tháng 10 đến ngày 30 tháng 10- 2009. Chương trình được chia ra bốn phần:
1- Định có tầm không tứ
2- Định không tầm không tứ
3- Định chánh niệm tỉnh giác
4- Định chân như.
Tiến trình dụng công của thiền sinh chúng con gồm bốn giai đoạn:
1- Dùng tầm tắt tứ hay Biết có lời
2- Thầm nhận biết
3- Tỉnh thức biết
4- Nhận thức biết.
Thiền sinh tham gia khóa tu học phần đông đã từng có ít nhiều kinh nghiệm làm chủ sự suy nghĩ rồi trong khi đang theo học các khóa Bát Nhã, từ Trung cấp 1, 2, 3 và có người đã xong Trung cấp 4, nay đến đây để củng cố trạng thái làm chủ tâm ngôn vững chắc hơn. Trong khóa tu học này, cũng như những khóa Bát Nhã từ trước tới nay, Thầy đã giảng chi tiết từng giai đoạn dụng công, sau đó mới cho chúng con thực tập. Vì thế, con không nhắc lại chi tiết những phần lý thuyết về thực hành Chân như định nữa. Thí dụ những chủ đề:
- Thực hành “Không nói” đã tập từ lớp căn bản bước 1, bước 2, tiếp lên các lớp trung cấp, chúng con được hướng dẫn thực tập bước 3, 4 .
- Chủ đề Nhận thức, ý nghĩa, vai trò quan trọng của nhận thức, cách thành lập nhận thức, các loại nhận thức, cách thiết lập bản đồ nhận thức…đã học từ lớp trung cấp 1.
- Chủ đề Chân như, xuất nguyên từ ngữ, ý nghĩa hàn lâm, ý nghĩa cốt lõi, cách thể nhập chân như…đã học trong chương trình lớp Trung cấp 2.
- Chủ đề Chân như được khai triển rộng hơn trong lớp Trung cấp 3: Tổ Bồ Đề Đạt Ma giảng về Chân như trong bài “Vô Tâm trong Thiền”; Ngài Mã Minh giải thích “Chân như trong Đại Thừa Khởi Tín Luận”; kinh hệ Bát nhã và “Bát Nhã Tâm Kinh” nói đến “Không” và “Chân như”; trong “Thập Địa Bồ Tát”, giai đoạn thứ nhất là Hoan Hỷ Địa: khi mới nhận ra chân như cho đến giai đoạn cuối cùng là thể nhập chân như; Kinh Kim Cang nói đến Chân Như “Kẻ nào dùng sắc thấy Ta, dùng âm thanh cầu Ta, kẻ ấy hành đạo tà, không thể thấy Như Lai”, “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”; Kinh Pháp Hoa, Kinh Duy Ma Cật cũng có nhiều đoạn nói đến Chân Như v.v…
Hôm nay con chỉ xin cô đọng lại các giai đoạn thực hành, gọi là một món quà nhỏ gởi đến các bạn thiền sinh không có điều kiện tham gia khóa nhập thất chuyên tu tại Cedar Falls vào Mùa Đông năm 2009 mà thôi.
Con xin đúc kết lại từng bước dụng công sau đây:
Giai đoạn I: Biết có lời, gồm 3 bước thực tập
Bước 1: Nói ra lời : Không nói….Không nói …..
Bước 2: Nói thầm: Không nói………Không nói …………
Bước 3: Nói thầm: Không………….nói ……………….Không ………..nói ………………….
Trong lúc chúng ta nói hai chữ “không nói”, không thể có niệm nào khác khởi lên. Khoảng cách khi chúng ta ngừng nói, cũng không có niệm nào khác khởi lên, mà có cái Biết không lời, tuy còn rất ngắn. Hai chữ “không nói” do chúng ta chủ động nói, gọi là “Tầm” (lời nói thầm/ vitakka). Ký ức có ba vùng: ký ức vận hành, ký ức dài hạn và ký ức xúc cảm. Khi các vùng ký ức khởi lên những tâm ảnh, chúng ta duyên theo thành ra những lời đối thoại dây dưa trong tâm, thuật ngữ gọi là Tứ (đối thoại thầm lặng/vicāra). Trong ba bước thực tập này, không có những hình ảnh từ ký ức gợi lên nên gọi là “Dùng Tầm tắt Tứ”. Vì thế giai đoạn này có mục đích là tập tế bào não của chúng ta một quán tính mới: quán tính yên lặng.
Giai đoạn này chúng ta có thể tập trong các sinh hoạt hằng ngày: thiền hành, ngồi chơi, làm vườn, ngồi thiền… Khoảng cách giữa lời “không nói” càng lúc càng kéo dài ra để kéo dài niệm Biết.
Sau khi nhận ra tâm mình bớt dao động lăng xăng rồi chúng ta tiếp lên giai đoạn II.
Giai đoạn II: Thầm nhận biết, gồm 4 bước thực tập
Bước 1: Viết hai chữ “KHÔNG NÓI” thật to, để trước mắt. Mở mắt nhìn hai chữ “Không nói”, biết đó là “Không nói” mà không nói thầm “Không nói”. Có nghĩa là nhìn hai chữ “Không nói” thầm nhận biết.
Đây là tiến trình cất giữ hai chữ “Không nói” vào ký ức mã số và cất giữ kinh nghiệm Thầm nhận biết vào ký ức thầm lặng. Đây cũng là bắt đầu có kinh nghiệm Định không tầm không tứ nhưng chưa vững chắc. Tiến trình này tạo ra phản xạ giác quan.
Bước này cần thực tập cho vững chắc mới tiến lên bước 2.
Bước 2: Không nhìn hai chữ “Không nói” nữa, nhắm mắt lại, hình dung trạng thái “Không nói”. Bước này bắt đầu củng cố Thầm nhận biết, cất giữ kinh nghiệm Thầm nhận biết vào ký ức thầm lặng.
Bước 3: Thầm nhận biết không chủ đề, hay không nội dung cố định. Bước này có thể thực tập trong 4 tư thế: đi, đứng, nằm, ngồi, tức là trong các sinh hoạt thường ngày. Làm cái gì, thầm nhận biết đang làm cái đó. Thấy, nghe, thầm nhận biết; lái xe, nhặt rau, nhổ cỏ…thầm nhận biết. Thiền hành, mở ba tánh: thấy, nghe, xúc chạm đều thầm nhận biết. Bước này thực tập để củng cố Định không tầm không tứ (không chủ đề), thành lập ký ức thầm lặng vững chắc. Tiến trình này tạo ra phản xạ giác quan.
Bước 4: Thầm nhận biết trạng thái “Không nói” (có chủ đề). Đạt Định không tầm không tứ có chủ đề “Không nói”. Tiến trình này thành lập nhận thức trạng thái “Không nói” và nhận thức gợi lên. Chủ đề “Không nói” từ từ nội tại trong nhận thức không lời. Tiến trình này không còn sử dụng giác quan nữa, bắt đầu thành lập phản xạ thụ động.
Giai đoạn III: Tỉnh thức Biết (Biết rõ ràng và đầy đủ, đây là chức năng của tánh nhận thức biết) gồm hai bước:
Bước 1: Tỉnh thức biết trạng thái “Không nói”: bắt đầu sử dụng ký ức hiển minh. Bắt đầu tạo ra phản xạ thụ động. Từ đây sử dụng nhận thức thủ tục, nhận thức tình tiết và nhận thức gợi lên.
Bước 2: Tỉnh thức biết không chủ đề hay không nội dung cố định, tức tỉnh thức biết trống rỗng, thành lập nhận thức biết trống rỗng, chuẩn bị để cho chủ đề “chân như” vào nội tại trong “khung” nhận thức biết trống rỗng.
Giai đoạn IV: Nhận thức biết Như Vậy tức thể nhập chân như: sử dụng nhận thức ngữ nghĩa Chân như. Trong tiến trình Định Chân như, nhận thức gợi lên liên tục chủ đề để kích thích Huệ lực tự phát qua phản xạ thụ động.
Trên đây là bốn giai đoạn thực hành Định Chân như mà Thầy đã hướng dẫn trong khóa chuyên tu vừa qua. Thực ra, tùy theo trình độ của mỗi khóa tu học, có khi Thầy bỏ bớt một hay hai bước không cần thiết. Thí dụ có khi Thầy bỏ bước 2 của giai đoạn II (Hình dung), có khi Thầy lướt qua bước 3 của Giai đoạn II (Thầm nhận biết không nội dung) vì bước này là để củng cố thêm Thầm nhận biết mà thôi. Trái lại có khi Thầy cho thực tập thêm: Nghe tiếng chuông bằng nhận thức biết, để củng cố nhận thức vững chắc hơn…
Tiếp theo, con xin trình bày điểm thứ năm của bài thu hoạch này:
5- Các pháp hữu vi là vô thường
Ở một đoạn , kinh Đại Bát Niết bàn ghi:
“Các hành là vô thường; hãy tinh tấn lên để tự giải thoát, không lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ.
Đó là lời Thế Tôn dạy. Sau khi nói vậy, Thiện Thệ lại nói thêm:
Ta đã già, dư mạng chẳng còn bao,
Từ biệt các ngươi, Ta đi một mình.
Tự mình làm sở y cho chính mình,
Hãy tinh tấn, chánh niệm, giữ giới luật,
Nhiếp thúc ý chí, bảo hộ tự tâm.
Ai tinh tấn trong pháp và luật này
Sẽ diệt sanh tử, chấm dứt khổ đau.”
Trong đoạn sau, Kinh ghi:
“Và Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
- Này các Tỳ kheo, nay Ta khuyên dạy các Ngươi : “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật.”
Đó là lời cuối cùng của Như Lai.”
Qui luật Vô thường, chúng ta đã học qua rồi, từ lớp căn bản. Nhưng bây giờ là câu nói cuối cùng của Đức Phật, lại có một ý nghĩa khẩn thiết đối với chúng ta.
Pháp hữu vi là những pháp do nhiều điều kiện kết hợp lại mà thành, nó không có thực chất, không có tự tánh, nên nó luôn luôn biến dịch tùy theo điều kiện thay đổi. Pháp hữu vi là tất cả mọi hiện tượng thế gian gồm: người, tâm, cảnh, vật, sự kiện, sự việc…tức là tất cả những đối tượng của sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Như vậy, chúng ta và môi trường sống chung quanh chúng ta hàng ngày đều thay đối luôn, trong chu kỳ biến dịch: sinh- trụ- hoại- diệt và trở thành- sinh…Chu kỳ này tiếp nối liên tục, thành vòng luân hồi của hiện tượng thế gian.
Khi chúng ta nhận ra rõ ràng tất cả chúng ta và hiện tượng thế gian đều nằm trong qui luật vô thường, thì dần dần tâm bớt tham đắm, bớt nắm chặt. Cuối cùng, ta có khả năng kinh nghiệm không dính mắc, không bám chặt vào hiện tượng thế gian. Nếu những gì thân thiết, những gì là sở hữu, có xa lìa, có mất đi, chúng ta sẽ bớt đau khổ hay không khổ. Đến khi nhận thức vô thường trở thành là cái nhìn thật sự của chính mình, thì không còn chấp thân mình, không còn chấp ngã, không còn ích kỷ, không còn khát ái, như vậy cũng không còn khổ về thân và về tâm. Bây giờ nhận thức rõ hiện tượng thế gian đều là Huyễn, tâm đạt được an tịnh, thanh thản và khách quan. Lậu hoặc là những thứ đam mê ghiền nghiện tích lũy lâu đời làm ô nhiễm tâm từ từ được đào thải.
Đây là con đường của Tuệ, con đường đơn giản nhất đi tới giải thoát khỏi các lậu hoặc, thì cũng đưa tới không còn tái sinh.
Song song với nhận thức về “các pháp hữu vi là vô thường,” chúng ta cũng nhận ra con đường thứ hai, đó là “pháp vô vi” cần phải tu tập. Pháp vô vi, chính là Chân như. Chân như, thực tại sau cùng của vạn pháp, tinh túy của tất cả hiện tượng thế gian, chính là cái không tên, không phẩm chất, không thuộc tính, cái hoàn toàn trống rỗng của hiện tượng thế gian, cái không có dấu vết gì trong đó, từ khởi thủy cho đến mãi mãi về sau, cái đó vẫn là Như Thế, không bao giờ thay đổi. Cho nên nó nằm ngoài qui luật vô thường, qui luật biến dịch, qui luật tương quan nhân quả. Làm sao nhận ra Nó ? Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều không nắm bắt được Nó. Phải bằng nhận thức biết không lời mới nhận ra được Chân như. Khi ấy trạng thái nhận thức biết không lời ngang bằng với Tâm Như. Từ đó, Chân như trở thành một chủ đề lớn trong Đạo Phật, nói chung, trong hệ kinh Bát nhã nói riêng, một phương tiện rốt ráo để dụng công đạt đến trạng thái Tâm Như. Để làm gì ? Để đào thải các nhóm lậu hoặc hay tập khí, kiết sử và tùy miên tích lũy trong tâm từ bao nhiêu đời. Để đạt sự hài hòa tâm, hài hòa thân, hài hòa thân tâm và thoát khổ. Để tiềm năng giác ngộ bật ra, để trí huệ Bát nhã bừng sáng. Cuối cùng để giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử triền miên.
Kính thưa Thầy,
Trên đây chỉ là bài Thu Hoạch ngắn, chưa đủ để tổng kết những chủ điểm trong kinh Đại Bát Niết Bàn. Thực ra, mỗi lời dạy của Đức Phật trong kinh này đều là những lời nhắc nhở thật quan trọng cho nhiều thành phần khác nhau: từ ông vua A xà Thế, đến hai ông quan đại thần xứ Magadha, từ cô dâm nữ Ambapāli, đến người thợ sắt Cunda, từ những cư sĩ gia chủ, đến các vị Tỳ kheo đệ tử, có lời dạy ngài Xá Lợi Phất, có lời dạy riêng ngài A nan, khi thì quở trách, khi lại an ủi, lúc lại khen ngợi ngài A nan…Quan trọng nhất là những lời di giáo cho hàng đệ tử Tỳ kheo về Giới-Định-Tuệ, về Chánh pháp, về Chánh niệm tỉnh giác, về Phạm hạnh trong tăng chúng: tinh tấn, không phóng dật, và tự lực thực hành Chánh pháp, tức Chân như.
Chúng con được học tập Kinh này, thu hoạch thêm kiến thức Phật học, Thiền học, và kiến thức về Thực hành để làm hành trang cho mình trên con đường tâm linh. Bài thu hoạch này chắc chắn còn nhiều thiếu sót, kính trình Thầy, mong được Thầy từ bi chỉ dạy thêm.
Kính bút
Ngày 14 tháng 12 năm 2009
Mùa An Cư Thứ 5.