Xem qua truyện về ngài Huệ Năng (638-713) và ngài Thần Tú (605-706), có thể chúng ta có suy tư ít nhiều: tại sao ngài Thần Tú đạo đức, oai nghi, đươc vua chúa và môn đồ quí trọng là vậy, mà chưa “thấy tánh”? Ngài Thần Tú gặp ngũ tổ, năm ngài 50 tuổi, trước ngài Huệ Năng, khi đó 24 tuổi. Có thể trước khoảng 7 năm. Và khi ngài Huệ Năng tới Hoàng Mai thì ngài Thần Tú đã là giáo thọ rồi, dẫn đầu tăng chúng. Khoảng chưa tới 1 năm, Huệ Năng được truyền y bát rồi ra đi mất, ngài Thần Tú vẫn còn ở lại.
Đại Sư Thần Tú trụ lại Hoàng Mai làm thủ tọa trong chúng của Tổ Hoằng Nhẫn, xiển dương và phát huy học thuyết “Tiệm tu tiệm ngộ” của ông, cho đến khoảng niên hiệu Thượng Nguyên (674-675), sau khi Tổ Hoằng Nhẫn viên tịch, Đại Sư Thần Tú mới về Ngọc Tuyền tự, núi Đương Dương, Giang Lãng, Hồ Bắc xây dựng một già lam cách phía Tây chùa bảy dặm, ở vùng đất bằng phẳng tựa núi để xiển dương pháp thiền. Hơn hai mươi năm hoằng hóa nơi này, học giả các nơi về đây tham học với ông, con số lên đến hàng nghìn người.
Nếu chúng ta thử tính thì Thần Tú có thể đã sống bên cạnh Ngũ Tổ hơn 10 năm (khi Huệ Năng ra đi, Ngũ Tổ có nói 3 năm sau sẽ thị tịch). Hơn 10 năm tu học bên cạnh Thầy mà sao ngài Thần Tú vẫn không có cơ hội sáng đạo? Trong khi ngài Thần Tú, sử ghi là “làu thông kinh sử”, nhất là kinh Lăng già và bộ Luật Tứ Phần, nghĩa là ngài Thần Tú văn chương giỏi, khác hẳn ngài Huệ Năng không được đi học, không biết đọc chữ nho, không biết kinh sách, không có thầy dạy, âm thầm sống đời cơ cực nơi rừng núi quê mùa. Tại sao Ngũ Tổ không tạo cơ hội giảng kinh Kim Cang cho ngài Thần Tú, như đã làm đối với ngài Huệ Năng?
Bao nhiêu câu hỏi, chắc cũng chỉ có một câu trả lời. Tại căn cơ. Ngũ Tổ là bậc sáng đạo, biết trước chuyện vị lai, làm sao lại không thấy rõ căn cơ học trò mình.
Phật thường dạy: từ Giới sinh Định, từ Định sinh Huệ.
Giới tướng hoàn chỉnh thì hướng tới trong sạch tâm, tức là đạt giới thể, là chân tâm, cũng là Định, hay tâm thuần nhất. Từ đây Huệ tự phát sinh. Cho nên ngài Huệ Năng biết rõ là Giới- Định- Huệ là một. Là cái biết rốt ráo.
Trong khi ngài Thần Tú, tự mình giữ giới nghiêm túc, mà chưa nhận ra giới thể. Tâm cứ kiến giải hoài vì đã huân tập quá nhiều chữ nghĩa, kinh sách, giới luật, văn chương...Cái tâm trong sạch (vì giữ giới luật), mà luôn luôn hướng tới bên ngoài để tìm kiếm giáo pháp, tìm cầu Định và Huệ bên ngoài, nơi người khác. Sự kiện không tự tin tâm mình là Phật, biểu lộ qua việc bảo người đệ tử thân tín là Chí Thành tới đạo tràng của ngài Huệ Năng mà học lén. Thành ra, ngài Thần Tú đạo đức, giới luật được vua quan trọng vọng, nhưng đó chỉ là giới tướng, chưa đạt tới giới thể. Có nghĩa là cái tâm chưa dừng thực sự, còn mong muốn, còn tham cầu bên ngoài. Đó là cái tham cầu vi tế, tham cầu pháp. Cho nên vẫn là chấp pháp, chấp ngã vi tế. Chưa nhận ra được “Tức tâm tức Phật”.
Làm sao “lách” qua cái rào cản này? Phải có “bước đột biến”.
Chính bước đột biến này là điều kiện quan trọng nhất trong Thiền. Thiền là thực hành, không phải chỉ học rồi nói ra điều mình học từ kinh sách, từ ông thầy. Thiền là phải có kinh nghiệm thực sự, kinh nghiệm cái gì? Kinh nghiệm cái gì đã học, mà chưa “thấy” rõ ràng, là cái mới lạ đối với mình. Cũng có khi gọi là Ngộ (realization), hay sáng đạo (enlightenment) tùy theo mức độ.
Đó cũng là từ tục đế bát nhã bước qua chân đế bát nhã.
Cũng là từ giai đoạn dùng lời để học hỏi, suy tư, lý luận, bước qua giai đoạn không lời mới thực sự nhận hiểu rõ ràng qua việc thể nhập những kiến thức đã học.
Trong kinh dùng phương thức Văn- Tư- Tu, từ văn (nghe giảng pháp) rồi tư (suy gẫm, ghi nhớ) và cuối cùng là tu (thực hành, áp dụng, kinh nghiệm). Từ văn và tư, phải làm sao bước qua tu để có kinh nghiệm.
Nói theo ngôn ngữ bây giờ, từ những nhận thức có lời về pháp học, pháp hành, phải bước qua nhận thức không lời về tất cả. Bước đột biến là dừng bặt tất cả tâm, ngay khi đó, mình sẽ nhận ra nhiều điều mới lạ:
- Trạng thái tâm hoàn toàn tĩnh lặng, trống rỗng.
- Cái thấy, cái nghe, cái xúc chạm cũng hoàn toàn trống rỗng.
- Toàn thân có thể cũng trống rỗng, nhẹ nhàng, tan biến.
- Kiến giải tự nhiên vài điều hoàn toàn mới.
- Có thể sẽ nhận ra vô ngã trong lúc ấy.
- Hiểu sâu sắc kinh điển v.v...
Làm sao để có bước đột biến này?
Phật Tổ thường dạy:
+ Buông! Buông tất cả thân mạng!
+ Không nghĩ thiện, không nghĩ ác (ngài Huệ Năng)
+ Dứt tầm dứt tứ (đức Phật)
+ Cắt bỏ môi, lưỡi, răng, họng.
+ Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt (Trí Khải đại sư) nghĩa là cắt đứt đường ngôn ngữ, diệt chỗ thành lập vọng tâm.
+ Đạo ta là đạo ly ngôn tịch diệt.
Thường tạm xem như có hai phương thức tu:
- Tiệm giáo: tu thứ lớp, từ từ. Có khi kinh nghiệm Ngộ nếu căn cơ sắn bén, nhiều khi chỉ là kết quả giới hạn, nếu căn cơ thường.
- Đốn giáo: dừng tâm tức khắc bằng những tiểu xảo của các tổ sư Thiền, hay cũng có khi tình cờ rơi vào định sâu khi thư giãn toàn thân và tâm. Đây là dành cho căn cơ nhạy bén.
Bước đột biến này rất quan trọng. Nếu đường tu mà chưa có trải nghiệm này thì có thể xem như mình còn đứng ngoài cổng. Phải trải qua một lần kinh nghiệm trạng thái chân tâm có mặt, sâu sắc, vững chắc, có kiến giải, thì mới mong bước vào ngôi nhà thiền. Từ đó mới thấy rõ con đường công phu tiếp theo. Ta sẽ có nhiệt tâm, có kiên nhẫn, có tự tin, không trông chờ nơi ai khác, sẽ cắm cúi bước tới, đạp trên chông gai thử thách của đời, không bao giờ thoái chuyển.
Đó là mình đã có trí tuệ, đã mở cửa kho tàng của riêng mình. Kho tàng một khi được mở ra, thì nó không khóa chặt lại nữa. Lần đầu khó khăn vì đã bao nhiêu năm không mở, cánh cửa rỉ sét. Bây giờ ta đã bật nó ra một lần, sau này ta đã biết cách mở nó rồi, thì bất cứ khi nào muốn, ta sẽ mở ra ngay.
Trước nhất, mình cần nhận định rõ kho tàng trí tuệ này có đặc điểm gì?
- Bề mặt tâm hoàn toàn yên lặng, không có lao xao thì thầm, không có hình ảnh nào của quá khứ hay tương lai, không có ý tưởng nào về ai thương ai ghét, không có vui hay buồn...
- Không có thắc mắc điều gì, không ước muốn điều gì, ngay cả không muốn đạt được định, không muốn mình tu giỏi v.v...
- Không quan tâm tới những chuyện bên ngoài của đời: chuyện chính trị, xã hội, kinh tế v.v...
Vậy khi ta biết làm sao có được sắc thái tâm đó, là kho tàng sẽ xuất hiện.
Có thể xem như có hai cách mở cửa kho tàng, thường là cho người căn cơ trung bình:
1- Tiệm tu rồi đốn ngộ: mình phải trui rèn cái tâm của mình, sao cho không dính mắc với cảnh đời, bằng phương thức của giữ gìn giới luật, đạo đức, bớt ác nghiệp thì bớt chông gai. Tâm lần lần trong sạch, lặng lẽ nhu hòa. Cái ngã bớt tự cao, cũng không còn tự ty. Tâm không còn hướng ra ngoài. Bước đột biến sẽ xuất hiện một cách hồn nhiên trong phút giây nào tâm hoàn toàn thư thái, thân tự nhiên yên lặng bất động, tâm cũng tự nhiên chìm vào tĩnh lặng, bất động. Tâm bất chợt rơi xuống, cái ngã biến mất. Không có ta, không có đối tượng. Không có thân, không có tâm. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức không có. Thế gian cũng tan biến. Sau phút giây này, tâm bừng sáng, tâm đã thấy rõ : tâm là sao, định là sao, tuệ kiến giải ra sao, thể nhập Không là sao, thế gian là như huyễn, ngã cũng là như huyễn, chân như là sao... Từ đó về sau là thông suốt tất cả, là biện tài. Con người đổi mới: có trí tuệ, có từ bi. Không bao giờ thoái chuyển trên con đường tu và hành đạo.
2- Đốn ngộ rồi tiệm tu: Đây là con đường phổ thông của Tổ sư Thiền. Các đời sau của ngài Huệ Năng thường là dùng phương thức bất chợt tác động vào các tánh thấy, nghe hay xúc chạm của đệ tử, khiến họ dừng bặt suy nghĩ, rơi vào định. Họ sẽ nhận ra rõ ràng trạng thái tâm tĩnh lặng trống rỗng lúc đó. Thường chỉ là nhận ra các tánh thấy, nghe hay xúc chạm.
Nhưng rồi tiếp theo, người đệ tử phải đọc lại kinh điển, phải công phu miên mật cho định vững chắc hơn. Thí dụ:
- Ngài Vân Môn nhận ra bản tâm qua tánh xúc chạm khi bị ngài Trần Tôn Túc đóng cánh cửa dập nát chân.
- Ngài Bá Trượng nhận ra bản tâm qua tánh xúc chạm khi bị ngài Mã Tổ véo mũi.
- Ngài Linh Hựu nhận ra bản tâm qua tánh thấy khi ngài Bá Trượng giơ cục than đỏ hồng lên.
- Ông Bùi Hưu nhận ra bản tâm qua tánh nghe khi ngài Hoàng Bá đột nhiên gọi lớn tên mình.
Còn rất nhiều ví dụ tương tự. Phương cách này thấy đơn giản, nhưng trong thực tế cũng không phải hiệu quả như ý muốn, nên trong hội chúng cả ngàn người, có khi chỉ vài người ngộ đạo. Có lẽ vì thế mà phương thức của Tổ sư Thiền biến thành Công án, rồi Thoại đầu và cuối cùng mai một.
Kết luận, bước đột biến, hay là ngộ, phải có một lần hay nhiều lần trên con đường tu, thì mình mới mong bước vào nhà thiền, mình sẽ thong dong bước tới mãi, không còn chướng ngại trong tâm nữa. Nếu chưa nhận ra bản tâm, thì mình còn đứng ngoài cổng, còn ngó qua ngó lại, tìm pháp, tìm thầy, còn thoái chuyển tâm, còn thấy con đường tu quá nhiều chông gai thử thách. Vì còn cái ngã nặng chình chịch, chưa thấy bản tâm. Hễ thấy rõ bản tâm, tự nhiên cái ngã phai tàn.
Thiền viện, 30- 10- 2021
TN
Không gian vắng lặng bao la.
Bốn bể năm châu chẳng thấy nhà.
Cớ sao nhân loại vẫn vô ra
Nhà còn không có Ngã đâu ra .!
Tín Pháp
Ai qua thử thách ?
Phải chăng ngã chấp ?
Từ bỏ phàm ngã,
Bản tâm tự sáng.
Mây đen kéo qua,
Mặt trời ló dạng
Ánh quang liền chiếu.
Thế giới rõ ràng
Ánh sáng không đổi
Xưa nay vẫn thế.