Triệt Như - Suối Nguồn Hạnh Phúc - Bài 30
HAI DÒNG TRUYỀN THỪA
Bài viết này tạm giới hạn trong khoảng thời gian sau khi Đức Phật nhập diệt 100 năm kéo dài tới khoảng thế kỷ thứ II sau công nguyên, tạm xem như thời kỳ phân liệt bộ phái của Phật giáo, hay là những nhân duyên dẫn tới sự hình thành hai dòng truyền thừa lớn của Phật giáo: Đại thừa và Tiểu thừa. Bài viết này không phải là bài khảo cứu hay bình luận về các sử liệu Phật giáo. Đây chỉ là nhắc lại những sự kiện tổng quát của dòng vận hành các pháp trong nguyên lý tương quan nhân quả đưa tới ngả rẽ của hai dòng truyền thừa: Đại thừa và Tiểu thừa. Và đây cũng chỉ là vài hiểu biết thô sơ không sao tránh được khuyết điểm chủ quan của một người hậu học, mạo muội trình bày về một sự kiện thực tế, kéo dài có thể là gần 2000 năm qua, danh xưng Đại thừa / Mahāyāna và Tiểu thừa / Hīnayāna. Mặc dù đã biết trong kỳ đại hội Phật giáo quốc tế 1954-1956 tổ chức tại Miến điện, đại hội đã đồng thanh quyết định từ đây, Tiểu thừa có danh xưng là hệ Theravāda, Đại thừa có danh xưng Hệ Phát triển, tuy nhiên xin vẫn dùng hai từ Tiểu thừa và Đại thừa để thích hợp phần nào với hoàn cảnh lịch sử Phật giáo thời đó.
Trước nhất chúng ta liếc nhìn lại diễn tiến lịch sử Phật giáo từ sau khi Đức Phật nhập diệt để dẫn tới sự hình thành hai nhánh Đại thừa và Tiểu thừa.
Kết tập kinh điển lần thứ I
Sau khi Đức Phật nhập diệt khoảng ba tháng, ngài Mahā Kassapa đã đứng ra triệu tập đại hội 500 vị đại đệ tử A la hán của đức Phật, bằng cách đọc tụng lại hai tạng: Kinh và Luật. Đó là vào khoảng năm 483 BCE.
Kỳ kết tập kinh điển lần thứ II.
Khoảng 100 năm sau, tức là 383 BCE, ngài Yasa triệu tập 700 vị Trưởng lão đọc tụng lại hai tạng Kinh và Luật, với mục tiêu chấn chỉnh Giới luật vì có Thập sự phi pháp của nhóm tăng sĩ trẻ Vajji. Tiếp theo giáo đoàn thống nhất của đức Phật bắt đầu phân ra hai bộ phái:
- Theravāda / The doctrine of the elders/ Thượng tọa bộ hay Trưởng lão bộ, chủ trương bảo thủ.
- Mahāsāmghika / The Great Assembly / Đại chúng bộ: chủ trương cấp tiến.
Đồng thời, Đại chúng bộ cũng triệu tập đại hội, gồm 10.000 tu sĩ nam nữ và cư sĩ nam nữ, kết tập Kinh và Luật theo quan điểm của mình. Nhưng sử liệu không ghi nhận về kỳ kết tập này.
Từ đấy, theo dòng thời gian, Đại chúng bộ lần lượt phân tách ra thêm 8 bộ phái khác vì có những điểm bất đồng với nhau trong việc giải thích Kinh và Luật.
Trưởng lão bộ cũng phân tách ra lần lượt thêm 10 bộ phái khác.
Trong thời kỳ này, các bộ phái thi nhau sáng tác các bộ Luận thư, giải thích Kinh và Luật, đồng thời trình bày chủ trương và đường lối tu tập của mình. Đây là thời kỳ phân liệt bộ phái Phật giáo. Các bộ Luận thư do các nhà Luận sư nổi tiếng viết ra, phân tích chi ly về Kinh và Luật, sau này trở thành gia tài phong phú của Phật học.
Kỳ kết tập kinh điển lần III
Khoảng năm 250 BCE, do vua Aśoka bảo trợ. Kỳ này đại hội gồm 1000 vị thánh tăng thông thuộc tam tạng kinh điển. Chủ trì là ngài Mục kiền Liên tu đế / Moggaliputta Tissa, thuộc Trưởng Lão bộ.
Kết quả:
1) Đại hội thành lập Tam Tạng kinh điển, ghi thành văn bản Pāli, gồm:
+ Kinh tạng: 5 Bộ (Nikāya: bộ) gồm: Trường bộ, Trung bộ, Tiểu bộ, Tăng chi bộ, Tương Ưng bộ.
+ Luật tạng: 5 bộ
+ Luận tạng: 7 bộ Luận thư / Abhidhamma, do các vị Tổ sáng tác.
2) Vua Aśoka phái:
+ 9 đoàn sứ giả đi truyền bá Phật giáo khắp nước Ấn Đô ̣và ngoài Ấn Độ.
Trong 9 đoàn sứ giả này, có 1 đoàn do ngài Đại Thiên cầm đầu, và 1 đoàn do thái tử Mahinda cầm đầu.
- Ngài Mahādeva / Đại Thiên chủ trương:
+ Tu sĩ tinh thông Tam Tạng kinh điển, giỏi thuyết pháp, có thể viết Kinh.
+ Xét lại phẩm chất của vị A La Hán.
Nhưng nhóm Tu sĩ bảo thủ không đồng ý cả 2 quan điểm này.
Sau đó, nhóm tu sĩ trẻ cấp tiến theo ngài Mahādeva về miền Āndhara, nam Ấn.
Hệ thống kinh Bát nhã Ba la mật về sau được xếp là quan trọng nhất của kinh điển Đại thừa, đã được xem như xuất phát từ miền nam Ấn, các vị Tổ sáng tác kéo dài mấy trăm năm, trong đó có kinh Kim Cang và kinh cuối cùng là Bát Nhã Tâm kinh.
- Thái Tử Mahinda xuất gia với ngài Mahādeva, sang Sri Lanka truyền bá Tam Tạng bằng tiếng Pāli. Ngài Mahinda về sau được Đảo sử (Sử của Sri- Lanka) xếp là Tổ thứ V sau ngài Moggaliputta Tissa là Tổ Thứ IV.
Từ đó bắt đầu hình thành sơ khai 2 hệ :
- Nam tông (do ngài Mahinda khởi phát từ Sri- Lanka)
- Bắc tông (có thể từ ngài Mahādeva/ thầy của ngài Mahinda, khởi phát ra hệ thống kinh Ma ha Bát nhã ba la mật đa sau này).
Kỳ kết tập kinh điển lần IV
Khoảng đầu thế kỷ II CE, do vua Kaniṣka (127- 150) bảo trợ.
Thành phần: 500 thánh tăng đại diện 18 bộ phái. Chủ trì: Nhất Thiết Hữu Bộ. Đây là một bộ phái đã tách ra sớm nhất từ hệ Theravāda. Bấy giờ Nhất thiết hữu bộ lần lần trở nên hưng thịnh hơn hệ Theravāda, nên vua Kaniṣka đã mời ngài Thế Hữu chủ trì. Ngài Thế Hữu là một Luận sư nổi tiếng thuộc Nhất thiết Hữu bộ. Vua Kaniṣka mời ngài Mã Minh, cũng là một Luận sư danh tiếng, nhuận sắc văn chương cho Tam Tạng chuyển sang văn bản Sanskrit.
Kết quả:
1) Đại hội kết tập Tam tạng viết thành văn bản Sanskrit, gồm:
- Kinh tạng Āgama (A hàm) gồm 5 bộ (100.000 bài tụng): Trường A hàm, Trung A hàm, Tiểu A hàm, Tăng nhất A hàm, Tạp A hàm.
Nội dung tương tự Kinh Tạng Pāli.
- Luật tạng: gồm 5 bộ (100.000 bài tụng), nội dung tương tự Luật tạng Pāli.
- Luận thư / Abhidharma: gồm 7 bộ (100.000 bài tụng) hoàn toàn khác với 7 bộ Abhidhamma trước.
2) Tam Tạng được khắc vào bảng đồng, 12 năm sau mới hoàn thành, gìn giữ trong bảo tháp. Nhưng sau những thăng trầm lịch sử, hiện nay không còn. Từ đây, Tam Tạng Sanskrit được truyền bá ra phía bắc ngoài Ấn Độ (có thể vì kỳ kết tập này tổ chức ở Kashmir, bắc Ấn).
3) Phật Giáo được truyền bá khắp thế giới qua 2 ngã:
- Nam Tông
- Bắc Tông
NAM TÔNG: giữ gìn truyền thống của Đức Phật, bảo thủ, nền tảng là Tam Tạng Pāli, truyền bá qua Sri Lanka, Thái Lan, Miến điện, Lào, Campuchia, Nam Dương, Việt Nam và Tây Phương
BẮC TÔNG: phát triển theo thời đại, cấp tiến, nền tảng là Tam Tạng Sanskrit, truyền bá qua Afghanistan, Trung Hoa, Mông Cổ, Tây Tạng, Nhật bản, Triều Tiên, Việt Nam và Tây Phương.
Trên đây là khái quát về những sự kiện lịch sử Phật giáo dẫn đến việc truyền bá Phật giáo qua hai ngã: Nam truyền và Bắc truyền, hay Nam tông và Bắc tông. Tiếp theo chúng ta thử tìm hiểu xem vì đâu có danh xưng Tiểu thừa (Hīnayāna) và Đại thừa (Mahāyāna) sau này. Thực ra dường như không có sử liệu ghi rõ việc này. Vì thế sau đây chỉ là vài nhận định thô sơ qua các dữ kiện lịch sử và thực tế, về tâm lý con người (người trẻ thích đổi mới, theo kịp thời đại; người già muốn giữ nề nếp cũ theo truyền thống, không muốn thay đổi), hay về quan điểm của xã hội bấy giờ.
Dường như cái vết rạn nứt đầu tiên xuất hiện trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ II.
Cái nhân đầu tiên là nhóm tu sĩ trẻ dân Vajji (Pāli) (Vrijji –Sanskrit) ở Vesali (Tỳ xá ly) đã tự ý thay đổi 10 điều trong giới luật của Đức Phật. Thiệt ra những điều răn cấm này không quan trọng, không phải là căn bản. Nhóm tu sĩ trẻ Vajji gọi là Thập Tịnh:
1. Diêm tịnh: thức ăn ướp muối để cách đêm vẫn được dùng.
2. Chỉ tịnh: có thể ăn quá giờ ngọ một chút, trong khoảng thời gian mặt trời xế bóng chừng hai lóng tay.
3. Tụ lạc gian tịnh: được ăn thêm lần nữa nếu đến làng khác mà chưa quá ngọ.
4. Trụ xứ tịnh: ở đâu thì bố tát tại đó.
5. Tùng ý tịnh: những quyết định đã thông qua, dù đa phần hay thiểu số, đều có hiệu lực.
6. Cửu trụ tịnh: làm theo thói quen tiền lệ vẫn không trái với giới luật.
7. Sinh hòa hợp tịnh: sau giờ ngọ, có thể uống nước pha với sữa.
8. Bất ích lũ ni sư đàn tịnh: tọa cụ nếu không có viền chung quanh thì có thể dùng khổ lớn hơn qui định.
9. Thủy tịnh: có thể dùng rượu pha với nước để uống trong trường hợp chữa bệnh.
10. Kim tiền tịnh: trong trường hợp cần thiết, Tỳ kheo có thể giữ tiền bạc.
Trưởng lão Yasa cho 10 việc trên đây trái với luật Phật chế, là phi pháp. Để xét lại căn cứ giới luật của 10 việc này, ngài bèn tổ chức cuộc kết tập lần thứ 2. Kết quả, Thượng tọa bộ đã nhất trí cho rằng 10 việc này trái với giới luật của Phật chế.
Như vậy, sự kiện bất đồng ý kiến đầu tiên giữa hai tập thể Tăng trẻ cấp tiến và Tăng bảo thủ là về Giới luật. Từ đó chia ra hai bộ phái lớn: Theravāda và Mahāsāmghika. Theo thời gian từ đó, lần lần thêm sự bất đồng ý kiến về giảng giải Kinh và Luật, các bộ phái thi nhau xuất hiện và thi nhau viết Luận thư.
Thêm một sự kiện bất đồng ý kiến quan trọng nữa trong sử liệu là do ngài Mahādeva / Đại Thiên chủ trương, liên hệ tới việc giảng Kinh, viết Kinh và quả vị A la hán, dưới thời đại vua Aśoka:
- Người giảng pháp giỏi có quyền viết Kinh.
- Vị Arahant có thể vẫn còn 5 điều chưa hoàn hảo / Ngũ sự Arahant.
Ngài Đại Thiên đưa ra:
"Dư sở dụ, vô tri,
Do dự, tha linh nhập,
Đạo nhân thanh cố khởi,
Thị danh chân Phật giáo"
Nghĩa là:
(1) Bậc A La Hán tuy đã đoạn tận hết phiền não nhưng vì còn nhục thân nên về sinh lý vẫn có hiện tượng di tinh trong mộng mị (Dư sở dụ).
(2) A La Hán đã đoạn tận vô minh nhưng không phải là người biết hết mọi điều trong đời sống thế tục (vô tri).
(3) A La Hán tuy không còn do dự về con đường giải thoát, nhưng vẫn còn những do dự về các điều vô hại, như làm thế nào thì hợp lý, thế nào thì không (Do dự).
(4) Có vị đã chứng đắc A La Hán đôi khi phải nhờ Phật hay bậc sư trưởng chỉ dẫn mới biết là mình đã chứng ngộ (tha linh nhập).
(5) A La Hán cũng có vị ngộ đạo nhờ vào âm thanh thuyết pháp, trong đó có sự thuyết khổ và than khổ (Đạo nhân thanh cố khởi).
Và ngài Đại Thiên cho như vậy là hoàn toàn đúng với Phật pháp (Thị danh chân Phật giáo).
Ngài quan niệm rằng chỉ có Phật mới là hoàn hảo, còn A La Hán vẫn còn những khiếm khuyết. Quan niệm này đã dấy lên những bất đồng. Nhóm tán thành lập ra Đại chúng bộ, nhóm phản đối, lập nên Thượng tọa bộ.
Phong trào Đại thừa có thể từ từ thành lập sau kỳ Kết tập kinh điển lần thứ IV, thế kỷ II sau công nguyên. Đại chúng bộ gồm thành phần trẻ tư tưởng phóng khoáng, cấp tiến, trở thành Đại thừa, hệ Theravāda, thành phần lớn tuổi, bảo thủ, giữ đúng Kinh và Luật của Đức Phật, trở thành Tiểu thừa.
Sau kỳ kết tập kinh điển lần thứ IV, trong 7 bộ luận thư bằng tiếng Sanskrit có bộ Đại thừa khởi tín luận của ngài Mã Minh. Có thể danh xưng Đại thừa xuất hiện từ đây. Vì hệ thống kinh Đại thừa lấy Tam Tạng kinh điển bằng tiếng Sanskrit làm nền tảng cho mình. Về sau Tam Tạng bằng tiếng Sanskrit được xem là bán tiểu thừa bán đại thừa.
“Thừa” có nghĩa là cổ xe. Cổ xe nhỏ chuyên chở ít người, cổ xe lớn chuyên chở nhiều người. Chúng ta thử tìm hiểu thêm về hai hệ thống này.
Hệ Theravāda hay Tiểu thừa: gồm tất cả 11 bộ phái (10 bộ phái tách ra và bộ phái gốc) chủ trương những điểm chính sau đây:
- Đức Phật Thích ca là vị Phật lịch sử duy nhất.
- Con đường tu có 4 giai đoạn: tu đà hoàn, tư đà hàm, a na hàm, a la hán. Gọi là A la hán đạo.
- A la hán khi ra đi thì nhập vô dư Niết bàn, gọi là giải thoát hoàn toàn, không tái sinh bất cứ cảnh giới nào.
- Nội dung pháp tu bắt đầu, nghiêng về tục đế bát nhã:
. Tam pháp ấn: vô thường, khổ, không (không ta, không cái của ta), vô ngã.
. Tứ diệu đế
. Tứ niệm xứ.
. Như thực.
- Đường lối:
. Phải xuất gia mới có thể tiến tu các pháp quan trọng.
. Chỉ có tăng đoàn tỳ kheo. Không cho người nữ xuất gia.
. Xuất gia rồi phải vào rừng núi ẩn tu.
. Phải khất thực để sống.
Hệ Đại thừa 9 bộ phái tất cả (8 bộ phái tách ra và bộ phái gốc) chủ trương:
- Ngoài Đức Phật Thích ca, có vô số chư Phật thường trụ ở khắp mười phương ba đời.
- Phật có ba thân: Pháp thân, báo thân và ứng hóa thân.
- Bồ tát: có thể là tu sĩ hay cư sĩ, người có nguyện vọng tu tới quả vị Phật mới là hoàn toàn.
- Bồ tát đạo: sau khi chứng ngộ quả vị A la hán rồi, không nhập niết bàn mà phát tâm đời đời tái sanh để giáo hoá chúng sinh.
- Người giỏi giảng pháp có thể viết Kinh. Do đó có nhiều kinh điển đại thừa lần lượt ra đời, nổi bật nhất là hệ thống kinh Ma ha bát nhã ba la mật đa, ngoài ra có kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, kinh Duy Ma Cật, kinh Viên Giác, kinh A di đà v.v...
- Nội dung các pháp tu quan trọng dường như nghiêng về việc khai triển các chủ đề thuộc về chân đế bát nhã: Không tánh, Huyễn tánh, Chân như tánh.
- Đường lối:
. Chấp nhận: tỳ kheo, tỳ kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, gọi là bốn chúng đều được tu học.
. Không bắt buộc xuất gia, ai cũng có Phật tánh, đều có thể chứng ngộ như nhau.
. Phải sống trong đời để nhiếp phục và giáo hoá chúng sanh.
Tổng quát lại, chúng ta thấy có danh xưng hệ Tiểu thừa:
+ Có thể vì cái thấy thực tiễn, toàn bộ Phật, Pháp và Tăng, thiên về lãnh vực Hiện tượng học (Phenomenology)
+ Điều kiện tu theo khuôn mẫu của Đức Phật Thích ca: xuất gia, khất thực, ẩn tu (khổ hạnh)
+ Chú trọng tới các giai đoạn tu thứ lớp, như là tiệm giáo, thích hợp đa số người căn cơ trung bình: quán, chỉ, định, tuệ / văn,tư, tu.
Trong khi hệ Đại thừa: tiêu biểu là hệ kinh Bát nhã ba la mật đa, kinh Duy Ma Cật, kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, kinh Thủ Lăng Nghiêm, kinh Kim Cang, kinh Pháp Bảo đàn...
+ Cái thấy siêu vượt, tới những chân lý cuối cùng về bản thể của Phật- Pháp và Tăng, thuộc lãnh vực Bản thể học (Ontology).
+ Mở rộng con đường tu, phóng khoáng, bình đẳng cho tất cả: trong tuyên ngôn “tất cả chúng sinh đều có Phật tánh”, “Phật Thích ca là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, chấp nhận tu sĩ nam, tu sĩ nữ, cư sĩ nam, cư sĩ nữ đều được tu học ngang nhau.
+ Lý tưởng cuộc sống là: “tự giác- giác tha” hay “tự độ- độ tha”, tức là nhập thế, không chủ trương ẩn tu, không bắt buộc xuất gia. Nhưng vẫn theo đời sống trong sạch của bậc thánh.
- Không nhập vô dư niết bàn, mà phải phát tâm đời đời tái sanh theo bồ tát hạnh, cuối cùng hướng tới quả vị Phật.
Kết lại, hệ Tiểu thừa vì chủ trương khe khắt và giữ giới luật nghiêm minh, nên lần lần xa rời đời sống xã hội, tu tập khép kín trong tu viện, hay nơi rừng núi; trong khi hệ Đại thừa truyền lan qua các dân tộc ở phía bắc Ấn, hòa đồng, pha trộn với các tín ngưỡng địa phương, như ở Tây tạng, Trung Hoa, Nhật bản, Triều Tiên, Việt nam...
Đến năm 1954- 1956, danh xưng Tiểu thừa và Đại thừa mới chính thức xóa bỏ. Từ đây, là hệ Theravāda và hệ Phật giáo Phát Triển (Developing Buddhism).
Tuy nhiên, ở Việt Nam, hệ Theravāda có khi được dịch ra là hệ Phật giáo Nguyên thủy. Chúng ta cần xác định rõ điểm này.
Giáo đoàn sơ khai, hay giáo đoàn nguyên thủy, là giáo đoàn do Đức Phật lãnh đạo và kéo dài tới khoảng 100 năm sau khi Đức Phật nhập diệt. Phật giáo thời đầu tiên này là thống nhất, chưa chia hai bộ phái. Danh xưng dịch qua tiếng Anh là: Primitive Buddhism / Early Buddhism/ Phật giáo sơ khai/ Phật giáo nguyên thủy.
Sau khi chia ra hai bộ phái lớn, có danh xưng lần lượt:
1- Theravāda (Trưởng lão bộ hay Thượng Tọa bộ) /Southern Buddhism (Nam tông ) / Hīnayāna (Tiểu thừa) / cuối cùng là hệ Theravāda.
2- Mahāsāmghika (Đại chúng bộ) / Northern Buddhism (Bắc tông)/ Mahāyāna (Đại thừa) và cuối cùng là Phật giáo Phát triển (Developing Buddhism).
Trên đây chỉ là vài nhận định thô sơ về sự hình thành thời kỳ phân chia bộ phái trong lịch sử Phật giáo trước công nguyên trong dây duyên khởi trùng trùng của các pháp. Tuy vậy, tất cả các bộ phái thời đó trong hai dòng truyền thừa lớn này đều giữ gìn những Pháp tu căn bản từ đức Phật Thích ca và cùng hướng tới mục tiêu cuối cùng là thoát khổ, giác ngộ và giải thoát.
Ngài Nghĩa Tịnh (635- 713 CE), danh tăng đời nhà Đường, Trung Hoa, đã phiên dịch nhiều Kinh Phật từ tiếng Sanskrit sang tiếng Trung Hoa, nhận định tổng quát về sự kiện phân liệt bộ phái Phật giáo như sau:
“Giáo pháp của Đức Phật như cây gậy bằng vàng, bị gảy ra 18 khúc. Khúc nào cũng bằng vàng”.
Thiền viện ngày 10- 10- 2021
TN
HAI DÒNG TRUYỀN THỪA
(CLICK vào icon tam giác để nghe - CLICK vào icon 3 dấu chấm để download)
2600 năm, nhìn lại từ đầu.
Không ghi chép, giáo pháp Phật dạy.
Không lý luận, im lặng thực hành.
Phật nhập diệt, giáo pháp thành văn.
Kinh luật luận, mấy phen kết tập.
18 khúc gãy, bao lần phân chia.
Cây gậy xưa, có ai nhận ra.
Tỳ kheo xưa, nghe Pháp hôm nay.
Vàng năm xưa, vốn không thay đổi.
Vị biển xưa, giác ngộ giải thoát.
Theo Ni Sư, nhìn lại từ đầu.