Triệt Như - Suối Nguồn Hạnh Phúc - Bài 28
AN LẠC THAY
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Anupiya tại rừng xoài. Lúc bấy giờ, Tôn giả Bhaddiya, con của Kāligodha, đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, đi đến ngôi nhà trống, và thường hay nói lên lời cảm hứng: "Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay!" Một số đông Tỳ-kheo nghe Tôn giả Bhaddiya, con của Kāligodha đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, thường nói lên lời cảm hứng: "Ôi, an lạc thay! Ôi an lạc thay!". Nghe vậy, các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ: "Không gì nghi ngờ chư Hiền, Tôn giả Bhaddiya con của Kālighodha sống Phạm hạnh không có hoan hỷ, vì khi trước còn ở gia đình được hưởng an lạc nhà vua, vì Tôn giả nhớ đến an lạc ấy, nên khi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây... thường nói lên lời cảm hứng: "Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! " Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Bhaddiya con của Kāligodha khi đi đến rừng... nói lên lời cảm hứng: "Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! "... không có nghi ngờ gì nữa.. sống Phạm hạnh không có hoan hỷ... "Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! ".
Rồi Thế Tôn bảo một Tỳ-kheo:
- Này Tỳ-kheo, hãy đi và nhân danh Ta nói với Bhaddiya, con của Kāligodha: "Thưa hiền giả, bậc Đạo sư gọi Hiền giả! ".
- Thưa vâng bạch Thế Tôn.
Vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi đến Tôn giả Bhaddiya, con của Kāligodha:
- Thưa Hiền giả, bậc Đạo sư gọi Hiền giả.
- Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Bhaddiya, con của Kāligodha, vâng đáp Tỷ-kheo ấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Bhaddiya, con của Kāligodha, đang ngồi một bên:
- Có thật chăng, này Bhaddiya, Thầy đi đến khu rừng "... Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! "?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Do thấy mục đích gì đi đến khu rừng "... an lạc? ".
- Bạch Thế Tôn, thuở trước khi còn ở trong gia đình, được hưởng an lạc nhà vua, trong nội cung có đặt người khéo bảo vệ, ngoại nội cung có đặt người khéo bảo vệ; trong thành nội có đặt người khéo bảo vệ, ngoài thành có đặt người khéo bảo vệ. Trong nước cũng có đặt người khéo bảo vệ, ngoài nước cũng có đặt người khéo bảo vệ. Bạch Thế Tôn, con được bảo vệ phòng giữ như vậy, nhưng con vẫn sống sợ hãi, hồi hộp, run sợ, hoảng sợ. Nhưng nay con đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, đi đến ngôi nhà trống, con sống một mình, con sống không sợ hãi, không hồi hộp, không run sợ, không hoảng sợ, không rộn ràng, không hốt hoảng, lắng dịu, nhẹ nhàng, tâm như con thú rừng. Bạch Thế Tôn, do thấy mục đích như vậy, nên con khi đi đến khu rừng... con nói lên lời cảm hứng "... an lạc thay! ".
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
10. Với ai, trong nội tâm,
Không có lòng phẫn nộ,
Vượt qua hữu, phi hữu,
Vị ấy thoát sợ hãi,
An lạc, không sầu muộn,
Chư Thiên không thấy được.
(Phẩm Mucalinda KINH PHẬT TỰ THUYẾT)
Đọc bài kinh trên, chúng ta có suy nghĩ gì? Tại sao tôn giả Bhaddiya đi tới nơi nào cũng nói: “Ôi an lạc thay!”. Các vị tỳ kheo khác, nhìn quanh quất, chỉ thấy khu rừng vắng, thấy gốc cây, thấy ngôi nhà trống, có gì vui đâu, họ lại suy đoán tôn giả Bhaddiya nhớ lại đời sống giàu sang vương giả khi xưa. Mình nhận ra ngay tâm người đời, thích suy luận chủ quan.
Cũng một cảnh, khu rừng vắng, gốc cây, hay ngôi nhà trống, mà có hai sắc thái tâm khác nhau. Một bên thì thấy đây là những cảnh hoang vắng, đìu hiu, người đời không ai thích tới. Một bên thì thấy đây là chỗ bình an, tự do, thoải mái, an toàn, thích hợp cho người quyết chí tu. Cái thấy này cũng là cái thấy của Đức Phật. Trong nhiều bài kinh, Đức Phật thường nhắc nhở các vị tỳ kheo:...”Đây là các gốc cây, đây là ngôi nhà trống, đây là khu rừng vắng, các ông hãy tinh tấn, sau này chớ có hối tiếc...”
Ở đời thường tranh đua nhau tìm danh vọng, giàu sang, quyền lực, xem như đây là thước đo thành công hạnh phúc. Ít có ai thấy được những chông gai thử thách, và những nguy hiểm trên con đường tìm đến nó. Tìm được rồi lại phải giữ gìn nó, vì ai ai cũng muốn tranh đoạt, muốn cướp đi. Nhiều khi chính danh vọng, giàu sang, quyền lực khơi lòng tham, lòng ganh ghét, sân hận của người khác. Qui luật xung đột là qui luật của tâm đời. Tôn giả Bhaddiya đã chân thật trình bày tâm trạng của mình khi sống trong hoàng cung. Nơi nào cũng phải có người bảo vệ gìn giữ, mà vẫn “sống sợ hãi, hồi hộp, run sợ, hoảng sợ”. Tại sao? Vì không biết lúc nào mình bị tấn công, bị hãm hại.
Sau khi từ bỏ cuộc sống giàu sang , tôn giả xuất gia, sống đời ẩn dật, kham khổ, có ai tranh dành, ganh ghét mình nữa đâu. Người đời không ai để ý biết tới mình, nên tôn giả được thoải mái, tự do, đi đâu cũng tự tại, không có người bảo vệ, mà thấy mình an toàn. Tâm thơ thới, an vui, giữa thiên nhiên tĩnh lặng, hiền hòa.
Hóa ra, biển khổ là do con người tạo ra.
Thiền viện, 13-9-2021
TN
AN LẠC THAY
(CLICK vào icon tam giác để nghe - CLICK vào icon 3 dấu chấm để download)
- Tag :
- Ni Sư Triệt Như
Thấy lo âu trong của cải,
Thấy sợ hãi trong giàu sang,
Thấy bất an trong quyền thế,
Thấy lê thê trong cuộc đời.
Ga-te, mời ngài, Ga-te,
Ga-te, pa-ra-ga-te...
Thấy an lạc trong rừng vắng,
Thấy ánh nắng trên núi cao,
Thấy tiêu dao bên suối chảy,
An lạc thay, an lạc thay !
Parasamgate Bodhi Svaha.