Triệt Như - Suối Nguồn Hạnh Phúc - Bài 26
Phòng làm việc mình nhìn ra sân vườn. Cây cảnh bao quanh xanh tươi. Hình ảnh ngay trước tầm mắt là một gốc cổ thụ, không biết bao nhiêu tuổi, nó đã có từ trước, mình về đây thì đã 20 năm rồi. Mấy gốc cổ thụ cao hơn mái nhà tầng lầu tổ đình. Gốc to lắm, có thể dang hai tay ôm vòng quanh được nửa vòng. Vươn lên cao khoảng trên hai thước, mọc ra năm nhánh xoay vòng quanh, còn thân chính thì vươn lên thẳng đứng. Gốc và thân thì to mà lá thì nhỏ xíu. Lá mọc hàng đôi cân xứng hai bên theo cọng lá dài dài có thể một hai thước, rũ xuống như bức mành đong đưa đong đưa. Mình chỉ cần nhìn ra trước mắt là biết hôm nay lặng gió, hay có gió, gió thổi chiều nào...
Mỗi khi làm việc mỏi mắt, nhìn ra, thưởng thức lá múa, yểu điệu khi gió thoảng, rối rít, khi gió nhiều. Mùa xuân ra hoa, kết trái li ti. Mùa hạ trái lớn dần, từ xanh chuyển lần ra hồng hồng, cuối hạ chín đỏ, thơm thơm mùi tiêu cay nồng. Nên mình dán nhãn nó là cây tiêu. Bây giờ cuối hạ, từng chùm tiêu đỏ thắm, chín mọng, đong đưa theo gió. Ước chi nó là trái trứng cá, thì tuyệt vời. Bao năm qua rồi, chưa được nhìn và thưởng thức trái trứng cá. Sao ngày xưa, ăn trái trứng cá ngon như vậy. Bây giờ nào là nho, nào là cherry, dòn ngọt tươi ngon mát lạnh, biết là ngon, mà sao lại nhớ lại thương hoài cây trứng cá. Nhà mình hồi đó đâu có trồng cây trứng cá, sao lại nhớ trái trứng cá, khi nhìn mấy chùm tiêu xanh xanh hồng hồng này?
Biết rồi, tâm quay về quá khứ, mạng lưới liên tưởng mau quá, dẫn mình đi về nhà xưa, cái niệm nhanh như chớp, vượt không gian, vượt thời gian. May là dừng lại, nếu không là mình sẽ kể tới bông sua đũa nấu canh chua, tới bông thiên lý, tới bông bí, tới lá me non... Các bạn thấy chưa, tựa bài là “Cây tiêu thuyết pháp”, vậy mà cây tiêu dẫn mình đi lang thang rồi. Nó cũng thuyết cho mình thấy đường tu “mỏng như sợi chỉ”, không tỉnh thức thì cũng chính nó là duyên mà mình dính mắc, làm tâm mình động.
Nhưng kìa, mấy chùm tiêu đong đưa cười mình. Nó đâu có dẫn mình, tự mình phóng về nhà. Sao không thấy “cái đang là”? Lại tưởng ra trái trứng cá?
Từ lâu rồi, cây tiêu đã nhắc mình nghệ thuật sống “tùy duyên mà bất biến”. Thân cây vững vàng, chắc nịch, vươn lên sừng sững với trời cao. Mặc cho gió mưa, thân cũng không lay động. Thân cây này thế nào cũng có lõi cứng. Trong kinh về “Thí dụ Lõi Cây”, Đức Phật so sánh mục tiêu cuối cùng của đời sống Phạm hạnh là Giải thoát, tương tự “lõi cây” là phần giá trị nhất của cây. Lõi cây ẩn mình trong giữa thân cây, khó thấy, khó tìm. Giải thoát cũng trừu tượng, khó tìm khó thấy. Tuy trừu tượng nhưng phải kiên cố, vững bền, không lay chuyển. Giải thoát là vượt ra ngoài mọi ràng buộc, nhưng thực sự nó phải đặt trên nền tảng của ba chân: Giới uẩn, Định uẩn, Tuệ uẩn. Phải có trí tuệ hoàn hảo mới tẩy sạch lậu hoặc, tham ái, tâm mới vững chắc dừng lại, từ đây mới hoàn chỉnh giới thể và giới tướng.
Thân cây tiêu thì kiên cố, các cành lớn và nhỏ cũng cứng cỏi. Chỉ những cọng là nhỏ như những sợi dây dài có khi tới hai thước, mềm mại rũ xuống với lá chi chít. Bây giờ mùa hè, trái tiêu chín đỏ từng chùm cuối những sợi lá, đong đưa theo làn gió thoảng.
Ngắm toàn thể cây tiêu, mình thấy ngay hai hình ảnh trái ngược: thân cây thì to lớn, bất động, màu nâu đen, lá thì nhỏ xíu, cỡ ngón tay út của mình, màu xanh non, trái cũng nhỏ xíu như hạt tiêu, hồng hồng, lúc nào cũng nhẹ nhàng, nhởn nhơ đùa giỡn lung lay theo gió. Hai hình ảnh, như hai lối sống, mới nhìn, tưởng là mâu thuẫn nhau, nhưng thật ra thì nó bổ túc nhau, thật là hài hòa.
Cùng sống trong đời, khi thì cứng cỏi, khi thì mềm dẻo. Bởi vậy, mình cần phải có trí tuệ để hành xử thích nghi với hoàn cảnh và tâm tính con người thiên biến vạn hoá.
Trong tục ngữ, dân gian ta có câu: “Dại thì chết, khôn cũng chết. Chỉ có Biết mới sống”.
Ở đời mà dại dột, thí dụ giàu mà ưa khoe của, thì sớm muộn gì cũng chết vì người đời tranh chấp nhau chỉ vì muốn chiếm đoạt tài sản. Tại sao khôn cũng chết? Thí dụ mình khôn ngoan, tài giỏi, có danh tiếng địa vị hơn người khác, làm sao không bị người đời ganh tỵ, ghen ghét, tìm cách hãm hại mình? Qui luật của tâm đời là qui luật xung đột, nên có câu:
“Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần”.
Cho nên sống yên ổn trong biển đời không phải dễ. Mình phải có trí tuệ thực sự. Trong câu tục ngữ trên “Biết mới sống”, Biết chính là trí tuệ thông suốt những chân lý của cuộc đời thì mới mong hành xử phù hợp.
Chúng ta cũng biết câu: “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Đây là nghệ thuật sống của chúng ta. Cuộc đời bên ngoài luôn luôn biến chuyển, theo muôn ngàn điều kiện khác nhau, đâu có lúc nào đứng yên. Cây tiêu cũng có cuộc sống tương tự con người. Nó được sinh ra, trưởng thành, rồi già cằn cỗi, cuối cùng cũng hoại diệt, nhưng có khi nó sống lâu hơn con người nếu thuận duyên. Thân nó to lớn, muốn đứng vững trước giông gió, thì rễ nó phải cắm sâu xuống đất, tự nó phải đi tìm nước, tìm ánh nắng. Nó không phản kháng lại được với con người, nếu mình muốn chặt bớt nhánh, hay tỉa bớt lá, cây tiêu chỉ yên lặng. Chúng ta muốn học cái hạnh sống này, không phải dễ.
Chư Tỷ-kheo, như những kẻ đạo tặc hạ liệt, dùng cưa hai lưỡi mà cưa tay, cưa chân; dầu vậy, nếu một ai ở đây khởi ý nhiễm loạn, người ấy do vậy không phải là người thực hành giáo pháp của Ta. Ở đây, chư Tỷ-kheo các Ông phải học tập như sau: "Chúng ta sẽ giữ tâm của chúng ta không biến nhiễm; chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ; chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận. Chúng ta sẽ sống bao phủ người này với tâm câu hữu với từ. Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân". Chư Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như vậy.
Và này chư Tỷ-kheo, nếu các Ông luôn luôn suy tư lời dạy ví dụ cái cưa này, thì này các Tỷ-kheo, các Ông có thấy loại ngôn ngữ nào, dầu tế nhị hay thô bạo mà các Ông không kham nhẫn được chăng? (Trung Bộ kinh, bài Ví dụ Cái Cưa).
Nếu các bạn có thì giờ nên tìm đọc bài kinh Ví dụ Cái Cưa, Đức Phật dạy hạnh Nhẫn nhục Ba la mật, dù ai cưa tay chân mình cũng không nổi lên tâm sân hận, huống là chỉ những lời nói thô bạo mà không kham nhẫn được hay sao?
Cây tiêu cho bóng mát trong mấy tháng hè nắng chang chang, trong mảnh vườn mình nhiều cây tiêu lắm, dường như nó tự mọc lên, không cần chăm sóc, nó thích hợp với vùng đất đá núi đồi này. Không có cây tiêu nào giống cây tiêu nào, tuy cũng thân cứng chắc, lá xanh mềm mại đong đưa, nó cũng nhắc mình chân lý “Y Duyên tánh”. Hễ chỗ nào gần chạm với cành lá cây khác thì nó biết vươn qua hướng khác. Khi gặp một tảng đá thì nó nghiêng đi, nếu ở giữa một đám cây sum suê thì nó vươn thẳng lên cao vượt qua tất cả để đón ánh nắng. Tuy nhiên có điểm giống nhau là, lúc nào cây tiêu cũng toát ra vẻ bình an thơ thới. Mấy cọng lá mềm lung lay nhè nhẹ theo gió hè.
Cây tiêu đẹp nhất lúc nào, các bạn biết không? Mùa xuân, sau những đêm mưa. Sáng sớm, khi mặt trời vừa lên, ánh nắng sớm vừa xuyên tới chênh chếch, soi chiếu lên cành lá. Gió nhẹ thoáng qua, mấy cành tiêu lá xanh non, lấp lánh sương hay mưa, đong đưa, lung linh, sáng ngời, như giát kim tuyến, muôn màu sắc ảnh hiện. Cả thế gian như ảnh hiện huyễn ảo trong từng chiếc lá nhỏ xíu. Mà thật vậy, cả thế gian đều rót năng lượng vào từng chiếc lá nhỏ xíu kia, cũng ánh nắng mặt trời, với gió, với nước, cũng ban đêm có trăng sao, có sương mát, cũng đất đá, không khí, những điều kiện sống cần thiết y như con người.
Vậy thì mình cũng nên sống thanh thản an vui, tĩnh lặng, đem bóng mát cho đời, kham nhẫn tất cả những gì cuộc đời mang lại cho mình mà không oán hận buồn phiền.
Thiền viện, ngày 1- 9- 2021
TN
CÂY TIÊU THUYẾT PHÁP
(CLICK vào icon tam giác để nghe - CLICK vào icon 3 dấu chấm để download)
- Tag :
- Ni Sư Triệt Như
Giới, định, tuệ người tu
Giới định tuệ tròn đầy
Như bóng mát cây tiêu
Ai gần đều thấy mát.